ỨNG PHÓ KỊP THỜI VỚI DỊCH BỆNH, BẢO ĐẢM SỨC KHỎE CHO ĐỐI TƯỢNG LÀ TRẺ EM

07/03/2022

Triển khai Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm; Luật Khám bệnh, chữa bệnh và một số luật có liên quan, tiếp thu ý kiến các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Y tế đã đưa ra Hướng dẫn chăm sóc tại nhà đối với trẻ em mắc COVID-19 để ứng phó kịp thời với những biến động phức tạp của dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe cho đối tượng là trẻ em.

 

Tại Phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, sau dịp nghỉ Tết Nguyên Đán, số ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tăng cao khiến nhiều cử tri bày tỏ lo lắng. Ban Dân nguyện kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, các bộ ngành liên quan sớm có giải pháp căn cơ, hiệu quả, chủ động và linh hoạt hơn để tránh tình trạng dịch bệnh bùng phát trở lại.

Về chủ trương cho học sinh đi học trực tiếp tại trường, nhiều cử tri bày tỏ lo ngại về việc đảm bảo an toàn phòng dịch, Ban Dân nguyện kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế ban hành và thực hiện tốt các quy định về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, đảm bảo an toàn tuyệt đối khi cho học sinh đi học, nhằm giúp cho phụ huynh và học sinh an tâm.

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri rất quan tâm đến việc bảo vệ sức khỏe cho đối tượng là trẻ em trước tình hình dịch bệnh COVID-19 có diễn biến phức tạp

Ngoài ra, Trưởng Ban Dân nguyện cũng cho biết, cử tri và dư luận hoan nghênh Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về việc mua vắc xin phòng COVID-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, tuy nhiên, cử tri vẫn còn băn khoăn, lo lắng khi triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, vì vậy, đề nghị các ngành chức năng cần nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng trước khi đưa vào sử dụng.

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về vấn đề phòng, chống COVID-19 cho đối tượng trẻ em, các đại biểu cho rằng hiện nay, khi nhà trường mở cửa để trẻ em đi học trực tiếp trở lại, khả năng nhiễm bệnh đối với các em cũng tăng lên, vấn đề sử dụng thuốc cho các em lại càng trở nên quan trọng. Nếu trẻ em có sức đề kháng tốt, không có biểu hiện gì hoặc chỉ có biểu hiện nhẹ, chúng ta có thể hướng dẫn phụ huynh và các em về việc tăng cường dinh dưỡng, bổ sung vitamin... Nhưng trường hợp các em có những bệnh lý từ nhỏ, đặc biệt với các em có liên quan đến bệnh về phổi, phế quản, đường hô hấp, thường dễ có biểu hiện nặng, thì càng cần có sự hướng dẫn kỹ càng hơn nữa về việc chăm sóc, điều trị, dùng thuốc với các em. Các đại biểu đề nghị có những chỉ dẫn cụ thể, chi tiết về việc điều trị với đối tượng đặc biệt này.

Triển khai thực hiện Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã được Quốc hội thông qua, để ứng phó kịp thời với những biến động phức tạp của dịch bệnh và bảo đảm sức khỏe của đối tượng trẻ em, Bộ Y tế đã có Hướng dẫn chăm sóc tại nhà đối với trẻ em mắc COVID-19 ban hành kèm Quyết định 528/QĐ-BYT ngày 03/3/2022 của Bộ Y tế.

Theo đó, với trẻ em điều trị COVID-19 tại nhà, Bộ Y tế hướng dẫn sử dụng thuốc khi điều trị COVID-19 như sau: khi bị sốt với thân nhiệt ≥ 38,5 độ C, cần dùng thuốc hạ sốt Paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần (uống hoặc đặt hậu môn, cách tối thiểu 4 - 6 giờ nếu cần nhắc lại, hoặc sử dụng liều theo tuổi. Lưu ý tổng liều thuốc không quá 60 mg/kg/ngày. Về thuốc cân bằng điện giải khi mất nước (do sốt cao, tiêu chảy, mệt mỏi), phụ huynh nên khuyến khích trẻ uống nhiều nước, có thể sử dụng nước trái cây hoặc Oresol (pha và dùng theo đúng hướng dẫn), nếu trẻ không muốn uống Oresol có thể thay thế bằng nước đun sôi để nguội, nước trái cây. Bộ Y tế khuyến cáo không nên sử dụng các dung dịch nước ngọt công nghiệp (không sản xuất từ hoa quả) để bù nước.

