QUỐC HỘI NGHE BÁO CÁO THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THỐNG KÊ

20/10/2021

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều 20/10, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung làm việc.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh Trình bày Báo cáo thẩm tra

Tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê như các lý do đã nêu trong Tờ trình số 378/TTr-CP của Chính phủ nhằm thể chế hoá đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác thống kê; tạo cơ sở pháp lý để thực hiện kịp thời việc thu thập, tổng hợp và bảo đảm số liệu thống kê phản ánh khách quan, chính xác, kịp thời, đầy đủ, thống nhất, phục vụ Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chính sách và điều hành phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ủy ban Kinh tế đánh giá cao sự nỗ lực của Cơ quan soạn thảo, trong thời gian ngắn đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Hồ sơ dự án Luật qua 2 lần trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc sửa đổi, bổ sung tại 02 điều, Điều 17 và Điều 48 cũng đã được đánh giá tác động theo quy định.

Đối với tên dự án Luật, theo Ủy ban Kinh tế dự án Luật được đổi tên thành “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê” có sự thay đổi so với tên gọi trong hồ sơ Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 3. Với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh thì việc đổi tên gọi dự án Luật là phù hợp theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị đổi tên dự án Luật thành “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê” để bảo đảm đầy đủ, bao quát giữa tên gọi và nội dung sửa đổi, bổ sung.

Toàn cảnh Phiên họp

Ủy ban Kinh tế nhất trí với phạm vi sửa đổi như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, theo đó sửa đổi 02 điều, mở rộng phạm vi, bổ sung nội dung về nâng cao vai trò trách nhiệm xây dựng quy trình biên soạn tính toán chỉ tiêu GDP và GRDP của cơ quan thống kê Trung ương; xác định rõ thẩm quyền rà soát, đánh giá lại quy mô GDP; công khai, minh bạch phương pháp tính, nguồn số liệu, công bố thông tin thống kê và sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê. Dự án Luật chỉ với 03 điều, dù chưa bảo đảm toàn diện các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Thống kê như yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 3, nhưng đã tiếp thu, sửa đổi, bổ sung những vấn đề căn cơ nhất, quan trọng nhất, đáp ứng yêu cầu hiện nay, bảo đảm phản ánh sát thực và đầy đủ hơn bức tranh kinh tế của đất nước phục vụ Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng đường lối, chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng nhu cầu thông tin của các đối tượng dùng tin trong và ngoài nước. Chính phủ cũng đã có Báo cáo số 377/BC-CP tiếp thu, giải trình ý kiến UBTVQH, trong đó nhiều vấn đề lớn cần phải tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung toàn diện hơn.

Rà soát, xem xét tính hợp lý, cân đối số lượng chỉ tiêu giữa các nhóm

Thẩm tra một số nội dung cụ thể của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, Khoản 2 Điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điểm d, Khoản 2 Điều 48 theo hướng “Đối với thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia phải thống nhất với cơ quan thống kê Trung ương trước khi công bố”. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ quy định “phải thống nhất” được thực hiện theo cách thức nào để bảo đảm nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều 5 của Luật Thống kê là “thống nhất về nghiệp vụ, không trùng lặp, không chồng chéo”, đồng thời phải bảo đảm “trung thực, khách quan, chính xác”, “độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê”, trường hợp không có sự thống nhất giữa các cơ quan thì ý kiến của cơ quan nào là ý kiến cuối cùng. Ngoài ra, Khoản 2 Điều 2 của dự thảo Luật quy định Chương trình điều tra thống kê quốc gia, chế độ báo cáo thống kê quốc gia được tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31/12/2022, Ủy ban Kinh tế đề nghị xác định rõ vấn đề trong 2 nội dung trên sẽ áp dụng quy định chuyển tiếp này, sau năm 2022 thì Chương trình điều tra thống kê quốc gia, chế độ báo cáo thống kê quốc gia sẽ thực hiện theo quy định nào?

