HÌNH ẢNH ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ ĐỀ ÁN BẢO ĐẢM AN NINH NGUỒN NƯỚC VÀ AN TOÀN ĐẬP, HỒ CHỨA NƯỚC

16/09/2021

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 3, chiều 16/9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045.

 

Tham dự Phiên họp còn có đại điện một số bộ ngành của Chính phủ như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng, Bộ Công thương; đại diện thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cùng đại diện một số cơ quan, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội....

Tại Phiên họp, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan trình bày Tờ trình Đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045; nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về nội dung này.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

Toàn cảnh phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp

Trình bày Tờ trình về Đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, trước thực trạng một số bất cập hiện nay, để đảm bảo mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, đưa nước ta thành nước phát triển vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đề ra, có nhiều vấn đề cần giải quyết, nhưng với những phân tích trên thì rõ ràng đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước là chìa khóa then chốt

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra về Tờ trình của Chính phủ

Tại phiên họp, các đại biểu nhất trí cao với sự cần thiết xây dựng Đề án. Về những nội dung còn ý kiến khác nhau, một số ý kiến băn khoăn về cụm từ “an ninh nguồn nước” vì nội hàm hẹp hơn so với khái niệm “an ninh nước". Tuy nhiên, nếu sử dụng cụm từ “an ninh nước” để bao quát đầy đủ, toàn diện hơn theo tiếp cận quốc tế thì dễ gây hiểu lầm với khái niệm “quốc gia” hay “đất nước”; còn nếu sử dụng cụm từ “an ninh tài nguyên nước” cũng không đầy đủ

Bên cạnh đó, một số ý kiến khác lại cho rằng, không nên thể hiện nội dung “an toàn đập, hồ chứa nước” trong tên của Đề án, bởi đây chỉ là một trong những nhiệm vụ, giải pháp cần phải thực hiện để bảo đảm an ninh nguồn nước

Tham gia thảo luận tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, thực tế hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, trữ lượng nguồn nước ngầm ở nước ta tuy lớn nhưng ô nhiễm nước ngầm ngày càng gia tăng, ô nhiễm nước mặn cũng không kém. Bên cạnh đó, việc chôn lấp rác thải hiện nay còn bừa bãi và chiếm tỉ lệ lớn, ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống nước ngầm của nước ta. Do đó phải thay đổi công nghệ, thay đổi tập quán của người dân cũng như việc chôn lấp rác thải

Bên cạnh đó, về quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, như Tờ trình của Chính phủ, nước là nguồn lực quan trọng của quốc gia, phải chủ động nguồn nước trong mọi tình huống, có thể coi Đề án ở mức độ như Chương trình mục tiêu quốc gia, tuy nhiên đề nghị thêm từ “Phòng chống và thích ứng với biến đổi khí hậu” trong Quan điểm của Đề án chứ không chỉ có “thích ứng với biến đổi khí hậu” như Tờ trình đã nêu

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần chia giai đoạn rõ ràng, phải khuyến khích các nguồn lực xã hội hóa, đồng thời phải bổ sung, chỉnh sửa Đề án chi tiết hơn, cụ thể hơn, giao Chính phủ tổ chức thực hiện trong giai đoạn 10 năm tới để đảm bảo an ninh nguồn nước, phát triển kinh tế xã hội

Phát biểu ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra rất công phu, dành riêng một buổi để thảo luận cho ý kiến về Đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 cho thấy tầm quan trọng của nội dung này

Theo Chủ tịch Quốc hội, Đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 có thể trình Bộ Chính trị cho ý kiến, căn cứ kết luận của Bộ Chính trị, sau đó Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định

Đồng tình với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Đề án nên tách riêng thành 2 lĩnh vực. Bởi Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước là đề án lớn, nên Đề án an toàn hồ, đập chứa nước có thể tách riêng. Đây là vấn đề cấp thiết của Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu kỹ tên gọi để đúng với thông lệ quốc tế, đồng thời cần bổ sung đánh giá về thiệt hại, đánh giá tiềm năng nguồn nước của Việt Nam

Cũng tại phiên họp, đại diện một số bộ ngành của Chính phủ như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng và Bộ Công thương đã giải trình làm rõ các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu, đồng thời tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và cho rằng sẽ nhanh chóng bổ sung, hoàn thiện Đề án

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tiếp thu ý kiến của các Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ hoàn chỉnh Đề án và báo cáo Bộ Chính trị để xin ý kiến chỉ đạo về các nội dung quan trọng của Đề án. Đồng thời, Giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì phối hợp với các cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, báo cáo Chính phủ đề hoàn chỉnh Đề án, Dự thảo Nghị quyết. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường hoàn chỉnh Báo cáo thẩm tra

Minh Thành

Các bài viết khác