TỔNG THUẬT SÁNG 24/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI)
Thấy gì qua những con số
Tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ quan tâm đến vấn đề chăm sóc sức khỏe cho trẻ em vùng cao. Đại biểu Quốc hội Nàng Xô Vi – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho biết, suy dinh dưỡng là một bệnh được liệt kê trong Danh mục phân loại bệnh tật quốc tế (ICD-10 và ICD-11) của Tổ chức Y tế Thế giới. Trẻ bị bệnh Suy dinh dưỡng cấp tính nặng có nguy cơ tử vong cao gấp 20 lần so với trẻ bình thường, đủ dinh dưỡng. Đây là nguyên nhân tử vong chính ở trẻ em dưới 5 tuổi một cách trực tiếp, hoặc gián tiếp ở những trẻ bị mắc các bệnh phổ biến như tiêu chảy và viêm phổi. Trẻ bị Suy dinh dưỡng cấp tính nặng ngoài nguy cơ tử vong còn bị ảnh hưởng đến phát triển não bộ và khả năng học tập sau này. Suy dinh dưỡng cấp tính nặng chỉ có thể được điều trị hiệu quả bằng cách sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt được kê đơn theo hướng dẫn y tế.
Phiên thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV
Tại phiên thảo luận, nữ đại biểu nêu rõ, suy dinh dưỡng nặng cấp tính có tỷ lệ cao ở các địa bàn miền núi, vùng khó khăn, vùng nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đa số trẻ em bị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng là con của các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số không có khả năng chi trả cho việc điều trị.
Đại biểu Quốc hội Nàng Xô Vi – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum
Theo thông tin từ Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng trên 230.000 trẻ em Việt Nam bị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng (trẻ em dưới 06 tuổi), trong đó có khoảng 50.000 ca là người dân tộc thiểu số. Riêng tỉnh Kon Tum với dân số khoảng 580.000 người, có khoảng 1.800 trẻ bị Suy dinh dưỡng nặng cấp tính cần được điều trị. Trong giai đoạn 2010-2020, tỉnh Kon Tum được sự hỗ trợ của Tổ chức UNICEF đã triển khai hiệu quả “mô hình quản lý và điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng dựa vào cộng đồng”. Tuy nhiên hiện nay, nguồn hỗ trợ từ các Dự án của Tổ chức UNICEF đã kết thúc nên việc đều trị cho trẻ em suy dinh dưỡng ở tỉnh Kon Tum nói riêng và trẻ em suy dinh dưởng trong cả nước nói chung còn gặp rất nhiều khó khăn.
Từ thực trạng trên, nữ đại biểu đề xuất cần có một khung pháp lý cụ thể quy định việc điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng. Do đó, đề nghị Quốc hội xem xét, có quy định cụ thể trong dự thảo Luật này về việc điều trị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng đối với trẻ em.
Phóng viên: Thưa ông, mỗi năm có khoảng trên 230.000 trẻ em Việt Nam bị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng (trẻ em dưới 06 tuổi), trong đó có khoảng 50.000 ca là người dân tộc thiểu số. Ông có đánh giá như thế nào về con số này?
Tiến sĩ Phạm Ngọc Chiến- Nhà nghiên cứu, Giảng viên Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc: Vào những năm 80, một nửa trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam bị suy dinh dưỡng. Nhiều năm liền, Việt Nam luôn đứng top đầu thế giới về tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ và hiện nay cũng chưa cải thiện nhiều.
Con số mà đại biểu Quốc hội Nàng Xô Vi – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đưa ra với 50.000 ca là người dân tộc thiểu số trong tổng số 23.000 trẻ em của cả nước cho thấy tại ở nước ta, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng có sự chênh lệch lớn giữa các vùng. Trẻ bị suy dinh dưỡng cao chủ yếu tập trung ở khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số- những vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, cơ sở hạ tầng kém, hệ thống y tế hạn chế, trình độ giáo dục thấp dẫn đến kinh tế chậm phát triển.
Qua số liệu mà Bộ Y tế công bố mà tôi được biết, hiện tại tỉ lệ suy dinh dưỡng cấp tính ở Việt Nam khoảng 6 - 7%, mỗi năm chúng ta phải đối phó với 700.000 ca suy dinh dưỡng cấp tính, trong đó thể nặng 230.000 ca cần được điều trị. Sự phân bổ của suy dinh dưỡng cấp tính theo vùng miền. Cụ thể, tỷ lệ cao thuộc về các tỉnh miền núi phía Bắc (20.000 ca), Tây Nguyên (38.000 ca), vùng dân tộc thiểu số (50.000 ca).
