GIÁM SÁT THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ: CÒN TÌNH TRẠNG "LUẬT CHỜ NGHỊ ĐỊNH, NGHỊ ĐỊNH CHỜ THÔNG TƯ"

04/08/2022

Vướng mắc, chồng chéo, chậm trễ ban hành văn bản hướng dẫn thi hành là nguyên nhân dẫn tới tình trạng lãng phí tài nguyên viễn thông, tần số vô tuyến điện, tài nguyên internet trong thời gian qua. Đây là ý kiến của một số thành viên Đoàn Giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 với Bộ Thông tin và Truyền thông.

Giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Chưa rõ trách nhiệm chậm giải ngân vốn ODA trong ngành giáo dục

Chậm đấu giá tần số vô tuyến điện, kho số viễn thông: Còn tình trạng Luật chờ Nghị định, Nghị định chờ Thông tư.

Báo cáo tại buổi giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, công tác quản lý tài nguyên viễn thông mặc dù đã được tăng cường, đi vào nề nếp, đảm bảo hiệu quả sử dụng, nhưng một số giải pháp thực thi nâng cao hiệu quả sử dụng còn bị chậm triển khai như: Việc cấp phép thông qua đấu gia băng tần thông tin di động (băng tần có giá trị thương mại cao) còn bị chậm do phải sửa Nghị định cho phù hợp với các Nghị định mới được nhà nước ban hành; Việc đấu giá kho số viễn thông và tên miền Internet chậm được triển khai do phải điều chỉnh các quy định liên quan tới đấu giá. 

Đoàn Giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 với Bộ Thông tin và Truyền thông.

Cụ thể, năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập Hội đồng đấu giá để triển khai sau khi Luật Tần số bắt đầu có hiệu lực (2010) và Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về các băng tần đấu giá (cho băng tần 2300/2600MHz). Tuy nhiên, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 quy định mức thu và phương thức thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện phải do Chính phủ quy định. Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần; Quyết định quy định về đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng kho số viễn thông, tên miền Internet.

Đến ngày 01/10/2021, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 88/2021/NĐ-CP quy định về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần; ban hành Quyết định số 16/2021/QĐ-TTg ngày 30/3/2021 quy định về đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng kho số viễn thông, tên miền Internet.

Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, sau khi Chính phủ ban hành Quyết định số 16/2021/QĐ-TTg và Nghị định 88/2021/NĐ-CP đã giải quyết được vấn đề một số văn bản của Bộ chưa đồng bộ với một số văn bản chuyên ngành khác (Như Luật quản lý và sử dụng TS công, Luật đấu giá v.v..) và sẽ sớm đưa việc thực hiện đấu giá tài nguyên trong lĩnh vực Viễn thông, tần số vô tuyến điện, tài nguyên Internet (như đấu giá băng tần có giá trị thương mại cao; đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông v.v…) trong năm 2022-2023 để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên trong lĩnh vực viễn thông.

Cụ thể, trong năm 2022 sẽ tổ chức đấu giá tần số đối với băng tầng 2.3GHz, các băng tầng còn lại sẽ tổ chức đấu giá trong năm 2023. Tổ chức đấu giá đối với mã số tin nhắn ngắn; đấu giá thí điểm 50 tên miền Intenrnet; các loại kho số viễn thông và tên miền (khoảng 1200 tên miền) còn lại sẽ thực hiện đấu giá trong năm 2023;  Sửa đổi, điều chỉnh mức thu, rà soát, điều chỉnh giảm tỷ lệ để lại để nộp bổ sung ngân sách Nhà nước đối với một số loại phí trong lĩnh vực viễn thông, internet và chứng thực chữ ký số.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho rằng, còn tình trạng luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư diễn ra nhiều năm, làm ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước cũng như việc thực thi pháp luật.

Về nguyên tắc, văn bản của cơ quan nhà nước cấp dưới phải phù hợp với văn bản do cơ quan nhà nước cấp trên ban hành, tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho rằng, một số văn bản do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành chưa đồng bộ với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; trách nhiệm tham mưu ban hành văn bản mâu thuẫn với Luật.

Về việc ban hành nghị định về đấu giá tần số vô tuyến điện, đại biểu Nguyễn Trường Giang cũng nêu về nguyên tắc, khi Quốc hội ban hành luật, các văn bản chi tiết phải có hiệu lực cùng thời điểm luật có hiệu lực, trong khi đó Luật Tần số vô tuyến điện ban hành năm 2009, nhưng báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông lại nêu nhiều lý do, như có nhiều mâu thuẫn trong các luật: Luật Đấu thầu, Luật Quản lý tài sản nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Tại sao sau hơn 10 năm (đến năm 2021) Chính phủ mới ban hành được Nghị định về đấu giá tần số vô tuyến điện. Việc chậm trễ ban hành nghị định quy định chi tiết ảnh hưởng đến hiệu quả thi hành luật, đây là vấn đề đã được Quốc hội, đại biểu Quốc hội nhắc rất nhiều lần. Tuy nhiên, kể từ khi ban hành Nghị định (01/10/2021) đến nay, Bộ Thông tư và Truyền thông vẫn chưa ban hành được Thông tư quy định chi tiết, mà Bộ đang kiến nghị ban hành thông tư theo thủ tục rút gọn. 

