''Duy trì hoạt động sản xuất cần được coi là chủ trương thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, là giải pháp duy trì nền kinh tế và sau đó là phục hồi nền kinh tế khi đại dịch được kiểm soát tốt hơn. Duy trì sản xuất cũng là để đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động và gia đình, giảm bớt gánh nặng về an sinh xã hội cho các địa phương”. Đây là kiến nghị của PGS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân đề xuất liên quan tới lao động và an sinh xã hội trong phòng, chống đại dịch Covid-19, tại Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội được tổ chức lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu khai mạc buổi Toạ đàm
Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội do Văn phòng Quốc hội phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức theo hình thức trực tuyến. GS.TS Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì Tọa đàm; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đồng chủ trì.
Tọa đàm còn có sự tham dự của đại diện một số tổ chức quốc tế như Chương trình phát triển của Liên hợp quốc, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam, Trưởng đại diện Văn phòng Quỹ tiền tệ quốc tế, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các chuyên gia, nhà kinh tế, đại diện các doanh nghiệp.
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã nghe trình bày các tham luận về tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022; Covid-19: Kinh tế Việt Nam lấy lại ánh hào quang của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam; thực trạng chuỗi cung ứng và khuyến nghị phục hồi kinh tế sau đại dịch; bắt kịp cơ hội từ kinh tế số; đánh giá chính sách tài khóa năm 2021 và vấn đề đối với năm 2022. Đồng thời cho ý kiến thảo luận về đánh giá diễn biến của thị trường tài chính, đầu tư, thương mại toàn cầu năm 2021, diễn biến mới nhất của kinh tế thế giới và đưa ra các dự báo tác động tới Việt Nam; Đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 với kinh tế, xã hội Việt Nam, việc thực hiện Chiến lược tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, bài học kinh nghiệm trong ban hành chính sách, các kiến nghị, giải pháp cho Việt Nam từ nay tới cuối năm và các năm tiếp theo của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV.
Có tới 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19
Đóng góp ý kiến tại Tọa đàm, nhóm nghiên cứu, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân nêu rõ tình hình lao động, việc làm trong thời gian thực hiện giãn cách, một số vấn đề cấp bách trong việc thực hiện các quy định giãn cách và tác động đến người lao động cũng như việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho người lao động, từ đó đề xuất kiến nghị một số vấn đề liên quan đến lao động và an sinh xã hội trong phòng, chống đại dịch Covid-19.
Trong thời gian thực hiện giãn cách, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất, thậm chí giải thể. Hàng trăm ngàn công nhân, người lao động phải nghỉ việc, giãn việc, làm việc luân phiên do doanh nghiệp ngừng hoạt động, bị nhiễm Covid-19 nên phải cách ly và điều trị, sống trong khu bị phong tỏa…
Theo báo cáo tình hình lao động - việc làm của Tổng cục Thống kê (2021), lực lượng lao động trong quý II/2021 giảm so với quý IV/2020 và tăng không đáng kể so với quý I/2021 trong quý II/2021. Báo cáo này cũng chỉ ra rằng có tới 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19. Đặc biệt, làn sóng đại dịch lần thứ 4 đã tác động nghiêm trọng hơn tới người lao động: 0,5 triệu người mất việc làm; 4,1 triệu người tạm nghỉ/tạm dừng sản xuất kinh doanh; 4,3 triệu người giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và có 8,5 triệu người bị giảm thu nhập.
Toàn cảnh buổi Toạ đàm
Tỷ lệ lao động phi chính thức trong quý II/2021 là 57,4%, cao nhất trong ba năm gần đây. Tỷ lệ thất nghiệp của quý II/2021 là 2,6%, trong đó tới 48% người thất nghiệp là do tác động của đại dịch. Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên (15-24 tuổi) là gần 7,5% và tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia đào tạo lên tới 16,7%. Tình hình đại dịch vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam, nơi tập trung trên 60% doanh nghiệp dệt may, da giày, chế biến gỗ… là những ngành thâm dụng lao động, nên việc phong tỏa, giãn cách xã hội khiến nhiều doanh nghiệp tiếp tục phải tạm ngừng, hạn chế hoạt động, do đó số công nhân, người lao động bị tác động tiêu cực không ngừng tăng lên.