Tiến sĩ Phạm Ngọc Chiến- Nhà nghiên cứu, Giảng viên Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc
Tôi từng có chuyến công tác tới vùng miền núi phía Bắc của Việt Nam cùng với Đoàn nghiên cứu, người dân tộc H’Mông, chiếm khoảng 1 triệu người trên tổng dân số Việt Nam. Họ sống ở những thôn bản miền núi vùng sâu vùng xa và trông ngô, lúa trên những thửa ruộng bậc thang. Tỷ lệ trẻ em H’Mông suy sinh dưỡng thấp còi (trẻ quá thấp so với độ tuổi) rất cao. Ở một số nơi, tỷ lệ này cao tới 75%. Tôi nghĩ mình chưa từng chứng kiến nơi nào khác trên thế giới tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em cao như ở đây. Các cháu nhỏ nói với tôi là đã 9 tuổi nhưng các cháu trông chỉ giống như 4 trẻ tuổi. Người lớn ở đây cũng thấp một cách bất ngờ, chỉ đứng đến dưới vai tôi.
Cần phải nhấn mạnh là, hậu quả của suy dinh dưỡng đối với trẻ em cao gấp 9-20 lần so với trẻ bình thường và nguy cơ mắc các bệnh khác về nhiễm khuẩn hoặc hồi phục sẽ chậm và ảnh hưởng lâu dài đến trí tuệ, thể chất, khả năng học tập, rộng hơn là ảnh hưởng đến các chi phí của gia đình, xã hội cũng như quốc gia.
Suy dinh dưỡng được chia thành 2 thể là suy dinh dưỡng cấp tính và suy dinh dưỡng mãn tính. Cấp tính là thể suy dinh dưỡng cân nặng thiếu so với chiều cao ở đối tượng đó, và có thể gọi là suy dinh dưỡng gầy còm. Còn suy dinh dưỡng mãn tính ảnh hưởng đến chiều cao so với tuổi của đối tượng, còn gọi là suy dinh dưỡng thấp còi. Các tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi được đưa vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, từ con số này cho thấy, trong tương lai nó sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Vấn đề trên cho thấy sự cấp thiết và tầm quan trọng của các chương trình phát triển mọi mặt cho trẻ. Chính bởi lẽ đó, trong quá trình lãnh đạo, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; trong đó, chăm lo đời sống, nâng cao sức khỏe cho nhân dân là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu. Trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi phải quan tâm hơn nữa đến chăm sóc thể lực con người Việt Nam. Nâng cao tầm vóc, thể lực người Việt Nam là một trong những mục tiêu chiến lược được Đảng và Nhà nước quan tâm, ưu tiên thực hiện trong những năm qua.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng kêu gọi: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe”
Đâu là nguyên nhân?
Phóng viên: Theo ông nguyên nhân của suy dinh dưỡng cấp tính nặng xảy ra chủ yếu ở vùng miền núi, dân tộc thiểu số là do đâu?
Tiến sĩ Phạm Ngọc Chiến- Nhà nghiên cứu, Giảng viên Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc: Tôi cho rằng, tỷ lệ bú mẹ hoàn toàn của các dân tộc còn thấp; tỷ lệ trẻ có chế độ ăn đúng đủ ở vùng dân tộc thiểu số thấp hơn so với vùng đồng bằng. Nguyên nhân là do học vấn của các bà mẹ thấp, thiếu an ninh lương thực; chế độ ăn không đa dạng và thiếu bữa (dân tộc Thái, Mường); tình trạng cai sữa sớm (dân tộc Tày, Nùng); vấn đề an toàn thực phẩm cũng là mối lo với đồng bào dân tộc thiểu số do điều kiện khí hậu và công nghệ chế biến sau thu hoạch nghèo nàn. Gần đây, có nhiều nghiên cứu về gia tăng tỷ lệ nhiễm vi nấm Aflatoxin trong thực phẩm ở vùng cao và mối liên quan giữa nhiễm Aflatoxin và thấp còi ở trẻ em.
Trẻ em vùng cao
Mặc dù một trẻ chỉ có thể được xác định là thấp còi khi trẻ đã 2-3 tuổi nhưng quá trình dẫn tới thấp còi có thể diễn ra từ thời kỳ bào thai. Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số khám thai tại cơ sở y tế cũng khá thấp; vấn đề vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường chưa tốt cũng gián tiếp dẫn đến thấp còi; việc sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh; rửa tay trước khi chuẩn bị thức ăn, trước khi cho trẻ ăn và sau khi đi vệ sinh chưa trở thành thói quen trong một bộ phận không nhỏ người dân tộc thiểu số…
Theo tìm hiểu của tôi, những lý do khiến nhiều trẻ em vùng cao bị suy dinh dưỡng thấp còi là vì không đủ lương thực thực phẩm, sản lượng lương thực nhỏ nên không đủ nuôi sống gia đình cả năm và không đảm bảo được chế độ dinh dưỡng đa dạng cần thiết cho trẻ em. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ nhỏ tại những nơi này rất nghèo nàn, với thực phẩm truyền thống chỉ có cơm. Có những gia đình, mẹ hoặc bà của trẻ nhá cơm cho nát rồi cho trẻ ăn. Vấn đề an toàn thực phẩm và thói quen vệ sinh cá nhân cũng rất kém, chính điều này là nguyên nhân quan trọng dẫn đến suy dinh dưỡng thấp còi….
