Giai đoạn 2009 - 2021, tổng số vụ bạo lực gia đình được phát hiện là 324.641 vụ.
Bạo lực gia đình là hành vi cố ý gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế của thành viên này đối với thành viên khác trong gia đình. Những hành vi này không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng đối với người bị bạo lực trong gia đình (thường là phụ nữ, trẻ em và người già), mà còn ảnh hưởng đến cộng đồng và xã hội, làm băng hoại các giá trị đạo đức trong gia đình và xã hội.
Bạo lực gia đình đang là vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam, với những hành vi bạo lực gia đình có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành. Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp từ báo cáo của các tỉnh thành, trong giai đoạn 2009 - 2021, tổng số vụ bạo lực gia đình các địa phương đã phát hiện trên cả nước là 324.641 vụ. Trong khi đó, Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam thực hiện năm 2019, công bố năm 2020 cho thấy, năm 2019, có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng, cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục. Đáng chú ý có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ. Kết quả điều tra này cũng cho thấy năm 2019, bạo lực gia đình với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP (tăng 0,2% so với năm 2012).
Bạo lực gia đình có xu hướng trầm trọng hơn, đa dạng hơn, phức tạp hơn đã và đang để lại những hậu quả thương tâm, đau xót cho nhiều gia đình.
Nghiên cứu về bạo lực gia đình do Viện Nghiên cứu gia đình và Giới thực hiện năm 2019 chỉ ra rằng, 69% trẻ em cho biết đã từng bị bố mẹ xử phạt bằng bất kỳ hình thức nào như đánh, đấm, đạp, tát… và 31,6% cha mẹ thừa nhận họ đã xử phạt con bằng hình thức bạo lực. Đáng chú ý, trẻ em cũng là nhóm xã hội có nguy cơ cao bị xâm hại tình dục trong gia đình, theo đó trong số trẻ bị xâm hại tình dục có tới 21,3% bị chính người thân trong gia đình xâm hại. Cũng theo nghiên cứu này, bạo lực gia đình với người cao tuổi diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương. Các hành vi bạo lực với người cao tuổi như “bỏ mặc không quan tâm về tình cảm” chiếm 10,2%, “không quan tâm, chăm sóc ăn uống, thuốc men” chiếm 8,5% bên cạnh các hành vi khác như bị ép buộc lao động, bị tranh giành tài sản thừa kế, bị đập phá tài sản, tịch thu tiền, bị coi thường, sỉ nhục, quát mắng, dọa nạt .
Bạo lực gia đình có xu hướng trầm trọng hơn, đa dạng hơn, phức tạp hơn đã và đang để lại những hậu quả thương tâm, đau xót cho nhiều gia đình, tạo ra những thiệt hại to lớn cho toàn xã hội. Nếu không được giải quyết kịp thời, bạo lực gia đình sẽ đe doạ đến sự phát triển bền vững của gia đình, làm xói mòn các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, làm suy yếu động lực phát triển và là rào cản đối với tiến trình phát triển bền vững của đất nước.
Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới bạo lực gia đình là các quy định, chính sách trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành còn tồn tại nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội Việt Nam giai đoạn hiện nay. Quá trình thi hành Luật cũng xuất hiện nhiều hạn chế, đặc biệt là vấn đề trách nhiệm và công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực gia đình. Điều này một phần xuất phát từ công tác tổ chức, triển khai thực hiện của các địa phương, song cũng do Luật hiện hành còn thiếu các nội dung, chính sách, quy định phù hợp. Bên cạnh đó, nhiều chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước được ban hành trong thời gian qua cũng cần phải được cụ thể hóa trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Trong đó vai trò của truyền thông, tuyên truyền, giáo dục làm thay đổi nhận thức và hành vi bạo lực gia đình được coi là một trong những giải pháp căn cơ, gốc rễ làm giảm số vụ bạo lực gia đình.
