MỘT SỐ NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CÒN CHẬM TIẾN ĐỘ

02/08/2022

Báo cáo với Tổ công tác Đoàn Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, một số nhiệm vụ khoa học và công nghệ chậm tiến độ hoặc dừng thực hiện giữa chừng do tính chất của hoạt động nghiên cứu tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Tổ công tác Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ

Toàn cảnh cuộc làm việc của Tổ công tác Đoàn giám sát với Bộ Khoa học và Công nghệ

Tại cuộc làm việc của Tổ công tác Đoàn Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), báo cáo công tác thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 của Bộ, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, công tác phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) cho KH&CN giai đoạn 2016 - 2021 đã chấp hành nghiêm túc các quy định của Luật NSNN và các văn bản liên quan. Kinh phí sự nghiệp KH&CN được phân bổ và sử dụng hiệu quả, đúng mục đích đã tr  ở thành nguồn lực quan trọng để các nhà khoa học hiện thực hóa những ý tưởng sáng tạo, những phát kiến mới của mình, chuyên tâm cống hiến để góp phần nâng tầm KH&CN đất nước; trang bị cơ sở vật chất, hạ tầng, nâng cao năng lực cho mạng lưới các trung tâm nghiên cứu, tổ chức KH&CN; kiến tạo, phát triển toàn diện hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo năng động, đa dạng trong và ngoài nước; cải thiện đáng kể năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp, thu hút đầu tư của doanh nghiệp và huy động các nguồn xã hội hóa đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, việc phân bổ, sử dụng NSNN cho KH&CN vẫn còn một số tồn tại và hạn chế như tình trạng tồn đọng vốn sự nghiệp KH&CN thể hiện qua kinh phí chuyển nguồn hàng năm còn lớn; một số nhiệm vụ KH&CN chậm tiến độ hoặc dừng thực hiện giữa chừng; chậm xây dựng và phê duyệt nhiệm vụ kéo theo phân bổ và sử dụng không kịp, không hết dự toán chi NSNN được giao. Nguyên nhân của những vấn đề này là do tính chất của hoạt động nghiên cứu KH&CN tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Mục tiêu nghiên cứu càng lớn, càng mang tính đột phá thì việc đạt được kết quả ngay từ những thử nghiệm đầu tiên là rất khó xảy ra, nhiều trường hợp đã đầu tư một khối lượng lớn nhân lực vật lực nhưng không đem lại kết quả mong muốn. Bên cạnh đó, những vướng mắc trong cơ chế, chính sách hiện tại cũng là một rào cản để tối ưu hóa và đẩy nhanh tốc độ triển khai và sử dụng hiệu quả kinh phí sự nghiệp KH&CN. Năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng nổ và liên tục diễn biến phức tạp, các biện pháp phòng chống dịch như phong tỏa, giãn cách xã hội liên tục áp dụng trong điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc mới chỉ bước đầu được thử nghiệm, triển khai trên quy mô nhỏ cũng đã ảnh hưởng tới tiến độ và hiệu quả phân bổ, sử dụng NSNN cho KH&CN.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy

Nhận thức được những tồn tại này, Bộ KH&CN đang tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thiện cơ chế, chính sách, đề xuất những giải pháp vượt trội để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực chủ yếu của tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; cơ cấu lại và thực hiện hiệu quả các chương trình KH&CN 1uốc gia giai đoạn 2021-2025 theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; chú trọng thu hút nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực nghiên cứu và quản lý KH&CN, đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát huy các Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp để hỗ trợ hoạt động KH&CN trong doanh nghiệp.

Cụ thể hóa vấn đề này, trong giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Bộ KH&CN đã và đang tích cực triển khai các công việc cần thiết. Cụ thể, Bộ đã tiến hành hoàn thiện hệ thống các văn bản quản lý, đã giao các đơn vị trực thuộc Bộ và phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi một số văn bản như: Thông tư thay thế Thông tư số 05/2015/TT-BKHCN về Tổ chức quản lý các Chương trình KHCNQG; Thông tư thay thế Thông tư số 07/2014/TT-BKHCN và 03/2017/TT-BKHCN về Trình tự, thủ tục xác định nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia; Thông tư thay thế Thông tư số 08/2017/TT-BKHCN về Tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia; Thông tư thay thế Thông tư số 04/2015/TT-BKHCN về Kiểm tra, đánh giá, điều chỉnh và chấm dứt hợp đồng trong quá trình thưc hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia; Thông tư thay thế Thông tư số 11/2014/TT-BKHCN về Đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia; Thông tư sửa đổi Thông tư liên tịch 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN về Định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí nhiệm vụ KH&CN, Thông tư liên tịch 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC về Khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN; Đã ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN gày 31/5/2022 hướng dẫn sử dụng Quỹ Phát triển KH&CN của doanh nghiệp thay thế Thông tư số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC.

Đánh giá tình hình sử dụng và khai thác các kết quả nghiên cứu khoa học giai đoạn 2016 – 2021, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, số lượng công bố trên những tạp chí KH&CN quốc tế có uy tín là một chỉ số được nhiều quốc gia sử dụng trong đánh giá năng suất KH&CN. Theo CSDL Scopus, số lượng bài báo của Việt Nam công bố trên các tạp chí KH&CN quốc tế tăng rất nhanh trong những năm gần đây. Giai đoạn 2016 - 2021, tổng số bài báo của Việt Nam đăng trên tạp chí quốc tế là 70.544 bài, trong đó năm 2021 số lượng đã tăng gấp ba lần so với đầu giai đoạn, từ 5.835 bài lên 18.496 bài, đặc biệt tăng mạnh trong 03 năm vừa qua. Số lượng công bố KH&CN quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2021 cho thấy 5 lĩnh vực nghiên cứu chiếm ƣu thế là kỹ thuật, khoa học máy tính, vật lý - thiên văn, toán học và khoa học vật liệu. Đặc biệt, hơn 1/4 tổng số bài báo liên quan đến lĩnh vực kỹ thuật.

Ngoài ra, đối với tình hình khai thác các kết quả nghiên cứu khoa học giai đoạn 2016 – 2021, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nêu rõ, khi kết thúc đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN, Bộ KH&CN (thông qua các đơn vị quản lý nhiệm vụ và các đơn vị quản lý kinh phí) tổ chức đánh giá, nghiệm thu các kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ KH&CN theo quy định hiện hành. Các nhiệm vụ sau khi được đánh giá nghiệm thu, các tổ chức chủ trì, chủ nhiệm nhiệm vụ đều phải thực hiện bước đăng ký kết quả tại Cục Thông tin KH&CN quốc gia theo quy định để có thể thực hiện thủ tục Công nhận kết quả. Đối với ngành KH&CN (thông qua chế độ báo cáo và cập nhật vào CSDLQG về KH&CN được quản lý tại Cục Thông tin KH&CN quốc gia thuộc Bộ KH&CN), trong giai đoạn 2016 - 2021 đã tiếp nhận và xử lý báo cáo ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ của 517 đề tài, nhiệm vụ KH&CN.

Hồ Hương