Hệ lụy qua nhiều thế hệ…
Phóng viên: Thưa ông, tình trạng trẻ suy dinh dưỡng cấp tính nặng nếu không được điều trị phù hợp sẽ gây ra những hậu quả gì?
Tiến sĩ Phạm Ngọc Chiến- Nhà nghiên cứu, Giảng viên Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc: Với câu hỏi này, tôi muốn nhấn mạnh, kích thước cơ thể nhỏ lúc mới sinh và suy dinh dưỡng thấp còi khi còn nhỏ có liên quan với tầm vóc thấp khi trưởng thành, cơ bắp kém phát triển, trình độ văn hóa thấp, suy giảm trí tuệ, giảm thu nhập. Thiếu dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng đến phát triển chiều cao mà còn gây tổn thương đến chức năng và cấu trúc của não bộ; do đó làm chậm quá trình phát triển nhận thức và suy giảm nhận thức lâu dài. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra suy dinh dưỡng thấp còi trong 2 năm đầu đời có liên quan đến giảm số năm đến trường), chậm đi học và tăng nguy cơ bị đúp (16%). Vóc dáng thấp cũng có liên hệ với năng suất lao động giảm.
Đáng lo ngại là suy dinh dưỡng thấp còi gây ra các tác động tiêu cực lâu dài đến sức khỏe không chỉ ở hiện tại mà còn cả các thế hệ sau. Các nguy cơ về sức khỏe gắn liền với tình trạng thấp còi bắt đầu từ khi lọt lòng và kéo dài trong suốt cuộc đời của trẻ và thường di truyền sang thế hệ tiếp theo “như một thừa kế không mong muốn”.
Vấn đề là các gia đình sống tại các cộng đồng dân cư có tầm vóc thấp thường không chú ý tới tình trạng thấp còi, bởi vì đây là điều bình thường đối với họ. Thậm chí nhiều người không quan tâm tới suy dinh dưỡng thấp còi bằng suy dinh dưỡng thể nhẹ cân hay suy dinh dưỡng thể gày còm.
Đã đến lúc đưa vào Luật
Phóng viên: Trước đề xuất của đại biểu Quốc hội về việc đưa nội dung về điều trị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng đối với trẻ em vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vừa qua, quan điểm của ông như thế nào?
Tiến sĩ Phạm Ngọc Chiến- Nhà nghiên cứu, Giảng viên Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc: Tôi cho rằng, các chính sách y tế, giáo dục dành cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có, nhưng chưa đủ lực để giải quyết các vấn đề về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em ở vùng cao đang gặp không ít khó khăn, thách thức, đó là: Thiếu cán bộ y tế chuyên khoa sản - nhi tuyến huyện; thiếu trang - thiết bị, dụng cụ cho chăm sóc bà mẹ, trẻ sơ sinh; tỷ lệ hộ nghèo còn cao so trung bình của cả nước. Vẫn còn những tập quán lạc hậu ảnh hưởng đến chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và vệ sinh môi trường, như tỷ lệ sinh đẻ tại nhà cao, không nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; chưa cho trẻ ăn bổ sung đúng cách; cho trẻ ăn cơm nhá, cơm hạt từ 3 - 4 tháng tuổi…
Mặc dù Nhà nước ta cũng đã xây dựng các chương trình, kế hoạch hỗ trợ, góp phần giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có chính sách cũng như nguồn tài chính nào được xác định từ ngân sách trung ương hoặc địa phương cho trẻ em suy dinh dưỡng cấp tính. Để mở rộng can thiệp này trên phạm vi toàn quốc, cần có một cơ chế, một khung pháp lý hoàn chỉnh tạo điều kiện cấp kinh phí cho việc quản lý và điều trị trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng. Để tất cả trẻ em suy dinh dưỡng cấp tính được điều trị thông qua việc đưa việc điều trị trẻ suy dinh dưỡng cấp tính vào bảo hiểm y tế và các ngân sách phát triển dài hạn để tất cả trẻ em có thể được hưởng lợi từ các chương trình điều trị.
Cá nhân tôi rất ủng hộ quan điểm của các đại biểu Quốc hội đưa ra tại Kỳ họp thứ 4 lần này. Việt Nam cần có một khung pháp lý cụ thể quy định việc điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng. Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) - là cơ hội duy nhất để tăng cường khả năng trẻ được tiếp cận điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng, trong đó có trẻ em vùng dân tộc thiểu số. Đã đến lúc đưa vấn đề này vào Luật - văn bản pháp lý cao nhất.
Suy dinh dưỡng cấp tính là một bệnh có thể phòng ngừa và điều trị. Nhưng nếu không được điều trị lại gây tử vong cao nhất. Do đó, giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em dân tộc thiểu số cần là ưu tiên hàng đầu để giảm gánh nặng bệnh tật, vì tương lai tươi sáng của các em và tăng cường phát triển kinh tế - xã hội tại vùng “lõi nghèo”, khó khăn nhất của cả nước hiện nay./.