Việc thực hiện các quy định giãn cách và thực thi các chính sách an sinh xã hội cho người lao động còn nhiều hạn chế, bất cập và chưa kịp thời với một số đối tượng.
Về thực hiện các quy định giãn cách và tác động đến người lao động, thay mặt nhóm nghiên cứu, PGS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn, nhiều lao động, khi thực hiện “ba tại chỗ” và “một cung đường - hai địa điểm” đã gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện vật chất đáp ứng “ăn” và “nghỉ” không được thiết kế từ đầu; việc kéo dài thời gian lao động “ba tại chỗ” ảnh hưởng lớn tới đời sống tâm lý, sức khỏe của người lao động, nhất là lao động có bố mẹ già, con nhỏ… Đã có lao động chấp nhận bỏ việc thay vì làm việc theo cách này. PGS.TS Phạm Hồng Chương cũng cho biết, do khác nhau về đặc thù hàng hóa, cách thức sản xuất nên việc thực hiện các hoạt động này với các doanh nghiệp là khác nhau và gây ra không ít tốn kém (như xét nghiệm hàng tuần cho hàng trăm/ngàn công nhân, di chuyển lao động, phải tăng trợ cấp bữa ăn hàng ngày và các ưu đãi khác để khuyến khích công nhân, người lao động ở lại…).
Điều kiện sinh hoạt, môi trường lao động của người lao động cũng bị ảnh hưởng khi thực hiện “ba tại chỗ”, “một cung đường, hai địa điểm” dẫn đến nguy cơ không đảm bảo các yêu cầu của khách hàng về an toàn vệ sinh lao động, khiến các nhà máy có nguy cơ bị khách hàng yêu cầu đánh giá lại về tính tuân thủ và điều kiện làm việc cho người lao động.
Để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo giao hàng kịp thời, đúng thời gian theo hợp đồng với đối tác, nhiều doanh nghiệp đứng trước sức ép phải tăng giờ làm cho số lao động tự nguyện hoặc đủ điều kiện sức khỏe (với số lượng ít hơn nhiều số lượng khi chưa có đại dịch hoặc đại dịch không nghiêm trọng như hiện nay) và có nguy cơ vi phạm số giờ tăng ca theo quy định của Bộ luật Lao động (số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày; không quá 40 giờ/tháng; không quá 300h/năm).
PGS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu ý kiến tại buổi Toạ đàm
Theo Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, việc thực hiện “một cung đường - hai địa điểm” để vận chuyển lao động hoặc cho phép lao động di chuyển cũng gặp không ít khó khăn do các quy định chặt chẽ về lưu thông liên tỉnh/thành phố.
Về thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho người lao động, PGS.TS Phạm Hồng Chương cho rằng, việc thực thi các chính sách an sinh xã hội cho người lao động còn nhiều hạn chế, bất cập và chưa kịp thời với một số đối tượng.
Liên quan đến đối tượng thụ hưởng, PGS.TS Phạm Hồng Chương chỉ rõ, do phải tuân thủ giãn cách để phòng, chống đại dịch nên nhiều người lao động và người sử dụng lao động không kịp chuẩn bị các giấy tờ cần thiết cũng như hoàn thành các minh chứng cho hoàn cảnh (như mang thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi…) qua công chứng hoặc chính quyền sở tại theo quy định tại Điều 15 của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg nên họ không có khả năng tiếp cận đến các chính sách hỗ trợ hoặc mất nhiều thời gian và công sức để hoàn thiện hồ sơ xin hỗ trợ kịp thời. Nhiều người lao động mắc bệnh COVID-19 phải nghỉ làm việc và tự cách ly sau khi có kết quả âm tính. Thời gian điều trị và nghỉ cách ly chính là thời gian nghỉ ốm. Tuy nhiên, không phải tất cả lao động tham gia BHXH đều được chi trả trợ cấp mất giảm thu nhập do ốm đau trong trường hợp này, trong đó có nguyên nhân là do không thể hoàn thiện hồ sơ liên quan khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.
Điều kiện hộ kinh doanh nhận được hỗ trợ là phải có đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, trên thực tế thì rất nhiều hộ kinh doanh lao đao vì đại dịch và cần hỗ trợ nhưng lại không tiếp cận được vì họ không đăng ký kinh doanh.
