NÔNG NGHIỆP TIẾP TỤC KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ LÀ TRỤ ĐỠ CỦA NỀN KINH TẾ

09/11/2021

“Nông nghiệp vẫn tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên cũng cần có giải pháp đột phá, tháo gỡ những khó khăn trong lĩnh vực nông nghiệp,…” là quan điểm của nhiều đại biểu trong Phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách và công tác phòng, chống Covid-19, ngày 9/11.

 

Toàn cảnh Phiên thảo luận

Đảm bảo an ninh lương thực

Phát biểu thảo luận đại biểu Nguyễn Quốc Hận - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, cho rằng, qua thời gian dịch bệnh cũng như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, có thể thấy rằng những lúc khó khăn thì nông nghiệp luôn là giá đỡ của nền kinh tế. Trong xu thế dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn. Biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt và nhanh chóng thì việc đầu tư cho ngành nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực làm giá đỡ cho nền kinh tế là một sự đầu tư khôn ngoan và đúng đắn.

Mặt khác, về cơ sở pháp lý, chúng ta đã có Nghị quyết số 36 của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Quàng Văn Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La, cho rằng, mặc dù nền kinh tế bị tổn thương ở hầu hết các lĩnh vực nhưng nông nghiệp vẫn tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Một số địa phương đã phát huy được tiềm năng, lợi thế, khai thác thế mạnh các sản phẩm nông sản chủ lực, vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch, vừa có cách tiếp cận thị trường linh hoạt, hiệu quả, đẩy mạnh xuất khẩu và tiếp tục có bước phát triển khá, như tỉnh Bắc Giang, Sơn La.

Đại biểu Quàng Văn Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La 

Đại biểu đề nghị, Chính phủ trong các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội cần quan tâm triển khai mạnh mẽ chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định số 340 ngày 12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ, trước mắt tập trung thực hiện hiệu quả Quyết định số 167 ngày 03/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó ưu tiên quan tâm chỉ đạo các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi lồng ghép thực hiện trong việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, xây dựng được nhiều mô hình hợp tác xã nông nghiệp theo thế mạnh của địa phương và phù hợp với năng lực, trình độ, tay nghề của người lao động, có chính sách hỗ trợ phù hợp để thu hút người lao động tham gia. Đồng thời, Chính phủ có định hướng quy hoạch theo vùng, liên vùng, các nhà máy, cơ sở chế biến và có chính sách hỗ trợ, khuyến khích thu hút các nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư xây dựng về chế biến, hỗ trợ kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm, kích thích sản xuất phát triển.

Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Về lĩnh vực nông nghiệp, đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá, cho rằng, trong năm qua, dù cũng gặp rất nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 nhưng ngành nông nghiệp vẫn có sự tăng trưởng khá, thể hiện rõ vai trò, nền tảng, vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp cũng còn manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả sản xuất nông nghiệp còn thấp, liên kết trong sản xuất chưa bền vững.

Để tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, nâng cao thu nhập cho người nông dân, đại biểu đề nghị trước hết cần tháo gỡ những bất cập về tích tụ đất đai, nhất là hạn mức đất nông nghiệp, đẩy nhanh quá trình tích tụ tập trung đất đai, mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đối với sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Đại biểu Mai Văn Hải- Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ xem xét, nghiên cứu, ban hành nghị quyết về tích tụ, tập trung đất đai, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời rà soát, bổ sung các cơ chế để đẩy nhanh việc thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư liên kết sản xuất với nông dân một cách bền vững để người nông dân an tâm sản xuất.

Đối với việc quản lý đất rừng của một số công ty nông, lâm nghiệp không hiệu quả kéo dài, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo giải quyết, sắp xếp lại các công ty nông, lâm nghiệp; rà soát, bàn giao lại một số diện tích đất ở, đất sản xuất nông nghiệp cho các địa phương quản lý để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số ở một số địa phương.

Đầu tư nguồn lực, kết cấu hạ tầng trong sản xuất nông nghiệp

Theo đại biểu Nguyễn Thành Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ, kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn nhiều hạn chế; số lượng, chất lượng hợp tác xã phát triển không đồng đều giữa các vùng và các địa phương. Quy mô hợp tác xã đa số còn nhỏ, năng lực nội tại hợp tác xã còn yếu kém, tính liên kết giữa các thành viên chưa chặt chẽ, sức cạnh tranh trên thị trường còn yếu.

