CẦN THIẾT THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA, TIỀN TỆ ĐỂ HỖ TRỢ CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

04/01/2022

Sáng 04/01, tại Nhà Quốc hội, ngay sau khi khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung làm việc.

 

Toàn cảnh Phiên họp

Khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh

Báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ cho biết, mục tiêu nhằm khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5 - 7%/năm giai đoạn 2021-2025, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn. Đồng thời, phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, nhất là ngành, lĩnh vực quan trọng, tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trên cơ sở thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch; Bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Về các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, chương trình xác định khung những vấn đề trọng tâm, cần tập trung giải quyết, bao gồm 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022-2023 gồm: (1) Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; (2) Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; (3) Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; (4) Phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; (5) Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, huy động từ các Quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước (NSNN).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nêu rõ  các nội dung trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến như: Tăng bội chi NSNN để có nguồn thực hiện Chương trình; Tiếp tục miễn, giảm thuế trong năm 2022 và tính vào bội chi NSNN tương ứng; Trình Quốc hội quyết định việc cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam cho đến khi cơ quan có thẩm quyền công bố hết dịch COVID-19; Tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước của Ngân hàng Chính sách Xã hội; Cho phép bố trí NSNN để tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong giai đoạn 2021-2023;…

Làm rõ tổng quy mô của các chính sách hỗ trợ

Thẩm tra Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhằm cụ thể hóa Kết luận số 20-KL/TW ngày 16/10/2021 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, các Nghị quyết của Quốc hội và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Cơ bản thống nhất với các quan điểm nêu tại Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị xác định rõ và bổ sung quan điểm: (1) Việc nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế; chỉ sử dụng bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) để chi đầu tư phát triển; (2) Nguồn lực đưa ra phải hấp thụ được ngay trong 02 năm triển khai Chương trình (2022-2023).

Về quy mô tổng thể chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, một số chính sách hỗ trợ dự kiến triển khai nhưng chưa được tính toán vào quy mô hỗ trợ tổng thể của Chương trình. Đề nghị bổ sung, tính toán lại số liệu, làm rõ tổng quy mô của các chính sách hỗ trợ. Ngoài ra, đề nghị đánh giá tác động đầy đủ, nhiều chiều của việc thực hiện các chính sách nêu trên.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Về tăng bội chi ngân sách nhà nước, Uỷ ban Kinh tế tán thành việc chấp nhận thâm hụt NSNN tăng ở mức cao hơn, mỗi năm tăng khoảng 1% đến 1,2% GDP trong 02 năm thực hiện Chương trình (2022-2023).

Về chính sách thuế, đa số ý kiến thống nhất với chủ trương miễn, giảm một số loại thuế, phí, trong đó thống nhất chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% áp dụng cho các mặt hàng chịu thuế suất 10% nhưng đề nghị rà soát đối tượng áp dụng; cần tập trung vào các ngành, lĩnh vực cần được kích cầu, có tác dụng lan tỏa, cần loại trừ các sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đối với chính sách cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19, đa số ý kiến cho rằng vấn đề huy động xã hội hóa trong giai đoạn tới chưa được đánh giá kỹ lưỡng, việc tính toán chi phí thực tế được khấu trừ có nhiều rủi ro, do đó, đề nghị thực hiện theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Một số ý kiến tán thành với đề xuất nhưng đề nghị giới hạn đối với khoản ủng hộ, tài trợ bằng tiền.

Ngoài ra, đề nghị cân nhắc quy mô, liều lượng của việc miễn, giảm thuế. Nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu biện pháp cho trừ bổ sung theo tỷ lệ nhất định trên cơ sở chi phí thực tế để tính thuế thu nhập doanh nghiệp, áp dụng trong ngắn hạn (chi phí tạo tài sản cố định trong 2 năm 2022 - 2023 và chi phí lao động năm 2022); tăng thuế đối với giao dịch chứng khoán, bất động sản, lĩnh vực kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số hoặc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng cần hạn chế tiêu dùng.

Về chi trực tiếp từ NSNN cho đầu tư phát triển, Uỷ ban Kinh tế thống nhất việc chi trực tiếp từ NSNN sử dụng để chi đầu tư phát triển. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ rà soát kỹ danh mục đề xuất, bảo đảm hiệu quả thiết thực, phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, phù hợp với khả năng hấp thụ, giải ngân vốn đầu tư công.

Về nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2021, đa số ý kiến nhất trí việc sử dụng số tiền từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động và đề nghị cần có giải pháp phù hợp, hiệu quả, tránh trục lợi.

Về chính sách hỗ trợ lãi suất, đa số ý kiến nhất trí, tuy nhiên cần tập trung vào một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi hoặc được bảo lãnh tín dụng; chú trọng khoản vay tạo dư địa cho phục hồi và phát triển như việc cải tạo chung cư cũ; xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê và thuê mua…; quy định rõ đối tượng, phạm vi, điều kiện vay vốn; kiểm soát chặt chẽ, tránh trục lợi chính sách.

Về tăng thêm hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ủy ban Kinh tế tán thành với Tờ trình, tuy nhiên cần rà soát khả năng giải ngân, cân nhắc về mức tăng hạn mức cụ thể.

