CẦN QUY ĐỊNH CHẶT CHẼ HƠN VIỆC KHAI THÁC SỬ DỤNG QUỐC CA

12/04/2022

Câu chuyện về sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca thời gian qua đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri, nhân dân, đặc biệt là các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Tất cả xoay quanh câu chuyện về mối quan hệ giữa quyền tác giả và quyền liên quan. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần có quy định chặt chẽ trong việc cho phép khai thác, sử dụng và phổ biến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca trong đời sống xã hội.

 

Sự cố Quốc ca bị ngắt âm thanh trên nền tảng số trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Lào trong khuôn khổ AFF Cup 2020 (tối 6/12/ 2021) đã khiến gần 100 triệu người dân Việt Nam bất ngờ, ngỡ ngàng. Từ sự cố trên cho thấy lỗ hổng pháp lý khá lớn bởi từ năm 1957 đến nay, Việt Nam chưa có văn bản nào quy định về việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca. Từ thực tế này, Chính phủ đã đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 7 trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, quy định không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.

Bàn về vấn đề này,  một số chuyên gia cho rằng, trước những sự cố đã xảy ra, dự thảo Luật cần bổ sung các quy định chặt chẽ, tránh tình trạng lợi dụng kẽ hở để thương mại hóa. Có đại biểu cũng cho rằng cần nâng cấp các quy định lên một tầm cao mới để đảm bảo tính pháp lý, sự tôn nghiêm, đáp ứng nhu cầu phổ biến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương

Theo đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, từ trước đến nay vẫn chưa có quy định rõ ràng, chặt chẽ về vấn đề này do đó mới xảy ra tình trạng Quốc ca đang phát bị dừng vì sợ vi phạm về bản quyền của người ghi âm, ghi hình. Do đó, tại khoản 2 Điều 7 trong dự thảo Luật đã nêu rõ tất cả những quyền liên quan đến Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy là không được quyền ngăn chặn, phải để Quốc gia có quyền phổ biến Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy.

Dẫn chứng việc trên thực tế đã có trường hợp lợi dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca để thương mại hoá với lý do “hát và dựng Quốc ca bằng phong cách riêng cá nhân”, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Viết Chức cho rằng hành động như vậy là đang lách luật, do đó cần phải ngăn cấm tất cả mọi hành vi lợi dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca để thương mại hoá.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Viết Chức

Ngoài ra, chuyên gia Nguyễn Tiến Dũng – thành viên Hội đồng Tư vấn kinh tế, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng việc sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 7 dự thảo Luật là chưa ổn vì bản quyền, bản phối là của tác giả, nếu sử dụng bản phối phải xin phép tác giả, do đó đại biểu đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa quyền tác giả, bản quyền và các quyền liên quan.

Theo quy định hiện hành, nếu bất kỳ ai bỏ tiền, thời gian, công sức, kỹ thuật ra sản xuất bản ghi thì là chủ sở hữu hợp pháp của bản ghi, bất kỳ ai sử dụng bản ghi đó thì phải xin phép nhà sản xuất. Nhưng theo các chuyên gia, Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là “đối tượng đặc biệt”, là “biểu tượng của quốc gia quy định trong Hiến pháp" nên cần phải quy định chặt chẽ, đối xử đặc biệt hơn so với các tác phẩm văn học nghệ thuật thông thường, tránh những rắc rối phát sinh. Hiện nay, Việt Nam mới có các quy định về xử lý hành vi xâm phạm đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca chứ chưa quy định cụ thể về sử dụng theo Luật Sở hữu trí tuệ.

Toàn cảnh Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ngày 28/3

Trước đó, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tổ chức ngày 28/3 vừa qua, nhiều ý kiến đại biểu cũng bày tỏ quan điểm đồng tình với quy định về quyền tác giả, quyền liên quan đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca. Theo đó, các đại biểu cho rằng, một số vụ việc đặc biệt liên quan đến Quốc ca trên không gian mạng như Youtube, Facebook và trường hợp ngắt tiếng khi phát hình ảnh đội bóng hát Quốc ca hát đã gây bức xúc cho dư luận xã hội, ảnh hưởng đến việc nhân dân được tiếp cận với Quốc ca, ảnh hưởng đến hình ảnh cũng như là thể diện quốc gia.

Một số đại biểu cũng nêu rõ, nếu không có quy định cụ thể về quyền tác giả cũng như các quyền liên quan thì cũng có thể xảy ra những việc nhân danh sáng tạo nghệ thuật để có hành vi cản trở, ngăn chặn, sử dụng theo quy định pháp luật đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca Việt Nam hoặc là xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, lợi dụng việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan để ngăn chặn, cản trở việc tiếp cận, phổ biến, sử dụng thông qua các đối tượng được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan mà có chứa đựng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca. Do đó, việc có thêm quy định về hành vi, chế tài, bản quyền đối với các nội dung có tính chất pháp lý quan trọng là cần thiết, nhằm đảm bảo vừa giữ gìn được tính pháp lý, tính trang nghiêm, tôn nghiêm của Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, vừa đáp ứng nhu cầu phổ biến đến nhân dân và hội nhập quốc tế và nhu cầu thực tiễn./.

Minh Thành

Các bài viết khác