SỬA ĐỔI LUẬT HỢP TÁC XÃ: MÔ HÌNH ĐẶC THÙ CẦN CƠ CHẾ ĐẶC THÙ

09/08/2022

Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi trước khi Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2022. Theo ý kiến nhiều chuyên gia, lần sửa đổi này cần tập trung sửa đổi, bổ sung làm rõ bản chất của Hợp tác xã. Theo đó, mô hình đặc thù cần có cơ chế đặc thù.

 

Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Sửa đổi 70  Điều, bổ sung 50 Điều Luật Hợp tác xã 2012

Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012 được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2012, có hiệu lực từ ngày 01/7/2013 (thay thế Luật HTX năm 2003) đã thể chế hóa các chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể tiếp cận gần hơn với bản chất, giá trị nguyên tắc của HTX trên thế giới. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật HTX năm 2012 đã bước đầu tác động tích cực đến tổ chức và hoạt động của các HTX. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tiễn sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Luật HTX năm 2012 còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tiễn.

Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) bổ sung đối tượng điều chỉnh gồm tổ hợp tác (THT) và Liên đoàn Hợp tác xã (HTX), bãi bỏ 04 Điều , sửa đổi 70  Điều, bổ sung 50 Điều (trong đó có 04 Chương về Liên đoàn HTX (03 Điều), THT (09 Điều), Kiểm toán (04 Điều) và Chính sách hỗ trợ (06 Điều)) và được thiết kế gồm 05 Phần, 15 Chương, 120 Điều. Luật này cụ thể hóa 5 nhóm chính sách: Nhóm chính sách về hoàn thiện các quy định về bản chất HTX, phát triển thành viên HTX; Nhóm chính sách về mở rộng phạm vi điều chỉnh và hoàn thiện các quy định về loại hình tổ chức kinh tế hợp tác, tổ chức đại diện; Nhóm chính sách về mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho HTX phát triển; Nhóm chính sách về hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành hợp tác; Nhóm chính sách về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tập thể. Dự thảo sẽ nhấn mạnh một số điểm mới, được kỳ vọng mang tới cho khu vực kinh tế tập thể, các tổ chức kinh tế hợp tác sự bứt phá trong giai đoạn tới.

Theo cơ quan soạn thảo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư ), mục tiêu xây dựng dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường, phát triển thành viên; bảo đảm và phát huy đặc trưng, nguyên tắc cơ bản của HTX; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế hợp tác (TCKTHT) phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác trên cơ sở tôn trọng bản chất HTX, thu hút nhiều thành phần, đối tượng tham gia vào khu vực kinh tế tập thể, giúp nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của các thành viên và góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Mô hình đặc thù cần có cơ chế đặc thù

Theo TS. Vũ Quang Huy, Phó Trưởng Ban, Ban Kinh tế Đầu tư, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, việc sửa đổi toàn diện Luật Hợp tác xã trong bối cảnh hiện nay là vô cùng cần thiết. Theo đó, việc nghiên cứu, đề xuất giải pháp hoàn thiện các quy định còn bất cập tại Luật Hợp tác xã năm 2012 nên theo hướng: Mở rộng đối tượng điều chỉnh là tổ hợp tác; đơn giản hóa các thủ tục hành chính (thành lập, đăng ký và giải thể hợp tác xã); khuyến khích mở rộng quy mô (số lượng thành viên, tỷ lệ vốn góp của thành viên, tài sản chung không chia.); thành lập doanh nghiệp trong HTX; tỷ lệ cung ứng dịch vụ bên ngoài thành viên; chế tài xử lý vi phạm Luật,..) trên cơ sở tổng kết 10 năm thi hành Luật, không giới hạn ngành nghề HTX có thể tham gia. Đồng thời, Luật cần đơn giản hóa các thủ tục thành lập, đăng ký ngành nghề kinh doanh của hợp tác xã; hoàn thiện các quy định về tổ chức lại, chuyển đổi hợp tác xã, giải thể, phá sản hợp tác xã, bảo đảm quyền lợi của các thành viên.

Ngoài ra, TS. Vũ Quang Huy cũng kiến nghị, Luật Hợp tác xã cần bổ sung những quy định về ứng dụng công nghệ số, chuyển đối số  trong tổ chức và hoạt động của HTX, như xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, các nền tảng số, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng về công nghệ số cho thành viên, người lao động trong HTX để sử dụng công nghệ số trong quản lý tài chính, tài sản, quản lý kế hoạch sản xuất kinh doanh, quản lý nhân sự, điều hành sản xuất kinh doanh, làm việc qua mạng, tổ chức hội nghị trực tuyến, quảng bá hình ảnh, sản phẩm của hợp tác xã, ký kết hợp đồng, mua bán, thanh toán qua hệ thống mạng, xây dựng cơ sở dữ liệu số của hợp tác xã,..

