CÂN NHẮC DƯ ĐỊA TÀI CHÍNH TIỀN TỆ ĐỂ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC GÓI HỖ TRỢ, KÍCH THÍCH NỀN KINH TẾ

09/11/2021

Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều 09/11, thảo luận hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, phát biểu về các giải pháp nhằm phục hồi kinh tế, các đại biểu Quốc hội đều nhất trí về sự cần thiết có gói hỗ trợ, kích thích kinh tế đủ lớn, mở rộng nguồn lực để thực hiện, song cũng cần phải tính toán dư địa tài chính, tiền tệ để tránh rủi ro về sau.

 

Đại biểu Hà Đức Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai, cho rằng, so với những yêu cầu và mặt bằng chung thì các gói hỗ trợ kích thích này cũng chưa đảm bảo được tính toàn diện và bền vững. Để nâng cao tính chủ động, chất lượng dự báo, xây dựng kế hoạch chiến lược mang tính lâu dài, bền vững trong bối cảnh hiện nay, cần tính toán căn cơ, đánh giá tổng thể nhu cầu hỗ trợ của người dân, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế để vượt ngưỡng khó khăn và khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước, kể cả hiện có và phải đi vay. Từ đó đưa ra các gói kích thích kinh tế đủ lớn, đủ rộng trong khoảng thời gian đủ dài để đạt được những mục tiêu.

Đại biểu Hà Đức Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai

Theo đại biểu, có năm mục tiêu cần đạt được. Một là, linh hoạt trong các phương án phòng, chống và kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh, nâng cao khả năng chữa trị bệnh cho các hệ thống y tế. Hai là, đảm bảo việc làm cho người dân ổn định đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ba là, khởi động lại các hoạt động kinh tế sau phong tỏa và giãn cách. Bốn là, xây dựng lại cấu trúc kinh tế có khả năng chống chịu tốt trước thảm họa. Năm là, tăng cường khả năng đối phó với các thảm họa trong tương lai.

Đại biểu Hà Đức Minh cho rằng, để thực hiện hóa năm mục tiêu trên, ngoài yếu tố về ý chí, tinh thần quyết tâm thì yếu tố về nguồn lực là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, nền kinh tế của nước ta phải chịu tác động rất lớn bởi sự bùng phát của dịch COVID-19, năng lực chống chịu của nền kinh tế thì có hạn. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì cú sốc với sự tăng trưởng và tính ổn định của nền kinh tế cũng sẽ rất khó lường trong thời gian tới.

Đại biểu cho biết, nhu cầu kinh phí dự kiến trong thời gian tới của các địa phương còn rất lớn. Vì vậy, ngoài các nguồn lực hiện nay, đại biểu đề xuất với Quốc hội hai nội dung có thể tham khảo, áp dụng ngay trong thời điểm hiện tại để có thêm nguồn lực để thực hiện.

Thứ nhất, tăng thêm mức bội chi ngân sách. Theo đại biểu Hà Minh Đức, hiện nay, bội chi ngân sách năm 2021 bằng 4% GDP. Dự kiến phương án đang trình ra Quốc hội năm 2022 cũng khoảng 4% GDP. Mặt khác, do các địa phương thường giao tăng chi đầu tư phát triển so với trung ương giao. Như vậy, dư địa bội chi theo Luật Ngân sách nhà nước còn. Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội nghiên cứu, xem xét tăng bội chi ngân sách thêm khoảng 1% GDP để có thêm nguồn lực để thực hiện các mục tiêu nêu trên mà ngân sách nhà nước vẫn được giữ trong giới hạn an toàn. Việc tăng bội chi ngân sách nên thực hiện ngắn hạn là khoảng 3 năm (từ năm 2022 đến năm 2024) và cần phải đặt trong chương trình tổng thể, phục hồi về phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực nội tại.

Thứ hai, thực hiện nới nợ công. Về đề xuất này, đại biểu phân tích, tại Việt Nam trần nợ công quy định ở mức khoảng 60% GDP, nhưng trên thực tế chúng ta chỉ mới đạt khoảng 44% - 45% GDP. Như vậy, hoàn toàn có thể nới nợ công để có thể tiếp tục huy động vốn phục vụ cho quá trình vừa chống dịch, vừa hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân. Cụ thể, nên đẩy mạnh công cụ vay nợ trong bối cảnh mặt bằng lãi suất còn thấp như hiện nay. Như vậy, chi phí vay nợ không cao, không gây áp lực lớn về dài hạn.

Theo đánh giá Việt Nam những năm gần đây luôn được các tổ chức quốc tế tín nhiệm về an toàn nợ, trong đó có nợ công. Do đó, đề nghị Quốc hội xem xét nới nợ công lên khoảng 50 đến 52% GDP, theo quy định thì ngưỡng cảnh báo là 55% GDP. Việc nới nợ công này có thể kéo dài khoảng 3 năm để xem xét những diễn biến tiếp theo của đại dịch cũng như những biến động của nền kinh tế vĩ mô.

