ĐỀ XUẤT 5 ĐỊNH HƯỚNG LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN DU LỊCH GẮN VỚI BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA, LỊCH SỬ CÁCH MẠNG VÙNG CHIẾN KHU VIỆT BẮC

02/08/2022

Tại Hội thảo “Liên kết phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng chiến khu Việt Bắc” do Hội đồng Dân tộc phối hợp với Viện Kinh tế, Văn hóa thuộc Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry đã đề xuất 5 định hướng trong hoạt động liên kết phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng vùng Chiến khu Việt Bắc trong thời gian tới.

Liên kết phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng vùng chiến khu Việt Bắc

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry cho biết, 6 tỉnh vùng Chiến khu Việt Bắc gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang nói chung và các địa phương vùng chiến khu cách mạng - “Thủ đô kháng chiến” (ATK) nói riêng có vị trí chiến lựợc đặc biệt quan trọng về quân sự, kinh tế, chính trị, xã hội; một vùng đất rất trung kiên, nghĩa tình với “Chính phủ kháng chiến”, với “Bộ đội Cụ Hồ”; có đóng góp to lớn cho kháng chiến thành công.

Còn nhiều hạn chế trong liên kết phát triển du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry, với tiềm năng, thế mạnh của mình, ở cấp độ khác nhau các địa phương vùng Chiến khu Việt Bắc đều xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, hướng đến là ngành kinh tế mũi nhọn, là khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, sau khi có Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Tỉnh ủy các tỉnh đã ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch nhằm đưa ngành du lịch ở mỗi địa phương phát triển tương xứng với tiềm năng thế mạnh, góp phần đưa du lịch toàn vùng phát triển lên tầm cao mới.

Trong những năm qua, du lịch 6 tỉnh vùng Chiến khu Việt Bắc đã đạt được những kết quả khả quan, tốc độ tăng trưởng khá cao cùng với sự hình thành một số địa bàn du lịch trọng điểm, đóng góp nhất định vào sự phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng cũng như phát triển du lịch chung của cả nước. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry chỉ rõ, du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc thời gian qua phát triển chủ yếu dựa vào việc khai thác các tài nguyên du lịch sẵn có của mỗi địa phương, và việc thu hút vốn đầu tư chủ yếu dựa vào phát triển hệ thống cơ sở lưu trú và ăn uống. Các sản phẩm du lịch chưa được đầu tư nhiều, nên còn khá đơn điệu và trùng lặp ở nhiều địa phương, thiếu dịch vụ bổ sung; công tác liên kết hợp tác, xúc tiến quảng bá và đào tạo nguồn nhân lực du lịch còn hạn chế, chưa hiệu quả. Điều này dẫn đến việc mặc dù tốc độ tăng trưởng của khách du lịch tương đối cao nhưng các chỉ tiêu phản ánh chất lượng phát triển như chi tiêu bình quân một lượt khách và thời gian lưu trú bình quân của một khách vẫn còn thấp và chậm thay đổi trong thời gian dài.

Liên kết phát triển du lịch là một xu thế tất yếu, khách quan

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry cho rằng, trước hết, phát triển du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc trong mối liên kết hợp tác quốc tế và khu vực phải nằm trong chiến lược liên kết, hợp tác quốc tế chung của du lịch cả nước.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry nhấn mạnh, trong xu thế phát triển hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã là thành của nhiều tổ chức quốc tế, vấn đề "Liên kết, Hợp tác và Hội nhập" có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển của cả quốc gia, của mỗi vùng và của mỗi địa phương. Liên kết đã trở thành một đòi hỏi hết sức cấp thiết để tăng cường sức mạnh cạnh tranh của các thành phần tham gia. Liên kết là một xu thế tất yếu, khách quan, thể hiện trong mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, và càng đúng hơn đối với một ngành kinh tế tổng hợp mang tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao như du lịch. Liên kết trong phát triển du lịch nói chung được nhìn nhận khá rộng, từ liên kết địa lý liên vùng, liên quốc gia đến liên kết trong nội bộ vùng, nội bộ quốc gia; từ liên kết trong ngành du lịch đến liên kết chéo ngoài ngành; và liên kết sâu giữa các bên tham gia trong hoạt động du lịch.

Đối với sự phát triển của du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc cũng không nằm ngoài xu thế chung đó. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry cho rằng, trước hết, phát triển du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc trong mối liên kết hợp tác quốc tế và khu vực phải nằm trong chiến lược liên kết, hợp tác quốc tế chung của du lịch cả nước. Đồng thời, vùng Chiến khu Việt Bắc có vị trí chiến lược quan trọng, có mối quan hệ chặt chẽ với các vùng khác như vùng Tây Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng, với hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái - Đông Hưng (Trung Quốc), với tuyến du lịch Xuyên Á nối Việt Nam với các nước Đông Dương và xa hơn là với các nước trong khối ASEAN và quốc tế..., do vậy "Liên kết, Hợp tác và Hội nhập" là chiến lược rất quan trọng đối với sự phát triển du lịch của vùng Chiến khu Việt Bắc.

