5 ĐIỂM ĐỔI MỚI SO VỚI THÔNG LỆ TRONG TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH GIÁM SÁT NĂM 2022

23/05/2022

Chiều 23/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2021 và bước đầu triển khai Chương trình giám sát năm 2022, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, hoạt động giám sát đã đạt được nhiều kết quả tích cực với một số đổi mới so với thông lệ trước đây….

 

Toàn cảnh Phiên họp 

Kịp thời phát hiện và có các kiến nghị phù hợp…

Năm 2021 là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Trong năm, Quốc hội tổ chức 3 kỳ họp, tiến hành tổng kết hoạt động của nhiệm kỳ khóa XIV và triển khai tổ chức hoạt động của nhiệm kỳ khóa XV; bộ máy của nhiều cơ quan nhà nước có sự điều chỉnh, nhiệm vụ được chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ, một số chính sách được định hướng mới. Ngoài ra, năm 2021 cũng là năm có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội. 

Trong bối cảnh đó, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã chủ động điều chỉnh, cải tiến, đổi mới cách thức tiến hành hoạt động giám sát để vừa đáp ứng được yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả, vừa phù hợp với tình hình thực tiễn. Theo đó, căn cứ từ quy định của pháp luật, cũng như xuất phát từ tình hình thực tế là năm chuyển giao giữa 02 nhiệm kỳ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã không tiến hành giám sát chuyên đề; Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tổ chức chất vấn tại các phiên họp. Các nhiệm vụ khác theo chương trình giám sát năm 2021 của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội đều đã được hoàn thành, bảo đảm tiến độ và chất lượng. Cụ thể:

(1) Việc xem xét các báo cáo tiếp tục được Quốc hội dành nhiều thời gian để thảo luận, xem xét kỹ lưỡng theo quy định, trong đó quan tâm đánh giá về những kết quả đạt được, hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và giải pháp khắc phục để các cơ quan triển khai thực hiện.

(2) Phiên chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 2 đã thành công tốt đẹp; với tinh thần chuẩn bị “từ sớm, từ xa”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến bước đầu về cách thức tổ chức chất vấn, trình tự, thủ tục lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và ban hành nghị quyết chất vấn. Các nhóm vấn đề chất vấn được lựa chọn thực sự là những vấn đề “nóng”, bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội trong thời gian qua; kết thúc phiên chất vấn, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về hoạt động chất vấn, làm căn cứ quan trọng để các cơ quan thực hiện bảo đảm kịp thời, khả thi, các cơ quan có thẩm quyền giám sát việc thực hiện.

(3) Hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật được chú trọng. Kết quả giám sát đã chỉ ra những nội dung chưa thực hiện hoặc thực hiện còn chậm trong việc thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát năm 2020; đồng thời, chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2021, làm rõ nguyên nhân và đưa ra các kiến nghị đối với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao

(4) Hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cử tri ngày càng được tăng cường, nhiều nguyện vọng chính đáng của cử tri đã được tiếp thu, nghiên cứu xử lý và trả lời thấu đáo. Đáng chú ý là kể từ phiên họp thứ 2 (tháng 8/2021), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định đưa công tác dân nguyện thành hoạt động thường xuyên, định kỳ xem xét, thảo luận tại phiên họp hằng tháng; bắt đầu từ phiên họp thứ 3 (tháng 9/2021), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ban Dân nguyện báo cáo, tham mưu việc giám sát những vụ việc nổi cộm; việc phân loại, xử lý các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài ở Trung ương và địa phương. Đây là một bước đổi mới quan trọng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

(5) Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban quan tâm, chú trọng, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và tiến hành các hoạt động giám sát với nhiều hình thức đa dạng; đã ban hành kế hoạch tổ chức phiên giải trình các vấn đề được cử tri, dư luận xã hội và đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm.

(6) Trong phạm vi địa phương, các Đoàn đại biểu Quốc hội cũng lựa chọn nhiều nội dung giám sát chuyên đề gắn với tình hình thực tế, tập trung vào một số vấn đề trọng tâm, bức xúc của đời sống kinh tế-xã hội, gắn với hoạt động xây dựng pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của Quốc hội.