“Đối chiếu với Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật lại không thuộc trường hợp ban hành theo thủ tục rút gọn. Sau 10 tháng kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định nhưng đến nay Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn chưa ban hành được Thông tư. Đáng nói tình trạng luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư diễn ra nhiều năm, làm ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước cũng như việc thực thi pháp luật”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang nêu ý kiến.

Lãng phí tài nguyên: Làm rõ trách nhiệm tham mưu của cơ quan quản lý nhà nước.

Mặc dù Bộ Thông tin và Truyền thông đã nêu tồn tại, nguyên nhân của việc chậm trễ thực hiện đấu giá tần số tần số vô tuyến điện, kho số viễn thông và tên miền, nhưng tại buổi giám sát chuyên đề của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành, tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 với Bộ Thông tin và Truyền thông, một số đại biểu đặt câu hỏi Luật tần số vô tuyến điện 2009 quy định việc đấu giá băng tần, tại sao hơn 10 năm qua chưa thực hiện được trường hợp nào? Tại sao không trình Chính phủ để trình Quốc hội tháo gỡ vướng mắc? 

“Luật Viễn thông ban hành 2009, sửa đổi, bổ sung năm 2018, quy định đấu giá tài sản với viễn thông bao gồm: Kho số viễn thông, tài nguyên internet, phổ tần số vô tuyến điện, quỹ đạo viễn thông… theo quy định phải đấu giá tài sản, nhưng không hiểu vì sao trong hơn 10 năm qua chưa có một cuộc đấu giá nào cả? Vì sao các không trình Chính phủ để trình Quốc hội tháo gỡ vướng mắc về mặt luật lệ, không trình Chính ban hành các văn bản điều hành?”, đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội chất vấn.

Đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội

Kết quả giám sát bước đầu của Tổ công tác (Đoàn Giám sát chuyên đề của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021) của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đưa ra nhận định: Công tác quản lý phổ tần, băng tần được tăng cường, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên viễn thông này, thúc đẩy sự phát triển của công nghệ thông tin vô tuyến điện tại Việt Nam và tiết kiệm được chi phí. Về cơ bản các băng tần đã được cấp phép đang được sử dụng hiệu quả, mở đường cho sự phát triển các dịch vụ băng thông rộng, internet tốc độ cao, tạo tiền đề cho sự phát triển xã hội thông tin, Chính phủ điện tử, Chính phủ số; khoản phí sử dụng tần số hàng năm cấp cho doanh nghiệp được tính đúng, tính đủ.

Tuy nhiên, việc cấp phép thông qua đấu giá đối với băng tần dành cho thông tin di động (được đánh giá là băng tần có giá trị thương mại cao) chưa thực hiện được do phải chờ ban hành Nghị định về đấu giá tần số; việc thu hồi giấy phép sử dụng tần số còn khó khăn do chưa quy định chặt chẽ trong Luật Tần số vô tuyến điện.

Tương tự, công tác quản lý, khai thác tài nguyên viễn thông của Bộ Thông tin và Truyền thông được Tổ công tác, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đánh giá là phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia. Việc cấp, phân bổ, sử dụng tài nguyên viễn thông tương đối hiệu quả với doanh nghiệp lớn, tiết kiệm, sử dụng đúng mục đích và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được phân bổ tài nguyên. Về phân bổ kho số đã đảm bảo tiết kiệm, sử dụng hiệu quả kho số viễn thông; việc thu phí sử dụng kho số nộp NSNN đúng quy định; việc thu hồi kho số viễn thông thực hiện theo trình tự quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, việc phát triển tài nguyên viễn thông với lượng thuê bao lớn là chưa thật sự hiệu quả. Hiện cả nước có 126 triệu thuê bao (hiệu suất 49% tính trên tổng số 256 triệu thuê bao đã phân bổ). Dịch vụ viễn thông phát triển quá nhanh gây khó khăn cho công tác quản lý. Nhiều cá nhân đăng ký sử dụng nhiều SIM để bán; một bộ phận người sử dụng không thực hiện sang tên, chuyển chủ khi mua, cho, tặng SIM dẫn đến tình trạng SIM thuê bao kích hoạt sẵn, thông tin thuê bao không đúng, vấn nạn sim rác, SIM thuê bao sử dụng để giả mạo, lừa đảo, làm mất trật tự an toàn xã hội, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng quyền lợi của người sử dụng dịch vụ viễn thông. Việc đấu giá kho số viễn thông (mã mạng di động, số dịch vụ giá trị gia tăng) trong giai đoạn 2016-2021 gặp khó khăn do thực tế thời điểm này không có nhiều doanh nghiệp đề nghị phân bổ bổ sung mã mạng di động...

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, về kho số mạng viễn thông, theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, gần 52% (mức trung bình trên thế giới), tuy nhiên bên cạnh các doanh nghiệp sử dụng hiệu quả kho số, vẫn còn một số doanh nghiệp có hiệu suất sử dụng thấp như GTEL, Vietnam mobile.Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ ra một số nguyên nhân khiến doanh nghiệp chưa sử dụng hiệu quả kho số viễn thông. 