Về phần các địa phương, do nguồn vốn ODA vay ưu đãi tại nước ngoài là nguồn vốn tương đối quan trọng, nhất là đối với các địa phương chưa cân đối được ngân sách để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội cũng xem xét tăng hạn mức dư nợ cho vay của địa phương và có số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp nhỏ hơn hoặc bằng chi thường xuyên của ngân sách địa phương từ 20 đến 30% số thu được hưởng theo phân cấp để đảm bảo trần nợ công theo kế hoạch vay và trả nợ giai đoạn 2021-2025.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cũng đề nghị Quốc hội xem xét tăng mức bội chi ngân sách trong 2 năm 2022-2023 cao hơn mức 4% GDP như Chính phủ trình trong kế hoạch 2022.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, kinh nghiệm giai đoạn 2011-2015 cho thấy, để phục hồi kinh tế sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, chúng ta đã sử dụng công cụ đầu tư công để kích thích tổng cầu bằng cách tăng bội chi ngân sách thông qua phát hành trái phiếu tài trợ. Đề nghị sử dụng đầu tư công như công cụ kích thích tổng cầu làm vốn mồi để thu hút đầu tư xã hội. Cần rà soát lại danh mục đầu tư công trung hạn theo hướng ưu tiên đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối mạng lưới logistics và liên kết vùng, xây dựng hạ tầng số và tăng vốn đối ứng để thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Đại biểu cho rằng dù lo lắng về trần nợ công và tỷ lệ nợ đến hạn phải trả so với tổng thu ngân sách hàng năm, nhưng dư địa của chính sách tài khóa vẫn còn rộng hơn so với chính sách tiền tệ, khi phải linh hoạt ứng phó với áp lực tăng nợ xấu và kiểm soát lạm phát.

Phát biểu tranh luận về các đề xuất tăng trần nợ công, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu cho rằng, nếu tăng trần nợ công lên 51% GDP sẽ khiến dư nợ công đến năm 2025 tăng lên gấp đôi so với đầu nhiệm kỳ, nó tạo ra một rủi ro rất lớn cho an ninh tài chính quốc gia.

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn chỉ rõ, nhìn vào con số nợ công của năm 2021 và đang chuẩn bị cho năm 2022 là dư nợ công khoảng 44% GDP, chúng ta nhìn thấy là số dư này tương đối thấp. Tuy nhiên, 44% này là do bước vào năm 2021, chúng ta đã điều chỉnh GDP tăng 25%. Như vậy thì mẫu số tăng lên, số dư nợ tuyệt đối thì không giảm, mức độ tăng nợ vẫn còn. Cho nên là tỉ số nhìn có vẻ thấp, nhưng đây là một điều cần phải hết sức quan tâm. Bởi vì đến năm 2021, mức trả nợ lãi và gốc đã xấp xỉ mức 25%, có nghĩa là cứ 4 đồng chi tiêu sẽ có 1 đồng cho chi cho trả nợ. Đây là một nội dung chúng ta cần hết sức lưu tâm trong vấn đề an ninh tài chính quốc gia, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn cho biết, trong suốt thời gian vừa qua, nợ công của nước ta tăng đều và liên tục qua các năm. Trong giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng nợ bình quân là 18,1%/năm. Nhận thức được điều đó, đến giai đoạn 2016-2020 Quốc hội, Chính phủ đặt ra mục tiêu ưu tiên kiểm soát nợ công để đảm bảo an ninh tài chính cũng như các cân đối vĩ mô, cho nên là tốc độ tăng bình quân của giai đoạn vừa qua rút xuống còn trên 6,54%.

Trong kế hoạch tài chính 5 năm hiện nay đã xác định tăng khoảng 11%, nếu tăng trần nợ công lên đến 51% vào năm 2025 thì dư nợ công lúc đó tăng gấp đôi so với đầu nhiệm kỳ. Đây là một vấn đề cần hết sức thận trọng.

Bày tỏ nhất trí với việc phải có một chương trình phục hồi kinh tế nhưng đại biểu Nguyễn Hữu Toàn cũng lưu ý cần phải tính toán dư địa tài chính, dư địa về chính sách tiền tệ hết sức cân nhắc để tránh rủi ro cho phát triển nền kinh tế bền vững trong những giai đoạn sau.

Cùng với đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho rằng để thực hiện mục tiêu về kế hoạch kinh tế - xã hội cần nhấn mạnh vào một số nhóm giải pháp. Trong đó có giải pháp về cần tăng cường quản lý và kiểm soát giá cả, không để đầu cơ lũng loạn giá làm cho lạm phát cao tăng trở lại như những năm 2008. Đại biểu lưu ý nếu để lạm phát cao sẽ phá vỡ việc thực hiện các kế hoạch của chúng ta./.

Bảo Yến - Nghĩa Đức