THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT DẦU KHÍ (SỬA ĐỔI): LĨNH VỰC DẦU KHÍ CẦN CÓ ƯU ĐÃI ĐẶC BIỆT

14/04/2022

Tại phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Trước đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức phiên họp toàn thể để thẩm tra dự án Luật này. Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là chính sách về ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án dầu khí.

 

Ủy ban Kinh tế thẩm tra dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)

Việt Nam đang đứng trước một thực tế là số lượng hợp đồng dầu khí mới được ký kết gần đây giảm mạnh (từ năm 2015 đến năm 2019 mỗi năm chỉ có 01 hợp đồng dầu khí được ký; năm 2020 và năm 2021 không có hợp đồng dầu khí nào được ký). Nguyên nhân khách quan là các phát hiện mới ở Việt Nam trong thời gian qua phần lớn có trữ lượng nhỏ, các diện tích mở còn lại đều được đánh giá có tiềm năng ở mức hạn chế, chủ yếu là khí, tập trung ở khu vực thuộc đối tượng của chính sách khuyến khích đầu tư theo quy định của Luật Dầu khí. Bởi vậy, việc đánh giá đúng hiện trạng của các điều khoản kinh tế - thương mại của hợp đồng dầu khí và hệ thống các văn bản pháp lý so với các nước trong khu vực là hết sức cần thiết để xây dựng được chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với bối cảnh hiện nay, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho lĩnh vực hoạt động dầu khí của Việt Nam so với các nước khác trong khu vực.

Trên cơ sở đó dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc chung xác định các lô dầu khí được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt.

Đối với các lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư, giữ nguyên các mức ưu đãi theo quy định hiện hành, cụ thể giữ nguyên mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 32% và thuế suất thuế xuất khẩu dầu thô là 10%, tỷ lệ thu hồi chi phí là 70% sản lượng dầu khí khai thác được trong năm.

Đối với các lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt, dự thảo Luật quy định mức ưu đãi thấp hơn để thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí, cụ thể: mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 25% (Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành chưa quy định mức thuế suất này), thuế suất thuế xuất khẩu dầu thô là 5% (nằm trong khung thuế suất thuế xuất khẩu theo quy định) và mức thu hồi chi phí tối đa 80% sản lượng dầu khí khai thác được trong năm.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân trình bày Tờ trình dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)

Tại phiên họp thẩm tra, các đại biểu cho rằng lĩnh vực dầu khí cần có các quy định mang tính đặc thù, trong đó có quy định về ưu đãi đầu tư song cần rà soát bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật về đầu tư, xây dựng, đấu thầu, giải quyết tranh chấp; pháp luật thuế; rà soát điều khoản chuyển tiếp; nhấn mạnh mục tiêu nâng cao hiệu quả khai thác dầu khí thông qua cải cách thủ tục hành chính, quy định thủ tục hành chính một cách phù hợp hơn. Cùng với đó, hoạt động dầu khí mang tính quốc tế cao nên cần phù hợp với các thông lệ quốc tế.

Cơ bản tán thành với quy định tiêu chí xác định ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực dầu khí, các đại biểu cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu bổ sung thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư; thời hạn xác định nhà thầu, nhà đầu tư quan tâm, thời hạn thực hiện lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư là điều kiện để áp dụng ưu đãi đặc biệt; bổ sung quy định về ưu đãi có thời hạn và trên cơ sở kết quả thực hiện dự án; cần quy định cụ thể mức thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế suất xuất khẩu dầu thô, tỷ lệ thu hồi chi phí với một số hoạt động dầu khí. 

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thành Trung phát biểu tại phiên họp thẩm tra dự án Luật

Theo Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Lê Ngọc Sơn một trong những vấn đề cấp thiết của lần sửa đổi này là tạo ra cơ chế hấp dẫn hơn để khuyến khích hơn các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực dầu khí. Bởi thực tế, thời gian qua đầu tư thăm dò dầu khí hạn chế, có nhiều lô được mời chào nhưng nhà đầu tư không tham gia vì không đủ ưu đãi. Trong 7 năm qua chỉ ký được 3 hợp đồng mới, còn số hợp đồng chấm dứt là 18, sản lượng liên tục suy giảm hàng năm và gia tăng trữ lượng hàng năm không bù được. Trước thực trạng đó, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho rằng nếu vẫn giữ cơ chế như hiện tại thì khó có thể thu hút được nhà đầu tư.

Tuy nhiên, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thành Trung chỉ rõ, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đã quy định khung thuế cho hoạt động khai thác, thăm dò dầu khí từ 30 - 50%, trong khi các mức thuế được quy định tại dự án Luật này vẫn nằm trong khung thuế suất đó. Việc quy định mức thuế suất cụ thể trong luật chuyên ngành không đúng với nguyên tắc các mức thuế suất chỉ được quy định trong luật về thuế đã được các luật gốc quy định.

Chỉ rõ chính sách về ưu đãi đầu tư được quy định tại dự thảo Luật có hai điểm mới, song Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho rằng quy định về ưu đãi thuế khó có thể giúp đạt mục tiêu đề ra. Bởi, nếu đưa mức thuế thu nhập doanh nghiệp, tỷ lệ thu hồi chi phí ngang bằng các quốc gia khác, thì dự thảo Luật khi ban hành sẽ có nguy cơ "lạc hậu sớm", vì ngay sau đó các quốc gia khác có thể sửa đổi chính sách, pháp luật liên quan của họ để đưa ra mức thuế ưu đãi cao hơn nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu 

Nhấn mạnh với chính sách thuế toàn cầu thì ưu đãi về thuế tại dự thảo luật không còn nhiều lợi thế, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho rằng cần phải có gói cơ chế ưu đãi đặc biệt theo nhu cầu của nhà đầu tư mà hai bên đều tìm thấy lợi ích chung..

Có cùng quan điểm, Cục trưởng Cục tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến cho rằng, tới đây sẽ nghiên cứu và có bộ ưu đãi khác. Nhưng hiện tại công cụ thuế vẫn còn tác dụng. Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết các nội dung ưu đãi về thuế đã được quy cân nhắc kỹ về việc có nên quy định trong Luật lần này hay không. Trong khi luật về thuế chưa sửa được thì trước mắt cần đưa ưu đãi thuế vào Luật Dầu khí (sửa đổi), nếu không thì không phát huy được quy định này khi ban hành luật.

Ngoài ra, tại phiên họp cũng có ý kiến đề nghị bổ sung thuyết minh cụ thể hơn về mức độ đóng góp trở lại của các hoạt động này đối với nền kinh tế nếu được triển khai, củng cố cơ sở thực tiễn của việc áp dụng chính sách ưu đãi, ưu đãi đặc biệt như quy định trong dự án Luật./.

Bảo Yến