Cho rằng muốn liên kết, hợp tác có hiệu quả trong phát triển du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc, thì trước hết việc liên kết và hợp tác giữa các tỉnh trong nội vùng có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry nêu rõ, việc liên kết, hợp tác này trước hết nhằm phát huy được các lợi thế so sánh của mỗi địa phương về tiềm năng và các nguồn lực phát triển du lịch, đồng thời bổ sung khắc phục cho nhau những hạn chế trong phát triển… Thông qua việc liên kết, hợp tác sẽ làm phong phú và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù, có chất lượng cao cho toàn vùng…, từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh và những lợi thế trong phát triển du lịch của vùng Chiến khu Việt Bắc. Đối với vùng Chiến khu Việt Bắc, nơi mà các giá trị về tài nguyên du lịch và các điều kiện khác trong phát triển du lịch giữa các tỉnh là đa dạng, có những nét đặc trưng riêng, thế mạnh riêng…, do vậy việc liên kết hợp tác này càng có ý nghĩa trong việc thực hiện tốt những mục tiêu phát triển chung của toàn vùng.

5 định hướng hoạt động liên kết phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử cách mạng vùng Chiến khu 

Thực tế trong những năm qua cho thấy, liên kết phát triển du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc còn rất hạn chế cả về liên kết ngành trong cùng một tỉnh, liên kết giữa các tỉnh trong nội vùng, liên kết ngoại vùng và liên kết quốc tế. Mặc dù, một số địa phương trong vùng đã tích cực và chủ động tìm giải pháp để tổ chức, phối hợp thực hiện các ý tưởng về liên kết du lịch với các địa phương khác; đã có nhiều hội nghị bàn về liên kết phát triển du lịch hoài niệm Việt Bắc, bàn về liên kết du lịch song phương, đa phương giữa các địa phương…, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, hiện nay liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trong nội vùng và với các tỉnh, thành phố trong cả nước còn nhiều hạn chế, chưa đạt được kết quả như mong muốn. Từ đó, một số vấn đề được đặt ra là: Vì sao liên kết du lịch nội vùng Chiến khu Việt Bắc chưa tốt; các định hướng liên kết, các giải pháp khắc phục trong thời gian tới…

Từ thực tế đó, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry đã gợi mở một số định hướng hoạt động liên kết phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử cách mạng vùng Chiến khu Việt Bắc trong thời gian tới.

Thứ nhất, phối hợp trong chính sách khuyến khích đầu tƣ kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, đặc biệt là các khu vui chơi giải trí, khu dịch vụ kết hợp ẩm thực và mua sắm trên cơ sở các định hướng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù dựa vào lợi thế của mỗi địa phương trong vùng Chiến khu Việt Bắc.

Thứ hai, phối hợp xúc tiến quảng bá điểm đến, xây dựng thương hiệu du lịch cho vùng Chiến khu Việt Bắc thông qua việc quảng bá hình ảnh du lịch của vùng Chiến khu Việt Bắc ra quốc tế; xác định các chương trình (tour) du lịch điển hình cho du lịch toàn vùng Chiến khu Việt Bắc; kết nối các sự kiện, lễ hội riêng của từng tỉnh để tạo ra chuỗi sự kiện du lịch thu hút và tận dụng tối đa các nguồn khách; thường xuyên trao đổi thông tin du lịch giữa các tỉnh với nhau thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin du lịch của vùng Chiến khu Việt Bắc.

Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng ở Trung ương (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tổng cục Du lịch…); với các cơ quan đại diện ngoại giao, truyền thông, hàng không, công ty lữ hành lớn trong nước và ngoài nước để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch của mỗi địa phương và toàn vùng Chiến khu Việt Bắc đến khách du lịch trong nước và quốc tế.

Thứ tư, phối hợp để đa dạng và nâng cao chất lượng công tác xúc tiến quảng bá du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào hoạt động tuyên truyền quảng bá du lịch; vận động các trang báo điện tử bảo trợ thông tin và xây dựng các chuyên đề, nội dung trên một trang báo mạng có uy tín; tăng cường hợp tác liên kết các tỉnh vùng Chiến khu Việt Bắc trong xúc tiến du lịch. Liên kết website của các tỉnh/thành phố để cung cấp thông tin và quảng bá du lịch, đặc biệt là các địa phương đã ký kết hợp tác phát triển du lịch như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội…

Thứ năm, khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng thương hiệu của đơn vị nói riêng cũng như của địa phương nói chung…/.

Bích Ngọc