Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Đánh giá bước đầu về báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao về việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Tổ công tác cho rằng về cơ bản, các nội dung báo cáo đã bám sát đề cương, phụ lục, bảng biểu theo yêu cầu của Đoàn giám sát. Báo cáo cũng phản ánh khá toàn diện tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Tòa án nhân dân tối cao trong 05 năm qua; cung cấp nhiều số liệu cụ thể để minh chứng cho các đánh giá, nhận định về tình hình thực hiện, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo giai đoạn 2016-2021; chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và kiến nghị, đề xuất các giải pháp cụ thể về hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
Tuy nhiên, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như trụ sở tiếp công dân của Tòa án nhân dân tối cao chưa đáp ứng được yêu cầu về cơ sở vật chất, chưa bảo đảm sự gắn kết giữa hoạt động tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo, tỷ lệ giải quyết đơn tố cáo chưa cao…
Theo Báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, những tồn tại, hạn chế trên chủ yếu là do nguyên nhân khách quan như: một số trường hợp lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo gửi đơn sai sự thật hoặc không có căn cứ gây khó khăn, cản trở trong hoạt động tố tụng và công tác giải quyết, xét xử của Tòa án; công việc tăng nhưng biên chế không được bổ sung; cơ chế bảo vệ người giải quyết khiếu nại, tố cáo đảm bảo; quy trình xử lý đơn chuyển đi chuyển lại nhiều lần, ảnh hưởng đến thời hạn xử lý; một số cơ chế, chính sách pháp luật còn bất cập, chưa phù hợp...
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà, Tổ trưởng Tổ công tác trình bày báo cáo
Tuy nhiên, Báo cáo chưa chỉ rõ và cụ thể chính sách pháp luật nào (về luật nội dung hay luật tố tụng), gây khó khăn trong việc đánh giá và đề xuất, kiến nghị. Đồng thời, Báo cáo cũng chưa tập trung làm rõ những nguyên nhân chủ quan xuất phát từ các Thẩm phán, cán bộ, công chức Tòa án nhân dân các cấp để đề xuất những giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế. Trong cả 02 Báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao; 03 Báo cáo của Tòa án nhân dân cấp cao và 29 Báo cáo của Tòa án nhân dân cấp tỉnh đều nhận định: Việc thụ lý, giải quyết các vụ án hành chính gặp nhiều khó khăn vướng mắc liên quan đến việc thực hiện vai trò của người bị kiện là người đứng đầu cơ quan hành chính, người đứng đầu các Sở, ngành tham gia vào quá trình giải quyết vụ án hoặc ủy quyền cho cấp phó tham gia nhưng thực tế là không tham gia hoặc có đơn xin xét xử vắng mặt, không thực hiện trách nhiệm cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ... làm ảnh hưởng đến chất lượng xét xử của tòa, đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện. Tổ công tác cho rằng, đây một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều án hành chính Tòa án nhân dân đồng ý với quyết định giải quyết của Ủy ban nhân dân và cũng là nguyên nhân làm công dân e ngại khi tìm công lý tại tòa.
Tổ công tác cho rằng, đây là thực trạng mà bản thân ngành Tòa án nhân dân đã nhận thấy, tuy nhiên, Tòa án nhân dân tối cao chưa có kiến nghị, giải pháp cụ thể liên quan đến ban hành hoặc sửa đổi quy định của pháp luật, nhất là quy định chế tài nghiêm minh đối với những trường hợp này để bảo vệ quyền lợi của người khởi kiện là công dân, khắc phục tình trạng chây ì của chính quyền và bảo vệ có hiệu quả quyền lợi của người dân.
Về kết quả thực hiện công tác rà soát việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, đông người, Tổ công tác cho biết Lãnh đạo Tòa án đã chỉ đạo các đơn vị thường xuyên rà soát, báo cáo kết quả về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo để giải quyết kịp thời, dứt điểm, đặc biệt là đối với các vụ việc có tính chất phức tạp, đông người.
Công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo được lãnh đạo các Tòa án quan tâm, triển khai tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn những hạn chế nhất định. Tổ công tác đề nghị Tòa án nhân dân tối cao phối hợp chặt chẽ với Chính phủ trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật của người dân, nhất là trên các lĩnh vực về xây dựng, đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, nhằm hạn chế phát sinh khiếu kiện.
Về việc đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ, công chức, Tòa án nhân dân tối cao thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ xét xử, các lớp bồi dưỡng, duy trì tổ chức tập huấn trực tuyến, tập trung vào việc triển khai thi hành các văn bản pháp luật mới, các vướng mắc trong thực tiễn xét xử, kỹ năng giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo... Các Tòa án nhân dân cấp tỉnh cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho Thẩm phán, công chức và tập huấn về công tác tiếp công dân tại địa phương.
Tổ công tác đề nghị, Tòa án nhân dân các cấp trong thời gian tới cần có đánh giá tổng thể công tác này, qua đó khắc phục những tồn tại, hạn chế; lựa chọn cán bộ có năng lực, chuyên môn, kỹ năng tốt thực hiện công tác tiếp dân để có thể giải thích, hướng dẫn người dân kịp thời, tránh khiếu nại, tố cáo kéo dài. Đồng thời, Tòa án nhân dân tối cao cần phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ trong việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nâng cao nhận thức và trách nhiệm thực hiện pháp luật tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo cho cán bộ, công chức ngành Tòa án nhân dân.
Về công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Tòa án nhân dân tối cao thường xuyên ban hành kế hoạch kiểm tra công tác chuyên môn đối với các Tòa án, trong đó lồng ghép thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để kịp thời phát hiện, xử lý và rút kinh nghiệm, chấn chỉnh đối với những sai sót, vướng mắc trong hoạt động của Tòa án.
Tổ công tác nhận thấy, việc xử lý cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự thông qua khiếu nại, tố cáo được thực hiện nghiêm. Tuy nhiên, trong Báo cáo chưa có thông tin về việc xử lý cán bộ, công chức có sai phạm trong công tác tiếp công dân, đề nghị Tòa án nhân dân báo cáo bổ sung nội dung này.
Về kết quả ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống Tòa án được tăng cường. Nhiều phần mềm được đưa vào sử dụng như: số hóa hồ sơ các loại án; cấp sao trích lục bản án; quản lý quá trình giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; công bố bản án, quyết định của Tòa án; phần mềm quản lý án; phần mềm thống kê tại đơn vị Tòa án; phần mềm ứng dụng trong tiếp nhận, xử lý đơn khởi kiện, cấp tống đạt thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử...
Tuy nhiên, việc triển khai, thực hiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về đơn thư khiếu nại, tố cáo, cũng như bảo đảm tính liên thông trong việc quản lý hoạt động này tại các vụ chuyên môn thuộc Tòa án nhân dân tối cao cũng như tại Tòa án nhân dân địa phương chưa được làm rõ trong Báo cáo. Tổ công tác đề nghị Tòa án nhân dân tối cao bổ sung báo cáo, làm rõ nội dung này./.