(7) Bên cạnh các hoạt động nêu trên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, với tinh thần “Quốc hội hành động”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thành lập Tổ công tác thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội liên quan đến công tác phòng, chống COVID-19. Qua đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã góp phần quan trọng cùng cả nước xử lý kịp thời và kiểm soát được dịch COVID-19, duy trì sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thử thách.

Ủy viên  Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, trong năm 2021, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội đã tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyền hạn được giao, hoàn thành chương trình, kế hoạch giám sát đã đề ra. Thông qua hoạt động giám sát, đã kịp thời phát hiện và có các kiến nghị nhằm điều chỉnh, bổ sung, phát huy tính tích cực, giảm thiểu những hệ luỵ nảy sinh từ chính sách; chấn chỉnh kịp thời các sai sót, khuyết điểm trong quá trình thực hiện, góp phần thúc đẩy thực hiện tốt chính sách, pháp luật và các nhiệm vụ kinh tế - xã hội; góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.

Nhiều đổi mới so với thông lệ trước đây

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, để thực hiện “Việc đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội dự kiến những nội dung giám sát để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua các Nghị quyết về chương trình giám sát năm 2022; làm cơ sở để ban hành Kế hoạch triển khai nhằm tạo sự thống nhất, chủ động trong tổ chức thực hiện.

Trong đó, việc triển khai hoạt động của các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo sát sao và có một số điểm đổi mới so với thông lệ trước đây, đó là:

(1) Lần đầu tiên, các Đoàn giám sát có mời thêm sự tham gia của lãnh đạo một số cơ quan như: Kiểm toán nhà nước, các chuyên gia là lãnh đạo các Bộ, ngành và đặc biệt là sử dụng tối đa, có hiệu quả các kết quả, kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán;

 (2) Các Đoàn giám sát ban hành Nghị quyết phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên của Đoàn giám sát;

(3) Căn cứ tình hình thực tế và trên cơ sở xem xét báo cáo của các cơ quan, Đoàn giám sát sẽ lựa chọn cơ quan, địa phương và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi tổ chức giám sát trực tiếp tại cơ quan, địa phương, cơ sở;

(4) Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức việc thực hiện giám sát và gửi báo cáo về Đoàn giám sát;

(5) Các Đoàn đại biểu Quốc hội phải tổ chức giám sát đối với cả 04 chuyên đề (trước đây, Đoàn đại biểu Quốc hội chỉ tiến hành giám sát ở các địa phương mà Đoàn giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đến tiến hành giám sát trực tiếp); đồng thời, huy động sự phối hợp tham gia giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức chính trị, xã hội và chịu trách nhiệm bước đầu về kết quả giám sát, tính xác thực của báo cáo tại địa phương.

Đặc biệt, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội cho phép đổi mới trong ban hành Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội là không ban hành kèm theo kế hoạch giám sát, chỉ đưa một số nội dung chính như: phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian xem xét báo cáo... vào Nghị quyết; đồng thời, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua kế hoạch chi tiết, đề cương báo cáo của các Đoàn giám sát chuyên đề; xác định cụ thể hơn về đối tượng, nội dung giám sát tại Kế hoạch chi tiết để tạo sự chủ động cho Đoàn giám sát trước khi Trưởng Đoàn giám sát ký ban hành đã mang lại kết quả tích cực, là bài học kinh nghiệm cho việc xây dựng và triển khai các đoàn giám sát chuyên đề những năm tiếp theo.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường còn cho biết, bên cạnh giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có nhiều đổi mới. Qua chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy, việc lựa chọn và quyết định nội dung chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là rất “đúng” và “trúng”, vừa có tính thời sự cấp bách, vừa mang tính chiến lược, lâu dài, đáp ứng nguyện vọng của cử tri, Nhân dân cả nước. Trước khi tổ chức chất vấn, lãnh đạo Quốc hội đã nghe các cơ quan, người bị chất vấn báo cáo về công tác chuẩn bị của hoạt động chất vấn, các kiến nghị, đề xuất liên quan để kịp thời chỉ đạo, xử lý các vướng mắc phát sinh. Kết thúc phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn. Đây là nghị quyết chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để nâng cao hiệu lực thi hành và làm cơ sở để giám sát việc thực hiện./.

Lê Anh - Phạm Thắng