TIỂU BAN PHÁP LUẬT VỀ HÀNH CHÍNH VÀ CÔNG TÁC LẬP PHÁP CỦA ỦY BAN PHÁP LUẬT HỌP PHIÊN THỨ NHẤT

15/06/2022

Chiều 15/6, tại Nhà Quốc hội, ngay sau phiên họp toàn thể tại hội trường của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội thuộc Tiểu ban pháp luật về hành chính và công tác lập pháp của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp phiên thứ nhất. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Trưởng Tiểu ban pháp luật về hành chính và công tác lập pháp Nguyễn Trường Giang chủ trì phiên họp.

 

Tham dự phiên họp có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Trưởng Tiểu ban pháp luật về hành chính và công tác lập pháp Ngô Trung Thành cùng các đại biểu Quốc hội là thành viên Tiểu ban pháp luật về hành chính và công tác lập pháp của Ủy ban Pháp luật.

Phiên họp thứ nhất của Tiểu ban pháp luật về hành chính và công tác lập pháp của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Trưởng Tiểu ban pháp luật về hành chính và công tác lập pháp Nguyễn Trường Giang cho biết trên cơ sở Đề án đổi mới hoạt động của Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Pháp luật ban hành Nghị quyết số 658/NQ-UBPL15 về việc thành lập các Tiểu ban của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, trong đó có Tiểu ban pháp luật về hành chính và công tác lập pháp.

Theo Nghị quyết, Tiểu ban pháp luật về hành chính và công tác lập pháp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 6 của Quy chế làm việc của Ủy ban Pháp luật theo lĩnh vực phụ trách chính gồm: nghiên cứu, chuẩn bị các vấn đề về cán bộ, công chức, viên chức; hộ tịch; trung mua, trưng dụng, bồi thường nhà nước; sử dụng con dấu; xử lý vi phạm hành chính; hàng hải, hàng không; trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật; thanh tra, khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hội; quy trình xây dựng, ban hành, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; tổ chức và hoạt động của tổ chức pháp chế.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Trưởng Tiểu ban pháp luật về hành chính và công tác lập pháp Nguyễn Trường Giang cho biết, căn cứ vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022-2023, Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị, Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 và Chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, đối chiếu với nhiệm vụ, quyền hạn được giao,  Tiểu ban dự kiến kế hoạch triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Trưởng Tiểu ban pháp luật về hành chính và công tác lập pháp Nguyễn Trường Giang phát biểu tại phiên họp

Theo đó, dự kiến Tiểu ban sẽ tổ chức một số cuộc khảo sát, nghiên cứu về một số nội dung thuộc dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) để phục vụ việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022); Tổ chức nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến phục vụ thẩm tra của Ủy ban Pháp luật dự án Pháp lệnh điều chỉnh về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước; Nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị phục vụ Phiên giải trình của Ủy ban Pháp luật “Việc thực hiện quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý và việc quản lý viên chức theo chức danh nghề nghiệp".

Nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến phục vụ thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2022; về đề nghị bổ sung luật, pháp lệnh, nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình năm 2023 khi có đề nghị của Chính phủ, các cơ quan khác, tổ chức có thẩm quyền trình dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết; về đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023.

Các thành viên Tiểu ban pháp luật về hành chính và công tác lập pháp

Để giúp Tiểu ban hoàn thành tốt các nhiệm vụ được phân công, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Trưởng Tiểu ban pháp luật về hành chính và công tác lập pháp Nguyễn Trường Giang đề nghị các thành viên Tiểu ban chủ động nghiên cứu tài liệu, phát hiện vấn đề và gửi lại Thường trực Tiểu ban để tổng hợp. Đối với những nội dung mới phát sinh, Thường trực Tiểu ban sẽ gửi tài liệu đến các đại biểu ngay khi cơ quan trình gửi tài liệu để phục vụ công tác nghiên cứu và tham gia ý kiến. Đề nghị các thành viên Tiểu ban tích cực phối hợp, bố trí thời gian tham gia các hoạt động khảo sát thực tế, hội thảo, tọa đàm chuyên gia lấy ý kiến phục vụ công tác chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi); phục vụ công tác thẩm tra của Ủy ban Pháp luật.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Tiểu ban đều cơ bản nhất trí với dự kiến chương trình hoạt động của Tiểu ban pháp luật về hành chính và công tác lập pháp trong thời gian tới; đồng thời, đánh giá cao công tác chuẩn bị chủ động nội dung, chương trình hoạt động. Các đại biểu cũng đề nghị Tiểu ban sớm nghiên cứu để có phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng thành viên; kiến nghị việc bố trí thời gian các cuộc khảo sát thực tế phù hợp, việc lựa chọn địa phương khảo sát có tính đại diện, đặc trưng. Các đại biểu bày tỏ mong muốn các thành viên tham gia tích cực, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm giữa đại biểu địa phương và đại biểu trung ương, tăng cường trao đổi, đối thoại, có nhiều đề xuất kiến nghị và kỳ vọng hoạt động của Tiểu ban sớm triển khai đi vào thực chất hiệu quả, đóng góp vào thành công chung của hoạt động của Ủy ban Pháp luật và Quốc hội.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phó trưởng Tiểu ban pháp luật về hành chính và công tác lập pháp Ngô Trung Thành thống nhất với dự kiến chương trình hoạt động của Tiểu ban; đồng thời, đề nghị các thành viên Tiểu ban cố gắng sắp xếp thời gian để tham gia tích cực đầy đủ các hoạt động cũng như chia sẻ kinh nghiệm, kiến nghị, đề xuất để Tiểu ban hoạt động thiết thực hiệu quả

Ủy viên Ủy ban Pháp luật Đặng Bích Ngọc bày tỏ vui mừng được tham gia Tiểu ban và cho rằng phiên họp thứ nhất của Tiểu ban nhằm cho ý kiến về dự kiến nhiệm vụ trọng tâm là tiền đề quan trọng bảo đảm cho hoạt động của Tiểu ban trong thời gian tới chất lượng, hiệu quả, thực chất. Nhất trí với dự kiến chương trình công tác của Tiểu ban, đại biểu mong muốn sớm bố trí các cuộc khảo sát địa phương ở thời điểm thích hợp.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum, Ủy viên Ủy ban Pháp luật U Huấn đề nghị sớm có phân công nhiệm vụ cụ thể cho thành viên Tiểu ban

Thống nhất với dự kiến nhiệm vụ trọng tâm của Tiểu ban, Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Trần Hữu Hậu chia sẻ Tiểu ban mới thành lập do đó trong quá trình hoạt động việc chia sẻ kinh nghiệm thường xuyên, rút kinh nghiệm từ đó nâng cao chất lượng hoạt động là điều rất quan trọng

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Phạm Thị Xuân phát biểu tại phiên họp

Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Vĩnh Long, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Trịnh Minh Bình đề nghị việc lựa chọn địa điểm khảo sát thực tế mang tính chất đại diện vùng miền, có sự đặc trưng về quản lý; đồng thời mong muốn trong việc cung cấp thông tin tài liệu sớm gửi cho các đại biểu ở địa phương

Các thành viên Tiểu ban pháp luật về hành chính và công tác lập pháp của Ủy ban Pháp luật cùng các cán bộ Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội.

Bảo Yến - Nghĩa Đức