TẠO CƠ SỞ PHÁP LÝ ĐỂ THỐNG NHẤT TỔ CHỨC LAO ĐỘNG, HƯỚNG NGHIỆP, DẠY NGHỀ CHO PHẠM NHÂN NGOÀI TRẠI GIAM

15/06/2022

Trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Nghị quyết được xây dựng nhằm tạo cơ sở pháp lý để thống nhất tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các trại giam trong công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp.

 

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm 

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ, mục đích xây dựng Nghị quyết là nhằm tạo cơ sở pháp lý để thống nhất tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các trại giam trong công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân trong giai đoạn hiện nay; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác thi hành án phạt tù, công tác chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng được xây dựng nhằm đánh giá tính hiệu quả của mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, trên cơ sở đó đề xuất đưa (hoặc không đưa) quy định tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam vào quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, việc xây dựng Nghị quyết tuân thủ các quan điểm chỉ đạo như: phù hợp Hiến pháp năm 2013, các đạo luật và các quy định pháp luật có liên quan về công tác thi hành án hình sự, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm hiện nay cũng như trong thời gian tới; tạo cơ chế pháp lý hữu hiệu để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia vào công tác thi hành án hình sự. Bảo đảm phù hợp với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ về công tác thi hành án hình sự, phù hợp với các điều ước quốc tế Việt Nam là thành viên, đặt trong tổng thể và đồng bộ với quá trình cải cách tư pháp, cải cách hành chính ở nước ta từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và quá trình thực hiện Đề án về tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Toàn cảnh phiên họp

Bộ trưởng Tô Lâm cũng nêu rõ, việc xây dựng Nghị quyết dựa trên cơ sở kinh nghiệm thực tiễn tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam giai đoạn 2011 - 2019; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân trong giai đoạn hiện nay và trong những năm tiếp theo; các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khoa học, thực tiễn và khả thi, tiến hành khẩn trương, đồng bộ; kế thừa truyền thống nhân đạo của dân tộc, bảo đảm quyền con người; tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của nước ngoài phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phạm nhân; phạm nhân được hướng nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, tay nghề, được thụ hưởng các thành quả lao động, mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong án phạt tù.

Về những nội dung cơ bản của Nghị quyết, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, dự thảo Nghị quyết gồm 3 điều, cụ thể gồm: Điều 1. Thực hiện thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam thuộc Bộ Công an. Nghị quyết này quy định việc thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam thuộc Bộ Công an, trong đó trại giam hợp tác với tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam theo kế hoạch do Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an phê duyệt.

Trại giam chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, trực tiếp quản lý, giám sát khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam, quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo và tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân như trong trại giam. Tổ chức, cá nhân hợp tác với trại giam chịu trách nhiệm đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ quản lý giam giữ, bàn giao cho trại giam quản lý và phối hợp với trại giam thực hiện tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân. Số lượng trại giam được áp dụng thí điểm theo Nghị quyết này không quá một phần ba tổng số trại giam thuộc Bộ Công an.

Việc thực hiện thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam phải bảo đảm các nguyên tắc: bảo đảm an toàn; phục vụ có hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, tái hòa nhập cộng đồng; tạo điều kiện giúp phạm nhân tìm kiếm việc làm sau khi chấp hành xong án phạt tù; phạm nhân tham gia hoạt động lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam phải trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, được trả một phần công lao động và có quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự; Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh nơi trại giam đóng tại địa phương trực tiếp kiểm sát việc thi hành án phạt tù tại khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; thu nhập của tổ chức hợp tác với trại giam từ hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam trong thời gian thí điểm được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đánh giá tác động của mô hình này, Bộ trưởng Bộ Công an nêu rõ, về mặt kinh tế, quy định miễn thuế phần thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp có từ 30% số lao động bình quân trong năm trở lên là phạm nhân và thu nhập từ hoạt động dạy nghề dành riêng cho phạm nhân làm tăng lợi ích về mặt kinh tế của tổ chức, cá nhân hợp tác với trại giam để tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân. Tạo động lực để tổ chức, cá nhân đầu tư, hợp tác với trại giam bố trí việc làm và hỗ trợ hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân.

Cùng với đó, về mặt xã hội, việc quy định tổ chức, cá nhân hợp tác với trại giam được áp dụng chính sách pháp luật hiện hành về thuế như doanh nghiệp sử dụng lao động là đối tượng tệ nạn xã hội, người khuyết tật, người sau cai nghiện, người nhiễm HIV/AIDS là yếu tố thu hút tổ chức, cá nhân tham gia hợp tác với trại giam để tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân. Đây là cơ sở quan trọng góp phần thúc đẩy thực hiện mục tiêu xã hội hóa công tác thi hành án hình sự theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách Tư pháp đến năm 2020 và Kết luận số 92-KL/TW ngày 12 tháng 3 năm 2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược Cải cách Tư pháp.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, chính sách hỗ trợ, thu hút tổ chức, cá nhân hợp tác với trại giam thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước đối với các hoạt động liên quan đến đối tượng đặc thù là phạm nhân. Thông qua việc quy định chính sách ưu đãi về thuế cho tổ chức, cá nhân để tạo thêm cơ hội cho phạm nhân được tiếp cận với công việc sát với thực tiễn xã hội, được hướng nghiệp, dạy nghề và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng.

Hồ Hương