ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG, NÂNG CAO HOẠT ĐỘNG Y TẾ VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ, MIỀN NÚI

12/04/2022

Thảo luận về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế dân tộc giai đoạn 2016-2021, nhiều đại biểu cho rằng cần đảm bảo chất lượng hoạt động y tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; đồng thời cần có chính sách nâng cao chất lượng y tế cơ sở vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

 

Đại diện Bộ Y tế báo cáo tại buổi làm việc với Đoàn Giám sát của Hội đồng Dân tộc

Báo cáo việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế liên quan đến công tác dân tộc trong giai đoạn 2016-2021, đại diện Bộ Y tế nêu rõ, giai đoạn 2016-2021, Bộ Y tế đã ban hành theo thẩm quyền và trình cấp có thẩm quyền ban hành 276 văn bản, về cơ bản các văn bản bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của cơ quan, tổ chức và công dân liên quan đến y tế và công tác dân tộc.

Đại diện Bộ Y tế cho biết, giai đoạn 2016-2021, Bộ Y tế không ban hành văn bản quy định chi tiết các điều, khoản, điểm của luật, pháp lệnh có nội dung liên quan đến công tác dân tộc cũng như các văn bản để tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có liên quan đến công tác dân tộc. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng có nhiều Đề án, chiến lược, chính sách quốc gia có các nội dung liên quan đến triển khai những nhiệm vụ liên quan đến công tác dân tộc về dân số, kế hoạch hoá gia đình, sức khoẻ bà mẹ trẻ em và bảo hiểm y tế. Đồng thời tích cực triển khai một số lĩnh vực liên quan đặc biệt đến công tác dân tộc như việc triển khai thực hiện bảo hiểm y tế cho các đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng khó khăn được quy định tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ; chú trọng lồng ghép trong các văn bản, thông tư quy định về các gói y tế cơ sở, trong đó có gói dịch vụ y tế cơ bản đặc thù dành cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo để bảo đảm quyền, lợi ích, tăng cường sức khoẻ của người dân tại vùng khó khăn;…Về cơ bản các văn bản bảo đảm về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân nói chung, trong đó có đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.

Bộ Y tế cũng chú trọng lồng ghép trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc trong một số lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực y tế cơ sở, chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em, dân số. Một số nội dung liên quan đến công tác dân tộc bảo đảm được triển khai quán triệt trong quá trình từ xây dựng văn bản đến tổ chức triển khai phổ biến tuyên truyền và phát triển thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế

Tham gia thảo luận về vấn đề trên, PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu chỉ ra rằng, báo cáo của Bộ đã bộc lộ rõ việc chưa bám sát vào tiêu chí, đề cương của Đoàn Giám sát. Đặc biệt, báo cáo lại tập trung vào liệt kê các văn bản quy phạm pháp luật chứ không phải những văn bản liên quan đến công tác dân tộc. Nhấn mạnh mục tiêu của Đoàn Giám sát là những văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc, PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu đề nghị Bộ Y tế rà soát, đánh giá lại các văn bản; làm rõ hơn tính thống nhất giữa văn bản cũ với văn bản mới và sự chồng chéo giữa các cơ quan liên quan.

PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu nhấn mạnh, nhiều dược liệu quý cở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay chưa được quan tâm phát triển; các bài thuốc dân tộc, lương y dân tộc chưa được phát huy; các vấn đề về vệ sinh môi trường, phòng bệnh chữa bệnh chưa cao; tình trạng nhân lực y tế một số nơi còn thiếu và yếu chưa đáp ứng được yêu cầu Đảng, Nhà nước đặt ra. Do đó chuyên gia đề nghị Bộ Y tế làm rõ nguyên nhân xuất phát từ chính sách hay việc thực thi chính sách. Đồng thời đánh giá sâu hơn những nội dung chính sách liên quan đến các vấn đề trên.

