CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: PHÁT TRIỂN DU LỊCH GẮN VỚI TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ VĂN HÓA, LỊCH SỬ, CÁCH MẠNG

02/08/2022

Chiều 02/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội GS.TS Vương Đình Huệ đã có buổi gặp mặt đại biểu thành viên Câu lạc bộ Giao lưu Kinh tế, Văn hóa và Du lịch thuộc Viện Kinh tế - Văn hóa, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội cho biết, du lịch nước ta đã có bước tiến dài về nhận thức và để phát triển đòi hỏi tư duy, tầm nhìn, cách thức thực hiện tái cơ cấu toàn diện... và mong muốn có sự tham gia đóng góp tích cực của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, Quốc hội nêu cao vai trò, trách nhiệm chăm lo công tác xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững

Chủ tịch Quốc hội dự phiên toàn thể Hội thảo Du lịch Việt Nam 2021

Chủ tịch Quốc hội GS.TS Vương Đình Huệ gặp mặt đại biểu thành viên Câu lạc bộ Giao lưu Kinh tế, Văn hóa và Du lịch thuộc Viện Kinh tế - Văn hóa, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Cùng dự có Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, nguyên Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Về phía đại diện Câu lạc bộ Kinh tế, Văn hóa và Du lịch có: Chủ tịch Câu lạc bộ TSKH.Nguyễn Quốc Hưng - nguyên Tổng cục Phó Tổng cục Du lịch , Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu; GS.TSKH Đặng Vũ Minh…cùng các thành viên Câu lạc bộ Giao lưu Kinh tế, Văn hóa và Du lịch thuộc Viện Kinh tế - Văn hóa, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Tại cuộc gặp mặt, thay mặt các thành viên, Chủ tịch Câu lạc bộ Giao lưu Kinh tế, Văn hóa và Du lịch Nguyễn Quốc Hưng bày tỏ vui mừng và vinh dự được gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; khẳng định cuộc gặp thể hiện sự quan tâm, động viên của lãnh đạo Quốc hội đến hoạt động của Câu lạc bộ, lắng nghe ý kiến của các thành viên Câu lạc bộ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại cuộc gặp mặt

Phát triển du lịch từ bước tiến về nhận thức cần hành động thiết thực

Chủ tịch Câu lạc bộ Nguyễn Quốc Hưng cho biết, Câu lạc bộ Giao lưu Kinh tế, Văn hóa và Du lịch nơi tập hợp tập hợp các chuyên gia, lãnh đạo và cán bộ quản lý cao cấp văn hóa và du lịch Việt Nam qua các thời kỳ. Câu lạc bộ được thành lập nhằm giao lưu và thông tin kinh tế, văn hóa & du lịch, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các cá nhân, tổ chức Việt Nam với nước ngoài vì tình hữu nghị và phát triển; tổ chức hoạt động, hợp tác, liên kết, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch, đạo đức – trách nhiệm xã hội; giữ vai trò là cầu nối giữa hội viên với các cơ quan chức năng của Nhà nước. Đồng thời, tạo lập không gian để các doanh nghiệp, tổ chức, các đơn vị gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, thảo luận, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau.

Chủ tịch Câu lạc bộ Giao lưu Kinh tế, Văn hóa và Du lịch, trong sáng ngày 02/8, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã cùng Viện Kinh tế - Văn hóa và nhiều thành viên Câu lạc bộ phối hợp cùng các địa phương tham gia Hội thảo Khoa học quốc gia Liên kết phát triển Du lịch chiến khu Việt Bắc nhằm đóng góp sáng kiến, ý tưởng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng chiến khu Việt Bắc để phát triển du lịch nói riêng và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số nói chung góp phần thực hiện có hiệu quả nội dung Dự án 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia “Phát triển kinh tế xã hội đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi” tại các tỉnh Chiến khu Việt Bắc và để Liên kết phát triển Du lịch chiến khu Việt Bắc gắn với các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội đồng bào các đân tộc thiểu số miền núi; đặc biệt chú trọng tới hai huyện ATK là Định Hóa (Thái Nguyên) và Sơn Dương (Tuyên Quang).

Chủ tịch Câu lạc bộ Giao lưu Kinh tế, Văn hóa và Du lịch Nguyễn Quốc Hưng giới thiệu về hoạt động của Câu lạc bộ và kết quả thảo luận tại Hội thảo sáng ngày 02/8/2022

