GIÁM SÁT THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ: KIẾN NGHỊ GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ RIÊNG VỀ SÁCH GIÁO KHOA

05/08/2022

Tại buổi làm việc giữa Đoàn Giám sát của Quốc hội với Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, một số ý kiến cho rằng có sự lãng phí trong biên soạn, phát hành sách giáo khoa giáo dục phổ thông và đề nghị cần có chuyên đề giám sát riêng về vấn đề này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chủ trì Phiên họp của Đoàn giám sát về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo

Giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Chưa rõ trách nhiệm chậm giải ngân vốn ODA trong ngành giáo dục

Nhiều cuốn sách giáo khoa theo chương trình mới không thể tái sử dụng.

Theo lộ trình được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, từ năm học 2020-2021 bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới và sách giáo khoa mới. Cụ thể: Năm học 2020-2021 đối với lớp 1; Năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; Năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; Năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; Năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Với việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, lần đầu tiên Việt Nam triển khai “một trương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”. Mặc dù đến 2025, việc thay sách sẽ hoàn thành với toàn bộ bậc phổ thông, sau thời điểm này, sách giáo khoa sẽ được dùng ổn định như các giai đoạn trước. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh bày tỏ bức xúc và cho rằng, giá sách mới quá cao, liên tục phải mua mới sách giáo khoa thay vì tái sử dụng và coi đây là sự lãng phí lớn.

Nhiều ý kiến cho rằng, giá sách mới quá cao, liên tục phải mua mới thay vì tái sử dụng là sự lãng phí lớn.

Hiện chưa có thống kê đầy đủ về số lượng những cuốn sách giáo khoa theo chương trình mới không thể tái sử dụng trên cả nước. Nhưng, một số chuyên gia giáo dục, đại biểu Quốc hội cho rằng sự lãng phí này không hề nhỏ.

Năm 2020, bắt đầu triển khai thay sách giáo khoa của chương trình lớp 1, Trong năm đầu tiên triển khai, thẩm quyền chọn sách thuộc về các trường (dựa vào danh mục sách thuộc 5 bộ đạt chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, trường học thành lập hội đồng, mỗi môn chọn một đầu sách). Việc lựa chọn sách không bắt buộc thuộc cùng một bộ. Điều này có nghĩa là sách giáo khoa được dùng ở mỗi trường khác nhau. Với trường hợp học sinh cho con chuyển trường giữa năm học hoặc có hai con học ở hai trường khác nhau sẽ phải mua mới hoàn toàn, hoặc mua mới một số cuốn, thay vì kế thừa trọn bộ sách cũ như thời điểm trước. Đây cũng là một sự lãng phí.

Sự lãng phí trong phát hành sách giáo khoa còn thể hiện ở “tuổi thọ” của hàng chục nghìn cuốn sách chỉ có một năm. Cụ thể, trong năm đầu triển khai chương trình mới, 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 được phê duyệt gồm: “Chân trời sáng tạo”, “Kết nối tri thức với cuộc sống”, “Cùng học để phát triển năng lực”, “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam), “Cánh Diều” (Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Tp.HCM).

Sau một năm, 2 bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực”, “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” đột ngột bị ngừng xuất bản với lý do được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đưa ra là những bộ sách này được hợp nhất với hai bộ còn lại, nhằm "giảm chi phí, tập trung tối đa nguồn lực". Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khẳng định việc hợp nhất không ảnh hưởng đến hoạt động dạy học, chọn sách; các cuốn sách thuộc hai bộ đã bị hợp nhất vẫn được tái bản. Tuy nhiên, từ năm học 2021-2022 khi thẩm quyền chọn sách giáo khoa được giao cho UBND cấp tỉnh, nhiều nơi không dùng sách của hai bộ bị hợp nhất.

Cần có chuyên đề giám sát về sách giáo khoa phổ thông.

Thời quan qua, vấn đề sách giáo khoa luôn được dư luận quan tâm. Ngoài vấn đề về tái sử dụng sách giáo khoa, thì giá sách giáo khoa cũng là một nội dung được nhiều người quan tâm.

