CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP CẦN ĐẢM BẢO TÍNH HỢP LÝ, CÂN ĐỐI ĐA CHIỀU GIỮA KINH TẾ, XÃ HỘI VÀ MÔI TRƯỜNG

18/09/2022

Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022, đóng góp ý kiến về việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, các chính sách của Việt Nam trong thời gian tới cần đảm bảo tính hợp lý, cân đối đa chiều giữa kinh tế, xã hội và môi trường, giữa ngắn hạn và dài hạn.

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022: Thảo luận chuyên đề 2 về "Thúc đẩy thực hiện các chính sách hỗ trợ doannh nghiệp và người lao động"

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội

Trước tình hình thế giới và khu vực tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường và đại dịch COVID-19 được coi như một cú sốc để kiểm tra sức chịu đựng của nền kinh tế nói chung và từng doanh nghiệp nói riêng, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê cho biết, các doanh nghiệp đối mặt với rất nhiều khó khăn do hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ, chuỗi cung ứng gián đoạn, sức mua từ khách hàng giảm sút do cả khách hàng cá nhân lẫn khách hàng tổ chức đều thắt chặt chi tiêu. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhóm doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch đã được Đảng và Nhà nước triển khai liên tục và kịp thời trong thời gian vừa qua.

Tính đến tháng 8/2022, Chính phủ, các Bộ, cơ quan đã chủ động, nỗ lực xây dựng và ban hành 15/17 văn bản cụ thể hóa các chính sách tại Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc Hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo xu hướng phục hồi tính cực của các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước, bảo đảm nguồn cung tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ thông qua giảm nhẹ nghĩa vụ tài chính, tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng và đảm bảo khả năng duy trì sản xuất cho doanh nghiệp. Trong các chính sách ứng phó và hồi phục kinh tế, chính sách ưu đãi thuế luôn được cân nhắc đầu tiên do tác động trực tiếp và nhanh chóng. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê nêu rõ, không phải tất cả các chính sách đều có hiệu quả và tác động nhanh chóng đến doanh nghiệp. Nhiều chính sách tốt nhưng điều kiện quá bất cập, doanh nghiệp khó thụ hưởng; các thủ tục hành chính còn rườm rà, nhiều giấy phép con liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê cũng cho biết, Chương trình hỗ trợ khôi phục nền kinh tế đang được Chính phủ triển khai rất đồng bộ và đã có sự tính toán kỹ lưỡng tránh sự chồng lấn giữa các giải pháp ở trong cùng một nhóm chính sách hay giữa các nhóm chính sách với nhau. Các chính sách tập trung chủ yếu vào nhóm chính sách tài khóa, trong đó Chính phủ xác định chi cho đầu tư phát triển, miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí và hỗ trợ 2% lãi suất là các giải pháp trọng tâm. Nhờ sự đồng bộ của các giải pháp, chương trình đã thu được một số kết quả khả quan, nhưng bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định.

Đánh giá về kết quả thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, các chính sách được ban hành cơ bản phù hợp với diễn biến và tác động của dịch bệnh COVID-19, được cập nhật theo diễn biến của dịch bệnh cũng như tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Các chính sách đưa ra đã được tính toán kỹ lưỡng, không ảnh hưởng lớn đến các cân đối chủ chốt của nền kinh tế, sự an toàn tín dụng của hệ thống ngân hàng, các chỉ số kinh tế vĩ mô được giữ ổn định, nhưng vẫn duy trì dư địa để tiếp tục xây dựng, thực hiện các giải pháp trong giai đoạn tiếp theo.