PGS.TS Bùi Thị Kim Hậu, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Theo PGS.TS Bùi Thị Kim Hậu, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ở Việt Nam, các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là báo chí, có vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, thể hiện ở việc cung cấp thông tin; phát hiện và giám sát các vụ việc về bạo lực gia đình; tuyên truyền, ngăn ngừa và đấu tranh với các hành vi bạo lực gia đình; tạo dư luận và định hướng dư luận về phòng, chống bạo lực gia đình…
Với sự đa dạng các loại hình, công tác phòng, chống bạo lực gia đình đã được các phương tiện truyền thông đại chúng tích cực thông tin, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình. Việc cung cấp đầy đủ các thông tin về hành vi bạo lực gia đình vừa kịp thời tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, vừa giúp cảnh báo, răn đe đối với các hành vi bạo lực gia đình; qua đó, tạo dư luận tốt trong thực hiện phòng, chống vấn nạn trên “nhằm thay đổi nhận thức, hành vi về bạo lực gia đình, góp phần tiến tới xóa bỏ bạo lực gia đình và nâng cao nhận thức về truyền thống tốt đẹp của con người, gia đình Việt Nam”. Cùng với việc cung cấp thông tin, truyền thông đại chúng đã góp phần không nhỏ phát hiện những biểu hiện, hành vi bạo lực gia đình; từ đó, hợp tác, cung cấp thông tin tới các cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ thanh tra, truy tố, xét xử các hành vi bạo lực gia đình.
Cụ thể hóa quy định về thông tin, truyền thông trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Nội dung thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình trong Luật Phòng chống bạo lực gia đình hiện hành được quy định tại Điều 9, Điều 10, Điều 11. Còn tại dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đang trình Quốc hội cho ý kiến được quy định tại Điều 14, Điều 15, Điều 16. So với luật hiện hành, dự thảo bổ sung nhiều quy định mới như: Mục đích thông tin, truyền thông “Chú trọng đến người sống trong gia đình có người có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo”. Nội dung thông tin, tuyên truyền nhằm “Nhận diện hành vi bạo lực gia đình; hậu quả của bạo lực gia đình. Kỹ năng ứng xử trong gia đình, phòng ngừa, xử lý bạo lực gia đình; Thông tin về mặt trái của công nghệ thông tin làm tăng nguy cơ bạo lực gia đình; các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình; tác hại của sử dụng rượu, bia, ma túy, chất gây nghiện khác ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình; Biện pháp, mô hình, kinh nghiệm phòng, chống bạo lực gia đình trong nước và quốc tế”.
TS.Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp.
Về hình thức thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng chống bạo lực gia đình, theo TS. Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp, so với luật hiện hành, dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) bổ sung nhiều hình thức mới. Đó là: Hội nghị, hội thảo, tập huấn, nói chuyện chuyên đề; tư vấn, hòa giải; Tổ chức chiến dịch truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình; Ký cam kết hộ gia đình không có bạo lực gia đình, tích cực tham gia phòng, chống bạo lực gia đình; Lồng ghép trong chương trình và hoạt động tại tại cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; sinh hoạt đoàn thể, cộng đồng dân cư, mô hình phòng, chống bạo lực gia đình và các hình thức khác; Thông qua phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội; Thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
Đồng tình với những quy định trong dự thảo luật, TS.Lê Vệ Quốc nhấn mạnh, hiện nay việc phổ biến giáo dục pháp luật, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, mạng xã hội đang có vai trò quan trọng, là xu thế tất yếu và khẳng định tính hiệu quả khi thực hiện thông qua hình thức này. Vì vậy cần nghiên cứu, bổ sung thêm hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, mạng xã hội; đồng thời bổ sung thêm quy định: “Các hình thức khác phù hợp với từng đối tượng cụ thể” để bảo đảm bao quát hết các hình thức thông tin, truyền thông, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình có thể được triển khai thực hiện.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh thể hiện sự đồng tình với các quy định liên quan đến thông tin truyền thông, giáo dục, phòng chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, hoạt động này cần lựa chọn đối tượng cho đúng và trúng mới tạo hiệu quả truyền thông. “Tôi cho rằng cần quan tâm đến giải pháp về truyền thông. Trước đây chúng ta truyền thông nhiều nhưng tôi thấy chúng ta phải truyền thông đúng đối tượng có nguy cơ (phụ nữ, người già, trẻ em, người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số); truyền thông sâu hơn nữa để đối tượng có thể nhận biết được các hành vi bạo lực cũng như tạo tự lên tiếng để giải thoát mình cho khỏi hành vi bạo lực. Để giải phóng phụ nữ chúng ta cũng cần quan tâm đến việc làm, thu nhập cho phụ nữ, bởi khi họ độc lập về tài chính tạo ra nguồn kinh tế cho bản thân cho gia đình thì lúc đó họ sẽ có những cái tiếng nói như vậy sẽ hạn chế được bạo lực”, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh nói.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh.
