ĐOÀN KHẢO SÁT CỦA ỦY BAN TƯ PHÁP LÀM VIỆC VỚI CƠ SỞ GIÁO DỤC BẮT BUỘC THANH HÀ (VĨNH PHÚC)

04/08/2022

Chiều 04/8, tiếp tục chương trình khảo sát tình hình thi hành Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, Đoàn khảo sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên làm Trưởng đoàn đã có khảo sát thực tế tại Cơ sở giáo dục bắt buộc Thanh Hà tại Vĩnh Phúc.

 

Tham dự Đoàn khảo sát có các Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc Lê Tất Hiếu, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên Lý Văn Huấn; cùng đại diện Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc và các cơ quan hữu quan.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên làm Trưởng Đoàn khảo sát của Ủy ban Tư pháp đã có khảo sát thực tế tại Cơ sở giáo dục bắt buộc Thanh Hà tỉnh Vĩnh Phúc.

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn công tác đã nghe đại diện Cơ sở giáo dục bắt buộc Thanh Hà báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH14 về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, kết quả thực hiện, khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị.

Giám đốc Cơ sở giáo dục bắt buộc Thanh Hà - Đại tá Đào Hữu Đông cho biết, Luật Xử lý phạm hành chính ra tạo hành lang pháp vững chắc cho quá trình xử lý những hành vi phạm pháp luật thuộc phạm xử hành chính. Tuy nhiên, trong quá trình chức thực hiện Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, đơn vị  gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Đại tá Đào Hữu Đông  nêu rõ, số lượng trại viên đầu vào giảm rõ rệt so với thời kỳ thực hiện theo Pháp lệnh Xử lý phạm hành chính, số trại viên nhập mới mỗi năm chỉ động trên 300 trại viên. Tính đến ngày 31/12/2021, đơn vị quản lý 503 trại viên, bằng hơn 1/4 so với quy mô đơn vị được giao quản lý. Trại viên nhập mới có tiền sử nghiện rượu, nghiện ma túy chiếm tỉ lệ khá cao, dẫn đến trại viên đầu vào chất lượng sức khỏe thấp, nhiều bệnh tật liên quan đến ma túy, rượu. Có những trường hợp địa phương đưa đến, đơn vị phải lập biên bản không tiếp nhận hoặc tạm thời chưa tiếp nhận do sức khỏe của đối tượng không bảo đảm để thi hành quyết định. Ngoài ra, công tác quản lý, giáo dục đối tượng nghiện ma túy có nhiều nguy hiểm do đối tượng dễ bị kích động, gây tổn thương cho bản thân và người khác. Một số đối tượng có tâm lý tiêu cực...từ đó ảnh hưởng đến công tác quản lý, giáo dục đối tượng. 

Mặt khác, trại viên được đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc thường tiềm ẩn rất nhiều các căn bệnh xã hội, bệnh mãn tính, bệnh nặng khi khám đầu vào cơ sở thường không tìm thấy triệu chứng bệnh trong khi cơ sở vật chất trang thiết bị y tế chưa đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khỏe, một số căn bệnh lại không được cấp kinh phí để điều trị. Những vấn đề này ảnh hưởng đến hoạt động của cơ sở.

Đại tá Đào Hữu Đông - Giám đốc Cơ sở giáo dục bắt buộc Thanh Hà báo cáo tại buổi làm việc

Giám đốc Cơ sở giáo dục bắt buộc Thanh Hà cũng cho biết việc thực hiện quy định về giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại cho trại viên đang chấp hành được quy định trong Pháp lệnh 09 trên thực tế cũng gặp khó khăn về thời hạn và quy trình. Do đó, đề nghị sửa đổi Pháp lệnh theo hướng rút ngắn thời gian nhận và thụ lý hồ sơ. Đối với quyết định Tạm đình chỉ của Tòa án nhân dân đối với trại viên được về nhà chữa bệnh, đề nghị ghi rõ thời gian tạm đình chỉ là để cơ sở giáo dục bắt buộc có căn cứ thực hiện việc tính thời hạn chấp hành cho đối tượng theo quy định tại khoản 2 Điều 112 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, kiến nghị xem xét sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính để bảo đảm thực hiện quản lý đối tượng trong thời gian lập hồ sơ được thống nhất.

Trao đổi tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn khảo sát quan tâm đến tính hình số lượng trại viện đầu vào giảm rõ rệt và đề nghị đánh giá nguyên nhân số lượng đối tượng vào trại giảm qua từng năm, làm rõ số liệu này có phản ánh đúng tình hình vi phạm ngoài xã hội hay không? Làm rõ số lượng giảm là do cơ chế, tiêu chí, quy định của luật hay lí do gì khác, đánh giá hiệu quả đầu tư cơ sở vật chất, bộ máy vận hành, nguồn lực.

Làm rõ nội dung Đoàn khảo sát quan tâm, Trưởng Công an huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Phúc cho biết do quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn quy định chặt chẽ điều kiện lập hồ sơ đưa người vào cơ sở giáo dục bắt buộc, dẫn đến số trại viên nhập mới ngày càng giảm. Ngoài ra một số nhóm đối tượng như đối tượng lang thang rất khó xác minh để bảo đảm đủ điều kiện lập hồ sơ.

Đại diện Cục C10 Bộ Công an cho biết thêm, số lượng trại viên đầu vào giảm dần có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, về mặt khách quan do Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định chặt hơn, giới hạn nhiều hơn về thời gian vi phạm, số lần vi phạm và một số hành vi không trùng nhau…Về mặt chủ quan là do trong quá trình quản lý đối tượng tại địa phương, việc cập nhật dữ liệu thông tin về các đối tượng nhất là đối với trường hợp lang thang rất khó xác minh từ đó không bảo đảm các điều kiện để lập hồ sơ.

