Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm trình bày Tờ trinh
Trình bày Tờ trình Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) tại Phiên họp thẩm tra sơ bộ do Ủy ban Pháp luật tổ chức, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm nêu rõ, kế thừa những quy định của Luật Thanh tra hiện hành, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế bất cập trong hoạt động thanh tra thời gian qua; dự thảo Luật được sửa đổi theo hướng quy định các bước tiến hành thanh tra chặt chẽ, cụ thể, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát và phân biệt với các hoạt động kiểm tra thường xuyên của cơ quan quản lý nhà nước. Dự thảo Luật sửa đổi quy định nguyên tắc hoạt động thanh tra được áp dụng theo quy định của Luật này và các quy định khác của Luật chuyên ngành có liên quan. Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan nhà nước khác có tổ chức cơ quan thanh tra chuyên ngành ban hành quy trình nghiệp vụ về thanh tra chuyên ngành phù hợp với đặc điểm quản lý của ngành, lĩnh vực do mình phụ trách.
Theo đó, Dự thảo Luật quy định việc xây dựng, ban hành Định hướng hoạt động thanh tra và kế hoạch thanh tra hằng năm nhằm bảo đảm hoạt động thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động giữa các cơ quan thanh tra và giữa cơ quan thanh tra với các cơ quan kiểm tra, giám sát, kiểm toán nhà nước. Việc chuẩn bị thanh tra nhằm nâng cao hiệu quả của cuộc thanh tra, đồng thời bảo đảm nguyên tắc hoạt động thanh tra không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị dự kiến là đối tượng thanh tra.
Đồng thời, quy định việc ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra; nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng đoàn thanh tra; nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Đoàn thanh tra. Trưởng đoàn thanh tra, Thành viên Đoàn thanh tra phải là người có phẩm chất đạo đức và chuyên môn tốt, không có xung đột lợi ích khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra và việc thay đổi Trưởng Đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra được thực hiện khi cần thiết. Việc tiến hành thanh tra của các cơ quan thanh tra nhà nước thông qua hoạt động của Đoàn thanh tra, như: công bố quyết định thanh tra; xác định địa điểm, thời gian làm việc của Đoàn thanh tra; việc thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra; kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu; xử lý sai phạm trong quá trình thanh tra,… Đặc biệt, dự thảo Luật bổ sung một số quy định nhằm tháo gỡ vướng mắc trong công tác thanh tra hiện nay như việc sửa đổi, bổ sung Kế hoạch tiến hành thanh tra; việc tạm dừng cuộc thanh tra; việc đình chỉ cuộc thanh tra;…
Dự thảo Luật quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra; các quyền trong hoạt động thanh tra của Trưởng đoàn thanh tra; thành viên Đoàn thanh tra. Đồng thời, xác định nghĩa vụ cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo, giải trình của đối tượng thanh tra và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đối với việc xử lý sai phạm trong quá trình thanh tra, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, Dự thảo Luật quy định nếu phát hiện hành vi vi phạm thì Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra lập biên bản về hành vi vi phạm đó để làm cơ sở xử lý theo quy định của pháp luật; nếu phát hiện thấy dấu hiệu của việc tẩu tán, chuyển dịch, hủy hoại tài sản thì đề nghị cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập và cơ quan có thẩm quyền khác có biện pháp ngăn chặn kịp thời hành vi đó. Đây là quy định nhằm cụ thể hóa quy định Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02 tháng 6 năm 2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Dự thảo Luật cũng quy định việc xây dựng và ban hành Kết luận thanh tra, trong đó quy định việc thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra phải bảo đảm chất lượng, tính chính xác, khách quan của các kết luận, kiến nghị. Đặc biệt, dự thảo Luật quy định nhằm bảo đảm tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của cơ quan thanh tra và bảo đảm sự chỉ đạo của Thủ trưởng cơ quan quản lý trong quá trình ban hành Kết luận thanh tra: Người ra quyết định thanh tra ký ban hành Kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm về kết luận, kiến nghị của mình. Nếu thấy vụ việc phức tạp hoặc theo yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp, Người ra quyết định thanh tra báo cáo, xin ý kiến bằng văn bản Thủ trưởng cơ quan quản lý trước khi ký Kết luận thanh tra. Kết luận thanh tra phải được ký trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có ý kiến đồng ý của Thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp.
Ngoài ra, Dự thảo Luật quy định một mục về giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của Người ra quyết định thanh tra, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp thành viên Đoàn thanh tra; nội dung giám sát hoạt động Đoàn thanh tra; nhiệm vụ, quyền hạn của người thực hiện giám sát; trách nhiệm của Trưởng Đoàn thanh tra, Thành viên Đoàn thanh tra trong hoạt động giám sát; Tổ chức việc giám sát, báo cáo giám sát…