THƯỜNG TRỰC ỦY BAN PHÁP LUẬT THẨM TRA ĐỀ XUẤT BỔ SUNG DỰ ÁN LUẬT PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VÀO CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2023

09/05/2022

Chiều 09/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Thường trực Ủy ban Pháp luật họp phiên mở rộng để thẩm tra đề nghị của Chính phủ về việc bổ sung dự án Luật Phát triển công nghiệp vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

 

Cùng dự phiên họp có các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các Bộ Tư pháp, Bộ Công thương và các cơ quan hữu quan.

Thường trực Ủy ban Pháp luật họp phiên mở rộng

Phát biểu mở đầu phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, để chuẩn bị cho phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV với nhiều nội dung quan trọng, Thường trực Ủy ban Pháp luật tổ chức phiên họp mở rộng để thẩm tra Tờ trình của Chính phủ đề nghị đưa dự án Luật Phát triển công nghiệp vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về đề nghị đưa dự án Luật Phát triển công nghiệp vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, sau 35 năm đổi mới mở cửa nền kinh tế, Việt Nam đã dần trở thành một trong những trung tâm sản xuất công nghiệp của thế giới và thuộc nhóm quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp trung bình cao toàn cầu. Do đó, việc bổ sung dự án Luật Phát triển công nghiệp vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 là cần thiết nhằm thể chế hoá các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đồng thời, khắc phục được những vướng mắc bất cập trong thực tiễn phát triển công nghiệp Việt Nam.

Chính phủ đề xuất xây dựng dự án luật này với 6 nhóm chính sách lớn bao gồm: tăng cường thực thi định hướng phát triển công nghiệp; tăng cường liên kết chuỗi giá trị trong các ngành công nghiệp; thúc đẩy phân bố không gian công nghiệp, liên kết vùng trong phát triển công nghiệp; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm công nghiệp; phát triển bền vững trong công nghiệp; thực hiện phân công, phân cấp trong phát triển công nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu trình bày Tờ trình của Chính phủ

Trên cơ sở hồ sơ đề nghị xây dựng luật, chính phủ đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét đưa dự án luật phát triển công nghiệp vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và tháng 5/2023, thông qua tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2023.

Điều hành nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, phát triển công nghiêp là vấn đề thời sự, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Từ năm 2018, đã có Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII tiếp tục xác định  mục tiêu phát triển đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Để thực hiện các mục tiêu đề ra, cần thiết rà soát hoàn thiện thể chế, pháp luật liên quan đến phát triển công nghiệp, trong đó có việc xây dựng luật riêng về nội dung này nhưng điều quan trọng là luật ban hành được bảo đảm luật khả thi, đồng bộ, thống nhất, tránh luật khung, luật ống, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến tán thành với Chính phủ về việc trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét đưa dự án Luật Phát triển công nghiệp vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để thực hiện yêu cầu tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển công nghiệp, bám sát Định hướng Chương trình lập pháp của Quốc hội khóa XV và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuy nhiên, cũng có có ý kiến băn khoăn về việc xây dựng dự án Luật này, vì phạm vi, đối tượng phát triển công nghiệp rất rộng, trong đó nhiều lĩnh vực công nghiệp cụ thể đã có luật điều chỉnh. Do đó, đề nghị Chính phủ xác định rõ trong Tờ trình phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Hiện nay, phạm vi điều chỉnh của Luật được nêu tại các tài liệu trong hồ sơ đề nghị xây dựng luật chưa thống nhất, cụ thể, Tờ trình của Chính phủ không nên phạm vi điều chỉnh của Luật; Đề cương chi tiết xác định phạm vi điều chỉnh của Luật rất rộng. Cũng có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu giới hạn phạm vi điều chỉnh của Luật này.

Các ý kiến cũng đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện về nội dung Tờ trình, Báo cáo đánh giá tác động chính sách, Đề cương chi tiết của Luật, Báo cáo rà soát thực trạng công nghiệp Việt Nam, Báo cáo rà soát pháp luật và cam kết quốc tế để bảo đảm yêu cầu theo quy định.

 Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại phiên họp

Liên quan đến thời gian trình dự án Luật, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 5. Tuy nhiên số lượng các dự án, dự thảo, báo cáo dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 thuộc trách nhiệm chủ trì thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Kinh tế đã là rất nặng. Để bảo đảm yêu cầu chất lượng dự án Luật, đại biểu đề nghị lùi thời điểm trình Quốc hội 01 kỳ họp so với đề nghị của Chính phủ, cụ thể là cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 và thông qua tại Kỳ họp thứ 7 để Chính phủ có thêm thời gian xây dựng dự án Luật, các cơ quan của Quốc hội có đủ thời gian nghiên cứu, thẩm tra, bảo đảm chất lượng dự án Luật trình Quốc hội.

Cùng quan điểm bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và trình Quốc hội lần đầu tại Kỳ họp thứ 6, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường bày tỏ nhất trí với sự cần thiết xây dựng luật về vấn đề này thực hiện định hướng và thể chế hóa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, thực hiện cam kết quốc tế, khắc phục khó khăn, bất cập trong phát triển công nghiệp, đồng thời đề nghị tiếp tục làm rõ các nội dung chính sách của dự án Luật.

Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Phương Thủy bày tỏ băn khoăn khi dự án Luật trình muộn theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Về mặt nội dung, dự án Luật còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ từ tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, liên quan đến mâu thuẫn chồng chéo các quy định hiện hành, thực trạng pháp luật…Vì vậy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cho rằng, khi nào các vấn đề cơ bản cốt lõi của dự án Luật được làm rõ thì mới đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trình Quốc hội.

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết trên cơ sở ý kiến tại phiên họp, Thường trực Ủy ban Pháp luật sẽ hoàn thiện báo cáo thẩm tra sơ bộ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 11 (tháng 5/2022); đồng thời, đề nghị Bộ Công thương tiếp tục nghiên cứu làm rõ các vấn đề nêu ra tại phiên họp để có báo cáo giải trình bổ sung.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng lưu ý các cơ quan cần chủ động, mạnh mẽ hơn trong thực hiện Đề án định hướng chương trình lập pháp của Quốc hội khóa XV và Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hạn chế tình trạng trình muộn. 

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Thị Kim Nhung trao đổi ý kiến nghiên cứu ban đầu của Thường trực Ủy ban về đề nghị của Chính phủ

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho rằng nên trình dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 6

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường nhất trí với sự cần thiết bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cho rằng dự án Luật cần tiếp tục được hoàn thiện, làm rõ nhiều nội dung

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải - đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật bày tỏ mong muốn dự án Luật sớm được trình Quốc hội trong năm 2023; đồng thời cam kết sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến tại phiên họp, tiếp tục làm rõ các nội dung, phối hợp với các cơ quan hữu quan để bảo đảm chất lượng dự án trình.

Bảo Yến - Phạm Thắng