Nhiều lao động chưa tham gia BHXH đầy đủ hoặc có tham gia nhưng doanh nghiệp vẫn nợ đóng BHXH nên khi bị hoãn hợp đồng lao động hay nghỉ việc không lương thì không được coi là đối tượng hỗ trợ của Nghị quyết 68 và Quyết định 23. Các chính sách trong Nghị quyết số 68/NQ-CP đã bỏ sót một nhóm lao động có giao kết hợp đồng lao động, tham gia đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội trong cơ sở kinh doanh vì Quyết định 23/2021/QĐ-TTg không quy định đối tượng làm việc trong các hộ kinh doanh cá thể. Cùng lúc đó, nhiều lao động không ký kết hợp đồng lao động và không tham gia BHXH (hay còn gọi là lao động phi chính thức, tự do) đã hoàn toàn mất sinh kế khi các tỉnh/thành phố thực hiện Chỉ thị 16/16+ nhưng họ không là đối tượng trong các quy định hỗ trợ hiện nay.
PGS.TS Phạm Hồng Chương nêu dẫn chứng số liệu Điều tra lao động-việc làm quý II/2021 của Tổng cục Thống kê. Có tới 57,4% lao động có việc làm phi chính thức (tương đương với 20,9 triệu người). Những diễn biến khó lường của đại dịch đã làm mất cơ hội có việc làm của 1,8 triệu lao động và đẩy 1,4 triệu lao động khác rơi vào trạng thái dễ bị tổn thương do không có việc làm chính thức. Đặc biệt, khoảng 25-30% lao động ở TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương, khoảng 50% lao động ở Đồng Tháp, Bến Tre… là lao động phi chính thức. Mất sinh kế và không được trợ giúp kịp thời về điều kiện sống tối thiểu sẽ gây nguy cơ lớn trong việc không thực hiện giãn cách xã hội, mang lại những bất ổn tiềm ẩn về xã hội.
Đề cập đến mức hưởng và thời gian hưởng, PGS.TS Phạm Hồng Chương cho rằng, các mức hỗ trợ của cả hai gói đều thấp và không đáp ứng mức sống tối thiểu. Mức phổ biến cho lao động có hợp đồng là 3.710.000 đồng/người; đối với chủ hộ kinh doanh cá thể là 3.000.000 đồng/hộ; đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động mức hỗ trợ là 50.000 đồng/người/ngày (hay 1.500.000 đồng/người/tháng) thực sự không đáp ứng mức sống tối thiểu hoặc thấp hơn tiền lương tối thiểu theo quy định của Nhà nước. Quan trọng hơn, phần lớn các chính sách chỉ hỗ trợ một lần, tính linh hoạt và kịp thời chưa cao khi trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài và diễn biến phức tạp. Quy định “một đối tượng chỉ hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ” với mức hưởng thấp có thể khiến cho sự phù hợp của mức hưởng (hay sức mua của mức hỗ trợ) giảm đi khi thời gian giãn cách kéo dài và nguy cơ lạm phát do hàng hóa khan hiếm.
Các đại biểu tham dự buổi Toạ đàm
Liên quan đến nguồn tài chính thực hiện chính sách, PGS.TS Phạm Hồng Chương nhận định, do không có hướng dẫn khung về định mức hỗ trợ nên việc hỗ trợ người lao động yếu thế ở các địa bàn khác nhau sẽ rất khác nhau vì phụ thuộc vào năng lực tài chính của các địa phương và điều này có thể gây ra rào cản tiếp cận chính sách khi người lao động di chuyển từ địa bàn này sang địa bàn khác. Đặc biệt, việc hỗ trợ người lao động lao động tự do (hay không có hợp đồng lao động), nhóm lao động chiếm tỷ lệ lớn trong lực lượng lao động ở nhiều tỉnh/thành phố, đang để mở và phụ thuộc vào điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương nên có thể tạo ra gánh nặng lớn cho các tỉnh nghèo (có ngân sách eo hẹp) và làm cho tính khả thi và kịp thời của chính sách này có thể không cao.
