QUYẾT ĐÁP KỊP THỜI CỦA QUỐC HỘI

04/10/2021

Chỉ tính riêng trong tháng 9 vừa qua, với 3 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 đã có thêm gần 74 nghìn tỷ đồng để thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động vượt qua khó khăn của đại dịch.

 

Cụ thể là, tại Phiên họp thứ Ba, trên cơ sở xem xét tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về việc ban hành 4 giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 với số tiền khoảng 21,3 nghìn tỷ đồng, nâng tổng nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ thực hiện theo thẩm quyền trong năm 2021 lên khoảng 140 nghìn tỷ đồng.

Ngay sau đó, ngày 22.9, trong bối cảnh ngân sách dự phòng Trung ương cho công tác phòng, chống dịch đã hết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định điều chỉnh, bổ sung vào chương trình Phiên họp thứ Ba nội dung xem xét phương án sử dụng nguồn cắt giảm tiết kiệm chi thường xuyên ngân sách Trung ương năm 2021 để tập trung cho công tác phòng, chống dịch. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 393/NQ-UBTVQH15 cho phép Chính phủ chuyển 14,62 nghìn tỷ đồng tổng hợp từ các khoản cắt giảm, tiết kiệm chi vào dự phòng ngân sách Trung ương để sử dụng cho phòng, chống dịch bệnh và giao Chính phủ chủ động thực hiện, chịu trách nhiệm về tính tuân thủ, bảo đảm hiệu quả, đúng mục đích của khoản ngân sách này.

Dù vậy, những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 trong lần bùng phát thứ tư đối với cộng đồng doanh nghiệp, người lao động, người dân đòi hỏi phải tiếp tục có các chính sách hỗ trợ nhiều hơn, nhanh hơn và mạnh mẽ hơn. Vì thế, ngay sau khi Phiên họp thứ Ba kết thúc vào chiều 22.9, Tổ công tác về phòng, chống Covid-19 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để xem xét, thảo luận về việc ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Trên cơ sở kết quả cuộc làm việc của Tổ công tác, Đảng đoàn Quốc hội đã có báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị về vấn đề này và ngay trong chiều 24.9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã triệu tập phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thảo luận, thông qua Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 cho phép Chính phủ sử dụng 30.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ BHTN năm 2020 để hỗ trợ trực tiếp cho người lao động một lần bằng tiền và giảm mức đóng cho người sử dụng lao động xuống 0% quỹ tiền lương tháng của người lao động tham gia BHTN với số tiền ước tính khoảng 8.000 tỷ đồng.

Trong 3 nghị quyết kể trên, có nội dung đã được thống nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ Ba; có nội dung được bổ sung cấp tốc khi Phiên họp thứ Ba đã gần kết thúc; và có nội dung được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết đáp tại một phiên họp bất thường. Không quản ngại ngày đêm, không cấn cá việc phải điều chỉnh chương trình làm việc hay phải triệu tập phiên họp khẩn, những quyết đáp kịp thời này một lần nữa cho thấy sự đồng hành chặt chẽ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế.

Riêng với Nghị quyết số 393 và Nghị quyết số 03 đã một lần nữa cho thấy phản ứng mau lẹ và hành động khẩn trương, quyết liệt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Điều đáng nói hơn là, sự khẩn trương, quyết liệt như vậy đã và đang trở thành nếp làm việc thường xuyên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

Lắng nghe cuộc sống, nắm bắt kịp thời những đòi hỏi bức thiết từ thực tiễn và chung sức, đồng lòng với Chính phủ, từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay, rất nhiều chính sách đặc biệt, đặc thù để xử lý tình huống cấp bách về phòng, chống dịch đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn gợi mở, chủ động yêu cầu các cơ quan hữu quan phối hợp chặt chẽ, nghiên cứu, sớm trình các biện pháp tổng thể, dài hơi hơn để chuyển đổi sang trạng thái “bình thường mới”, thích ứng an toàn với đại dịch và phục hồi kinh tế.

Có thể thấy rõ điều này khi các quan điểm lớn và rất nhiều giải pháp cụ thể được các chuyên gia trong nước và quốc tế “hiến kế” cho Quốc hội tại cuộc Tọa đàm tham vấn về kinh tế - xã hội ngày 27.9 vừa qua hoàn toàn trùng khớp với những yêu cầu được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ trước đó. Đặc biệt, trong bài viết “Một số cơ chế, chính sách cấp thiết nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế do tác động của đại dịch Covid-19”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gợi mở nhiều cơ chế, chính sách cần khẩn trương nghiên cứu, ban hành để đáp ứng đòi hỏi bức thiết hiện nay cũng như củng cố các nền tảng cho sự phục hồi, phát triển trong thời gian tới.

Từ các yêu cầu được Chủ tịch Quốc hội đặt ra cho thấy một khối lượng công việc vô cùng lớn sẽ phải được triển khai thực hiện, trong đó, nhiều nhiệm vụ rất nặng nề, khó khăn và phức tạp - nhưng không thể không làm. Có một điều chắc chắn rằng, trong hành trình đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ luôn đồng hành, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, bởi như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiều lần khẳng định, động lực cho mọi hoạt động, mọi nỗ lực, mọi đổi mới của Quốc hội chính là lợi ích của Nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)