“TƯ DUY MỚI, HÀNH ĐỘNG MỚI” ĐỂ DU LỊCH TRỞ THÀNH NGÀNH KINH TẾ MŨI NHỌN

09/08/2022

Theo dự kiến chương trình Phiên họp thứ 14, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch. Trong đó có việc thực hiện chính sách, pháp luật để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có báo cáo gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội làm rõ vấn đề này.

Thông cáo báo chí về chương trình Phiên họp thứ 14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên quan đến các chuyên ngành khác nhau như thương mại, quản lý thị trường, hàng không, giao thông vận tải, di sản văn hóa, tài nguyên môi trường, xuất nhập cảnh, quy hoạch. Vì vậy, các quan hệ xã hội phát sinh được điều chỉnh bởi nhiều hệ thống văn bản khác nhau. Để phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, bền vững và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW. Quan điểm đầu tiên của Nghị quyết nêu rõ “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác”. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Du lịch 2017; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 168/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch; Nghị định số 30/2022/NĐ-CP quy định mô hình quản lý khu du lịch quốc gia và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tạo khung khổ pháp lý, điều kiện thuận lợi phát triển ngành du lịch.

Về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, ngành du lịch đã có bước tăng trưởng vượt bậc, trung bình 22,7%/năm trong giai đoạn 2015-2019 và từng bước khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hoạt động du lịch quốc tế phải tạm dừng hoàn toàn từ tháng 4/2020 đến tháng 11/2021. Hoạt động du lịch nội địa trải qua 4 lần gián đoạn tương ứng với 4 lần bùng phát dịch. Năm 2020, khách nội địa giảm 34% so với năm 2019 và năm 2021 giảm 29% so với năm 2020.

Mặt khác, việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo đó, Nghị quyết số 08-NQ/TW đã giúp các bộ, ban, ngành và các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đổi mới về nhận thức, tư duy và phát triển du lịch; cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Nhìn chung, hệ thống pháp luật về du lịch đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển du lịch, đảm bảo tính minh bạch và khả thi, đáp ứng yêu cầu, hiệu quả thi hành Hiến pháp năm 2013. So với trước đây, hệ thống pháp luật về du lịch hiện nay có nhiều quy định đổi mới như bảo đảm hơn về chất lượng dịch vụ du lịch, chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh lữ hành, chú trọng quyền và lợi ích hợp pháp của khách du lịch, đa dạng hóa các dịch vụ du lịch,…

Sau khi Nghị quyết 08-NQ/TW được ban hành, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng đề án Phát triển khung trình độ quốc gia một số ngành, nghề trọng điểm lĩnh vực du lịch. Phối hợp triển khai với các Bộ, ngành thẩm định và ban hành một số Bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia tương thích với tiêu chuẩn nghề ASEAN, danh mục các ngành đào tạo cấp IV lĩnh vực du lịch từ trình độ trung cấp đến sau đại học đã được bổ sung và cơ bản hoàn thiện. Đồng thời, hiệu quả công tác quản lý điểm đến được nâng cao; tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về du lịch đã được kiện toàn từng bước, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, ngành du lịch vẫn còn phải gặp phải một số khó khăn, hạn chế. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ ra rằng, du lịch chưa thuộc danh mục ngành nghề khuyến khích đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2020, chưa thuộc danh mục lĩnh vực được thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020; việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế đêm gắn với thu hút khách du lịch còn vướng các quy định của pháp luật về an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, lao động... Đặc biệt, đại dịch COVID-19 gây nhiều thiệt hại nặng nề cho ngành du lịch nhưng đồng thời cũng giúp nhận ra được nhiều điểm “yếu”, điểm “nghẽn” của ngành. Ngành du lịch cũng gặp phải tình trạng đứt gãy nguồn nhân lực sau 02 năm đóng băng do dịch bệnh. Gián đoạn, đứt gãy liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam và các doanh nghiệp lữ hành đối tác ở nước ngoài. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành, vận tải, lưu trú còn nhiều bất cập.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định, phục hồi và phát triển du lịch bền vững hậu Covid không thể thành công trong “một sớm, một chiều”; phải “tư duy mới, hành động mới”, cần nghiên cứu xây dựng và triển khai một chương trình tổng thể, các cấp, các ngành, các địa phương và thậm chí cả các quốc gia thống nhất hành động. Du lịch phải đứng trên hai chân “Nội địa” và “Quốc tế”. Trong bối cảnh thị trường quốc tế cần thời gian để phục hồi thì du lịch nội địa tiếp tục là chìa khóa giúp ngành du lịch Việt Nam tạo đà và phát triển. Sau 02 năm chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, đây là cơ hội để phát triển du lịch bền vững với ưu tiên chính là bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị của các di sản văn hóa tại Việt Nam, giảm tác động vào môi trường.

Trước những nhận định trên, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách, biện pháp hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp phục hồi, phát triển du lịch; phát huy vai trò dẫn dắt của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch trong phát huy hiệu quả liên kết phát triển du lịch, phát triển sản phẩm, công tác xúc tiến, quảng bá. Cùng với đó phát huy hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch để hỗ trợ các địa phương phục hồi, phát triển du lịch đặc biệt là phát triển du lịch cộng đồng, xúc tiến, quảng bá du lịch. Tiếp tục đồng hành, phát huy sức mạnh của toàn dân và doanh nghiệp, vai trò của hiệp hội du lịch, tổ chức các diễn đàn, cuộc trao đổi để doanh nghiệp có cách nhìn đúng, đồng hành cùng Chính phủ, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các địa phương nỗ lực xây dựng, phục hồi và phát triển du lịch…

Để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư và Luật PPP theo hướng đưa du lịch thành ngành nghề ưu đãi, khuyến khích đầu tư cũng như là lĩnh vực được triển khai phương thức đầu tư đối tác công tư. Sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa theo hướng tăng cường hơn các biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản gắn với hoạt động du lịch; thu hút nguồn lực xã hội hóa trong khai thác, phát huy giá trị di sản... Cùng với đó sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan theo hướng xây dựng chính sách hấp dẫn, cạnh tranh về đất đai, tài chính, điện, nước cho các dự án đầu tư phát triển du lịch. Sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan để triển khai được Đề án phát triển kinh tế đêm./.

Minh Thành