Kiến nghị nhiều giải pháp liên quan đến lao động và an sinh xã hội trong phòng, chống đại dịch Covid-19
Từ những bất cập nêu trên, nhóm nghiên cứu của trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã kiến nghị một số giải pháp liên quan đến lao động và an sinh xã hội trong phòng, chống đại dịch Covid-19. Thay mặt nhóm nghiên cứu, PGS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh, duy trì hoạt động sản xuất cần được coi là chủ trương thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, là giải pháp duy trì nền kinh tế và sau đó là phục hồi nền kinh tế khi đại dịch được kiểm soát tốt hơn. Duy trì sản xuất cũng là để đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động và gia đình, giảm bớt gánh nặng về an sinh xã hội cho các địa phương. Tuy nhiên, PGS.TS Phạm Hồng Chương cho rằng, việc duy trì sản xuất phải gắn liền với đảm bảo các điều kiện, yêu cầu về phòng chống đại dịch, an toàn và sức khoẻ của người lao động và gia đình. Nói cách khác, thực hiện các chính sách an sinh xã hội chủ động với vai trò là cầu nối giữa duy trì sản xuất với phòng, chống đại dịch là cách tiếp cận bền vững về cả kinh tế-xã hội và y tế. Trong bối cảnh hiện nay, từ kinh nghiệm và hậu quả thấy rõ từ đợt dịch thứ tư, mục tiêu “Zero COVID-19” đã chuyển sang “sống chung với COVID-19”, do vậy các chính sách, trong đó có chính sách an sinh cho người lao động và những nhóm yếu thế, cần phải có sự thay đổi.
Thứ nhất, Chính phủ cần yêu cầu các địa phương khi thành lập Tổ tư vấn phục hồi kinh tế hoặc Tổ chống đại dịch thì phải có sự tham gia đại diện của các doanh nghiệp chủ chốt trên địa bàn để có thể có thông tin chính xác, kịp thời về các hoạt động/khả năng đáp ứng của doanh nghiệp để từ đó điều chỉnh chính sách kịp thời với tình hình thực tế. Đặc biệt, các địa phương cần báo cáo với Chính phủ hoặc Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ cũng như phối hợp với các tỉnh/thành phố khác lên kế hoạch ứng phó kịp thời khi tiến hành phong tỏa diện rộng trên địa bàn, đặc biệt hoạt động phong tỏa có ảnh hưởng tới doanh nghiệp, người lao động và người dân trên địa bàn tỉnh/thành phố.
Thứ hai, xem xét nâng mức hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm khi giãn cách xã hội kéo dài. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (2021), mức hỗ trợ trung bình của mỗi đối tượng hỗ trợ (chuẩn hóa theo GDP bình quân đầu người) ở Việt Nam cao hơn so với tất cả các quốc gia khác trong khu vực (trừ Mông Cổ và Thái Lan) nhưng các khoản trợ giúp xã hội cho lao động mất việc làm và trợ cấp tiền lương còn khiêm tốn so với mức thu nhập của họ: mức hỗ trợ cố định 1 triệu đồng đối với lao động mất việc làm và 1,8 triệu đồng đối với trợ cấp tiền lương chỉ chiếm tương ứng 17% và 30% mức thu nhập bình quân hàng tháng ở Việt Nam trong Quý II/2020. Mức trợ cấp thất nghiệp cao hơn với mức trợ cấp bình quân hàng tháng là 3 triệu đồng/người. Trợ cấp tiền lương được hỗ trợ ở mức cố định, không xem xét mức lương của người được hưởng, trong khi các khoản vay chỉ được tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động.