Sách giáo khoa cũng làm nóng nghị trường tại các kỳ họp Quốc hội và đây cũng là vấn đề được các thành viên Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đề cập trong buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội khẳng định, việc in ấn, phát hành sách giáo khoa là vấn đề khiến xã hội bức, đại biểu Quốc hội nhiều lần có ý kiến.

Ngay trong năm học 2022-2023, Nhà Xuất bản Giáo dục đã bóc tách các môn học theo tổ hợp, mà in theo chuyên ngành. Đại biểu nêu ví dụ môn Mỹ thuật lớp 10 có 10 đầu sách, môn Giáo dục thể chất có 4 đầu sách. Điều đáng nói là sự lãng phí lớn nhất trong biên soạn, phát hành sách giáo khoa đó là tính kế thừa và ổn định của giáo trình. Mỗi năm in sách một lần, thậm chí in cả bài tập vào sách giáo khoa. Giá sách tăng lên và được lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo giải thích do khổ lớn, giấy tốt hơn. Đại biểu đặt câu hỏi điều này có cần thiết không, có làm tăng gánh nặng của các gia đình nghèo không? “Đề nghị Đoàn giám sát giám sát sâu hơn đối với từng lĩnh vực, đối với một số lĩnh vực cần có cơ quan điều tra vào làm việc, ví dụ như sách giáo khoa – đây là vấn đề nhức nhối, tôi cho rằng đây không đơn thuần là vi phạm hành chính”.

Đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội

Đại biểu Lê Thanh Vân cũng đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của ngành, người đứng đầu ngành trong các nhiệm kỳ trước, trong đó có cả trách nhiệm để xảy ra lãng phí các ký túc xá sinh viên, gây thất thoát hàng trăm ngàn tỷ của ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là cơ hội để ngành giáo dục “lột xác”, vì ngân sách nhà nước đã đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng, thế nhưng vẫn chưa thấy hiệu quả. Vì vậy, Tổ công tác của Đoàn giám sát cần khoanh lại một số vấn đề để giám sát sâu, có sự tham gia của cơ quan chuyên môn, như thanh tra, kiểm toán, thậm chí mời cơ quan điều tra làm rõ, quy kết trách nhiệm rõ ràng báo cáo trước Quốc hội.

Chia sẻ với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn về trọng trách giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng nhiều năm của ngành giáo dục, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến cho rằng, hoạt động giám sát của Quốc hội phải giúp cho Bộ giải quyết những vướng mắc hiện nay và cần thiết tổ chức cuộc giám sát sâu hơn để đại biểu Quốc hội gợi ý giải pháp, giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo cách giải quyết vấn đề đang tồn tại nhiều năm, trong đó có tồn tại trong việc biên soạn, phát hành sách giáo khoa.

“Có sự lãng phí vô cùng lớn cho xã hội, bởi sách giáo khoa ở cấp phổ thông và giáo trình ở cấp đại học thay đổi nhiều quá; chi phí cho một bộ sách giáo khoa của học sinh cao”. Đó là khẳng định của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường tại buổi giám sát của Quốc hội với Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho rằng, khi thực hiện thay sách giáo khoa, ngân sách nhà nước cấp để trang bị bộ sách cho giáo viên trên cả nước rất lớn. Nếu tính bình quân 35-40 học sinh/lớp học, xã hội phải bỏ ra gấp 40 lần ngân sách nhà nước. Việc đổi sách giáo khoa là thực hiện Nghị quyết của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nhưng không phải năm nào cũng cần thay đổi. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, sách in bài tập trắc nghiệm nên anh học xong, không thể để lại cho em học, gây ra sự lãng phí vô cùng. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội  Nguyễn Phú Cường đề nghị với trách nhiệm quản lý nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, chấn chỉnh vấn đề này.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường.