Cần có những chỉ dẫn cụ thể, chi tiết về việc chăm sóc, điều trị với đối tượng là trẻ em

Bên cạnh đó, phụ huynh có thể cho trẻ sử dụng các loại thuốc điều trị triệu chứng khi cần thiết, bao gồm thuốc giảm ho (ưu tiên các thuốc từ thảo mộc), xịt rửa mũi, nhỏ mũi bằng dung dịch natriclorua 0,9%, men vi sinh, men tiêu hóa. Với trẻ đang được sử dụng các thuốc điều trị bệnh nền theo đơn ngoại trú thì tiếp tục sử dụng theo hướng dẫn.

Đặc biệt, Bộ Y tế cũng lưu ý phụ huynh không xông cho trẻ em, không tự ý cho trẻ em dùng thuốc kháng vi rút, kháng sinh, kháng viêm... khi chưa có chỉ định của nhân viên y tế.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, để chăm sóc trẻ nhiễm COVID-19 tại nhà, cần chuẩn bị một số vật dụng cần thiết như nhiệt kế; máy đo SpO2 cá nhân (nếu có); khẩu trang y tế; phương tiện vệ sinh tay; vật dụng cá nhân cần thiết; thùng chứa chất thải lây nhiễm có nắp đậy. Bộ Y tế cũng hướng dẫn các gia đình chuẩn bị sẵn các loại thuốc để điều trị cho trẻ em mắc COVID-19, bao gồm tuốc hạ sốt: Paracetamol (gói bột hoặc cốm pha hỗn dịch uống hoặc viên hàm lượng 80mg, 100mg, 150mg hoặc 250mg, đủ dùng từ 05 - 07 ngày); thuốc cân bằng điện giải: Oresol, gói bù nước, chất điện giải khác; thuốc giảm ho (ưu tiên các thuốc từ thảo mộc), đủ dùng từ 05 - 07 ngày; dung dịch nhỏ mũi: Natriclorua 0,9%, đủ dùng từ 05 - 07 ngày; thuốc điều trị bệnh nền (nếu cần, đủ sử dụng trong 01-02 tuần).

Về cách ly, phòng tránh lây nhiễm, Bộ Y tế lưu ý tạo không gian cách ly riêng cho trẻ nhất là khi trẻ có khả năng tự chăm sóc. Nơi cách ly phải thông thoáng, không sử dụng máy lạnh trung tâm; luôn mở cửa sổ.

Hướng dẫn của Bộ Y tế nêu rõ, với trẻ dưới 05 tuối, cần báo nhân viên y tế hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám, chữa bệnh, khi có bất kỳ một trong các dấu hiệu, triệu chứng bất thường như quấy khóc không chịu chơi, không hóng chuyện hoặc li bì, hoặc co giật; sốt cao liên tục >39oC và khó hạ thân nhiệt bằng các phương pháp như dùng thuốc hạ sốt + chườm/lau người bằng nước ấm. Hoặc sốt không cải thiện sau 48h; trẻ thở nhanh hơn so với nhịp thở trung bình độ tuổi, thở bất thường, khó thở, thở phập phồng cánh mũi, co kéo hõm ức, cơ liên sườn...; trẻ có dấu hiệu mất nước: môi se, mắt trũng, khát nước, đái ít; tím tái; SpO2 < 96% (nếu có máy đo SpO2); nôn mọi thứ; trẻ không bú được hoặc không ăn, uống được; trẻ mắc thêm các bệnh khác như: sốt xuất huyết, tay chân miệng…

Đối với trẻ từ 05 tuổi trở lên, cần báo nhân viên y tế hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất nếu trẻ có cảm giác khó thở, ho thành cơn không dứt, không ăn/uống được, sốt cao không giảm hay sốt không cải thiện sau 48 giờ, nôn mọi thứ, đau tức ngực, tiêu chảy, trẻ mệt, không chịu chơi, SpO2 < 96% (nếu có máy đo SpO2 ), thở nhanh, thở bất thường: co kéo hõm ức, liên sườn./.

Minh Hùng

Các bài viết khác