TỔNG THƯ KÝ HỘI VÔ TUYẾN-ĐIỆN TỬ VIỆT NAM ĐOÀN QUANG HOAN: CẦN ĐẶT LÊN BÀN THẢO LUẬN TẠI QUỐC HỘI TẤT CẢ VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN ĐẤU GIÁ BĂNG TẦN THÔNG TIN DI ĐỘNG

09/08/2022

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Vô tuyến-Điện tử Việt Nam Đoàn Quang Hoan nêu quan điểm: Cần đặt lên bàn thảo luận tại Quốc hội tất cả vấn đề liên quan đến đấu giá quyền sử dụng băng tần thông tin di động để khi Quốc hội đã quyết định thì Chính phủ và cơ quan quản lý quyết tâm thực hiện, bất kể là có đấu giá hay không...

Xác định kỹ lưỡng tài nguyên tần số vô tuyến điện phải được sử dụng, khai thác hiệu quả nhất

Phó cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Lê Thái Hòa: Cấp phép thông qua đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện là cách thức phân bổ tài nguyên minh bạch

Luật Tần số vô tuyến điện được Quốc hội khóa XII thông qua tại Kỳ họp thứ 6 ngày 23/11/2009 đã tạo hành lang pháp lý toàn diện, phù hợp với thông lệ quốc tế cho quản lý hoạt động và phát triển lĩnh vực vô tuyến điện tại Việt Nam và tạo cơ sở pháp lý cho việc đàm phán, tham gia các hoạt động phối hợp tần số quốc tế. Tuy nhiên, trải qua quá trình thực thi cho đến nay, một số điều của Luật hiện không còn phù hợp với thực tiễn nên cần có sự chỉnh sửa, bổ sung. Chính vì vậy, Chính phủ đã có Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV cũng đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Thực hiện nhiệm vụ tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ tiếp tục  trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật tại phiên họp tháng 8/2022 và trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 4.

Cơ bản nhất trí với dự án Luật, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Vô tuyến-Điện tử Việt Nam Đoàn Quang Hoan cho rằng, một trong những chính sách quan trọng nhất thể hiện trong Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009 là áp dụng cơ chế thị trường trong việc cấp phép băng tần có giá trị cao thông qua đấu giá hoặc thi tuyển. Chính sách này nhằm vào các băng tần dành cho thông tin di động trong bối cảnh thị trường thông tin di động nở rộ trong thời gian trước 2009 với nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và nhiều doanh nghiệp đang có kế hoạch cổ phần hoá.

Mục tiêu quan trọng nhất của chính sách này là minh bạch hoá quy trình cấp phép để cấp phép tài nguyên tần số cho những doanh nghiệp thực sự có năng lực phát triển hạ tầng viễn thông và cung cấp dịch vụ viễn thông, sử dụng hiệu quả tài nguyên tần số. Mục tiêu thứ hai mới là thu tiền sử dụng tài nguyên cho ngân sách.


Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Vô tuyến-Điện tử Việt Nam Đoàn Quang Hoan.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Vô tuyến-Điện tử Việt Nam Đoàn Quang Hoan, từ ngày ban hành đến nay, chính sách đấu giá tần số chưa được thực hiện thành công. Hơn chục năm qua, chúng ta không cấp phép được băng tần nào cho thông tin di động, trong khi nhu cầu của thị trường rất lớn.

Nhiều người cho rằng, lý do không thực hiện được cấp phép băng tần cho thông tin di động trong một thời gian dài là do quy định về đấu giá tần số và vì vậy cần xem lại chính sách và quy định này. Đúng là quy định đấu giá tần số đã làm cho việc cấp phép băng tần trở nên khó khăn, phức tạp và kéo dài. Tuy nhiên, cần nhìn nhận đâu là nguyên nhân trực tiếp.

Trước hết cần phải đánh giá một cách khoa học và khách quan quy định đấu giá tần số đối với các băng tần có giá trị lớn, có nhu cầu vượt quá khả năng phân bổ có thích hợp với Việt Nam không? Có cần phải tiếp tục duy trì trong Luật mới hay không? Nguyên nhân nào làm cho quy định này trở thành lực cản của việc cấp phép băng tần trong những năm qua?

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Vô tuyến-Điện tử Việt Nam Đoàn Quang Hoan cho rằng, trước hết cần phải nhìn tổng quan thị trường thông tin di động của Việt Nam. Hiện nay, có đến 5 nhà khai thác thông tin di động được cấp phép là Vinaphone, Mobifone, Viettel, Vietnam moblie và Gtel (mạng Sphone của SPT coi như bị xoá sổ).

Thông thường, các thị trường phát triển tốt trên thế giới chỉ có 3 nhà khai thác chính. Đối với các băng tần di động quan trọng, khả năng quy hoạch tối ưu và hiệu quả là cho ba nhà khai thác. Khi một băng tần được quy hoạch và đem ra cấp phép thì có ít nhất 5 nhà mạng xin cấp phép (không kể các nhà đầu tư khác có đủ điều kiện để xin cấp phép thiết lập mạng theo Luật Viễn thông). Nguyên tắc quản lý tần số là phải đảm bảo cho phổ tần số được sử dụng có hiệu quả, thúc đẩy phát triển và cạnh tranh. Tần số phải được cấp cho các doanh nghiệp đủ năng lực kỹ thuật và đầu tư để khai thác, cung cấp dịch vụ. Nếu dựa vào hồ sơ xin cấp phép thì rất khó để quyết định cấp cho ai vì chắc chắn hồ sơ của ai cũng đẹp.