Báo cáo kết quả kinh doanh của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho thấy, doanh thu hơn 1.800 tỉ đồng chủ yếu đến từ việc phân phối sách giáo khoa và các khoản doanh thu liên quan đến hoạt động kinh doanh. Đáng chú ý, với khoản lãi sau thuế lên tới 287 tỉ đồng, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có tỉ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu bình quân là 39,9%. Đây là mức tỉ suất lợi nhuận mơ ước của bất cứ doanh nghiệp nào. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho rằng, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam lãi càng nhiều thì xã hội, đặc biệt là phụ huynh học sinh phải thêm gánh nặng càng lớn. Đây là mới là sự lãng phí lớn.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn hóa lại hệ thống sách tham khảo trong trường phổ thông. Đây cũng là vấn đề được nhiều phụ huynh học sinh quan tâm, đại biểu Quốc hội cho ý kiến.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn giải trình với Đoàn Giám sát của Quốc hội về vấn đề biên soạn, phát hành sách giáo khoa phổ thông.

Ngày 02/8/2022, báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí về việc phát hành sách giáo khoa (đặc biệt là sách dùng một lần) dẫn đến lãng phí, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Luật Giáo dục giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về sách giáo khoa giáo dục phổ thông, quy định nội dung và phương pháp dạy học sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông và thể hiện trong sách giáo khoa.

Đối với sách giáo khoa biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006, khi biên soạn sách giáo khoa, các tác giả đã xây dựng hệ thống bài tập trong sách giáo khoa theo hướng đa dạng, phong phú về nội dung và hình thức trình bày, nhằm tạo hứng thú học tập cho học sinh; đồng thời giúp học sinh làm quen với các dạng bài tập khác nhau trong kiểm tra, đánh giá theo xu thế chung của các nước phát triển. Do đó, ngoài các câu hỏi, bài tập dạng truyền thống (bài tập tự luận), các tác giả đưa vào sách giáo khoa các dạng bài tập trắc nghiệm với các hình thức đặc thù như điển khuyết, lựa chọn đúng/sai, cặp đôi (nối kết)…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn nhất quán yêu cầu các nhà trường hướng dẫn học sinh bảo quản sách giáo khoa để sử dụng được lâu bền. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chỉ thị số 3798/CT-BGDĐT ngày 24/9/2018 về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó quy định: “Để học sinh không viết vào sách giáo khoa trong quá trình thực hiện các hoạt động học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng sách giáo khoa, nhắc nhở học sinh có ý thức giữ gìn, không được viết, vẽ vào sách để sử dụng sách giáo khoa được lâu bền”.

Sau khi có ý kiến của Quốc hội và cử tri, ngày 10/6/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chỉ thị số 643 về việc sử dụng sách giáo khoa, sách tham khảo, sách bài tập trong các cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó nêu rõ: “Tổ chức quán triệt, tuyên truyền đến từng cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh về việc giữ gìn, bảo quản sách giáo khoa; không viết, vẽ vào sách giáo khoa để sách giáo khoa được sử dụng lại lâu bền”.

Như vậy, theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi tới Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội, Bộ đã thường xuyên chỉ đạo về biên soạn, thẩm định sách giáo khoa; trong quá trình sử dụng, khi làm các câu hỏi, bài tập trắc nghiệm, nối đôi, điền khuyết cần ghi kết quả vào vở; không ghi trực tiếp vào sách giáo khoa; ban hành các văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cơ sở giáo dục phổ thông quán triệt giáo viên hướng dẫn học sih thực hiện nghiêm việc sử dụng sách giáo khoa tiết kiệm, chống lãng phí.

Hy vọng, với những ý kiến, phản ánh, góp ý của Đoàn giám sát của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, chuyên gia, cử tri, phương tiện truyền thông đại chúng và sự vào cuộc của ngành giáo dục và đào tạo sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ trong đổi mới giáo dục nói chung và giảm tối đa sự thất thoát, lãng phí nguồn lực của Nhà nước cũng như của xã hội./.

Lan Hương - Nghĩa Đức