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ vui mừng gặp mặt các thành viên Câu lạc bộ Kinh tế, Văn hóa và Du lịch và đại diện lãnh đạo các tỉnh trong vùng Chiến khu Việt Bắc, nhân dịp Hội đồng Dân tộc phối hợp với Viện Kinh tế - Văn hóa thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo chuyên đề “Liên kết phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử cách mạng Chiến khu Việt Bắc” và trong không khí kỉ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, ngành du lịch có vị trí, vai trò rất quan trọng; luôn được xem là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, có hệ số lan tỏa lớn, góp phần đa dạng hóa xuất khẩu dịch vụ, tạo cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp, việc làm cho người dân và thịnh vượng chung của quốc gia. Tuy nhiên, từ cuối năm 2019 đến nay, trước tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, ngành du lịch đã đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, sau đại dịch là cơ hội lớn để Việt Nam nhìn lại để có cách thức thức hiện tái cơ cấu căn bản, toàn diện ngành du lịch theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 16/01/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và theo Luật Du lịch. Theo đó, cần tái cơ cấu toàn diện về môi trường du lịch, hạ tầng du lịch, doanh nghiệp du lịch và sản phẩm du lịch trên cơ sở đổi mới căn bản tư duy nhận thức về du lịch.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc gặp mặt

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nếu như trước đây nhận thức về du lịch chỉ là hoạt động vui chơi, giải trí đến nhận thức du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp mang đậm tính văn hóa, mang tính liên kết ngành, vùng và đến nhận thức du lịch là kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08-NQ/TW là một bước tiến rất dài. Nhấn mạnh từ bước tiến về mặt nhận thức đối với du lịch từ đó ngành du lịch trong nước đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, song Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng so với các nước trên thế giới và khu vực và so với tiềm năng thế mạnh du lịch Việt Nam thì kết quả kinh tế du lịch còn nhiều hạn chế. Do đó đòi hỏi quyết tâm thực hiện tái cơ cấu toàn diện ngành du lịch như Nghị quyết số 08-NQ/TW đã đề ra, đòi hỏi trách nhiệm từ Trung ương đến địa phương và các nhà quản lý.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, nếu như trước dịch, năm 2019, du lịch đã đóng góp khoảng 10,4% GDP và 10,6% việc làm toàn cầu. Trong nước, năm 2019, doanh thu từ ngành du lịch đạt 32,8 tỷ USD, đóng góp 9,2% tổng sản phẩm quốc nội, tạo ra 2,5 triệu việc làm. Tuy nhiên vẫn còn đâu đó trong nhận thức và hành động chưa thực sự thể hiện đúng “du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn”. Do đó, vấn đề hạ tầng du lịch, doanh nghiệp và sản phẩm du lịch là vấn đề cần phải suy nghĩ, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Các đại biểu tại cuộc gặp mặt

Chia sẻ sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội đến phát triển du lịch, Chủ tịch Quốc hội cho rằng điều quan trọng là phát triển các sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút sự tham gia của doanh nghiệp. Nhà nước không làm thay doanh nghiệp, người dân. Chủ tịch Quốc hội làm rõ, du lịch là tổng hợp các ngành đòi hỏi sự liên kết, đòi hỏi tư duy, tầm nhìn, cách thức thực hiện.

Liên kết phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử cách mạng

Tại cuộc tiếp, Chủ tịch Quốc hội đã trực tiếp lắng nghe các ý kiến trao đổi của các thành viên Câu lạc bộ. Các đại biểu đều bày tỏ vinh dự được gặp Chủ tịch Quốc hội và cho rằng đây là cơ hội quý giá để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý được trao đổi ý kiến, đề xuất với lãnh đạo của Quốc hội. Thông tin về các hoạt động chính, định hướng hoạt động trong thời gian tới của Câu lạc bộ và kết quả nội dung Hội thảo, các đại biểu bày tỏ mong muốn trong thời gian tới có sự quan tâm hơn nữa về phát triển du lịch nhất là du lịch lịch sử, du lịch hoài niệm chiến trường xưa đồng đội gắn với các di tích lịch sử trong cả nước để các di tịch lịch sử kháng chiến được sống lại, trở nên sinh động trong đời sống người dân vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa có ý nghĩa giáo dục lịch sử đến các thế hệ người Việt. Cùng với đó, phải có quy hoạch phát triển du lịch nhất là du lịch lịch sử, phát triển du lịch cần gắn với liên kết vùng, có đầu mối điều phối chung để phát triển đồng bộ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa thể thao du lịch TS.Trần Chiến Thắng chia sẻ lần đầu tiên được gặp gỡ trao đổi thân tình với lãnh đạo Quốc hội, Câu lạc bộ mong muốn tiếp tục đóng góp cho ngành du lịch nước nhà. Bằng những kinh nghiệm trải nghiệm sẽ tham gia phản biện cho các dự án tại các địa phương trong xây dựng quy hoạch kế hoạch phát triển du lịch, tham gia với các bộ ngành trong tổng kết, phản biện chính sách liên quan đến đất đai trong lĩnh vực du lịch, chính sách với nhân lực du lịch.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Hoàng Việt Phương, tiềm năng du lịch Việt Nam nói chung và du lịch lịch sử rất lớn nhưng sự quan tâm đầu tư chú trọng khai thác du lịch lịch sử, về nguồn, du lịch hoài niệm chưa được phát triển tương xứng tiềm năng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư vào các khu, điểm di tích phục vụ phát triển du lịch và tuyên truyền cho các thế hệ về ý nghĩa lịch sử, có cơ chế khuyến khích đầu tư vào các khu di tích, thúc đẩy liên kết vùng do đó đòi đầu mối liên kết giữa các tỉnh, tăng cường hơn nữa về giáo dục lịch sử, giáo dục về nguồn, các tỉnh liên kết phát huy các sản phẩm du lịch, đồng bộ quy hoạch và đầu tư.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa thể thao du lịch TS.Trần Chiến Thắng phát biểu tại cuộc gặp