Năm 2008, khi tổ chức cấp phép băng tần 2.1GHz cho dịch vụ 3G bằng hình thức thi tuyển, Bộ Bưu chính Viễn thông đã phải đưa vào tiêu chí số tiền đặt cọc của doanh nghiệp để chứng minh năng lực tài chính. Việc này gần giống việc đấu giá tần số, nhưng tiền đấu giá được trả lại cho doanh nghiệp để phát triển mạng. Kinh nghiệm này chỉ ra rằng, cấp phép thông qua đấu giá tần số là cách cấp phép minh bạch nhất để đảm bảo tần số được sử dụng hiệu quả.

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Vô tuyến-Điện tử Việt Nam Đoàn Quang Hoan khẳng định: Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đa số các nước trên thế giới thực hiện cấp phép băng tần cho thông tin di động qua đấu giá. Đấu giá tần số còn mang lại một lợi ích khác là thu trước một phần giá trị sử dụng tài nguyên tần số cho ngân sách. Thu trước một phần bởi vì giá trị sử dụng phổ tần còn được phản ánh trong nhiều yếu tố như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp viễn thông và các gía trị gián tiếp cho sự phát triển của ngành khác (thu trước một phần thì tất yếu giảm phần thu sau).

Những lý do trên đây dẫn đến việc Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam ủng hộ chính sách đấu giá tần số đối với các băng tần dành cho thông tin di động và cũng chỉ nên cho thông tin di động như dự thảo Luật sửa đổi. Tuy nhiên, còn có nhiều ý kiến khác không ủng hộ chính sách này mà Quốc hội cần thảo luận và xem xét. Đó là các doanh nghiệp hạ tầng mạng di động hiện nay thì 4 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thì có cần phải đấu giá không? (Hoàn cảnh này khác với kịch bản thị trường lúc xây dựng Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009, có 3/8 doanh nghiệp chủ yếu từ đầu tư nước ngoài là Sphon, Gtel và Vietnam Mobile, còn Mobilfone và Viettel đang có kế hoạch cổ phần hoá).

Ngoài ra, có nên đấu giá băng tần không nếu nhiều khả năng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trúng đấu giá? Nếu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trúng đấu giá thì liệu có quan ngại gì về an ninh quốc gia không?

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Vô tuyến-Điện tử Việt Nam Đoàn Quang Hoan nhấn mạnh: Cần phải đặt lên bàn thảo luận tại Quốc hội tất cả vấn đề trên để khi Quốc hội đã quyết định thì Chính phủ và cơ quan quản lý quyết tâm thực hiện, bất kể là có đấu giá hay không. Nguyên nhân không đấu giá và cấp phép được băng tần trong thời gian qua cần được nhìn nhận thấu đáo vì do chính sách sai, không khả thi hay nguyên nhân khác.

Một nguyên nhân quan trọng là quyết tâm thực hiện của những người có trách nhiệm cấp phép băng tần chưa cao, còn lăn tăn cân nhắc đấu giá hay không. Còn lo ngại khi quyết định giá khởi điểm (nếu cao quá thì đấu giá không thành công, nếu thấp quá thì sẽ bị trách nhiệm khi đấu giá rơi vào tình trạng có lô bán theo giá khởi điểm,…). Một ngyên nhân khác là khó áp dụng các quy định của Luật Đấu giá tài sản công cho việc đấu giá tần số, đấu giá tần số có những đặc thù và đòi hỏi phương pháp riêng mới đảm bảo hiệu quả. Vì vậy, trong dự thảo sửa đổi lần này cần tháo gỡ những khó khăn này, phải làm cho nội dung này trong Luật rõ ràng hơn, để Luật dễ dàng đi vào đời sống hơn.

Theo Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Vô tuyến-Điện tử Việt Nam Đoàn Quang Hoan, nên quy định minh bạch và dứt khoát trong Luật hình thức cấp phép băng tần cho thông tin di động là đấu giá hay thi tuyển. Như vậy, Luật quy định hình thức gì thì Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông phải quyết tâm thực hiện hình thức đó. Dự thảo Luật lần này đã quy định áp dụng phương thức đấu giá để cấp phép cho băng tần cho thông tin di động mặt đất. Tuy nhiên, lời văn của Luật: “Phương thức cấp phép thông qua đấu giá được áp dụng đối với băng tần, kênh tần số để thiết lập mạng viễn thông công cộng mà số lượng tổ chức có nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ” đã thể hiện tính bắt buộc hay chưa?

Khi hình thức đấu giá được lựa chọn thì cần có các quy định cụ thể đảm bảo tính khả thi, nhất là quy định những nội dung không áp dụng được Luật Đấu giá tài sản, ví dụ như định giá và thẩm định giá. Việc tham gia đấu giá của các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn và tổng công ty nhà nước cũng là vấn đề cần được nghiên cứu kỹ để đảm bảo tính khả thi đối với việc đấu giá những băng tần có giá trị lớn lên đến hàng nghìn tỷ đồng, đặc biệt là quy định về cách thức và thẩm quyền quyết định giá tham gia đấu giá khi đấu gía theo hình thức nhiều vòng./.

Bích Lan