Vừa qua, tại tuyến đường thủy nội địa thuộc vùng biển Cửa Đại - Cù Lao Chàm (TP Hội An, cách trạm Biên phòng Cửa Đại 2 hải lý), tàu khách cao tốc Phương Đông biển số QNA-1152 do ông Võ Lê Sen làm thuyền trưởng cùng 2 thuyền viên chở 36 hành khách (tổng số có 39 người trên tàu, bao gồm 37 người lớn và 2 trẻ em) trên hành trình từ Cù Lao Chàm vào Cửa Đại bị chìm. Trong quá trình tàu từ Cù Lao Chàm trở về Cửa Đại, do sóng to, gió lớn đập vào mạn thuyền bên trái, gây vỡ và phá nước, khiến nước tràn vào trong thân ca nô làm lật úp, dẫn đến vụ tai nạn thương tâm này.
Quan tâm về vụ việc này, Luật sư Phan Thị Phương Thúy- Giám đốc Công ty Luật NTB Legal chỉ ra rằng, ca nô với thiết kế kín bị lật lại, gây thiệt hại vô cùng lớn về tính mạng con người và tài sản. Rất nhiều nạn nhân bị kẹt khi ca nô lật úp và không thể thoát ra ngoài. Theo Luật sư, từ vụ tai nạn thương tâm này đặt ra vấn đề công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động vận tải hành khách trên đường thủy nội địa thời gian qua đã được quan tâm đúng mức hay chưa? Công tác rà soát, kiểm tra, thống kê, đánh giá thực trạng hoạt động vận tải hành khách liên quan đến phương tiện thủy nội địa đã được thực hiện nghiêm ngặt hay chưa? Vai trò rất quan trọng, chủ động của các cơ quan giám sát về công tác quy hoạch phát triển ngành giao thông vận tải, nông nghiệp…
Luật sư Phan Thị Phương Thúy
Phóng viên: Vừa qua đã xảy ra vụ tai thương tâm khi một Ca nô từ Cù Lao Chàm trở về Cửa Đại do sóng to, gió lớn đập vào mạn thuyền bên trái, gây vỡ và phá nước, khiến nước tràn vào trong thân ca nô làm lật úp. Vụ tai nạn này đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Luật sư có quan điểm như thế nào về vụ việc này?
Luật sư Phan Thị Phương Thúy: Dưới góc độ pháp lý, tôi cho rằng cần xác định nguyên nhân dẫn đến tai nạn như sau:
Thứ nhất, về phương tiện vận tải ở đây là cano có đáp ứng đủ điều kiện khi hoạt động không? Theo Điều 24, Luật Giao thông đường thủy nội đia, về điều kiện hoạt động của phương tiện, đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 15 sức ngựa, phương tiện có sức chở trên 12 người khi hoạt động trên đường thủy nội địa phải bảo đảm các điều kiện sau: Đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 26 của Luật này; Có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; kẻ hoặc gắn số đăng ký, vạch dấu mớn nước an toàn, ghi số lượng người được phép chở trên phương tiện; Có đủ định biên thuyền viên và danh bạ thuyền viên theo quy định.
Thứ hai, đối với người lái tàu, cần xem xét có đủ tiêu chuẩn về sức khoẻ và khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn phù hợp hay không? Theo Điều 29 Luật Giao thông đường thủy nội đia, về chức danh và tiêu chuẩn chức danh thuyền viên, chức danh thuyền viên trên phương tiện bao gồm thuyền trưởng, thuyền phó, máy trưởng, máy phó, thủy thủ, thợ máy. Chủ phương tiện, người thuê phương tiện có trách nhiệm bố trí đủ các chức danh, định biên thuyền viên làm việc trên phương tiện và lập danh bạ thuyền viên theo quy định: Đủ 16 tuổi trở lên và không quá 55 tuổi đối với nữ, 60 tuổi đối với nam; Đủ tiêu chuẩn sức khỏe và phải được kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm; Có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn phù hợp với chức danh, loại phương tiện. Và trong quá trình vận hành có xảy vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy (như vượt quá tốc độ, sử dụng rượu bia chất kích thích khi thực hiện công việc….)
