CẦN LIÊN KẾT CHẶT CHẼ GIỮA CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC VÀ GIỮA CÁC ĐỊA PHƯƠNG ĐỂ BẢO TỒN, PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ DI TÍCH LỊCH SỬ CÁCH MẠNG TRỞ NÊN BỀN VỮNG

12/08/2022

Một trong các giải pháp hữu hiệu để phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng là liên kết. Để thực sự làm cho các di sản lịch sử cách mạng trở thành tài sản, PGS.TS Trần Đức Thanh cho rằng, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các ngành, giữa các lĩnh vực cũng như giữa các địa phương. Đây chính là cách để việc bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử cách mạng trở nên bền vững.

Liên kết phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng chiến khu Việt Bắc 

Đề xuất 5 định hướng liên kết phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng vùng chiến khu Việt Bắc                

Cơ sở lý luận về liên kết phát triển du lịch

PGS.TS Trần Đức Thanh, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nhận thấy, trong giai đoạn hiện nay, sự phát triển nhảy vọt của khoa học, công nghệ và kỹ thuật đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ quá trình toàn cầu hóa và hội nhập thế giới. Liên kết đã trở thành một đòi hỏi bức thiết để tăng cường sức mạnh cạnh tranh của các thành phần tham gia. Đây là một xu thế tất yếu, khách quan, thể hiện trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, và càng đúng đối với một ngành kinh tế mang tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao như du lịch.

Theo nghĩa thông thường, “liên kết là sự tập trung về mặt địa lý các doanh nghiệp trong một lĩnh vực nào đó, kết nối với nhau bởi sự tương đồng và bổ sung cho nhau. Cách hiểu này chỉ bó hẹp trong liên kết kinh doanh, liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp theo công thức “B2B”. PGS.TS Trần Đức Thanh cho rằng, liên kết cần được hiểu rộng hơn như một hình thức hợp tác giữa các địa phương, các doanh nghiệp để kết hợp thể mạnh của từng bên, cùng nhau thực hiện và hỗ trợ nhau trong các hoạt động du lịch như hợp tác xây dựng quy hoạch, xây dựng sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu, kêu gọi đầu tư, đào tạo, kiểm tra, giám sát v.v...với mục đích tạo khả năng đáp ứng tối đa mọi nhu cầu khác nhau của khách du lịch với chi phí thấp nhất.

Còn Bùi Xuân Nhàn (2014) đã cụ thể hóa khái niệm “liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp trong thu hút khách du lịch quốc tế” là “liên kết mang tính tổng hợp, hợp tác bổ sung lẫn nhau giữa các địa phương có những nét tương đồng về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, tài nguyên du lịch hoặc giữa các doanh nghiệp có các dịch vụ bổ sung cho nhau…”

Như vậy, liên kết phát triển du lịch là sự phối kết hợp giữa các nhà cung ứng dịch vụ du lịch với nhau và với các ngành khác nhằm làm tăng chuỗi giá trị cho sản phẩm du lịch.

Các nhà nghiên cứu cũng khẳng định tính tất yếu khách quan và vai trò của liên kết trong phát triển du lịch cả từ góc độ lý luận. Tính khách quan thể hiện ở việc liên kết phát triển du lịch vùng là yếu tố quan trọng và là yếu tố cầu mang tính quy luật khách quan. Từ góc độ thực tiễn, theo PGS.TS Trần Đức Thanh, sau khi gia nhập WTO, du lịch Việt Nam đứng trước một thị trường rộng mở hơn với nhiều cơ hội nhưng cũng đối mặt không ít thách thức. Lãnh đạo các tỉnh đã thấy được vai trò to lớn của việc liên kết trong phát triển du lịch. Trước nhu cầu phát triển du lịch trong những năm qua, nhiều địa phương đã quan tâm và triển khai liên kết du lịch. Nhiều tỉnh đã ký kết với nhau những bản ghi nhớ, văn bản thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch như giữa Ninh Thuận với thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai với Bình Dương, An Giang với Hà Nội, Lâm Đồng với Khánh Hòa, thành phố Hồ Chí Minh với Lạng Sơn...