“Tôi đề nghị trong báo cáo cần đánh giá cụ thể việc phân bổ băng tần, nhất là các băng tần di động mặt đất công cộng có giá trị cao, để chứng minh việc phân bổ băng tần trong thời gian vừa qua có nguyên nhân chủ quan, có nguyên nhân khách quan”, Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội kiến nghị.

Tại buổi giám sát của Quốc hội với Bộ Thông tin và Truyền thông, nhiều ý kiến cho rằng Bộ Thông tin và Truyền thông chưa đánh giá đầu đủ, toàn diện công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, nhưng đối chiếu với Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí: các loại tài nguyên được quy định rõ quản lý, sử dụng, khai thác, gồm: đất, nước, khoáng sản, rừng. Đến 2017, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được ban hành, bổ sung thêm các loại tài nguyên khác, bao gồm cả kho số viễn thông, kho số khác phục vụ quản lý nhà nước, tài nguyên internet, phổ tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh. Trong những loại tài nguyên mới được bổ sung đa số thuộc phạm vi quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đối chiếu lại Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2013 chưa có quy định thế nào là lãng phí trong các lĩnh vực mới được bổ sung, nên Bộ Thông tin và Truyền thông khó đánh giá được toàn diện.

Đại biểu Nguyễn Công Long, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị: “Với trách nhiệm quản lý nhà nước, chiếu theo các nguyên tắc chung của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (khoản 4 Điều 53: Không xây dựng biện pháp để thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên), Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn cần đánh giá rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan để xảy ra lãng phí nguồn tài nguyên này”.

Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho thấy, đối với công tác quản lý tài nguyên internet thực hiện theo quy định và hiệu quả. Việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên Internet đáp ứng được yêu cầu phát triển mạnh mẽ về viễn thông và Internet của Việt Nam thời gian qua, phù hợp với các cam kết, quy định thông lệ quốc tế, mang lại hiệu quả phát triển vượt bậc, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; đảm bảo an toàn hoạt động công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước; mang lại lợi ích cho quốc gia và doanh nghiệp, tiết kiệm nguồn lực tài chính quốc gia (16,5 tỷ đồng mỗi năm). Việc thúc đẩy phát triển tên miền “.vn”, tỷ lệ sử dụng tên miền “.vn” vượt tỷ lệ sử dụng tên miền quốc tế tại Việt Nam (51,3/48,7) góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước, giảm dần việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài của tổ chức cá nhân tại Việt Nam do đăng ký sử dụng tên miền quốc tế.

Tuy nhiên, hiện nay địa chỉ mạng Internet IP4 đã cạn kiệt, nhu cầu thực tế về cho mượn, cho thuê, thừa kế quyền sử dụng tên miền “.vn” chưa thực hiện được do thiếu cơ sở pháp lý. Việc đấu giá tên miền “.vn” chưa được triển khai trên thực tế do các quy định pháp luật liên quan đến đấu giá thay đổi nhiều và có điểm còn thiếu. Cụ thể, theo Quyết định số 38/2014/QĐ-TTg chưa có nội dung sở cứ để xác định giá khởi điểm. Sau đó, Luật Đấu giá 2016 ban hành khiến quy định tại Quyết định số 38/2014/QĐ-TTg không còn phù hợp. Trong khi đó, hiệu quả xử lý vi phạm đối với tên miền quốc tế xuyên biên giới còn rất hạn chế. Theo thống kê, 84% tên miền vi phạm không tra cứu được thông tin chủ thể do sử dụng dịch vụ xuyên biên giới đăng ký trực tiếp với các tổ chức nước ngoài, nhưng hiện còn chưa có quy định quản lý dịch vụ xuyên biên giới.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Vân Chi

Đối với công tác quản lý tài nguyên internet, kho số viễn thông và tần số vô tuyến điện, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết lộ trình cụ thể ban hành các văn bản để tiến hành đấu giá kho viễn thông, phổ tần số vô tuyến. Đại biểu cũng chia sẻ với Bộ Thông tin và Truyền thông vì nhiệm vụ này liên quan đến các văn bản pháp luật khác.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Giải trình về vấn đề đại biểu nêu liên quan đến công tác quản lý tài nguyên viễn thông, tài nguyên phổ tần số, tài nguyên internet, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2010, Luật Tần số vô tuyến điện có hiệu lực thi hành, cùng năm đó Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định quy định về đấu giá tần số. Năm 2012, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố tần số đấu giá, năm 2016 tổ chức Hội đồng đấu giá, nhưng đến năm 2017 Luật Tài sản công được ban hành, trong đó quy định việc đấu giá phải được quy định bởi Nghị định của Chính phủ. Cuối năm 2018, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận nhiệm vụ, Bộ trưởng đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định về đấu giá tần số, đến 2021 được ban hành. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Nghị định 88/2021/NĐ-CP có thể áp dụng mà không cần thông tư, hiện Bộ đang triển khai, dự kiến trong năm 2022 sẽ tiến hành đấu giá tần số đầu tiên./.

Lan Hương

Các bài viết khác