Để hợp tác xã phát triển đúng vai trò của mình, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục quan tâm hơn nữa đến khu vực này, trong đó thực hiện có hiệu quả các chính sách đã ban hành, nhất là các chính sách liên quan đến nâng cao nguồn nhân lực cho hợp tác xã, các chính sách về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chính sách đầu tư nguồn lực, kết cấu hạ tầng trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, có chính sách liên kết đến thị trường tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững.

Cần quan tâm đến chất lượng sản phẩm nông nghiệp

Khẳng định tầm quan trọng của nông nghiệp trong nền kinh tế, đại biểu Bế Trung Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh hướng cho biết, 60% dân số là nông dân, hầu như toàn bộ dân tộc thiểu số chủ yếu sống nhờ nông nghiệp.

 Đại biểu Bế Trung Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Từ nước thiếu đói, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu hàng đầu về lúa gạo. Một chu kỳ 35 năm, nền nông nghiệp của chúng ta đã phát triển để có những thành quả đáng tự hào. Tuy nhiên, nông nghiệp không chỉ là vấn đề sản phẩm mà điều cần quan tâm đến là chất lượng của sản phẩm. Theo đại biểu, mô hình hiện nay, người nông dân đóng một lúc nhiều vai trò. Họ lo sản xuất, lo thị trường, lo bán hàng và cả một chuỗi các hoạt động từ đầu đến cuối. Họ tự điều tiết để đầu tư tối thiểu, lợi nhuận tối đa;…. Đây không những là dấu hiệu của manh mún, thiếu chuyên nghiệp.

Đại biểu cho rằng, kinh tế hội nhập buộc ngành nông nghiệp phải có tính chuyên nghiệp cao và thuật ngữ mới “công nhân nông nghiệp” để chỉ lực lượng lao động sản xuất trong mô hình kinh tế nông nghiệp mới, một trụ đỡ mới. Theo đại biểu, công nhân nông nghiệp tham gia một mắt xích cụ thể trong một chuỗi dịch vụ nông nghiệp một cách chuyên nghiệp, họ hưởng lương và thậm chí họ còn thích hưởng lương hơn lao động tự cung, tự cấp. Mô hình này cũng giảm rủi ro cho lao động và phù hợp với định hướng ly nông không ly hương. Vì vậy, cần có một chính sách cụ thể để thúc đẩy sự đổi mới này.

Bình ổn giá nguyên liệu đầu vào trong sản xuất nông nghiệp

Theo đại biểu Trình Lam Sinh – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, lâu nay chúng ta vẫn xác định nông nghiệp là nền tảng, là bệ đỡ để nền kinh tế phát triển tốt nhưng bản thân của nền nông nghiệp lại luôn gặp nhiều khó khăn và những bất cập.

Đại biểu Trình Lam Sinh – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang

Chia sẻ những khó khăn của người nông dân, đại biểu đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành cần có giải pháp bình ổn giá nguyên liệu đầu vào trong sản xuất nông nghiệp như là vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, thủy sản, chế phẩm sinh học,… để giúp cho người nông dân sản xuất có lợi nhuận trong điều kiện diễn biến phức tạp của dịch Covid như hiện nay. Bên cạnh đó, cần sớm có Quỹ bình ổn giá đối với sản phẩm lúa gạo và cá tra vì đây là một trong những sản phẩm chiến lược của quốc gia, của vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm giúp cho ngành hàng lúa gạo và cá tra tránh được những tác động bất lợi của thị trường, đưa các ngành hàng này phát triển bền vững trong thời gian tới.

Cùng với đó, đại biểu đề xuất cần có cơ chế, chính sách riêng cho các vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, ưu tiên đầu tư hạ tầng nông nghiệp, đầu tư phát triển hệ thống logistics, các kho trữ lạnh để giải quyết vấn đề lưu trữ nông sản vào những thời điểm thu hoạch cao điểm và phục vụ tốt tái cơ cấu ngành nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh An Giang nói riêng./.

Lê Anh - Nghĩa Đức