THỰC THI CAM KẾT CỦA VIỆT NAM TẠI CÁC CÔNG ƯỚC, HIỆP ĐỊNH QUỐC TẾ VỀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ

15/06/2022

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, dự thảo Luật đã được sửa đổi theo hướng phân biệt giữa quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng và quyền phát sóng, truyền đạt tác phẩm trước công chúng, bảo đảm thực thi cam kết của Việt Nam tại các công ước, hiệp định quốc tế về sở hữu trí tuệ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về quyền tài sản, có ý kiến đề nghị bỏ đoạn “tại địa điểm mà công chúng có thể tiếp cận được nhưng công chúng không thể tự do lựa chọn thời gian và từng phần tác phẩm;” tại điểm b khoản 1 Điều 20. Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, quy định như dự thảo Luật là để phân biệt giữa quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng và quyền phát sóng, truyền đạt tác phẩm trước công chúng, tạo thuận lợi cho việc thực hiện quyền, đồng thời bảo đảm thực thi cam kết của Việt Nam tại Điều 11 Công ước Berne, Điều 12.6 Hiệp định EVFTA, Điều 18.59 Hiệp định CPTPP, Điều 8 Hiệp ước WCT. Do đó, xin giữ nội dung này như dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật sẽ thể hiện đồng bộ các nội dung chỉnh lý tại điểm d khoản 1 và điểm b khoản 3 Điều 20, điểm d khoản 3 và điểm b khoản 5 Điều 29, điểm b khoản 1 và điểm b khoản 3 Điều 30, điểm b khoản 1 và điểm b khoản 3 Điều 31.

Về các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả, có ý kiến đề nghị làm rõ về hành vi “tự sao chép”, “sao chụp” tại khoản 1 Điều 25; ý kiến khác cho rằng quy định được “tự sao chép” một bản nhưng phải bảo đảm việc “khai thác bình thường tác phẩm, không gây thiệt hại một cách bất hợp lý” tại khoản 2 Điều 25 trong điều kiện xây dựng thư viện số là rất khó thực hiện.

Toàn cảnh phiên họp

Giải trình vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, dự thảo Luật tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và bỏ cụm từ “sao chụp”; đồng thời, phân định các trường hợp ngoại lệ liên quan đến sao chép bằng việc quy định hành vi “tự sao chép” không bằng thiết bị sao chép công cộng (điểm a khoản 1 Điều 25) và “sao chép” bằng thiết bị sao chép (điểm b khoản 1 Điều 25).

Đối với các quy định về điều kiện áp dụng ngoại lệ tại điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị giữ như dự thảo Luật nhằm bảo đảm phù hợp với nguyên tắc phép thử 3 bước quy định trong các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Hơn nữa, Điều 28 của Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 của dự thảo Luật đã quy định về hành vi xâm phạm quyền tác giả, trong đó có hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các nghĩa vụ quy định tại Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ, nên nếu chứng minh được có vi phạm quyền tác giả thì chủ thể thực hiện hành vi sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng quy định rõ hơn tại điểm e khoản 1 nội dung: sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện để bảo quản, không nhằm mục đích thương mại, bản sao này phải được đánh dấu là bản sao lưu trữ và và giới hạn đối tượng tiếp cận theo quy định của Chính phủ, nhất là quy định về đối tượng tiếp cận hạn chế vì việc này có thể trái với mục tiêu bản sao là để lưu trữ.

Đối với ý kiến đề nghị bổ sung ngoại lệ đối với trường hợp dịch các tác phẩm bằng Tiếng Việt đã được xuất bản bởi tác giả người Việt Nam sang ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số để xuất bản và phân phối ở Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị không bổ sung nội dung này do không phù hợp với nguyên tắc phép thử 3 bước tại Công ước Berne và các cam kết quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên. Khi cần dịch các tác phẩm bằng tiếng Việt đã được xuất bản bởi tác giả người Việt Nam sang ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số để xuất bản và phân phối ở Việt Nam để bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ tài chính mua bản quyền quy định tại Điều 4 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP hoặc nhuận bút khuyến khích quy định tại Điều 4 Nghị định số 18/2014/NĐ-CP, Điều 4 Nghị định số 21/2015/NĐ-CP và các chính sách hỗ trợ tổng thể khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, với đề nghị bổ sung vào Điều 25 quy định ngoại lệ đối với việc sử dụng tác phẩm điện ảnh được sản xuất bằng ngân sách nhà nước để phục vụ nhiệm vụ chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, tác phẩm điện ảnh do Nhà nước đầu tư sản xuất thường có kinh phí lớn, có trường hợp 100% từ ngân sách nhà nước, có trường hợp hợp tác đầu tư với các tổ chức tư nhân; có trường hợp hoàn toàn vì mục tiêu phục vụ nhiệm vụ chính trị, có trường hợp kết hợp với các mục đích thu lợi nhuận... Do đó, nếu quy định tất cả tác phẩm điện ảnh được sản xuất bằng ngân sách nhà nước để phục vụ nhiệm vụ chính trị thuộc trường hợp ngoại lệ tại Điều 25 chưa thực sự phù hợp với thực tiễn. Hơn nữa, các tác phẩm này thuộc phạm vi điều chỉnh tại Điều 42 về Chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan là Nhà nước, việc quản lý, sử dụng tác phẩm sẽ tuân theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Nếu bổ sung các tác phẩm này thuộc trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả tức là mở rộng cho phép tổ chức, cá nhân được sử dụng không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền đối với tác phẩm điện ảnh mà Nhà nước là đại diện chủ sở hữu quyền tác giả. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, nội dung này cần được tiếp tục xem xét, đánh giá tác động kỹ lưỡng để sửa quy định có liên quan trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì mới có cơ sở xem xét việc bổ sung vào dự thảo Luật.

Minh Hùng