Toàn cảnh Phiên thảo luận
Có chính sách thu hút nguồn nhân lực cho y tế cơ sở
Phát biểu thảo luận, đại biểu Đỗ Thị Lan, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, cho biết, đến nay mới có 77,9 % số xã được đầu tư nâng cấp; 48,8% trạm y tế xã được thực hiện tỷ lệ danh mục kỹ thuật y tế tuyến xã, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, tổ chức bộ máy, kinh phí hoạt động phân cấp quản lý còn nhiều bất cập.
Theo đại biểu, thời gian tới, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, người dân sau điều trị nhiễm dịch để lại di chứng như trẻ em mồ côi, người cao tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số số miền núi… rất cần được theo dõi, chăm sóc sức khỏe tại trạm y tế nơi sinh sống.
Từ thực tế này, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm tăng nguồn lực ngân sách cho y tế dự phòng, ngân sách chi thường xuyên các chương trình mục tiêu quốc gia để có những chính sách hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội, nâng cấp trạm y tế cấp xã, nhất là nơi có điều điều kiện kinh tế khó khăn.
Đại biểu Đỗ Thị Lan, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh
Cùng với đó, đại biểu cũng kiến nghị Bộ Y tế tham mưu với Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ chế quản lý, tiêu chí trạm y tế quốc gia phù hợp với tình hình mới. Đồng thời đề nghị các tỉnh, thành phố có chính sách thu hút bác sĩ về làm việc, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, tăng cường nguồn lực cho trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Củng cố, tăng cường tuyến y tế cơ sở
Về nội dung này, đại biểu Quàng Văn Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La, cho rằng trong thời gian vừa qua, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, đã triển khai thực hiện nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách, giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống dịch và đã đem lại hiệu quả cao. Trong đó, có việc thực hiện phương châm "lấy cấp xã là pháo đài, lấy người dân là chiến sĩ", kịp thời đưa dịch vụ y tế, an sinh xã hội đến gần dân, sát dân nhất. Trong công tác điều trị đã thực hiện giải pháp đột phá là thành lập các trạm y tế lưu động ngay tại các xã, giúp cho người dân tiếp cận kịp thời, giảm bệnh nặng, giảm tử vong.
Từ thực tiễn của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là các khu vực đặc biệt khó khăn, hệ thống các trạm y tế đang còn nhiều khó khăn cả về cơ sở vật chất, kinh phí, trang thiết bị đội ngũ y, bác sĩ, đại biểu Quàng Văn Hương đề nghị Chính phủ quan tâm, củng cố ngay hệ thống y tế cơ sở để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch, đảm bảo trạm y tế xã thực sự là nguồn lực quan trọng, là cơ sở vững chắc để xây dựng xã trở thành pháo đài thực hiện 4 tại chỗ khi có dịch bệnh xảy ra.
Đại biểu Quàng Văn Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ quan tâm thực hiện điều chỉnh chế độ, chính sách đối với nhân viên y tế thôn, bản ở vùng đặc biệt khó khăn cho phù hợp. Bên cạnh đó, cùng với việc tổ chức lại, giao thêm nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ này, xem đây là những “cánh tay nối dài” của trạm y tế các xã vươn đến các bản làng xa xôi, bởi đây là lực lượng am hiểu địa bàn, phong tục tập quán, tình trạng bệnh tật, sức khỏe của người dân bản địa.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, kiến nghị Chính phủ cần quan tâm củng cố, tăng cường tuyến y tế cơ sở, y tế dự phòng và y tế tư nhân. Bên cạnh đó, có những hình thức tôn vinh, động viên kịp thời đối với lực lượng tuyến đầu, nhưng cũng phải xử lý nghiêm minh những người lợi dụng chính sách nhân đạo của Nhà nước để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Cũng tại Phiên thảo luận, đại biểu Trần Đình Văn, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, cho biết, với số lượng người lớn đi về các địa phương như hiện nay, chắc chắn các khu cách ly tập trung sẽ quá tải, là nguy cơ dẫn đến lây nhiễm chéo. Với chính quyền địa phương, theo tinh thần chung của Chính phủ là sống chung, an toàn với Covid-19 nhưng lại chưa chuẩn bị kịp về nhân lực, không đủ nguồn lực cách ly, chưa chuẩn bị kịp về năng lực của hệ thống y tế cơ sở.
Vì vậy, theo đại biểu cần phải chuẩn bị phương án, nếu không thể cách ly tốt thì phải đặt vấn đề, dùng mạng lưới xã, phường để hỗ trợ, quản lý, cách ly tại nhà. Để thực hiện, đại biểu đề xuất ngoài ưu tiên khẩn cấp tiêm vắc xin, Chính phủ cần phải tăng cường năng lực hệ thống y tế cơ sở về nhân lực và trang thiết bị, tập huấn cho cán bộ y tế từ tuyến cơ sở, huy động đội ngũ tình nguyện viên hỗ trợ đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh tại xã, phường.
Đầu tư thiết bị, cơ sở vật chất cho y tế cơ sở
Trước đó, phát biểu thảo luận về nội dung này trong ngày 08/11, nhiều ý kiến đại biểu cũng đồng tình kiến nghị Chính phủ quan tâm, nâng cao năng lực, đầu tư cơ sở vật chất cho tuyến y tế cơ sở.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Bố Thị Xuân Linh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận, cho rằng hệ thống y tế còn bộc lộ những yếu kém, nhất là y tế tại cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu khi dịch bệnh xảy ra. Bên cạnh đó, số lượng bác sĩ vẫn còn thấp, nhân lực y tế tại chỗ cũng chưa đáp ứng được thực tiễn. Để khắc phục bất cập này, đại biểu kiến nghị cần tập trung nguồn lực đầu tư cho ngành y tế, tăng cường năng lực của hệ thống y tế cơ sở nhằm thích ứng với công tác phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới. Đồng thời, có chính sách quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhân lực cho y tế cơ sở; Tiến hành rà soát, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch.
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận
Về nội dung này, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh, nhấn mạnh, vấn đề y tế cơ sở không phải chỉ có vấn đề về tài chính, mà đây còn là vấn đề về nguồn nhân lực. “Làm sao để thu hút được nguồn nhân lực có trình độ cao, có đủ năng lực, hiểu biết đủ để hoạt động được hiệu quả, đảm bảo chất lượng,..”, đại biểu đặt vấn đề.
Theo đại biểu Phạm Văn Thịnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, thực tiễn chống dịch ở cơ sở thời gian qua đã bộc lộ hạn chế của hệ thống y tế dự phòng vừa yếu về đội ngũ, lại thiếu trang thiết bị và nguồn lực triển khai nhiệm vụ. Đại biểu cho biết, chỉ xét riêng cho năng lực phòng, chống bệnh lây nhiễm trước đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư, số trung tâm y tế dự phòng cấp tỉnh làm được xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cũng rất hạn chế. Và đến nay, phần lớn các trung tâm y tế tuyến huyện vẫn chưa có phòng xét nghiệm sinh học phân tử nên việc xét nghiệm đều dồn về tỉnh và thành phố, dẫn đến làm chậm trễ công tác xác định ca bệnh, ảnh hưởng nhiều đến công tác phòng, chống dịch, khi dịch ở mức độ bùng phát. Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần dành nhiều nguồn lực hơn nữa để đầu tư cho hệ thống y tế dự phòng với phương châm "phòng bệnh hơn, chữa bệnh"./.