BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ NGUYỄN CHÍ DŨNG GIẢI TRÌNH VỀ TIẾN ĐỘ GIẢI NGÂN ĐẦU TƯ CÔNG

09/08/2022

Tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu giải trình làm rõ thêm về tình hình giải ngân đầu tư công 7 tháng đầu năm.

Khai mạc Phiên họp thứ 14 của UBTVQH: Trọng tâm là công tác giám sát - chất vấn các vấn đề nổi cộm được cử tri quan tâm

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã giải trình tại phiên họp

Giải trình thêm về tình hình giải ngân đầu tư công 7 tháng đầu năm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, 7 tháng đầu năm đạt 34,47%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Bộ trưởng, ngoài các lý do khách quan và chủ quan đã chỉ ra ở các năm trước, năm nay có điều đặc biệt ở 3 yếu tố mới  Cụ thể, theo Bộ trưởng, đây là năm thứ 2 thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn nhưng thực chất là gần như năm đầu. Bởi lẽ tháng 7/2021 Quốc hội mới thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn, vì vậy từ đầu năm đến giờ chủ yếu mới làm thủ tục, do đó chậm hơn.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, yếu tố thứ 2 là do giá cả nguyên vật liệu xây dựng tăng rất cao, trung bình tăng 20% mà phần lớn các nhà thầu đã kí theo hình thức đấu thầu trọn gói nên các nhà thầu càng làm càng lỗ. “Vừa rồi chúng tôi kiểm tra hoàng loạt các tỉnh thì hầu hết các nhà thầu án binh bất động chờ chính sách nhà nước như thế nào, xem có cho điều chỉnh hay không” - Bộ trưởng chia sẻ.

Yếu tố thứ ba, theo Bộ trưởng, năm nay là năm tỷ lệ giải ngân thấp nhưng giá trị tuyệt đối rất lớn, tổng số vốn đầu tư năm nay so với năm 2021 tăng gấp gấn 2 lần.

Ngoài ra, vấn đề nữa cũng quan trọng là do tâm lý của các địa phương e ngại trong xử lý các thủ tục liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư …, một số nơi không dám làm nên ảnh hưởng đến tiến độ chung.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, vừa rồi Thủ tướng đã rất quyết liệt thành lập 6 đoàn công tác làm việc với các địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp để nắm tình hình, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn.

Bộ trưởng thừa nhận dù từ đầu năm đến nay đã có 2 hội nghị đầu tư công và nhiều công điện, chỉ thị được ban hành nhưng tiến triển chưa đạt kỳ vọng.

 “Sắp tới Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết để tháo gỡ ngay một số khó khăn vướng mắc, đưa ra giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy giải ngân trong các tháng cuối năm. Hầu hết các địa phương, bộ ngành đang cam kết giải ngân hết số vốn được giao” - Bộ trưởng nói, đồng thời nhận định năm nay giải ngân có thể đạt 92%.

Tại phiên họp này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã trình bày Tờ trình về  dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho danh mục dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư và bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (đợt 3).

Theo đó, trong tổng số vốn NSTW đã được Quốc hội phân bổ cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã giao khoảng 84,6% số vốn phân bổ cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương với 5.051 nhiệm vụ, dự án (bao gồm: 4.743 dự án và 308 nhiệm vụ quy hoạch, chuẩn bị đầu tư). Số vốn NSTW còn lại chưa giao chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là khoảng 15,4% số vốn Quốc hội đã phân bổ cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương của 245 nhiệm vụ, dự án (bao gồm 235 dự án, 10 nhiệm vụ).

Số dự án phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến là 225 dự án với tổng số vốn 159.190,656 tỷ đồng, giảm 03 dự án so với số nhiệm vụ, dự án Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại Báo cáo số 243/BC-CP ngày 16/7/2021.  Căn cứ khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 29/2021/QH15 tổng số vốn còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi giao kế hoạch là 455.909,989 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc bổ sung kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo thứ tự ưu tiên sau: Bố trí vốn cho các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài đã có trong danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 có tiến độ và khả năng giải ngân tốt; Bố trí vốn cho các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài đã có chủ trương đầu tư, đã ký kết hiệp định vay, dự kiến ký kết hiệp định vay và triển khai trong giai đoạn 2022-2025 nhưng chưa có trong danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Việc điều chỉnh (tăng/ giảm) kế hoạch đầu tư vốn NSTW đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội và một số nguyên tắc: Điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư vốn của các dự án phải đảm bảo mục tiêu, hiệu quả dự án, hoàn thành dự án đúng tiến độ đã được cấp có thẩm quyền quyết định và cam kết không đề xuất bổ sung vốn NSTW cho các dự án này trong giai đoạn 2021-2025, trong đó không điều chỉnh giảm vốn đối ứng đã giao kế hoạch của các dự án sử dụng vốn nước ngoài cho các dự án sử dụng vốn trong nước khác trừ trường hợp bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã cân đối nguồn vốn hợp pháp khác để làm vốn đối ứng hoặc không còn nhu cầu sử dụng do dự án sử dụng vốn nước ngoài đã kết thúc. Số vốn còn lại sau khi điều chỉnh giảm của từng dự án không thấp hơn số vốn kế hoạch năm 2021 và năm 2022 đã bố trí cho dự án (nếu có).

Trong trường hợp, điều chỉnh tăng kế hoạch đầu tư vốn cho các dự án mới phát sinh ngoài danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch phải đảm bảo ưu tiên điều chỉnh để thanh toán các khoản nợ thuộc nghĩa vụ thanh toán của NSTW, các dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, đã quyết toán nhưng còn thiếu vốn, chỉ khởi công mới các dự án cần thiết, cấp bách, có khả năng giải ngân nhằm sớm đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2021-2025 đảm bảo phục vụ mục tiêu phát triển ngành, lĩnh vực của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương; việc điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư cho các dự án bảo đảm không làm thay đổi cơ cấu, tổng mức vốn của từng ngành, lĩnh vực trong nội bộ của từng bộ, cơ quan, địa phương đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 29/2021/QH15.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ xin Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 114 dự án của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư công, bao gồm 109 dự án thuộc danh mục Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại Báo cáo số 243/BC-CP; việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương với tổng số vốn là 4.104,674 tỷ đồng từ số vốn nước ngoài chưa phân bổ (trong đó 06 dự án chuyển tiếp, khởi công mới đã báo cáo Quốc hội và 10 dự án mới chưa báo cáo Quốc hội); điều chỉnh giảm số vốn 3.158,976 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài giai đoạn 2021-2025 và 54,97 tỷ đồng vốn đối ứng đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn để điều chỉnh tăng tương ứng cho 02 dự án mới chưa báo cáo Quốc hội trong nội bộ của Bộ Giao thông vận tải…./.

Thu Phương