Bên cạnh đó, về nguyên tắc xây dựng Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo dự thảo Luật, Ủy ban Kinh tế đề nghị, ngoài 3 nhóm nguyên tắc chung được nêu trong Tờ trình, cần bổ sung cụ thể hơn một số nguyên tắc như Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia cần bổ sung các chỉ tiêu phản ánh chất lượng, năng suất, giá trị, mức độ phát triển bảo đảm phản ánh quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; các chỉ tiêu phản ánh chất lượng sống theo đo lường kết quả đầu ra; cụ thể hơn nguyên tắc phân định giữa hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và chỉ tiêu ngành, địa phương; tính khả thi về nguồn lực triển khai thực hiện và hướng tới tiết kiệm nguồn nhân lực và tài chính.

Đối với nhóm chỉ tiêu Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo dự thảo Luật, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, cân đối số lượng chỉ tiêu giữa các nhóm, hiện nay có 3 nhóm rất quan trọng nhưng số lượng chỉ tiêu thấp như: giáo dục, khoa học và công nghệ, doanh nghiệp, cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp. Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu bổ sung nhóm chỉ tiêu liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đồng thời tích hợp số liệu điều tra các dân tộc vào Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Về các chỉ tiêu cụ thể trong Danh mục, Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu bổ sung các chỉ tiêu tiêu dùng lương thực, thực phẩm, sử dụng điện sinh hoạt, chất lượng nhà ở trong nhóm chỉ tiêu phản ánh chất mức sống dân cư; chỉ tiêu về dịch bệnh, về tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin cho Nhân dân và một số bệnh phổ biến vào nhóm Y tế và chăm sóc sức khỏe; bổ sung các chỉ tiêu về tỷ lệ tái chế chất thải sinh hoạt, bao bì, rác thải điện tử, rác thải hữu cơ… để phản ánh xu hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn; bổ sung chỉ tiêu phản ánh quá trình đô thị hóa để phù hợp với xu thế phát triển đất nước; chỉ tiêu về tiền lương và thu nhập của cán bộ, công chức; tiền lương và thu nhập của viên chức.

Đối với các chỉ tiêu liên quan đến kinh tế số, vùng và liên kết vùng, theo Ủy ban Kinh tế, dù số chỉ tiêu khá nhiều vẫn thiếu các chỉ tiêu mang tính đo lường tổng hợp, chưa thể hiện rõ nét về đo lường kinh tế số; hay chưa có giải trình cụ thể và thuyết phục về việc không đưa chỉ tiêu “Tỷ lệ các nền tảng số đang hoạt động trên thị trường Việt Nam” hay thay đổi chỉ tiêu “Tỷ lệ chi cho chuyển đổi số”, nhiều chỉ tiêu liên quan đến vùng và liên kết vùng chỉ dừng ở mức phản ánh thực trạng về dân số, lao động, việc làm, sản lượng (phản ánh về lượng)… của vùng, rất khó phản ánh và đo lường mức độ phát triển kinh tế vùng hay mức độ liên kết kinh tế trong vùng và giữa các vùng, mức độ phát triển và đóng góp của kinh tế đô thị, phản ánh về chất.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, xem xét tính hợp lý, trùng lặp của một số chỉ tiêu như: chỉ tiêu về tỷ lệ người sử dụng điện thoại di động, chỉ tiêu về tỷ lệ người sở hữu điện thoại di động; chỉ tiêu về tỷ lệ người Việt Nam tham gia mạng xã hội, chỉ tiêu về tỷ lệ người Việt Nam đọc báo, tạp chí… Sửa tên chỉ tiêu về tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch thành sử dụng nước sạch để thống nhất với chỉ tiêu về tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch, chỉ tiêu về tỷ lệ dân số được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh. Nghiên cứu, bổ sung chỉ tiêu về mức sống tối thiểu; chỉ số giá sản xuất (PPI).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết thêm, qua báo cáo tổng kết 5 năm, nguồn lực, tài chính là một trong những tồn tại, hạn chế của việc tổ chức thực hiện Luật. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung tăng các chỉ tiêu thống kê quốc gia cần phải được đánh giá kỹ các tác động về điều kiện nguồn lực, tài chính nhằm bảo đảm việc thực thi Luật có hiệu quả, tránh tình trạng ban hành chỉ tiêu nhưng không thực hiện được./.

Hồ Hương- Minh Thành