   PGS.TS Trần Đức Thanh         

PGS.TS Trần Đức Thanh phân tích thêm, một trong những nguyên tắc quan trọng trong liên kết phát triển sản phẩm du lịch được đề cập là “mỗi địa phương phải có sản phẩm đặc thù”, “phải lấy lợi thế và bản sắc của địa phương này để vực dậy điểm yếu của địa phương khác, “liên kết phải tôn vinh được các giá trị tài nguyên du lịch của mình và bổ sung cho sản phẩm du lịch của nhau và tạo thành một tổ hợp sản phẩm đa dạng”.

Các giải pháp liên kết phát phát triển sản phẩm và loại hình du lịch là vấn đề được nhiều chuyên gia quan tâm. Một nguyên tắc quan trọng, để khắc phục sự nhàm chán đối với khách du lịch là trong khi liên kết các sản phẩm tạo thành chuỗi, tạo thành hình ảnh chung cho toàn vùng thì mỗi tỉnh phải có sản phẩm di biệt, phải định vị được sản phẩm của tỉnh mình, hay nói cách khác phải biết tôn vinh giá trị tài nguyên du lịch của địa phương mình mới có thể làm cho sự liên kết trở nên bền vững.

Theo PGS.TS Trần Đức Thanh, liên kết trong phát triển du lịch nói chung, liên kết trong phát triển du lịch khu vực miền núi nói riêng được nhìn nhận khá rộng, từ liên kết liên vùng, liên quốc gia đến liên kết trong nội bộ vùng, nội bộ quốc gia; từ liên kết trong ngành du lịch đến liên kết chéo ngoài ngành; và liên kết sâu giữa các bên tham gia trong hoạt động du lịch. Việc liên kết vùng phát triển du lịch cho phép khai thác những lợi thế tương đối, lợi thế so sánh và bổ khuyết cho nhau giữa các địa phương về tài nguyên du lịch, hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và các nguồn lực khác để phát triển du lịch. Liên kết sẽ giúp tăng cường năng lực cạnh tranh không chỉ đối với du lịch toàn vùng mà còn đối với các bên liên quan nhằm thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch đến địa bàn liên kết nói chung, với tư cách là một điểm đến thống nhất và đến lãnh thổ của từng chủ thể liên kết nói riêng. Đây là yếu tố quan trọng để phát triển du lịch trong cơ chế thị trường, khi yếu tố cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt giữa các doanh nghiệp, giữa các chủ thể hành chính trong mỗi vùng, mỗi quốc gia và giữa các quốc gia với nhau.

Giải pháp hữu hiệu để phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng là liên kết

Các di sản văn hóa nói chung, lịch sử cách mạng nói riêng là tài sản của dân tộc. Theo thời gian, các di sản này có thể bị xuống cấp và có nguy cơ bị mai một, biến mất. Các giá trị của nó có thể dần dần bị lãng quên theo thời gian. PGS.TS Trần Đức Thanh cho rằng, để bảo tồn các di sản này, xã hội thường xuyên phải có một khoản kinh phí để trùng tu, tôn tạo. Phát triển du lịch là một giải pháp hữu hiệu để góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử cách mạng, nhất là những vùng miền núi phía bắc của nước ta. Hầu hết các tỉnh miền núi, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số trong các cuộc kháng chiến của dân tộc là những căn cứ địa cách mạng quan trọng.

