TỔNG THƯ KÝ AIPA NGUYỄN TƯỜNG VÂN: HỢP TÁC NGHỊ VIỆN HƯỚNG TỚI MỘT ASEAN KHÔNG CÓ MA TÚY

24/06/2022

Phát biểu chào mừng hội nghị trực tuyến Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy lần thứ 5, Tổng Thư ký AIPA Nguyễn Tường Vân nhấn mạnh, Hội nghị là diễn đàn để các nước thành viên AIPA cập nhật tiến trình tổng thể và những thách thức đối với các nỗ lực kiểm soát ma túy cũng như việc thực hiện các nghị quyết đã được AIPA thông qua ở các nước. Trong đó, tái khẳng định hợp tác giữa các nghị viện thành viên AIPA nhằm hướng tới một ASEAN không có ma túy.

Tổng Thư ký AIPA Nguyễn Tường Vân

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Thư ký AIPA Nguyễn Tường Vân nêu rõ, hoạt động buôn bán ma túy trên toàn cầu, kể cả ở Đông Nam Á, ngày càng phức tạp, để lại hậu quả lâu dài về sức khỏe, kinh tế và xã hội cho tất cả các quốc gia. Buôn bán ma túy không chỉ là vấn đề cấp bách mà còn là vấn đề an ninh phi truyền thống lâu dài mà các khu vực và toàn thế giới phải đối mặt.

Báo cáo mới của Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC) gần đây đã cảnh báo rằng buôn bán ma túy tổng hợp tiếp tục mở rộng ở Đông và Đông Nam Á, với việc sản xuất và buôn bán đạt mức kỷ lục vào năm 2021. Do đó, hoạt động phân phối và buôn bán ma túy đặt ra vấn đề thách thức lớn đối với ASEAN đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các Quốc gia thành viên ASEAN.

Tổng Thư ký AIPA cho biết, Kế hoạch Công tác của ASEAN về bảo vệ cộng đồng chống tệ nạn ma túy giai đoạn 2016 - 2025 đã được triển khai hiệu quả, giải quyết các hoạt động ma túy bất hợp pháp, nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của ma túy và tăng cường nghiên cứu về tác động của đại dịch Covid-19 trên thị trường ma túy nhằm đưa ra phản ứng phù hợp thông qua tăng cường hợp tác song phương quốc tế.

“Mặc dù chúng ta đã thấy được tiến bộ của Kế hoạch làm việc này, nhưng chắc chắn các mục tiêu về một ASEAN không có ma túy chắc chắn sẽ khó được hoàn thành vì Đông Nam Á tiếp tục được xác định là thị trường ma túy bất hợp pháp nổi bật nhất trên thế giới. Có một số rào cản, thách thức và khó khăn để chống buôn bán ma tuý xuyên quốc gia, vì vậy chúng ta cần tăng cường hiệu quả của hợp tác khu vực trong các hoạt động thực thi pháp luật cụ thể, vốn đã tiếp tục được tái khẳng định là các ưu tiên trụ cột trong Kế hoạch Công tác ASEAN 2016-2025”, Tổng Thư ký AIPA nhấn mạnh.

Tổng Thư ký AIPA cũng cho biết, nhằm hỗ trợ ASEAN thực hiện các mục tiêu và ưu tiên của khu vực, các nghị viện thành viên AIPA đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm cung cầu ma túy bất hợp pháp thông qua việc ban hành và thực hiện các chính sách phòng ngừa dựa trên bằng chứng và vận động triển khai các chương trình giáo dục, nâng cao năng lực, nhận thức và tăng cường hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực tư pháp, thực thi pháp luật và y tế.

Tổng Thư ký AIPA cho rằng, Hội nghị AIPACODD lần thứ 5 là một diễn đàn để các nước thành viên AIPA cập nhật tiến trình tổng thể và những thách thức đối với các nỗ lực kiểm soát ma túy cũng như việc thực hiện các nghị quyết đã được AIPA thông qua ở các nước kể từ cuộc họp Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy (AIPACODD) gần đây nhất vào tháng 05/2021, trong đó tái khẳng định hợp tác giữa các nghị viện thành viên AIPA nhằm hướng tới một ASEAN không có ma túy.

Hội nghị trực tuyến Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy lần thứ 5, với chủ đề "Cùng nhau giải quyết thách thức vì một ASEAN không ma túy", do Quốc hội Vương quốc Campuchia chủ trì tổ chức. Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự trực tuyến tại điểm cầu Nhà Quốc hội, Hà Nội, Việt Nam.

Tham dự có: Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội Campuchia Kittisethabindit Cheam Yeap; các nghị sĩ đại diện cho 8 Nghị viện thành viên AIPA; Tổng Thư ký AIPA Nguyễn Tường Vân và Ban Thư ký AIPA; đại diện Văn phòng Liên Hợp Quốc về phòng, chống ma túy và tội phạm (UNODC) tại khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương; các quan chức cấp cao ASEAN về vấn đề ma túy (ASOD) và cơ quan quốc gia về đấu tranh phòng, chống ma túy của Campuchia (NACD).

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam có: Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Nguyễn Thanh Cầm và Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Thái Quỳnh Mai Dung.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo của Liên Hợp Quốc về ma túy và tội phạm; báo cáo của ASEAN về ma túy; báo cáo của các quốc gia thành viên AIPA về tình hình ma túy và việc thực hiện các biện pháp kiểm soát ma túy; thảo luận và góp ý về dự thảo Nghị quyết AIPACODD 5.

Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy (AIPACODD) là cơ chế thường niên của các Nghị viện thành viên AIPA trong đấu tranh chống tội phạm ma túy; thúc đẩy hài hòa hóa pháp luật trong lĩnh vực này trong ASEAN, hướng tới một Cộng đồng ASEAN không ma túy. Cho đến nay, AIPACODD đã thông qua bốn nghị quyết, gồm: “Nghị quyết về Đảm bảo một Cộng đồng ASEAN không ma túy cho các thế hệ tương lai” (Singapore, 2018), “Nghị quyết về Phát triển thay thế hướng tới một Cộng đồng ASEAN không ma túy” (Thái Lan, 2019) “Nghị quyết về Biến lời nói thành hành động hướng tới Cộng đồng ASEAN không ma túy” (Việt Nam, 2020) và “Nghị quyết về Ứng phó với các thách thức đương đại hướng tới không có ma túy” (Brunei Darussalam, 2021).

Với chủ đề “Cùng nhau giải quyết thách thức vì một cộng đồng ASEAN không có ma túy”, Hội nghị AIPACODD lần này là dịp để các nghị viện thành viên tiếp tục tăng cường cơ chế hợp tác, đoàn kết, nỗ lực nhằm hiện thức hóa tầm nhìn về một cộng đồng không có ma túy. Kết quả Hội nghị sẽ được tổng hợp trình Đại hội đồng AIPA 43 tại Campuchia xem xét thông qua./.

Lê Anh - Phạm Thắng