THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ TRONG BỐI CẢNH TOÀN CẦU HÓA: KINH NGHIỆM TỪ QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT MỘT SỐ QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI

05/08/2022

Tại Hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) phát triển khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” do Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức vào sáng 04/8, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc sửa đổi , bổ sung chính sách phát triển HTX dựa trên kinh nghiệm của các nước trên thế giới là một trong những giải pháp hiệu quả để HTX nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường cũng như tham gia vào các hoạt động kinh tế trước cách mạng công nghiệp 4.0.

 

Hội thảo thu hút đông đảo sự quan tâm góp ý của các chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ Viện Phát triển Kinh tế hợp tác, Liên minh HTX Việt Nam, Viện Kinh tế và kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, …

Việt Nam đang tham gia ngày càng sâu rộng vào tiến trình Toàn cầu hóa và Hội nhập kinh tế quốc tế với các cam kết mở thị trường về thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư theo các hiệp định Mậu dịch tự do song phương, khu vực. Ngoài việc là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ tháng 01 năm 2017, đến cuối năm 2021 nước ta đã tham gia 13 hiệp định Mậu dịch tự do, đặc biệt là đã ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và IPA). Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế theo những hiệp định Mậu dịch tự do, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra cho nước ta nhiều cơ hội cũng như thách thức.

Do đó, thảo luận tại hội thảo, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc cập nhật, sửa đổi , bổ sung các chính sách phát triển hợp tác xã dựa trên kinh nghiệm của các nước trên thế giới được xem như một trong những giải pháp hiệu quả, bền vững để các HTX nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường cũng như tham gia vào các hoạt động kinh tế trước cách mạng công nghiệp 4.0.

Thành lập Liên đoàn HTX - nâng cao năng lực cạnh tranh

Chia sẻ về kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng Liên đoàn HTX nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, TS. Chu Tiến Đạt, Phó Trưởng ban, Ban Hợp tác quốc tế, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết thành lập Liên đoàn trong bối cảnh Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới.

TS. Chu Tiến Đạt, Phó Trưởng ban, Ban Hợp tác quốc tế, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam 

Theo TS. Chu Tiến Đạt việc thành lập Liên đoàn là phù hợp với xu hướng chung trên thế giới, khi có một tổ chức theo ngành dọc, vừa đại diện cho thành viên, vừa là tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân độc lập và tiến hành trực tiếp điều phối hoạt động của các HTX thành viên, thực hiện các hoạt động kinh tế riêng, điều phối chuỗi cung ứng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX thành viên, liên đoàn HTX các nước cũng là cánh tay nối dài nắm bắt, phổ biến chính sách của nhà nước tới các thành viên. Đây cũng là khuyến nghị của Liên hợp quốc, khi Kết luận phiên họp 76 và Nghị quyết số 74/119 tháng 7/2021 Đại hội đồng Liên hợp quốc khẳng định: hợp tác xã với việc tiếp cận theo hướng gắn kết, tương trợ, lấy con người làm trung tâm là công cụ mạnh mẽ để phục hồi xã hội một cách toàn diện hơn và bền bỉ hơn sau cuộc khủng hoảng; bản sắc và mô hình HTX có thể dẫn đường cho sự phục hồi sau đại dịch COVID-19 và sự phát triển bền vững trong tương lai, trong đó xu hướng tăng cường liên kết theo ngành để gia tăng và phát huy sức mạnh, ứng phó với các thách thức mới là một trong các xu hướng lớn.

Trên cơ sở phân tích những thách thức khi Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới, TS. Chu Tiến Đạt cho rằng, thành lập Liên đoàn trong bối cảnh hiện nay giúp hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất, liên kết sản xuất, hướng tới sản xuất lớn, trên cơ sở đó, tiến hành các biện pháp, "giảm thuốc, giảm phân", sản xuất theo quy mô lớn, đồng bộ theo tất cả các khâu, truy xuất được nguồn gốc, quy hoạch vùng. Đồng thời, góp phần khắc phục các vấn đề còn tồn tại trong công tác hỗ trợ đối với HTX; khắc phục được những khó khăn, hạn chế đối với các HTX như: chi phí sản xuất đầu vào tăng do phụ thuộc vào thương lái, đại lý phân bón, vật tư, nông dân phải vay với lãi suất cao; quy mô manh mún, không hình thành được vùng chuyên canh giống, chậm áp dụng trên diện rộng máy móc thiết bị tiên tiến, công nghệ hiện đại;...

Thiết kế, bổ sung những chính sách hỗ trợ HTX

Nghiên cứu về các chính sách phát triển HTX trên thế giới, ThS. Đinh Hoàng Anh, Trường Đại học Ngoại thương cho biết, các quy định về chính sách pháp luật HTX của nước ngoài khá đa dạng về nội dung, hình thức thể hiện. Có những nước ban hành luật riêng về HTX như Ấn Độ, Thái Lan, một số bang của Hoa Kỳ…, thậm chí có nước còn có một số Luật HTX áp dụng riêng cho từng loại hình HTX trong từng lĩnh vực cụ thể như nông nghiệp, ngư nghiệp, tín dụng, tiêu dung như Nhật Bản. Tuy nhiên, cũng có những các quốc gia không có luật chuyên ngành để điều chỉnh riêng các chế định liên quan đến HTX mà các quy định này nằm rải rác trong các văn bản khác nhau, chủ yếu quy định tại Bộ luật Dân sự như Hà Lan. Lại có những nước vừa có quy định về HTX trong Bộ luật Dân sự, vừa có luật riêng về các loại HTX như Liên bang Nga.