Đối với du lịch, di tích lịch sử, di tích cách mạng là một nguồn tài nguyên du lịch văn hóa quan trọng, là yếu tố quan trọng để tạo thành các sản phẩm du lịch. Chính vì vậy, theo PGS.TS Trần Đức Thanh, để phát triển du lịch bền vững, hoạt động du lịch văn hóa này nhất thiết phải gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của các di sản. Vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích lịch sử nói chung, di tích cách mạng nói riêng trong hoạt động du lịch được tiếp cận dưới hai khía cạnh:

Thứ nhất, bảo tồn các giá trị văn hóa của các di sản thông qua việc tìm hiểu, nghiên cứu một cách sâu sắc, đầy đủ, trọn vẹn về các di sản để có căn cứ xây dựng các bài thuyết minh đảm bảo tính chân thực về mặt lịch sử, tính phong phú về nội dụng, tính đặc thù của địa phương, tính hấp dẫn về nghệ thuật. Điều này có vai trò quan trọng của hướng dẫn viên, đặc biệt là hướng dẫn viên tại điểm.

Thứ hai, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích lịch sử nói chung, di tích cách mạng nói riêng trong hoạt động du lịch là tạo ra nguồn kinh phí để phục dựng, tôn tạo, bảo trì các di sản này. Trong điều kiện hiện nay, PGS.TS Trần Đức Thanh cho rằng, mặc dù các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương rất quan tâm đến công tác bảo tồn các di sản văn hóa, song không thể có một nguồn kinh phí dồi dào chi cho hoạt động này. Vì vậy, du lịch là một giải pháp hữu hiệu để bổ sung nguồn lực tài chính cho công tác duy tu, bảo tồn di sản. Nguồn này có thể từ vé tham quan, có thể từ đóng góp thiện nguyện của khách du lịch để tỏ lòng tri ân những bậc cha anh đã có những đóng góp to lớn cho công cuộc đấu tranh giành độc lập cho nước nhà.

Từ những quan điểm trên, PGS.TS Trần Đức Thanh khẳng định, giữa du lịch và công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa nói chung, di tích lịch sử nói riêng có mối quan hệ hữu cơ khăng khít: di tích là tài nguyên để du lịch phát triển, du lịch lại là nguồn lực để bảo trì, tôn tạo các di tích.

Một trong các giải pháp hữu hiệu để phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng là liên kết. PGS.TS Trần Đức Thanh nhấn mạnh, trước hết là liên kết giữa du lịch và ngành văn hóa. Trên cơ sở nắm bắt được đặc điểm sở thích, xu thế của khách du lịch, ngành du lịch sẽ định hướng khai thác các giá trị văn hóa cụ thể của các di sản, trong đó có di tích lịch sử cách mạng. Ngành du lịch và văn hóa phối kết hợp tổ chức hoạt động xúc tiến quảng bá các giá trị của di sản, thu hút khách du lịch.

Các điểm tham quan, điểm du lịch di sản liên kết với các doanh nghiệp lữ hành ở các đô thị lớn xây dựng các chương trình du lịch về nguồn, chương trình du lịch hoài niệm như là những sản phẩm du lịch đặc trưng. PGS.TS Trần Đức Thanh cho rằng, liên kết nội vùng giữa các điểm tham quan du lịch di sản để tạo thành các chương trình du lịch chuyên biệt như các chương trình du lịch dành cho học sinh, sinh viên, cho quân nhân, cho cán bộ, đảng viên. Việc liên kết giữa các điểm tham quan di sản với các hoạt động văn hóa địa phương, giao lưu với người dân địa phương, đặc biệt là với già làng trưởng bản, những nhân chứng sống có những kỷ niệm liên quan các di tích lịch sử cách mạng sẽ làm tăng sự hấp dẫn của các chương trình du lịch di sản.

Như vậy, để thực sự làm cho các di sản lịch sử cách mạng trở thành tài sản, PGS.TS Trần Đức Thanh đề nghị cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các ngành, giữa các lĩnh vực cũng như giữa các địa phương. Đây chính là cách để việc bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử cách mạng trở nên bền vững./.

Bích Ngọc

Các bài viết khác