Đồng tình với các ý kiến trao đổi tại cuộc gặp mặt, đánh giá cao chủ đề của Hội thảo “Liên kết phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử cách mạng Chiến khu Việt Bắc” hoạt động có ý nghĩa, đóng góp thiết thực cho công tác phát triển du lịch các tỉnh vùng chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ phát triển du lịch gắn với giá trị văn hóa lịch sử cách mạng là tài nguyên du lịch đồ sộ phong phú và hiếm có của Việt Nam. Do đó, trong tái cơ cấu du lịch phải bảo tồn phát huy giá trị văn hóa lịch sử.

Đánh giá cao hoạt động du lịch hoài niệm chiến trường xưa, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây không chỉ là khai tác tài nguyên phi vật thể mang giá trị tinh thần, giá trị lịch sử vô cùng to lớn. 06 tỉnh vùng Chiến khu Việt Bắc bao gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang nói chung và các địa phương vùng chiến khu cách mạng - “Thủ đô kháng chiến” (ATK) nói riêng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quân sự, kinh tế, chính trị, xã hội với tiềm năng, thế mạnh của mình, các địa phương đều xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, hướng đến là ngành kinh tế mũi nhọn, là khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý phát triển du lịch gắn với thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời đặt vấn đề cần có những chương trình trọng tâm trọng điểm.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định Quốc hội luôn hoan nghênh và sẵn sàng lắng nghe ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương, các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai các Chương tình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong lĩnh vực du lịch. Trong đó giải quyết được bài toán về nhân lực ngành du lịch, chậm giải ngân gói hỗ trợ doanh nghiệp. Chủ tịch Quốc hội mong muốn Câu lạc bộ Giao lưu Kinh tế, Văn hóa và Du lịch cùng các chuyên gia sâu trong các lĩnh vực đóng góp thêm cho sự phát triển ngành du lịch của đất nước, phát triển du lịch trong tổng thể phát triển văn hóa thực hiện hiệu quả kết luận Hội nghị văn hóa toàn quốc vừa qua.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội luôn hoan nghênh và sẵn sàng lắng nghe ý kiến đóng góp của các thành viên Câu lạc bộ Giao lưu Kinh tế, Văn hóa và Du lịch thuộc Viện Kinh tế - Văn hóa, của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam dưới mọi hình thức trong quá trình hoàn thiện thể chế, chính sách, các quyết sách của Quốc hội, hoạt động giám sát…để Quốc hội luôn sát với thực tiễn, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Một số hình ảnh tại buổi gặp mặt:

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp mặt gặp mặt đại biểu thành viên Câu lạc bộ Giao lưu Kinh tế, Văn hóa và Du lịch thuộc Viện Kinh tế - Văn hóa

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà giới thiệu đại biểu

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc gặp

Thiếu tướng Phan Khắc Hải trao đổi về hoạt động du lịch hoài niệm chiến trường xưa và cho rằng cần có cơ chế chính sách để phát huy du lịch gắn với lịch sử, tác động lớn đến thế hệ trẻ, gắn với giáo dục trực quan

Các đại biểu tại cuộc gặp mặt

GS.TSKH.Viện sĩ Trần Đình Long phát biểu tại cuộc gặp bày tỏ vinh dự được gặp Chủ tịch Quốc hội và trao đổi về hoạt động của Câu lạc bộ Trí thức Việt Nam tốt nghiệp Liên Xô với mong muốn phát huy trí tuệ, kinh nghiệm của cộng đồng các chuyên gia từng được đào tạo tại Liên Xô đóng góp vào sự phát triển của đất nước

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Hoàng Việt Phương phát biểu tại cuộc gặp

Trăn trở về việc phát triển ngành du lịch Việt Nam tương xứng với tiềm năng, trong đó có du lịch gắn với lịch sử, GS.TS Trình Quang Phú mong muốn sớm có quy hoạch du lịch nhất là du lịch lịch sử, đồng thời đẩy mạnh liên kết vùng, có đầu mối điều phối chung để phát triển đồng bộ

Chủ tịch Quốc hội trao quà lưu niệm cho các đại biểu

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Bảo Yến - Phạm Thắng