Theo tôi, sau khi có kết luận của cơ quan điều tra mới xác định được trách nhiệm của các bên liên quan. Tuy vậy, trường hợp xác định phương tiện vận tải đáp ứng được an toàn kỹ thuật, thuyền viên (thuyền trưởng) đủ khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn cũng như không có lỗi chủ quan trong quá trình vận hành thì cơ quan quản lý cần xem xét lại tiêu chuẩn, điều kiện đưa ra đã phù hợp, đảm bảo an toàn trên thực tế cho hành khách hay chưa?
Đối với vấn đề bồi thường thiệt hại, việc vận chuyển hành khách để xảy ra thiệt hại về sức khoẻ, tài sản thì phải xem xét trách nhiệm bồi thường của bên vận chuyển. Thiệt hại trong vụ việc này bao gồm: Thiệt hại về tính mạng và các thiết hại vật chất của hành khách. Như vậy mức bồi thường thiệt hại mà bên vận chuyển phải chi trả là rất lớn và không có gì để đảm bảo bên vận chuyển có đủ khả năng tài chính và thu xếp được nguồn tài chính kịp thời. Do vậy, đề xuất cơ quan quản lý xem xét, bổ sung các quy định để khắc phục tình huống này (Như yêu cầu ký quỹ đối với bên vận chuyển, bắt buộc mua bảo hiểm cho hành khách…)
Phóng viên: Sau khi vụ tai nạn xảy ra, Luật sư có đánh giá như thế nào về sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước? Sự chủ động, phối hợp trong thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao của các Bộ, ngành, địa phương?
Luật sư Phan Thị Phương Thúy: Sau khi vụ tai nạn xảy ra, Cục Đường thủy nội địa đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra toàn diện hoạt động vận tải hành khách đường thủy nội địa tại các địa phương; xem xét công tác ủy quyền công tác quản lý nhà nước cho các Sở Giao thông Vận tải do chưa địa phương nào có cơ quan cảng vụ đường thủy nội địa để thực hiện công tác quản lý nhà nước về cảng, bến thủy nội địa.
Vụ tai nạn xảy ra, đòi hỏi chúng ta phải xem xét đến các vấn đề rằng thời gian vừa qua, sự phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng trong việc tổ chức đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, tăng cường quản lý các bến đò ngang, các điểm du lịch, kiên quyết đình chỉ hoạt động các bến trái phép, phương tiện không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn, không trang bị đầy đủ dụng cụ cứu sinh đã được thực hiện tốt hay chưa? Việc kiên quyết xử lý các phương tiện vận tải thủy, trong đó có ca nô, bo bo, ghe máy đuôi tôm chuyên chở, đưa rước khách tham quan các đảo không đảm bảo an toàn, thiếu chứng chỉ chuyên môn, không đầy đủ các thiết bị, dụng cụ cứu nạn, cứu sinh đã thực hiện đúng theo quy định pháp luật hay chưa?