Thứ ba, cần xem xét tiếp tục hỗ trợ các nhóm đối tượng trợ giúp xã hội vì phạm vi hỗ trợ trong gói thứ hai không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội (mà chủ yếu là người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em). Vì đây là những nhóm yếu thế nhất do ít có khả năng tự ứng phó trước các cú sốc đặc biệt nghiêm trọng và dài hạn như COVID-19. Nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB 2021) cho thấy, với tác động của COVID-19 tới thu nhập của hộ gia đình, các nhóm người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người sống ở nông thôn và người cao tuổi là những người có nguy cơ bị nghèo hóa nhiều hơn những nhóm tương ứng. Ngoài ra, khảo sát của Viện Nghiên cứu Y-Xã hội học và Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (ISMS & UNDP 2020) cho thấy, việc thực hiện giãn cách và đóng cửa biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc đã khiến cho nhiều hộ gia đình sống dọc biên giới hai nước bị mất sinh kế và những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất là người cao tuổi, trẻ em trong các hộ gia đình này. Vì thế, những nhóm dân số này cần là đối tượng ưu tiên hàng đầu để bảo đảm mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Thứ tư, việc xác định lao động tự do bị mất việc là đối tượng hỗ trợ là hết sức đúng đắn. Tuy nhiên, PGS.TS Phạm Hồng Chương cho rằng, đây là đối tượng rất khó xác định hoặc thiếu căn cứ để xác định nên nhiều người không tiếp cận được với chính sách, dẫn đến xác định nhầm hoặc bỏ sót. Do vậy, ngoài việc tăng cường rà soát ở địa phương thì cần tăng cường sử dụng mã số định danh cá nhân (qua thẻ căn cước công dân) để người dân tự đăng ký nhận gói an sinh qua các ứng dụng công nghệ phổ biến để vừa xác định đúng đối tượng, vừa thực hiện giãn cách xã hội hiệu quả. Kinh nghiệm của Thái Lan, Ấn Độ cho thấy, việc tự đăng ký sẽ giảm gánh nặng cho chính quyền địa phương cũng như cơ quan lao động - xã hội trong việc xác nhận đối tượng và tránh tính trùng, bỏ sót (ví dụ: ở Thái Lan, chỉ trong một tuần đã có 28 triệu đăng ký và chỉ còn 14 triệu đăng ký hợp lệ sau khi đã loại bỏ tính trùng do đã nhận các chương trình an sinh khác và chỉ trong ba ngày là người dân nhận được tiền qua tài khoản).
Thứ năm, các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động đã được mở rộng (như giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; cho vay trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh…) và rất thiết thực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đang phải chịu nhiều chi phí cho việc vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất cũng như chống nguy cơ thiếu hụt lao động sau khi đại dịch được kiểm soát (vì người lao động có thể di chuyển đi nơi khác, tìm kiếm công việc khác). Để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp cũng như vẫn đảm bảo quyền an sinh của người lao động, PGS.TS Phạm Hồng Chương đề nghị cần cân nhắc giảm mức đóng hơn là tạm dừng hoặc đóng chậm vì việc phục hồi sản xuất cần có thời gian trong khi gánh nặng đóng vẫn như cũ nếu chỉ tạm dừng hoặc đóng chậm.
Thứ sáu, tăng cường việc chăm lo sức khỏe tinh thần và theo dõi sức khỏe thể chất cho người lao động. PGS.TS Phạm Hồng Chương đề nghị cần xem xét triển khai hỗ trợ tư vấn tâm lý cho lao động đang thực hiện “ba tại chỗ” tại các doanh nghiệp qua hệ thống công tác xã hội ở địa phương và trong hệ thống y tế. Cùng lúc đó, đẩy mạnh hoạt động tư vấn, chăm sóc tại nhà cho người dân có nguy cơ hoặc bị nhiễm COVID-19. Triển khai rộng hơn, hiệu quả hơn mạng lưới bác sỹ gia đình, đặc biệt tại những tỉnh/thành phố có tình trạng đại dịch căng thẳng như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… Đồng thời cần tăng cường hoạt động khám và tư vấn chữa bệnh qua Telehealth cho người dân nói chung và S-Health cho người cao tuổi nói riêng.
Thứ bảy, sử dụng quyền mà Quốc hội trao cho Chính phủ trong xử lý tình trạng khẩn cấp để tạm thời sử dụng các quỹ an sinh xã hội đang kết dư (như Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; Quỹ khám, chữa bệnh…) để hỗ trợ các đối tượng cần. Chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan (đặc biệt là Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam) triển khai các chính sách tới đúng đối tượng và đủ mức hỗ trợ. PGS.TS Phạm Hồng Chương nêu ví dụ: Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để dùng hỗ trợ người lao động mất việc làm hoặc bị giãn, dừng việc làm cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tạo việc làm. Đề xuất sử dụng Quỹ công đoàn hỗ trợ người lao động có chỗ ăn, ở an toàn khi tiếp tục tham gia sản xuất trong điều kiện “ba tại chỗ” và tùy theo sự phục hồi của các doanh nghiệp, cần xem xét tiếp tục lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn cho các doanh nghiệp khó khăn do COVID-19 sau cả thời điểm 31/12/2021 như đã đề nghị trong Công văn 2059/TLĐ ngày 28/5/2021 của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam./.