Còn đại biểu Quàng Thị Nguyệt – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên nêu quan điểm, giải quyết bạo lực gia đình phải bắt nguồn từ gốc rễ của vấn đề, đó là thay đổi nhận thức hành vi từ khi còn nhỏ, còn trẻ. Tuy nhiên, các hoạt động phòng chống bạo lực gia đình đang hướng chủ yếu tới đối tượng trưởng thành, đã kết hôn. Vì thế, một trong những giải pháp cần quan tâm là truyền thông, giáo dục về quyền con người, về giá trị gia đình, bình đẳng giới, các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp và các luật hiện hành liên quan đến bạo lực gia đình ngay từ bậc phổ thông để trẻ em trai và trẻ em gái hình thành được quan điểm, thái độ và ứng xử trong hôn nhân gia đình văn minh, văn hóa tiến bộ trong quá trình các em phát triển và hoàn thiện nhân cách.
Về nội dung thông tin truyền thông, giáo dục tại khoản 2 Điều 15 dự thảo luật quy định: "Nhận diện hành vi, hậu quả lên án phê phán hành vi bạo lực gia đình", đại biểu Quàng Thị Nguyệt đề nghị ban soạn thảo xem xét và bổ sung nội dung thông tin, truyền thông giáo dục về nguyên nhân gây ra bạo lực gia đình, trong đó có những nguyên nhân tư tưởng gia trưởng bất bình đẳng giới, nhận thức về pháp luật của cán bộ và người dân còn hạn chế; chính quyền, cộng đồng, đoàn thể thiếu quan tâm; coi bạo lực gia đình là chuyện riêng tư của gia đình; chế tài thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình chưa mạnh; chưa xử lý nghiêm các hành vi bạo lực gia đình; sự phối hợp của các cấp, các ngành trong việc phòng chống bạo lực gia đình chưa đạt hiệu quả.
Trong các phiên thảo luận tổ và thảo luận tại hội trường tại Kỳ họp thứ 3 góp ý vào dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định trong bối cảnh công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, truyền thông đại chúng có vai trò quan trọng trong phòng chống, bạo lực gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực của truyền thông đại chúng, cũng bộc lộ một số mặt tiêu cực, nhất là các thông tin trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo v.v... Vì thế, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) cần quy định rõ thêm việc nghiêm cấm đăng tải các thông tin, hình ảnh bạo lực, kích động bạo lực gia đình gây ảnh hưởng xấu trong xã hội.
Đại biểu Chamaléa Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận khẳng định thời gian qua việc tuyên truyền và phòng chống bạo lực gia đình chưa hiệu quả. Đại biểu đánh giá cao dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã bổ sung nhiều quy định về công tác thông tin truyền thông, giáo dục về phòng chống bạo lực gia đình, trong đó có quy định về giáo dục nhằm chuyển đổi hành vi. Nếu làm tốt công tác này sẽ làm cho nhận thức về pháp luật và xã hội của người dân được nâng lên. Mọi người biết đến quyền, nghĩa vụ của mình đối với các thành viên của gia đình. Tránh tình trạng nhân danh vai trò là ông bà, cha mẹ được quyền dạy dỗ con cháu theo kiểu "thương cho roi cho vọt".
Đại biểu Võ Mạnh Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá cho rằng cần chú trọng đẩy mạnh thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, một số ý kiến cũng nêu quan điểm, mục đích, nội dung và hình thức truyền thông nhằm giúp chính bản thân những người bị bạo lực nhận diện được và dám lên tiếng tố giác. Việc tuyên truyền giáo dục cần hướng đến việc thay đổi những quan điểm, tư tưởng lạc hậu, là mầm mống dẫn đến bạo lực gia đình, như tư tưởng gia trưởng trọng nam khinh nữ, coi bạo lực gia đình là chuyện riêng tư của mỗi nhà, tâm lý "xấu chàng thì hổ ai", "đóng cửa bảo nhau" để không ảnh hưởng đến danh tiếng gia đình, bố mẹ, dòng họ. Công tác thông tin, truyền thông, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình phải bao phủ hết các đối tượng. Vì vậy, dự thảo luật cần mở rộng phạm vi đối tượng tham gia gồm những cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, phòng, chống bạo lực gia đình; bổ sung đối tượng có nguy cơ như người già, phụ nữ, trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số trong đối tượng được thông tin truyền thông…/.