THS. LS LẠI XUÂN CƯỜNG: MINH BẠCH THÔNG TIN, GIẢI PHÁP QUYẾT LIỆT ĐỂ NHỮNG TUYẾN ĐƯỜNG, CÂY CẦU KHÔNG CHỈ LÀ LỜI HỨA

23/06/2022

Đánh giá Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành tốt khối lượng công việc lớn, với sự đồng thuận, thống nhất cao, ThS.Ls Lại Xuân Cường cho rằng Kỳ họp đã quyết định nhiều nội dung quan trọng không chỉ cho năm 2022, mà cả cho giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo. Đặc biệt, qua phiên chất vấn ngành giao thông vận tải với những nội dung rất trúng và đúng, nhiều vướng mắc, tồn tại đã được làm rõ, đáp ứng được mong mỏi của cử tri cả nước.

 

Với tinh thần làm việc sôi nổi, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Kỳ họp thứ 3 là kỳ họp thường kỳ đầu năm 2022, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, năm đầu tiên thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước, Quốc hội đã xem xét một khối lượng công việc lớn trên cả ba phương diện: lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng.

Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV

Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 05 luật, 03 nghị quyết; cho ý kiến về 06 dự án luật. Đồng thời, qua 2,5 ngày, Quốc hội tiến hành chất vấn đối với 03 Bộ trưởng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các lĩnh vực: nông nghiệp và phát triển nông thôn; tài chính; ngân hàng; giao thông vận tải…Lần đầu tiên tại một kỳ họp Quốc hội, có 5 dự án quan trọng quốc gia được xem xét quyết định chủ trương đầu tư, nâng tổng số dự án mà Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ lên 6 dự án với tổng mức đầu tư rất lớn. Đây đều là những dự án giao thông trọng điểm, cấp bách, bảo đảm quốc phòng, an ninh, có tác động lan tỏa, tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các vùng và từng địa phương.

Theo dõi sát các nội dung nghị sự tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ThS.Ls Lại Xuân Cường đánh giá cao kết quả đạt được của Kỳ họp này. Theo luật sư, Kỳ họp đã quyết định nhiều nội dung quan trọng không chỉ cho năm 2022, mà cả cho giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo. Bày tỏ ấn tượng với phiên chất vấn ngành giao thông vận tải, luật sư cho rằng phiên chất vấn diễn ra với những nội dung rất trúng và đúng, nhiều vướng mắc, tồn tại đã được làm rõ, đáp ứng được mong mỏi của cử tri cả nước. Qua đó, các đại biểu Quốc hội cũng chỉ rõ những bất cập, tồn tại và hiến kế để khắc phục những khó khăn của ngành giao thông vận tải theo hướng cần minh bạch thông tin, có các giải pháp quyết liệt để đảm bảo hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm, đáp ứng nhu cầu vận tải và phát triển kinh tế- xã hội.

ThS.Ls Lại Xuân Cường

Phóng viên: Sau 19 ngày làm việc khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung Chương trình nghị sự đề ra. Luật sư có đánh giá như thế nào về những kết quả đạt được tại Kỳ họp này?

ThS.Ls Lại Xuân Cường: Có một điều đã và đang được thể hiện rất rõ ở Quốc hội Việt Nam đó là tinh thần tiếp tục đổi mới và luôn tự hoàn thiện. Quốc hội ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn và sự kỳ vọng của cử tri, Nhân dân. Không chỉ theo dõi sát Chương trình Kỳ họp thứ 3 này mà qua theo dõi các hoạt động của Quốc hội, tôi nhận thấy Quốc hội đã có sự điều chỉnh linh hoạt các nội dung chương trình nghị sự, đảm bảo chất lượng, thời gian; hoạt động của Quốc hội ngày càng công khai, minh bạch hơn, gần gũi với cử tri và Nhân dân, qua đó cũng tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân và cử tri giám sát các hoạt động của Quốc hội.

Chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Quốc hội Việt Nam đã được quy định rõ tại Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Và tại Kỳ họp này, Quốc hội tiếp tục thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình khi xem xét, hoàn thành một khối lượng công việc lớn trên cả ba phương diện: lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng.

