ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐIỆN ẢNH (SỬA ĐỔI)

14/09/2021

Thực hiện chương trình Phiên họp thứ 3, sáng 14/9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

 

Toàn cảnh Phiên họp.

Tham dự phiên họp còn có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính cùng đại diện một số bộ, ngành Văn phòng Chính phủ, đại diện một số cơ quan, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội....

Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày Tờ trình Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cơ bản tán thành với mục đích, quan điểm xây dựng Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Tờ trình số 298/TTr-CP ngày 17/8/2021 của Chính phủ, đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề sau: Luật cần khắc phục tình trạng “luật khung”, “luật ống”, chỉ quy định cụ thể các nội dung đã được kiểm chứng trong thực tiễn, có tính ổn định cao; Các chính sách đề xuất mới phải được đánh giá kỹ lưỡng, bảo đảm phù hợp, đồng bộ, khả thi; Các quy định phải bảo đảm nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; Bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội, huy động các nguồn lực tham gia phát triển ngành điện ảnh.

Về thẩm quyền cấp phép phân loại phim, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, các quy định hiện hành chưa thể giải quyết được hạn chế, bất cập của việc thẩm định, cấp phép phân loại phim chiếu rạp trong thực tiễn, đề nghị Ban soạn thảo rà soát, nghiên cứu có cơ chế khuyến khích các cơ quan, tổ chức (đài truyền hình, các tổ chức kiểm định độc lập, các tổ chức nghề nghiệp) tham gia tham vấn, hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước trong công tác thẩm định phim. Đồng thời đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về quyền hạn, trách nhiệm, hoạt động của Hội đồng thẩm định và phân loại phim bảo đảm yêu cầu chuyên môn, tăng tính chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu thẩm định phim của các cơ sở điện ảnh. 

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban đồng tình với quy định phân loại phim như dự thảo Luật và cho rằng, đây là điểm mới, phù hợp với mục đích thẩm định, cấp phép và xu hướng của điện ảnh thế giới. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu, kết hợp phân loại phim theo độ dài phim, thể loại phim và độ tuổi của đối tượng xem phim. Quy định tiêu chí phân loại phim rất quan trọng và cần thiết. Do đó, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung tiêu chí phân loại phim theo hướng cụ thể, rõ ràng, áp dụng chung cho các hình thức phổ biến phim và bổ sung dự thảo văn bản quy định chi tiết trong hồ sơ Dự án Luật trình Quốc hội.

Gợi ý nội dung thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh khi tiến hành xây dựng Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) phải đảm bảo chặt chẽ, toàn diện, minh bạch, đổi mới, đáp ứng yêu cầu của đất nước và hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới. Hiện còn nhiều ý kiến khác nhau về chính sách phát triển điện ảnh, quản lý Nhà nước về điện ảnh, nhất là 3 vấn đề sau:

Thứ nhất, hình thức sản xuất phim sử dụng NSNN có đấu thầu hoặc không đấu thầu, Chính phủ đề xuất không áp dụng phương thức đấu thầu, còn Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng phải có hình thức đấu thầu bên cạnh hình thức đặt hàng và giao nhiệm vụ.

Thứ hai, việc quản lý phố biến trên không gian mang, Chính phủ đưa ra hai phương án, lực chọn hậu kiểm hoặc tiền kiểm. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề xuất thêm phương án hậu kiểm kết hợp với tiền kiểm.

Thứ ba, việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, Dự thảo Luật đưa ra quy định về việc thành lập Quỹ, mục đích và nguyên tắc hoạt động của Quỹ.

Tại phiên họp, đa số các ý kiến tán thành cao việc sửa đổi toàn diện Luật Điện ảnh. Việc sửa đổi Luật Điện ảnh nhằm cụ thể hóa nội dung về quyền con người, quyền công dân, quyền sáng tạo văn học, nghệ thuật, quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa quy định trong Hiến pháp 2013; đồng thời, thể chế hóa nội dung Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Sau 15 năm thi hành, nhiều quy định trong Luật Điện ảnh năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) không còn phù hợp với thực tiễn, không tương thích với hệ thống pháp luật liên quan; việc áp dụng một số quy định còn khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, mạng xã hội đã và đang tác động mạnh đến ngành điện ảnh, làm thay đổi về quy trình, phương thức sản xuất, phát hành, phổ biến phim và cách tiếp cận, thụ hưởng tác phẩm điện ảnh của người dân.

