PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG: GIÁM SÁT KHÔNG PHẢI LÀ VIỆC "BỚI LÔNG TÌM VẾT"

27/06/2022

Tiếp tục chương trình giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng ngày 27/6, Đoàn Giám sát do Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng đoàn, làm việc với tỉnh Khánh Hòa về “việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”.

Tăng cường công tác Thanh tra, kiểm tra về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu khai mạc buổi làm việc

Tham gia Đoàn giám sát có Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm; Phó Trưởng Đoàn giám sát, cùng các thành viên Đoàn Giám sát thuộc Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Xã hội, Ủy ban Tài chính-Ngân sách, Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ban Dân nguyện, Ban Công tác đại biểu, Viện Nghiên cứu lập pháp.

Về phía đại diên các Bộ ngành tham gia Đoàn giám sát có Ông Trần Văn Minh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ; Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại diện Vụ chuyên môn Văn phòng Chính phủ và các chuyên gia trong lĩnh vực này.

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội 

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, giám sát là để phát hiện ra những bất cập, hạn chế về chính sách pháp luật để đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật. Giám sát không phải việc đi “bới lông tìm vết”, thông qua giám sát, thúc đẩy việc thực hiện tốt hơn việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, nếu có phát hiện sai phạm thì kiến nghi các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa

Báo cáo tại cuộc làm việc, ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biêt, trong giai đoạn 2016-2021, việc khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, có tỷ lệ cao (tăng 155%) so với giai đoạn 2010-2015, với hơn 6.600 đơn.

Nội dung khiếu nại, tố cáo chủ yếu về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, phát triển du lịch, quy hoạch các khu dân cư, khu đô thị mới. Tổng số lượt tiếp công dân là hơn 12.800 lượt/hơn 9.700 vụ việc. Trong giai đoạn này, có 133 đoàn đông người/133 vụ việc. Số vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài là 7 vụ việc. Đối với ngành tòa án và viện kiểm sát, không có các đoàn đông người đến khiếu nại, tố cáo.

 Ông Nguyễn Văn Hiển -Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổ trưởng Công tác

Theo Báo cáo của Tổ công tác của Đoàn giám sát do ông Nguyễn Văn Hiển -Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổ trưởng Công tác trình bày, về cơ bản nội dung các báo cáo đã bám sát đề cương, phụ lục, bảng biểu theo yêu cầu; phản ánh tương đối đầy đủ, toàn diện tình hình thực tế, kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của tỉnh Khánh Hòa trong 5 năm qua. Công tác tiếp dân được thực hiện cơ bản đúng theo quy định của pháp luật. Người đứng đầu các cơ quan đã phát huy trách nhiệm trong việc tiếp công dân theo quy định của pháp luật. Việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, vụ việc tố cáo kịp thời, đạt tỷ lệ cao (UBND tỉnh: Giải quyết vụ việc khiếu nại đạt 95,53%/ tổng số vụ việc thụ lý; giải quyết vụ tố cáo đạt 100%/tổng số vụ thụ lý; TAND và VKSND tỉnh giải quyết đơn khiếu nại, đơn tố cáo đạt 100%), cơ bản không để tồn đọng, kéo dài hoặc hình thành “điểm nóng” về khiếu nại, tố cáo. Đơn khiếu nại về đất đai tại tỉnh (chiếm 78,5% tổng số đơn).

Các thành viên Đoàn Giám sát tại buổi làm việc

Qua báo cáo cho thấy, UBND tỉnh Khánh Hòa đã thành lập Tổ Công tác kiểm tra, rà soát, giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài trên địa bàn tỉnh đối với 3 vụ việc. Trong đó, có 02 vụ việc theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ và 01 vụ do địa phương tự rà soát Hiện nay còn 01 vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài. Công tác tiếp dân được thực hiện cơ bản đúng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong kỳ báo cáo, số ngày tiếp dân thực tế định kỳ, trực tiếp còn thấp hơn nhiều so với quy định (của Chủ tịch UBND tỉnh đạt 36,7%, Chủ tịch UBND huyện đạt 12,7%, Chủ tịch UBND xã chỉ đạt 2,14%).

Về vấn đề trên, ông Lâm Văn Đoàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng: “Với tỷ lệ ở cấp xã chỉ có 2,14%, tôi cho rằng phải phân tích rất kỹ, xem do các đồng chí do thời gian, công việc hay người dân như thế nào mà chưa tiếp được đầy đủ người dân. Tỷ lệ này thấp thì sẽ đẩy khiếu nại tố cáo ở cấp cao hơn”.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Còn theo ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỷ lệ tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu các cấp tại tỉnh Khánh Hòa thấp như vậy, thực chất là vi phạm Luật tiếp công dân. “Tỷ lệ này vi phạm rất cao. Tôi đề nghị sau này tỉnh có chấn chỉnh. Tỷ lệ và mức độ chấp hành của cấp dưới về tiếp công dân thấp sẽ đẩy vụ việc lên lãnh đạo trên huyện, tỉnh”, ông Lưu Bình Nhưỡng lưu ý.

Ông Lê Hoàng Anh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội

Ông Lê Hoàng Anh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội đề nghị tỉnh Khánh Hòa lý giải nguyên nhân người dân không đến buổi tiếp công dân: “Hay là do cách chúng ta công khai thông tin cuộc tiếp đó có vấn đề hay không? Hay là niềm tin của người dân đói với cuộc tiếp ấy không cao?”, ông Lê Hoàng Anh đặt câu hỏi.

Đến nay UBND tỉnh Khánh Hòa chưa có trụ sở tiếp công dân riêng mà vẫn sử dụng chung trụ sở của Thanh tra tỉnh. Toàn tỉnh có 244 người, tất cả là công chức thực hiện tiếp công dân, không có cán bộ hợp đồng. Trong đó, có 24 cán bộ, công chức chuyên trách (chiếm 9,8%); 220 kiêm nhiệm (chiếm 90,2%). Các thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị tỉnh báo cáo rõ hơn giải pháp cho vấn đề này./.

Khắc Phục