TS.BS TRẦN TUẤN: CẦN THỂ HIỆN RÕ CƠ CHẾ GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

11/04/2022

Tán thành sự cần thiết phải sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh, TS.BS Trần Tuấn - Trung tâm Nghiên cứu & Đào tạo Phát triển Cộng đồng cho rằng, một trong những nội dung quan trọng cần điều chỉnh trong dự thảo luật là thể hiện rõ cơ chế giám sát, đánh giá chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đảm bảo nguyên tắc khoa học, độc lập, khách quan.

 

TS.BS Trần Tuấn - Trung tâm Nghiên cứu & Đào tạo Phát triển Cộng đồng

Nghiên cứu dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, TS.BS Trần Tuấn cho biết, hiện tại phần thể hiện chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, được quy định rải khắp trong các chương của dự luật, nhưng chưa giúp người đọc hình dung rõ ràng về một cơ chế giám sát, đánh giá chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh đảm bảo nguyên tắc khoa học, độc lập, khách quan.

Theo TS.BS Trần Tuấn Chương I, Điều 2 cần bổ sung các thuật ngữ về giám sát, đánh giá chất lượng dịch vụ y tế độc lập, định nghĩa chủ thể đánh giá độc lập xét cho từng loại hình dịch vụ khám chữa bệnh (công, tư, ngoài nhà nước nhân đạo phi vụ lợi). Đặc biệt, với Chương IV, Mục 3 “Chứng nhận, công nhận chất lượng đối với cơ sở khám chữa bệnh”, Điều 49 “đánh giá và chứng nhận chất lượng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”, các Khoản 1, 2 đều cần được sửa lại để làm rõ và đảm bảo nguyên tắc khoa học, độc lập, khách quan trong giám sát, đánh giá chất lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bất kể là công, tư, hay ngoài nhà nước nhân đạo phi vụ lợi.

Chương V (Các quy định về chuyên môn trong khám chữa bệnh) và Chương VII (Sai sót chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh) hiện chưa thể hiện được rõ và tách bạch giữa: (a) cơ chế  nội bộ cơ sở cung cấp dịch vụ tự theo dõi giám sát đánh giá chất lượng dịch vụ, với: (b) yêu cầu giám sát, đánh giá chất lượng và điều tra tai biến trong tiến trình cung cấp dịch vụ tiến hành độc lập bởi bên ngoài (khách quan) cho mục tiêu cải thiện chất lượng hệ thống dịch vụ.  

“Phần chỉnh sửa cho Chương VII cần được đặt vấn đề từ “đánh giá, xử lý sai sót” cá nhân, sang hướng tập trung vào đánh giá sai sót cho mục tiêu phát hiện “vấn đề hệ thống” để cải thiện chất lượng toàn hệ thống. Cách viết ở phiên bản hiện tại mới dừng ở “phát hiện sai sót lỗi cá nhân”, nghiêng về cho mục tiêu “trừng phạt”…”, TS.BS Trần Tuấn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, TS.BS Trần Tuấn cũng đề xuất làm rõ ràng, minh bạch nguồn tài chính trong dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cho từng chủ thể cung cấp dịch vụ, đảm bảo sự công bằng là động lực thúc đẩy cạnh tranh cải thiện chất lượng dịch vụ và kiểm soát nguy cơ tăng giá dịch vụ y tế trong nền kinh tế thị trường toàn cầu hóa.  

TS.BS Trần Tuấn cho rằng, dự thảo Luật chưa thể hiện được rõ tính công bằng trong cạnh tranh chất lượng dịch vụ và giá dịch vụ cung cấp giữa các chủ thể công, tư, ngoài nhà nước nhân đạo phi vụ lợi, qua cơ chế tài chính (Chương VIII, Điều 85: Nguồn tài chính cho khám bệnh, chữa bệnh và tài chính của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, và Điều 86: Ngân sách nhà nước chi cho công tác khám bệnh, chữa bệnh). Kết hợp với Chương VII (sai sót chuyên môn kỹ thuật trong khám chữa bệnh) và sự chưa rõ ràng trong giám sát, đánh giá chất lượng dịch vụ cho mục tiêu cải thiện chất lượng hệ thống, khiến Dự Luật đang có nguy cơ làm mất động lực cạnh tranh công bằng cho phát triển của kinh tế thị trường giúp nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh và hạn chế sự tăng giá của dịch vụ y tế.

Theo TS.BS Trần Tuấn sự cạnh tranh trong khuôn khổ luật pháp bình đẳng giữa các chủ thể cung cấp dịch vụ (công, tư, ngoài nhà nước nhân đạo phi vụ lợi) trong tiếp cận các nguồn tài chính là động lực cho sự cải thiện chất lượng dịch vụ hướng tới kết quả cuối cùng cho sức khỏe người bệnh và cho chính sự tồn tại phát triển các loại hình cung cấp dịch vụ y tế, nên việc bảo đảm nguyên tắc tiếp cận nguồn tài chính công bằng giữa các chủ thể phải được thiết lập một cách rõ ràng bởi luật.

Ngoài ra, TS.BS Trần Tuấn cũng đề xuất, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh cần quan tâm điều chỉnh làm rõ vai trò, vị thế của Luật trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của Việt Nam; Thể hiện rõ các nguyên tắc tổ chức và vận hành hệ thống cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh an toàn cho bệnh nhân và công bằng giữa các chủ thể trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa;…./.

Vũ Hà