CHÍNH SÁCH CỦA NHÀ NƯỚC VỀ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH- CẦN CỤ THỂ TỪNG VÙNG, KHU VỰC

29/10/2022

Trong phiên thảo luận tại Hội trường, nhiều đại biểu đã cho ý kiến hoàn thiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)- một dự án luật hết sức quan trọng, không chỉ tác động đến ngành y tế, mà còn đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Theo đó, các đại biểu đề nghị chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh cần cụ thể từng vùng, khu vực.

TỔNG THUẬT SÁNG 24/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI)

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là một dự án luật hết sức quan trọng, có tác động không chỉ đến ngành y tế, đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân theo Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương mà còn tác động đến các lĩnh vực kinh tế, đời sống xã hội. Chính vì vậy, nội dung dự án luật nhận được sự quan tâm sâu sắc không chỉ của ngành y tế mà còn đối với cử tri và nhân dân cả nước. Qua thảo luận, nhiều đại biểu đánh giá cao sự nỗ lực của các cơ quan chủ trì thẩm tra, soạn thảo trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Qua đó, đã phối hợp chặt chẽ, bám sát các quan điểm xây dựng luật, thể chế hóa kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng về khám, chữa bệnh.

Đồng thời, các ý kiến đại biểu còn cho rằng, việc nghiên cứu sửa đổi lần này đang được các cơ quan chức năng triển khai theo hướng lấy người bệnh làm trung tâm, thông qua quy định. Các giải pháp về nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề; nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh; tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân đối với dịch vụ khám, chữa bệnh và tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính.

Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm – Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng tham gia thảo luận

Quan tâm đến chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm – Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng chỉ ra rằng, tại khoản 2 Điều 4 dự thảo Luật quy định có chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với người hành nghề chưa cụ thể, khó áp dụng trong thực tế. Yếu tố đặc biệt được định tính ở mức độ nào để đủ sức trở thành một trong những động lực cơ bản cho đội ngũ, vì ngành y là ngành có thời gian đào tạo dài hơn, đặc thù hơn các ngành khác. Đào tạo càng dài, tiêu chuẩn càng cao thì bảng lương, hệ số lương phải khác so với ngành nghề có thời gian đào tạo ngắn hơn.

Ngoài ra, theo đại biểu, với tính chất đặc thù nên sẽ có những nhiệm vụ đặc biệt phát sinh như trong đại dịch Covid-19 vừa qua, cần có những chính sách đãi ngộ đặc biệt để có thể áp dụng ngay khi cần, như hưởng 100% phụ cấp thu hút và phụ cấp đặc thù. Nên có một bảng lương theo từng bậc, từng ngạch riêng cho ngành y tế theo vị trí việc làm. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các cơ chế, chính sách tiền lương cho phù hợp, xứng đáng cho cán bộ y, bác sĩ và nhân viên ngành y tế hoặc giao đơn vị chủ trì dự thảo hướng dẫn chế độ, chính sách đãi ngộ đặc biệt này.

Đại biểu Vương Thị Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang phát biểu ý kiến

Nhấn mạnh tầm quan trọng trong chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Vương Thị Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang nêu rõ, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong quản lý, phát triển hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, thể hiện qua 7 chính sách đã nêu tại Điều 4 của dự thảo Luật.

Tuy nhiên, trước thực trạng thiếu nhân lực y tế nói chung và nhân lực có trình độ bác sĩ ở tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là đối với vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đại biểu đề nghị bổ sung thêm quy định chính sách của Nhà nước về đào tạo nhân lực có trình độ tại các vùng này. Cụ thể, tại điểm c khoản 1 Điều 4 đề nghị bổ sung sửa đổi như sau: "Tăng cường phát triển nguồn nhân lực y tế, đặc biệt là nguồn nhân lực hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nhân lực thuộc các lĩnh vực truyền nhiễm tâm thần, giải phẫu bệnh pháp y, pháp y tâm thần, hồi sức cấp cứu và các chuyên ngành, lĩnh vực khác phù hợp với nhu cầu, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội theo từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ".

Đại biểu K' Nhiễu - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại hội trường

Đưa ra ý kiến về quy định tại Điều 4, đại biểu K' Nhiễu - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng chỉ ra rằng, các nội dung quy định về chính sách của Nhà nước đối với hoạt động khám, chữa bệnh còn rất chung chung, thiếu các chính sách cụ thể đối với từng khu vực, như khu vực công, khu vực tư nhân và khu vực nước ngoài, tức là nhân đạo và phi lợi nhuận. Trong khi đó, yêu cầu về chính sách để đầu tư phát triển lĩnh vực y tế ở các khu vực này là hoàn toàn khác nhau. Khu vực nhà nước cần nhất là vốn; khu vực tư nhân là cơ chế, quy định của pháp luật; khu vực ngoài nhà nước cần có sự hợp tác, hỗ trợ, v.v. trong quá trình thực hiện.

Từ phân tích trên, đại biều đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ hơn các chính sách của Nhà nước đối với từng khu vực để tạo sự minh bạch, công khai trong quá trình quản lý hoạt động của lĩnh vực y tế.

Đại biểu Lê Văn Cường – Đoàn ĐBQH Thanh Hoá 

Nghiên cứu các quy định của dự thảo Luật, đại biểu Lê Văn Cường – Đoàn ĐBQH Thanh Hoá quan tâm đến chính sách nhà nước về khám, chữa bệnh tại Điều 4. Đại biểu chỉ ra rằng, điều luật có ghi "Ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho phát triển nguồn nhân lực, một số lĩnh vực như truyền nhiễm, tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần và hồi sức cấp cứu”. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần bổ sung một đối tượng nữa là quản lý bệnh viện, quản trị bệnh viện. Bởi vì, hiện nay có khoảng 50.000 cán bộ y tế được đào tạo, tuy nhiên lực lượng quản lý bệnh viện khoảng 200, rất mất cân đối.

Về mặt lâu dài, đại biểu cho rằng, chúng ta cần phải đào tạo lực lượng này để hạn chế dịch chuyển nhân lực từ khối lâm sàng lên làm các phòng chức năng. Đây là một lãng phí rất lớn. Đồng thời, chúng ta cũng cần lực lượng này để nâng cao năng lực quản trị của các cơ sở khám, chữa bệnh. Đây cũng là một yếu tố đầu vào rất quan trọng của các cơ sở khám, chữa bệnh hiện nay.

Hồ Hương