CẦN LÀM RÕ TRÁCH NHIỆM ĐỂ TRÁNH TÌNH TRẠNG CHẬM BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT.

11/04/2022

Thảo luận về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên môi trường liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021, các đại biểu đã chỉ ra nhiều bất cập, hạn chế đang tồn tại trên thực tiễn. Trên cơ sở đó, một số đại biểu cho rằng cần đánh giá sự ảnh hưởng để làm rõ trách nhiệm cụ thể, tránh tình trạng chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật.


Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa báo cáo tại buổi làm việc

Báo cáo việc triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021 với Đoàn Giám sát của Hội đồng Dân tộc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, giai đoạn 2016-2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường không được giao xây dựng văn bản quy định chi tiết các điều, khoản, điểm của luật, pháp lệnh có nội dung liên quan đến công tác dân tộc. Cùng với đó, Bộ cũng không được giao xây dựng chương trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản để tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có liên quan đến công tác dân tộc.

Tuy nhiên, đối với các văn bản ban hành theo thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trình ban hành văn bản có nội dung liên quan đến công tác dân tộc về lĩnh vực môi trường và lĩnh vực tài nguyên nước. Bộ cũng đã xây dựng và triển khai Đề án Phổ biến, giáo dục và nâng cao nhận thức chính sách, pháp luật về đất đai cho các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư trong phạm vi cả nước, ưu tiên đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và nông thôn giai đoạn 2016-2020; thực hiện Chương trình điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng cao, vùng khan hiếm nước…

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa, việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường vẫn còn có những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, khó khăn như: mức bồi thường thấp nên biện pháp thu hồi đất của một số đối tượng để giao lại cho đồng bào không thực hiện được; giải quyết vấn đề di cư tự do còn lúng túng và thiếu bền vững; vẫn còn nhiều hộ đồng bào thiếu đất ở, đất sản xuất; việc thực hiện chính sách đất ở, đất sản xuất cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số gặp khó khăn về quỹ đất.

Để thực hiện tốt hơn nữa công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét chỉ đạo nghiên cứu đề xuất xây dựng một đạo luật riêng về lĩnh vực dân tộc nhằm thể chế hoá chủ đường lối, chủ tưởng của Đảng, các quy định của Hiến pháp về dân tộc và chính sách dân tộc. Đồng thời chỉ đạo thực hiện hiệu quả hoạt động lồng ghép vấn đề dân tộc trong quy trình lập pháp, ngay từ giai đoạn lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Cho ý kiến về báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, một số đại biểu cho rằng, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ còn chậm. Ngoài ra, trong báo cáo của Bộ mới chỉ đề cập đến việc đang triển khai xây dựng Nghị định quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường 2020, chưa cung cấp thông tin cụ thể về việc tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết. Các đại biểu cũng nhấn mạnh, năm 2018 Bộ mới tham mưu cho Chính phủ ban hành 02 Nghị định quy định chi tiết của Luật Tài nguyên nước 2012, chậm 6 năm sau khi luật có hiệu lực. Tuy nhiên, xét về thời điểm, Luật Tài nguyên nước 2012 không nằm trong giai đoạn giám sát theo yêu cầu của Đoàn Giám sát, nhưng từ đó cho thấy thực trạng của việc chậm ban hành văn quy phạm pháp luật. Do vậy, các đại biểu đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nghiêm túc đánh giá về tác động, sự ảnh hưởng của việc chậm ban hành có liên quan đến công tác dân tộc.

Đánh giá về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường có liên quan đến công tác dân tộc, PGS.TG Nguyễn Quốc Sửu – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội chỉ ra rằng, Luật Bảo vệ môi trường  được ban hành năm 2020, nhưng đến nay Bộ mới “đã và đang” tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật, do đó đề nghị Bộ tường minh quy trình của vấn đề này, đã thực hiện đến đâu.