Cùng với đó, Uỷ viên Chuyên trách Hội đồng Dân tộc Lê Nhật Thành nêu rõ, báo cáo của Bộ Y tế chậm hơn so với yêu cầu của Đoàn Giám sát. Cùng với đó, báo cáo chưa chỉ rõ giai đoạn 2016-2021 có bao nhiêu văn bản quy định chi tiết các điều, khoản, điểm của Luật; chưa chỉ rõ các Luật được ban hành có bao nhiêu điều, khoản, điểm liên quan đến công tác dân tộc. Uỷ viên Chuyên trách Hội đồng Dân tộc cũng cho biết, báo cáo của Bộ Y tế chưa chỉ rõ được các điều, khoản, điểm trong Luật giao cho Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết để triển khai. Cùng với đó, chưa làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể của các cơ quan liên quan trong việc tham mưu ban hành, cụ thể hoá các quy định của Luật về y tế liên quan đến vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

Uỷ viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Bế Trung Anh phát biểu tại buổi giám sát

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, báo cáo của Bộ Y tế chưa nêu ra một số văn bản mà Bộ nằm trong phạm vi chịu trách nhiệm thực hiện. Đơn cử như Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và Thông tư 02/2021/TT-BYT quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ của cộng tác viên dân số.

Theo đại biểu, tại khoản 9 Điều 3 Nghị định 146/2018/NĐ-CP bổ sung nhóm do ngân sách nhà nước đóng đối với đối tượng hưởng bảo hiểm y tế. Theo đó, Đoàn Giám sát rất quan tâm đến vấn này để phục vụ chính sách cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Tuy nhiên, Bộ Y tế chưa làm rõ quy trình thực hiện chính sách cũng như các văn bản Bộ đã ban hành dưới Nghị định.

Bên cạnh đó, giai đoạn 2016-2021 là giai đoạn sáp nhập trung tâm dân số ở các địa phương vào trung tâm y tế, điều đó đã làm hụt các thông tin, truyền thông, cũng như thực hiện các dịch vụ từ cấp địa phương, cấp huyện, cấp xã đối với công dân số. Cùng với đó sẽ có những khó khăn trong hoạt động của đội ngũ dân số, kế hoạch hoá gia đình và trung tâm dân số kế hoạch hoá gia đình. Đại biểu cho rằng, những khó khăn trên nếu được đánh giá tác động, điều chỉnh thì rất tốt để vừa thực hiện Nghị quyết của Trung ương về tỉnh giản biên chế, các quyết định của Chính phủ, vừa đảm bảo hoạt động, bao phủ trong vấn đề y tế nói chung và y tế vùng dân tộc thiểu số, miền núi nói riêng.

Ngoài ra, Uỷ viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Bế Trung Anh cho rằng, hiện nay Bộ Y tế đã có những chính sách cụ thể để y tế cơ sở phát triển, tuy nhiên, trên thực tế lại có sự chênh lệch rõ ràng giữa chất lượng hoạt động của y tế cơ sở vùng dân tộc thiểu số, miền núi với y tế cơ sở các vùng khác trên cả nước. Do đó cần có chính sách để cân bằng, nâng cao năng lực hoạt động của y tế cơ sở vùng dân tộc thiểu số.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry 

Nhấn mạnh chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội thời gian tới có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến đồng bào dân tộc thiểu số, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry cho rằng cần quan tâm hơn đến tính đặc thù của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và có những nội dung quy định cụ thể từng điều, khoản. Đồng thời đề nghị Bộ Y tế chú trọng, quan tâm đến những nội dung liên quan tới phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng cho rằng, hiện nay, việc thực tiễn thực hiện và áp dụng các chính sách y tế vùng dân tộc thiểu số còn chung chung, chưa rõ ràng và khó thực hiện. Do đó Bộ Y tế cần có đánh giá khách quan, nhìn nhận trách nhiệm và đặt ra các giải pháp tháo gỡ.

Nêu rõ khi tiến hành xây dựng, ban hành một chính sách đều phải đánh giá tác động và nội dung các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật đi vào thực tiễn sẽ là câu trả lời cho các đơn vị liên quan, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị Bộ Y tế cần rút kinh nghiệm trong thời gian tới, đặc biệt trong quá trình tham gia cần làm hết trách nhiệm, đến nơi đến chốn để nâng cao công tác chăm sóc sức khoẻ đồng bào vùng dân tộc thiểu số, miền núi./.

Minh Thành