Toàn cảnh phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)
Tại phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) do Thường trực Ủy ban Xã hội tổ chức, trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội thông qua và ban hành năm 2007 đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần bảo vệ người bị bạo lực gia đình, xử lý các hành vi bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình, nâng cao bình đẳng giới trong gia đình. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế - xã hội, vấn nạn bạo lực gia đình có xu hướng trầm trọng hơn, đa dạng hơn, phức tạp hơn. Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng nêu trên là do các quy định, chính sách trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành còn tồn tại nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội Việt Nam giai đoạn hiện nay. Vì vậy, cần sửa đổi luật hiện hành để tháo gỡ, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, đặc biệt là những bất cập trong các quy định về bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình.
Cụ thể, hiện nay các thủ tục hành chính và điều kiện để xử lý vụ việc bạo lực gia đình trong luật hiện hành còn khá phức tạp. Nhiều nạn nhân bạo lực gia đình ngại tiếp xúc với chính quyền vì không biết phải trình bày thế nào và bị người gây bạo lực đe dọa nếu viết đơn hoặc tố cáo. Luật hiện hành quy định khi áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc thì phải có đơn đề nghị. Việc quy định viết đơn trong áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc là thủ tục hành chính không cần thiết gây khó khăn cho chính người bị bạo lực cũng như các cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, luật hiện hành không quy định rõ ai là người phải ra khỏi nhà khi xảy ra bạo lực gia đình, hầu hết các vụ bạo lực gia đình, người phải ra khỏi nhà lại là người bị bạo lực. Luật cũng thiếu các quy định cụ thể về việc cứu người trong trường hợp cấp thiết, đặc biệt với các nạn nhân là trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ cũng như các nhóm dễ bị tổn thương, yếu thế khác.
Luật hiện hành quy định các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ được áp dụng kịp thời để bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình, chấm dứt hành vi bạo lực gia đình, giảm thiểu hậu quả do hành vi bạo lực gây ra. Tuy nhiên, các biện pháp này thiếu khả thi trong thực tiễn, nhiều ý kiến cho rằng cần có quy định cụ thể về việc yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình hoặc cử công an viên đến nhà để làm việc với người gây bạo lực gia đình. Nội dung này vừa giúp ngăn chặn vụ việc bạo lực gia đình, bảo vệ người bị bạo lực gia đình, vừa có tính răn đe, giáo dục người gây bạo lực gia đình và nâng cao nhận thức, thái độ của cộng đồng.
Ngoài ra, việc phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình quy định tại Điều 18 Luật hiện hành cũng chưa làm rõ nội dung về trách nhiệm xác minh, xử lý tin báo về vụ việc bạo lực gia đình. Thực tiễn cho thấy đây là một bước rất quan trọng, ảnh hưởng tới tính kịp thời và hiệu quả của việc ngăn chặn, xử lý vụ việc bạo lực gia đình. Luật hiện hành cần bổ sung các quy định cụ thể để bảo vệ và hỗ trợ các nhóm tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình (đặc biệt là người trực tiếp ngăn chặn, xử lý vụ việc bạo lực gia đình).
Cùng với đó, qua thực tế áp dụng, luật hiện hành cũng bộc lộ những bất cập trong các quy định về xử lý hành vi bạo lực gia đình và vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình. Cụ thể, Chương V của luật hiện hành quy định về xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực và khiếu nại, tố cáo. Chương này thiếu những quy định để xử lý trường hợp hành vi bạo lực gia đình chưa đến mức bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Biện pháp phạt tiền trong xử phạt hành chính đối với người có hành vi bạo lực gia đình chưa phát huy hiệu quả. Nhiều trường hợp, người bị bạo lực gia đình là người đứng ra nộp phạt và số tiền nộp phạt lấy từ tài sản chung của gia đình. Điều này khiến cho người bị bạo lực gia đình không muốn tố cáo hành vi bạo lực gia đình trong lần tiếp theo và cũng không giúp cho việc răn đe, giáo dục đối với người gây bạo lực. Vì vậy, ngoài phạt tiền thì cần có các biện pháp mang tính bền vững hơn như giáo dục kiểm soát hành vi, nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật, hỗ trợ người gây bạo lực tham gia các khóa học về kỹ năng kiểm soát hành vi bạo lực, chủ động cai nghiện rượu, bia, cờ bạc, nghiện game bạo lực, ma túy, các chất gây nghiện để hạn chế bạo lực gia đình.
Luật hiện hành cùng chưa có quy định về việc hỗ trợ, động viên, giúp đỡ người có hành vi bạo lực gia đình sau khi bị xừ lý theo quy định của pháp luật để họ không tái diễn hành vi bạo lực gia đình. Ngoài ra, luật hiện hành chưa quy định rõ về thẩm quyền và trách nhiệm của công an cấp xã trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, xác minh và xử lý hành vi bạo lực gia đình. Vì vậy, cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình để tháo gỡ, khắc phục những vướng mắc, bất cập này, tạo cơ sở nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, hạnh phúc./.