Trong công tác lập pháp, tôi ấn tượng khi Quốc hội đã thông qua 05 luật, 03 nghị quyết với tỷ lệ tán thành rất cao; Quốc hội cũng xem xét, cho ý kiến về 06 luật là những dự án luật lớn, khó, tính chuyên ngành cao. Đặc biệt, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) được thông qua sẽ bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và tương thích với các cam kết quốc tế; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm kết hợp với việc cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, khách hàng, sự an toàn của cả hệ thống, tiết giảm chi phí xã hội.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành thời gian 2,5 ngày để tiến hành chất vấn đối với 03 Bộ trưởng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các lĩnh vực: nông nghiệp và phát triển nông thôn; tài chính; ngân hàng; giao thông vận tải. Các vấn đề được Quốc hội lựa chọn là “trúng và đúng”, vừa có tính thời sự, vừa mang tính chiến lược, trong đó có những vấn đề đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa được giải quyết một cách căn cơ, đáp ứng được yêu cầu, mong mỏi của cử tri, Nhân dân và các vị đại biểu Quốc hội.

Qua theo dõi phiên chất vấn và thực tiễn giải quyết các vụ việc, tôi đánh giá thời gian qua ngành giao thông vận tải đã phát huy tinh thần trách nhiệm, nỗ lực vượt khó, hoàn thành khối lượng công việc lớn. Tuy nhiên, tôi cũng tán thành ý kiến của rất nhiều đại biểu Quốc hội, đó là bên cạnh những kết quả đạt được, ngành giao thông vận tải vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc về tiến độ, chất lượng triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia, hệ thống đường cao tốc; các tồn đọng trong đầu tư, khai thác, kinh doanh các dự án giao thông theo hình thức BOT…Đặc biệt có nhiều dự án trọng điểm kéo dài nhiều năm, gây lãng phí ngân sách nhà nước, ảnh hưởng rõ rệt đến đời sống của người dân khu có dự án.

Phóng viên: Quan tâm nhiều đến các nội dung thuộc lĩnh vực ngành giao thông vận tải, luật sư có đánh giá gì về những thành tựu đạt được và những tồn tại, hạn chế của ngành qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể?

ThS.Ls Lại Xuân Cường: Đúng như các đại biểu Quốc hội đã có đánh giá, ngành giao thông vận tải là xương sống, là mạch máu giao thông, phải đi trước mở đường, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng và an ninh. Điều đó lý giải cho việc có rất nhiều lĩnh vực cần lựa chọn đưa vào phiên chất vấn lần này nhưng Quốc hội đã chọn lĩnh vực của ngành giao thông vận tải, cho thấy tính thiết yếu của lĩnh vực và sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân đối với lĩnh vực quan trọng này là rất lớn.

Không thể phủ nhận rằng trong những năm gần đây, ngành giao thông vận tải đã hoàn thành khối lượng công việc lớn, hoàn thành 4 quy hoạch ngành theo Luật Quy hoạch; hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng hơn 1.000km đường bộ cao tốc; đang triển khai xây dựng và dự kiến tiếp tục khởi công hơn 2.000km đường bộ cao tốc trong giai đoạn 2021-2025; trình Quốc hội nhiều dự án, công trình quốc gia….Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phải thẳng thắn thừa nhận rằng ngành giao thông vận tải vẫn còn những vướng mắc, khó khăn, hạn chế cả trong việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và quản lý khai thác, vận hành khi đưa các dự án, công trình vào sử dụng. Việc chậm tiến độ các dự án giao thông quan trọng khá phổ biến, thường kéo dài thêm 2 đến 3 năm hoặc nhiều hơn, làm tăng tổng mức đầu tư từ 1,5 đến 2,5 lần hoặc nhiều hơn so với tổng mức đầu tư ban đầu, làm giảm hiệu quả đầu tư. Công tác giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn. Việc điều chỉnh vốn, việc phân chia gói thầu và trình tự thực hiện các gói thầu cũng chưa hợp lý. Nhiều tồn tại trong xử lý các tồn đọng đầu tư khai thác kinh doanh các dự án giao thông theo hình thức BOT….