Phó Trưởng Ban, Ban Kinh tế Đầu tư, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam 

Đồng tình với quan điểm này, TS. Nguyễn Anh Đức, Lãnh đạo Liên hiệp HTX Thương mại Tp. Hồ Chính Minh kiến nghị, cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động của các tổ chức KTTT; giải quyết triệt để những tồn tại, mâu thuẫn, chồng chéo, làm cản trở đến sự phát triển của khu vực KTTT. Theo đó, quy định pháp luật, nhất là Luật HTX cần được sửa đổi theo hướng vẫn giữa được bản chất của tổ chức HTX cần được sửa đổi theo hướng vẫn giữa được bản chất của tỏ chức nhưng cởi mở hơn, thông thoáng hơn, nâng cao tính stuwj chủ, tự chịu trách nhiệm và có vị thế bình đẳng so với các loại hình kinh tế khác, đặc biệt là loại hình doanh nghiệp. Cần thúc đẩy khu vực KTTT phát triển đa dạng các thành phần, thu hút được nhiều thành viên, tạo động lực cho HTX phát triển trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Ngoài ra, TS. Nguyễn Anh Đức cũng đề xuất, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển HTX trong đó định hướng phát huy bản chất HTX, theo nhu cầu, trình độ phát triển của tổ chức HTX và phù hợp với khả năng nguồn lực  của Nhà nước; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, khảo sát mô hình KTHT có hiệu quả trong và ngoài nước;…

TS. Nguyễn Anh Đức, Lãnh đạo Liên hiệp HTX Thương mại Tp. Hồ Chính Minh 

Tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012, PGS,TS. Bùi Thị Lý, Viện trưởng Viện Kinh tế và kinh doanh quốc tế, Đại học Ngoại Thương cho rằng, ngoài những quy định chung, Luật cần có những quy định riêng về tổ chức và hoạt động phù hợp với từng loại hình: tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp HTX, liên đoàn hợp tác xã, liên minh HTX.

 PGS,TS. Bùi Thị Lý cũng kiến nghị luật cần có những quy định thêm về thành viên HTX, ngoài thành viên chính thức là những người sản xuất kinh doanh nhỏ trong cùng một lĩnh vực, HTX có thể có những thành viên liên kết là các doanh nghiệp, những người sản xuất kinh doanh cung ứng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đầu vào cho hợp tác xã hoặc chế biến, tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã. Luật cần có những quy định phân biệt thành viên chính thức và thành viên liên kết về tiêu chuẩn, quyền lợi, trách nhiệm; bỏ quy định tất cả thành viên hợp tác xã phải sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã và quy định chấm dứt tư cách thành viên HTX khi họ không sử dụng dịch vụ của HTX 2 - 3 năm.

Bên cạnh đó, Luật cần phân tách hoạt động giao dịch của hợp tác xã với các thành viên của mình và giao dịch với các khách hàng, đối tác bên ngoài, không phải là thành viên hợp tác xã. Hợp tác xã trước hết phải ưu tiên cung cấp dịch vụ cho các thành viên của mình, nhưng không hạn chế giao dịch của hợp tác xã với các đối tác bên ngoài; không quy định giao dịch của hợp tác xã với các thành viên phải chiếm trên 50% tổng giá trị giao dịch của hợp tác xã; bổ sung những quy định về điều kiện cho phép hợp tác xã thành lập doanh nghiệp của hợp tác xã.

TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế 

Ở góc độ khác, TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc sửa đổi toàn diện Luật Hợp tác là cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng để hợp tác xã thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế. Tróng đó, dự thảo luật cần quan tâm thể hiện rõ các cơ chế, chính sách đặc thù của Nhà nước đối với kinh tế tập thể…

TS. Lê Đăng Doanh đề xuất, đối với các chính sách phát triển nguồn nhân lực, Chính sách đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học công nghệ, đầu tư hạ tầng, bảo hiểm xã hội, thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường... cần cụ thể hóa. Đồng thời, để đảm bảo tính khả thi cần quy định rõ các tiêu chí lựa chọn đối tượng được Nhà nước hỗ trợ nhằm tránh tình trạng hỗ trợ dàn trải, thiếu hiệu quả, khắc phục tình trạng hợp tác xã trá hình để trục lợi chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Qua nghiên cứu, khảo sát, ThS. Đinh Hoàng Anh, Trường Đại học Ngoại thương cho rằng, xây dựng và hoàn thiện chính sách của Nhà nước về hỗ trợ, phát triển HTX là chính sách rất quan trọng tạo nền tảng cho toàn bộ các chính sách khác trong Luật HTX, tác động rất lớn đến quyết định tham gia HTX của nhiều thành viên, đặc biệt là các thành viên là tổ chức.

ThS. Đinh Hoàng Anh lưu ý, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài trong việc thiết kế, bổ sung những chính sách hỗ trợ HTX, ví dụ HTX được hưởng chính sách hỗ trợ như doanh nghiệp vừa và nhỏ; ưu tiên các HTX có định hướng phát triển bền vững, tập trung các quy định hiện đang rải rác ở các văn bản dưới luật để luật hóa; hình thành Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX;…./.

Lê Anh