Qua theo dõi tôi nhận thấy, một số Bộ, ngành, cụ thể là Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường…vẫn thiếu sự phối hợp chặt chẽ, chưa thật sự chủ động trong công tác quản lý nhà nước, chưa làm rõ những tồn tại, bất cập trong hoạt động vận tải hành khách trên đường thủy nội địa, nhất là việc thiết kế phương tiện gây khó khăn cho việc thoát nạn khi xảy ra sự cố, tai nạn và phân tích, đánh giá nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn giao thông đường thủy và đề xuất giải pháp khắc phục…
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành và địa phương cũng chưa thật sát sao trong việc đánh giá vấn đề biến đổi khí hậu trong khi Việt Nam cũng là một trong những nước chịu ảnh hướng lớn của biến đổi khí hậu. Do đó, cần khẳng định việc phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ hàng đầu, thường xuyên, liên tục nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, đời sống và tài sản của nhân dân.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã và đang tác động nhanh và mạnh hơn so với dự báo. Đặc biệt, dịch bệnh COVID-19 đặt ra yêu cầu phải ứng phó hiệu quả với rủi ro khi thiên tai và dịch COVID-19 cùng xảy ra thì phải có tầm nhìn mới, định hướng chiến lược, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, triển khai các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ, huy động các nguồn lực và sự tham gia của toàn xã hội để công tác phòng, chống thiên tai trong thời gian tới đạt hiệu quả cao nhất…
Có thể thấy, từ một vụ việc cụ thể, buộc chúng ta cần nhìn nhận vấn đề rộng hơn và đặt ra câu hỏi: Văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành đầy đủ hay chưa, cơ chế tổ chức thực hiện như thế nào, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, cá thể hóa trách nhiệm ra sao…?
Câu hỏi này sẽ được trả lời bởi chức năng giám sát của Quốc hội. Khi giám sát có kết luận rất rõ ràng, minh bạch, xác định và xem xét được trách nhiệm của tập thể và cá nhân. Giám sát càng thẳng thắn, càng không né tránh thì càng tạo điều kiện cho Chính phủ, các bộ, ngành làm tốt hơn, với mục tiêu vì sự phát triển của đất nước, vì quyền lợi của người dân và doanh nghiệp. Mỗi cuộc giám sát đảm bảo giải quyết được những vụ viêc nổi cộm thì sẽ có tác động lan tỏa, thực chất; đồng thời qua giám sát cũng phát hiện mô hình tốt cách làm hay; kết hợp với sức mạnh của truyền thông của công khai tạo ra sức ép để tiến độ giải quyết, giám sát chặt chẽ…
Phóng viên: Nhấn mạnh vai trò quan trọng các chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội, Luật sư có đánh giá/đề xuất gì để hoạt động giám sát đạt được hiệu quả cao, đáp ứng mong đợi của cử tri cả nước?
Luật sư Phan Thị Phương Thúy: Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao tại Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và một số Luật có liên quan, Quốc hội Việt Nam đã và đang tích cực, chủ động tiến hành những chuyên đề giám sát tối cao có ý nghĩa rất quan trọng, cử tri cả nước rất mong đợi vào kết quả giám sát.
Thời gian vừa qua, qua theo dõi tôi được biết, Quốc hội đang tiến hành một số chuyên đề giám sát tối cao như: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành; Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021.
Để Quốc hội tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát, bên cạnh việc phát huy những kết quả đã đạt được, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục đổi mới, sáng tạo, lựa chọn vấn đề giám sát đúng và trúng, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; chỉ rõ địa điểm, quy rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thứ hai, tăng cường yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân giải trình về những vấn đề bức xúc, nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm. Thường xuyên theo dõi, giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát và có biện pháp xử lý đối với trường hợp không thực hiện nghiêm túc các kiến nghị, kết luận sau giám sát. Coi công tác hậu giám sát là một trong nhưng khâu quan trọng không kém gì lựa chọn chuyên đề giám sát.
Thứ ba, giám sát phải theo tận cùng từng vấn đề được giám sát, kết hợp giữa phương pháp giám sát tổng hợp và giám sát chi tiết, bảo đảm khoa học, nhất là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp; đồng thời, phải huy động được tổng lực các cơ quan chức năng, các lực lượng tham gia các cuộc giám sát.
Thứ tư, khẳng định giám sát có hai mặt không chỉ phê phán, đánh giá sai phạm mà có những ưu điểm, những kết quả tích cực, nỗ lực của các Bộ, các ngành, các địa phương nhất là những nơi có cách làm mới, cách làm hay. Do đó, cần nhân rộng mô hình tốt, rút ra bài học kinh nghiệm để triển khai rộng khắp.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Luật sư!