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên đánh giá cao công tác chuẩn bị báo cáo của Cơ sở giáo dục bắt buộc Thanh Hà và các ý kiến trao đổi tại buổi làm việc. Qua khảo sát, trao đổi nhiều khó khăn, vướng mắc được chỉ rõ và có những đề xuất, kiến nghị phù hợp, xác đáng. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết Đoàn khảo sát sẽ tổng hợp đầy đủ và có nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý, phân loại theo nhóm các nội dung liên quan đến Pháp lệnh 09 và các văn bản quy phạm pháp luật khác, trường hợp không tiếp thu phải có giải trình thuyết phục.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên kết luận nội dung làm việc

Liên quan đến băn khoăn của đại diện cơ quan công an về việc pháp luật không quy định thời hạn tạm đình chỉ của Tòa án nhân dân đối với trại viên được về nhà chữa bệnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đặt vấn đề nếu quy định thời hạn trong trường hợp này thì Tòa án có khả năng xác định thời hạn được không, quy định bao lâu là hợp lý trong khi trên thực tế có nhiều bệnh khác nhau và khi hết thời hạn sẽ phải có thêm trình tự, thủ tục gia hạn…Ghi nhận ý kiến đề nghị của cơ sở về việc quy định thời hạn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết Đoàn khảo sát sẽ có tổng hợp, báo cáo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội để nghiên cứu kỹ lưỡng, cân nhắc tiếp thu sửa đổi, bổ sung nội dung này trong Pháp lệnh số 09 như thế nào, trong trường hợp không tiếp thu phải có giải trình như thế nào.

Tiếp thu ý kiến đề nghị rút ngắn thời gian nhận và thụ lý hồ sơ để xem xét giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại cho trại viên đang chấp hành trong trường hợp bệnh hiểm nghèo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết sẽ có nghiên cứu để quy định thời hạn hợp lý, phân định các trường hợp tạm đình chỉ với miễn chấp hành để có quy định phù hợp, bảo đảm được nguyên tắc tính chất cấp bách của sự việc đến đâu, tình huống phức tạp đến đâu thì hành động của cơ quan tư pháp phải nhanh đến đó và có giải pháp tương ứng. Từ đó dễ xác định trách nhiệm của cơ quan tư pháp khi xem xét ra quyết định.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên cùng các thành viên Đoàn khảo sát khảo sát thực tế tại đơn vị 

Liên quan đến phản ánh các cơ quan thực thi ở cơ sở về Điều 94 Luật Xử lý vi phạm hành chính về đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc hiện quy định quá chặt dẫn đến số lượng đối tượng được đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc ngày giảm và không phản ánh đúng tình hình vi phạm pháp luật ngoài xã hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết sẽ tiếp thu và có ý kiến báo cáo cơ quan có thẩm quyền khi xem xét sửa đổi Luật trong thời gian tới.

Tại buổi khảo sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên cũng chia sẻ những khó khăn, vất vả trong công tác của các chiến sỹ tại Cơ sở giáo dục bắt buộc Thanh Hà luôn tiềm ẩn những nguy hiểm do đối tượng kích động. Cá biệt có trường hợp chiến sỹ công tác tại cơ sở bị đối tượng tấn công dẫn đến suy giảm sức khỏe tuy nhiên đến nay vẫn chưa được hưởng bất cứ khoản trợ cấp, hỗ trợ nào. Động viên tinh thần các chiến sỹ công tác tại Cơ sở giáo dục bắt buộc Thanh Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên đề nghị các cơ quan hữu quan tâm đến việc bảo đảm nguồn kinh phí hoạt động tại đơn vị, bảo đảm thực hiện đúng chế độ, chính sách cho các cán bộ, chiến sỹ tại đơn vị theo đúng quy định của pháp luật. 

Một số hình ảnh tại buổi khảo sát:

Đoàn khảo sát của Ủy ban Tư pháp làm việc với Cơ sở giáo dục bắt buộc Thanh Hà (Vĩnh Phúc)

Đại diện Công an huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Phúc báo cáo tại buổi làm việc

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của cơ sở

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên cùng các thành viên Đoàn khảo sát đi thăm cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt tại Cơ sở giáo dục bắt buộc Thanh Hà

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên cùng các thành viên Đoàn khảo sát tại khu vực tăng gia sản xuất của đơn vị 

Các trại viện tại Cơ sở giáo dục bắt buộc Thanh Hà được lao động, tự sản xuất nhiều sản phẩm có giá trị

Thiếu tá Chu Văn Bộ - cán bộ công tác tại Cơ sở giáo dục bắt buộc Thanh Hà đã bị trại viên tấn công trong quá trình công tác. Mặc dù đã hoàn thiện hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được hưởng chế độ, chính sách theo quy định. Dù vậy sức khỏe bị suy giảm nhưng Thiếu tá Chu Văn Bộ vẫn tiếp tục công tác và hoàn thành tốt nhiệm vụ tại đơn vị.

Trước đó, ngày 03/8 theo chương trình công tác, Đoàn khảo sát của Ủy ban Tư pháp đã có buổi làm việc và khảo sát thực tế tại các Cơ sở cai nghiên ma túy số 1,2 và 4 Thành phố Hà Nội

Đoàn khảo sát của Ủy ban Tư pháp làm việc với Cơ sở cai nghiên ma túy số 1,2 và 4.

Bảo Yến - Vũ Hà

Các bài viết khác