Để việc nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài có hiệu quả và bám sát yêu cầu sửa đổi, bổ sung Luật HTX của Việt Nam, ThS. Đinh Hoàng Anh đề xuất lựa chọn các nhóm nước sau đây: Đại diện các nước có mô hình HTX phát triển mạnh nhưng không có luật chuyên ngành để điều chỉnh riêng các chế định liên quan đến HTX là Hà Lan; Đại diện các nước có mô hình phát triển HTX mạnh, có nền kinh tế hàng đầu thế giới và có đạo luật về HTX ở một số bang là Hoa Kỳ; Đại diện các nước có Luật HTX và có nền kinh tế chuyển đổi giống Việt Nam là Trung Quốc; đại diện các nước khu vực ASEAN, có nền kinh tế phát triển ở tầm mức tương đương như Việt Nam, có kinh tế HTX phát triển, đạt nhiều thành công là Thái Lan.

Gợi mở về nội dung các chính sách cần sửa đổi, bổ sung trong chính sách phát triển HTX tại Việt Nam, ThS. Đinh Hoàng Anh đề xuất 5 nhóm chính sách lớn: Xây dựng và hoàn thiện chính sách hỗ trợ, phát triển HTX; Hoàn thiện hệ thống các tổ chức kinh tế hợp tác; Đổi mới quản lý tài chính, tài sản, kiểm toán HTX; Đổi mới tổ chức, quản lý nội bộ HTX; Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác.

Trong đó, ThS. Đinh Hoàng Anh nhấn mạnh, xây dựng và hoàn thiện chính sách của Nhà nước về hỗ trợ, phát triển HTX là chính sách rất quan trọng tạo nền tảng cho toàn bộ các chính sách khác trong Luật HTX, tác động rất lớn đến quyết định tham gia HTX của nhiều thành viên, đặc biệt là các thành viên là tổ chức. Cần lưu ý tham khảo kinh nghiệm nước ngoài trong việc thiết kế, bổ sung những chính sách hỗ trợ HTX, ví dụ HTX được hưởng chính sách hỗ trợ như doanh nghiệp vừa và nhỏ; ưu tiên các HTX có định hướng phát triển bền vững, tập trung các quy định hiện đang rải rác ở các văn bản dưới luật để luật hóa; hình thành Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX;…

TS. Vũ Quang Huy, Phó Trưởng Ban, Ban Kinh tế Đầu tư, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam

Cũng tại hội thảo, nhằm hoàn thiện Khung khổ pháp luật, chính sách phát triển HTX trong bối cảnh Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới, TS. Vũ Quang Huy, Phó Trưởng Ban, Ban Kinh tế Đầu tư, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đề xuất, cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện luật pháp, văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực HTX, KTTT trực tiếp liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với Hiến pháp, tuân thủ đầy đủ, đúng đắn các quy luật của kinh tế thị trường và các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; nội luật hóa theo lộ trình phù hợp những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, thúc đẩy sự phát triển của HTX, KTTT, bảo đảm tranh thủ được thời cơ, thuận lợi, vượt qua các khó khăn, thách thức từ việc tham gia và thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đồng thời, việc xây dựng hệ thống pháp luật, chính sách hỗ trợ về KTHT phải phù hợp với cơ chế thị trường, bảo đảm đồng bộ, có tính khả thi trên cơ sở bảo đảm bản chất, phát huy tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KTHT, HTX, tránh sự ỷ lại, lợi dụng chính sách hỗ trợ của nhà nước; việc xây dựng các chính sách hỗ trợ phải căn cứ vào nhu cầu và trình độ phát triển của tổ chức KTHT, HTX, và phù hợp với khả năng nguồn lực của nhà nước.

TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp; PGS. TS. Phạm Thị Hồng Yến, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế đồng chủ trì hội thảo

Trước đó, phát biểu khai mạc hội thảo, toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại không chỉ là động lực quan trọng nhất thúc đẩy nền kinh tế thế giới phát triển trong thế kỷ XXI mà còn là xu hướng tất yếu của quá trình tập trung, chuyên môn hóa sản xuất và phân công lao động quốc tế. Trong bối cảnh đó, liên kết thương mại đa tầng nấc thông qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương ngày càng được các nước thúc đẩy mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm và tham gia của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam gần đây đã ký kết và đang thực thi như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) hoặc các FTA song phương mà Việt Nam đang thực hiện đang mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp, HTX trong nền kinh tế. Một vấn đề cấp thiết đặt ra là làm thế nào để đánh giá được các yêu cầu, tận dụng và tranh thủ các thời cơ do các FTA tác động đến khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã khi mà kinh tế tập thể, HTX đang dần trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững, cùng với kinh tế nhà nước dần trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường nhấn mạnh, tại Hội nghị lần thứ Năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW của ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của kinh tế tập thể, trong đó HTX là nòng cốt và đề ra các yêu cầu, mục tiêu Phát triển kinh tế tập thể đến năm 2030 và đến năm 2045.

Với ý nghĩa thực tiễn, tính thời sự, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường mong muốn, hội thảo sẽ nhận được nhiều ý kiến và đề xuất của các các chuyên gia, đại diện các Bộ, ban ngành và các tổ chức liên quan trong việc  gợi ý các vấn đề, các nội dung để hoàn thiện hơn nữa chính sách pháp luật thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là chuẩn bị cho việc sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012 theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW./.

Lê Anh

Các bài viết khác