Bên cạnh đó, tính đến ngày 22/7/2022, gói hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đã hỗ trợ cho gần 340 nghìn người lao động đang làm việc trong 3,3 nghìn đơn vị sử dụng lao động; hỗ trợ gần 5000 người lao động quay trở lại làm việc tại khoảng 600 doanh nghiệp. Thị trường lao động dần phục hồi tích cực, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được hỗ trợ tối đa để hồi phục và phát triển với sự ra đời của Nghị định số 80/2021/NĐ-CP, trong đó tập trung vào các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sáng tạo; doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị sản xuất, chế biến; và hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Có thể thấy, các chính sách, giải pháp đã rất chủ động, linh hoạt và kịp thời giúp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì một mặt bằng tỉ giá, lãi suất hợp lý, cơ bản ổn định so với các nước lớn và trong khu vực đang chịu nhiều biến động, qua đó giúp xu hướng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng được củng cố và phát triển tích cực.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tham dự Phiên Hội thảo chuyên đề 2

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê nêu rõ hiện nay việc triển khai Chương trình còn gặp phải một số tồn tại, khó khăn. Theo đó, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê chỉ ra rằng, chính sách tốt nhưng điều kiện quá bất cập, doanh nghiệp khó thụ hưởng, chưa kịp thời điều chỉnh các bất cập; các thủ tục hành chính còn rất rườm rà, phức tạp, làm giảm hiệu quả của chính sách, đặc biệt là có quá nhiều giấy phép con liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp. Các chính sách đa số được thiết kế và thực thi theo hướng bình quân hóa giữa các địa phương, ngành nghề, quy mô, mà ít tính đến mức độ ảnh hưởng và khả năng chống chịu giữa các ngành nghề cũng như các doanh nghiệp. Liều lượng chính sách còn khiêm tốn, cùng với đó là số lượng đối tượng được hỗ trợ quá nhiều, nên lợi ích từ chính sách bị dàn trải.

Chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến vướng mắc trong triển khai Chương trình, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê cho rằng, chính sách nhà nước trong một số trường hợp đưa ra các tiêu chí phi thực tế, không sát đối với hoạt động doanh nghiệp; trong một số trường hợp, các văn bản luật khi được ban hành còn mơ hồ, thiếu hướng dẫn cụ thể, hoặc có quá nhiều văn bản hướng dẫn chồng chéo, các văn bản luật chưa được cập nhật thường xuyên theo thực tế phát triển kinh tế, xã hội. Nhiều văn bản luật chậm cập nhật gây khó khăn cho hoạt động doanh nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê cũng chỉ ra rằng, nguyên nhân dẫn đến vướng mắc còn do có quá nhiều giấy phép con không phù hợp vẫn tồn tại; sự chậm trễ trong quá trình phê duyệt các thủ tục hành chính và thiếu sự quyết liệt trong quá trình thực thi các nhóm giải pháp của một số cơ quan hành chính. Cùng với đó là hạn chế của doanh nghiệp trong nhận thức và lựa chọn gói ưu đãi phù hợp, các doanh nghiệp còn chưa tận dụng triệt để các nguồn lực bên ngoài nhằm tư vấn hỗ trợ để đạt được các gói ưu đãi.

Từ các phân tích trên, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê cho rằng các chính sách của Việt Nam trong thời gian tới cần đảm bảo tính hợp lý, cân đối đa chiều giữa kinh tế, xã hội và môi trường, giữa ngắn hạn và dài hạn. Đồng thời cần có những điều chỉnh cả trong ngắn hạn và dài hạn theo hướng xây dựng các chính sách trên nguyên tắc can thiệp có mục tiêu; không thực hiện các chính sách hỗ trợ hay can thiệp đại trà. Các chính sách cần xác định rõ thời kỳ áp dụng để đảm bảo tính linh hoạt; ưu tiên hỗ trợ các nhóm ngành trong các lĩnh vực tạo bệ đỡ kinh tế, có ảnh hưởng lớn đến các ngành khác. Ngoài ra, tại Phiên Hội thảo chuyên đề, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng có những đề xuất các giải pháp và kiến nghị cụ thể với Nhà nước và các cơ quan tổ chức hành chính khác./.

Minh Thành - Nghĩa Đức

Các bài viết khác