Về chính sách tiền tệ, UBKT đề nghị cần lượng hóa các giải pháp của chính sách tiền tệ để đánh giá tác động đến nền kinh tế, bên cạnh đó, đề nghị xem xét thêm một số vấn đề: Chủ động sử dụng đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là trong các lĩnh vực ưu tiên; Việc tiếp tục tái cấp vốn và gia hạn vay tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương cho người lao động cần có giải pháp mang tính khả thi,

Về huy động nguồn lực, đa số ý kiến tán thành với giải pháp Chính phủ đã đưa ra, để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, đề nghị báo cáo cụ thể khả năng vay và trả nợ quốc gia cũng như các phương án huy động vốn theo lộ trình cụ thể, khả năng hấp thụ vốn. Đồng thời, cần nghiên cứu, làm rõ một số vấn đề sau: Báo cáo rõ tính khả thi của nguồn vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài theo hình thức hỗ trợ ngân sách để huy động ngay trong 02 năm 2022-2023; Phát hành trái phiếu Chính phủ bằng ngoại tệ chỉ thực hiện trong trường hợp cấp bách và phải báo cáo cấp có thẩm quyền;…

Về phân bổ nguồn lực, đối với mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh, đa số ý kiến thống nhất với Tờ trình về tăng cường năng lực của hệ thống y tế. Tuy nhiên, cần rà soát, ưu tiên nguồn lực cho các dự án đã có đầy đủ thủ tục đầu tư, có thể thực hiện và giải ngân ngay; bổ sung giải pháp đầu tư phát triển con người, cơ chế huy động sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân vào hoạt động đầu tư nâng cao năng lực y tế.

Đối với lao động, việc làm và an sinh, xã hội, đề nghị cần có chính sách hợp lý hỗ trợ tiền thuê nhà trọ đối với nhóm lao động phi chính thức; bổ sung chính sách thu hút lao động quay trở lại làm việc cũng như chính sách hỗ trợ phát triển việc làm công tại các địa phương;…

Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, tán thành tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng đề nghị ưu tiên từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi NSTW tương ứng với số lợi nhuận sau thuế thực nộp NSNN của Ngân hàng; Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, phải gắn với thúc đẩy chuyển đổi số, khởi nghiệp sáng tạo;...

Đối với cải cách thể chế, UBKT đề nghị bên cạnh việc cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh có trọng tâm; cần khẩn trương ban hành Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2021-2023; sớm tổng kết các quy định pháp luật có liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 để sửa đổi, bổ sung kịp thời; tập trung tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến nhà ở xã hội, nhà ở công nhân …

Bảo đảm nguyên tắc điều hòa nguồn vốn đầu tư công

Đối với bội chi NSNN, Ủy ban Kinh tế tán thành tăng từ 1% đến 1,2%/GDP mỗi năm (2022, 2023). Đối với một số chỉ tiêu khác liên quan đến kế hoạch tài chính quốc gia, vay và trả nợ 5 năm, đề nghị trước mắt cân nhắc việc điều chỉnh; thực hiện điều chỉnh linh hoạt trong 2 năm 2022-2023 nhưng cần có giải pháp để phấn đấu đạt các chỉ tiêu tài chính quốc gia 5 năm vào cuối giai đoạn 2021-2025.

Về việc điều chỉnh, phân bổ linh hoạt kế hoạch vốn đầu tư công của Chương trình và Kế hoạch, đề nghị bảo đảm nguyên tắc điều hòa nguồn vốn đầu tư công trong Kế hoạch và nguồn vốn đầu tư công trong Chương trình để ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng, có khả năng hấp thụ vốn và đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành trong hai năm 2022- 2023. Đồng thời, sắp xếp lại Kế hoạch để bố trí cho các dự án trọng điểm, quan trọng không có điều kiện giải ngân giai đoạn 2022-2023 sang giai đoạn 2024 - 2025 tiếp tục thực hiện;….

Về Danh mục các dự án đầu tư công, đề nghị rà soát điều chỉnh Danh mục, đưa ra khỏi Chương trình những dự án chưa phù hợp với nguyên tắc, tiêu chí đã đề ra; bổ sung, thuyết minh chi tiết các dự án được lựa chọn theo các nguyên tắc, tiêu chí của Chương trình để làm rõ thứ tự ưu tiên đầu tư, bảo đảm việc phân bổ vốn, lựa chọn các dự án thuộc Danh mục đầu tư trên cơ sở khoa học, hợp lý, công khai, minh bạch, khách quan, trọng tâm, trọng điểm.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho biết thêm, về đề nghị áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng, có quy mô lớn thuộc Chương trình, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo thẩm quyền trên cơ sở quy định hiện hành. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định; Về việc điều chỉnh linh hoạt giữa các nhiệm vụ chi của Chương trình, đề nghị thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về thẩm quyền quyết định. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội phải báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định; trường hợp cấp bách, có thể báo cáo Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định giữa hai kỳ họp của Quốc hội.

Về ý kiến khác, Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung, làm rõ các nguyên tắc khi triển khai Chương trình và cơ chế báo cáo, giám sát, đánh giá, bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc, đúng thẩm quyền và đạt được các mục tiêu đề ra. Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh việc Chính phủ và các bộ, ngành cam kết, làm rõ trách nhiệm chính trị, trách nhiệm giải trình, cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và giám sát quá trình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, bảo đảm đúng mục tiêu, tránh lạm dụng chính sách, bảo đảm tính hiệu quả và khả thi./.

Lê Anh - Minh Thành