Lấy ví dụ việc Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành 02 Nghị định quy định chi tiết các điều, khoản, điểm của Luật Tài nguyên nước năm 2012, PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiêm túc đánh giá tác sự ảnh hưởng của việc chậm ban hành văn bản đến công tác tổ chức triển khai thực hiện chính sách dân tộc. Đồng thời nhấn mạnh, nếu không đánh giá được sự ảnh hưởng thì sẽ không quy được trách nhiệm, không quy được trách nhiệm sẽ dẫn đến tình trạng tiếp tục chậm ban hành văn bản.

Cho rằng những đề xuất, kiến nghị còn chung chung, không liên quan đến lĩnh vực tài nguyên môi trường, PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, bổ sung kiến nghị, đề xuất bám sát nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ có liên quan đến công tác dân tộc.

Đồng tình với quan điểm trên, Uỷ viên Chuyên trách Hội đồng Dân tộc Lê Nhật Thành cho rằng, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới báo cáo việc thực hiện chính sách dân tộc liên quan đến lĩnh vực Bộ quản lý chưa bám sát đề cương Đoàn Giám sát yêu cầu, chưa đánh giá được những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình ban hành, tham mưu Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc cũng như việc đánh giá nguyên nhân, bài học kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới. Cùng với đó, những kiến nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa sát với chức năng, nhiệm vụ của Bộ.

Đại biểu Leo Thị Lịch – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh, trong báo cáo tổng thể của Chính phủ còn nhiều nhóm chính sách liên quan đến công tác dân tộc chưa được cụ thể hoá, trong đó có nội dung thuộc trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường về cơ chế thúc đẩy tập trung đất đai, tạo quỹ đất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đại biểu khẳng định, vấn đề này có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi nhưng hiện nay Bộ vẫn chưa thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cũng cho biết, chính sách giao đất, cho thuê đất là những điểm trọng tâm của vùng dân tộc thiểu số, miền núi đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung triển khai. Các chính sách được quy định tại điều 68, điều 110, điều 118, điều 132, điều 133, điều 165 của Luật Đất đai năm 2013 và khoản 4 Điều 46 Nghị định 43/2014/NĐ-CP. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, tình trạng thiếu đất sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi vẫn đang xảy ra. Vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường làm rõ những nội dung bất cập, không còn phù hợp cần sửa đổi, dự kiến sửa đổi để làm cơ sở sửa đổi, xây dựng luật và chính sách.

Nhấn mạnh tài nguyên môi trường là cơ sở tạo ra nguồn lực, động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi, Uỷ viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Bế Trung Anh cho rằng cần có cơ quan chuyên trách làm công tác dân tộc để triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc.

Bên cạnh đó, đại biểu Leo Thị Lịch – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang nêu rõ, trong giai đoạn 2016-2021, Quốc hội đã thông qua Luật Quy hoạch và Luật Bảo vệ môi trường, hai luật đều có quy định liên quan đến công tác dân tộc. Trong đó, Luật Quy hoạch có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, tuy nhiên, trong báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa đề cập đến việc thực hiện giảm thiểu tiêu cực về kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi trong quá trình thực hiện quy hoạch tỉnh, quy hoạch huyện.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry nêu rõ, Bộ Tài nguyên và Môi trường có liên quan đến trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện các quy định của Luật và đặc biệt là những quy định trong các Nghị quyết của Quốc hội. Đơn cử như Nghị quyết 112/2015/QH13 liên quan đất đai nông, lâm trường hay Quyết định 2085/QĐ-Ttg liên quan tới vấn đề giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số,…Có thể thấy, trong thực tiễn đã có những nội dung được quy định nhưng triển khai được vào thực tiễn để hỗ trợ đồng bào.

Nhấn mạnh hiện nay các vấn đề liên quan tới vệ sinh môi trường, giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng được Bộ triển khai rất chậm, các đối tượng khu vực này chưa tiếp cận được chính sách, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường làm rõ những vướng mắc, khó khăn, đưa ra đề xuất, kiến nghị rõ ràng; đồng thời làm rõ trách nhiệm của Bộ và các cơ quan liên quan trong quá trình phối hợp tổ chức triển khai thực hiện chính sách./.

Minh Thành