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Tại nghị trường Quốc hội, có nhiều đại biểu đã chỉ rõ, thực tế hầu hết các công trình vừa qua đều không hoàn thành đúng theo tiến độ đã công bố; nhiều trạm thu phí trong đó có trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài gây bức xúc lớn cho người dân nhưng vẫn chưa được dỡ bỏ; tiến độ đầu tư xây dựng khu tổ hợp ga Ngọc Hồi bị chậm trễ, người dân trong vùng dự án không yên tâm sinh sống, sản xuất, kinh doanh; cao tốc Trung Lương - Thành phố Hồ Chí Minh đã xuống cấp trầm trọng nhưng chưa có phương án giải quyết để tăng hiệu quả và chất lượng lưu thông tuyến đường này; nhiều tuyến đường, cây cầu cứ nằm trên giấy và là lời hứa nhiều năm của Tư lệnh ngành…

Qua thực tiễn giải quyết các vụ việc, tôi nhận thấy, không những tốc độ xây dựng chậm mà các tuyến đường bộ cao tốc ở Việt Nam còn phân bổ không đồng đều giữa các vùng, miền, đặc biệt tình trạng trắng cao tốc tại các vùng kinh tế động lực như Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, vùng có vị trí chính trị quan trọng như Tây Nguyên, Tây Bắc.Vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ bao gồm 8 tỉnh, thành phố hiện chiếm 45% GDP cả nước và đóng góp 42% ngân sách quốc gia nhưng chưa được đầu tư đường bộ cao tốc tương xứng và có dấu hiệu lệch pha. Chưa kể đến, tình trạng giao thông của nhiều tỉnh miền núi phía Bắc hiện đang là 3 không: không có đường sắt, không có đường thủy và không có đường hàng không. Tuy nhiên, quan điểm về phát triển giao đường bộ ở khu vực này vẫn còn khó khăn và chậm trễ.

Phóng viên: Trên cơ sở chỉ ra những tồn tại, hạn chế của ngành giao thông, vận tải, luật sư có đề xuất giải pháp nào để lĩnh vực xương sống này tháo gỡ được nút thắt, tạo động lực cho phát triển kinh tế- xã hội?

ThS.Ls Lại Xuân Cường: Theo tôi, chúng ta cần quán triệt nguyên tắc vướng ở đâu thì tháo gỡ ở đó. Khi đã chỉ ra được những tồn tại, hạn chế thì chúng ta sẽ có giải pháp cụ thể đối với từng vấn đề để giải quyết các nút thắt. Do đó giải pháp đưa ra cũng phải đồng bộ và toàn diện để góp phần giải quyết tổng thể vấn đề từ khâu trước mắt cho đến chiến lược dài hạn.

Thứ nhất, cần tiếp tục rà soát xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc bảo đảm khả thi cả về tiến độ và bố trí vốn cũng như chất lượng của công trình, nhất là trong thời gian tới sẽ đồng thời triển khai hàng loạt dự án quan trọng quốc gia.

Thứ hai, cần có sự phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, bảo đảm dự án phù hợp với các quy hoạch liên quan và không gian phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; khẩn trương giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án công trình giao thông trọng điểm quốc gia. Muốn như vậy thì cần làm tốt khâu công bố thông tin, công bố quy hoạch, đảm bảo tính chính xác và minh bạch của thông tin.

Thứ ba, kiểm soát tốt từ bước khảo sát, lập hồ sơ thiết kế, dự toán đến công tác lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng và triển khai thi công, từ kiểm soát chất lượng vật liệu đầu vào đến kiểm soát quy trình thi công, công tác thí nghiệm nghiệm thu, tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường để kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, bất cập.

Thứ tư, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong từng công việc, từng vị trí có thể tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường tổ chức kiểm tra, thanh tra định kỳ đột xuất các dự án trọng điểm trong quá trình tổ chức triển khai.

Thứ năm, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu. Kiểm tra việc xây dựng, công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo đúng quy định của pháp luật. Kiểm soát tình trạng biến động giá nguyên nhiên, vật liệu xây dựng và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, nâng giá trục lợi.

Thứ sáu, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương có phương án giải quyết dứt điểm những vướng mắc bất cập còn tồn tại về trạm thu phí dự án BOT ngay trong năm 2022. Bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, nhà nước và nhà đầu tư. Thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Luật sư./.

Hồ Hương