Về chính sách của Nhà nước phát triển điện ảnh, một số ý kiến đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục là các chính sách trong Dự thảo Luật còn phân tán, có nội dung diễn đạt chưa rõ; đề tài phim sản xuất theo kế hoạch phục vụ nhiệm vụ chính trị còn khá rộng. Đề nghị lưu ý không giao Chính phủ quy định chi tiết những nội dung ưu đãi về tín dụng, thuế và phí vì thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.

Một số ý kiến đề nghị các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển điện ảnh cần được lượng hóa cụ thể hơn để bảo đảm minh bạch, khả thi. Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, chính sách về đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước đối với phát triển điện ảnh phải có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, đưa vào luật một số chính sách về xã hội hóa; huy động các thành phần kinh tế, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; hỗ trợ sản xuất phim như một loại đầu tư rủi ro.

Về sản xuất, phát hành và phổ biến phim, có ý kiến đề nghị ban Soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định để khắc phục có hiệu quả một số tồn tại, hạn chế hiện nay, đáp ứng yêu cầu giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam; đề nghị quy định về xuất khẩu phim cần thông thoáng hơn; phim xuất khẩu chỉ cần phù hợp với tiêu chí của nước nhập khẩu phim và không được vi phạm các quy định cấm tại Điều 10 Dự thảo Luật, để mở rộng thị trường xuất khẩu phim Việt Nam ra thế giới. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Luật Điện ảnh hiện hành ban hành năm 2006, sau 14 năm đã đạt được nhiều thành tựu và kết quả, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, Báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra được những hạn chế, bất cập của Luật Điện ảnh hiện hành. Đó là Luật Điện ảnh năm 2006 mới chỉ tiếp cận phim trên nền tảng điện ảnh truyền thống như sản xuất phim nhựa chứ chưa tiếp cận nền tảng công nghệ kỹ thuật số như hiện nay. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, điện ảnh không chỉ là ngành nghệ thuật mà còn là ngành công nghiệp văn hóa, đồng thời liên quan đến các ngành văn hóa dịch vụ tổng hợp khác như du lịch. Thực tế cho thấy ngành điện ảnh ở nhiều nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ... phát triển rất mạnh. Chủ tịch Quốc hội nêu dẫn chứng phim trường của bộ phim “Kong: Skull Island” tại Ninh Bình hay phim trường của phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” tại Phú Yên thu hút rất nhiều khách du lịch đến tham quan.

Do vậy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tán thành với Chính phủ sửa đổi toàn diện Luật Điện ảnh, đồng thời phải nhìn nhận điện ảnh không chỉ dưới góc độc văn hóa nghệ thuật mà còn là sản phẩm dịch vụ có tính văn hóa cao, xây dựng như một ngành kinh tế mũi nhọn, có chính sách phát triển riêng. Chủ tịch Quốc hội cho rằng cách tiếp cận này hoàn toàn đúng nhưng báo cáo thẩm tra cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, thích nghi với nền tảng công nghệ kỹ thuật số hiện nay, để đảm bảo vừa là loại hình nghệ thuật vừa là sản phẩm văn hóa.

Nhấn mạnh Luật Điện ảnh phải điều chỉnh các hoạt động điện ảnh trong môi trường công nghệ số để khuyến khích điện ảnh phát triển nhanh, đồng thời Luật Điện ảnh phải tạo hành lang pháp lý để phát triển nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng đây là hai vấn đề bao trùm lớn nhất để sửa đổi Luật điện ảnh lần này, hy vọng Luật ra đời sẽ tạo cú hích cho loại hình nghệ thuật này.

Đề cập đến chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh và hỗ trợ phát triển công nghiệp điện ảnh, Chủ tịch Quốc hội hoàn toàn đồng tình với chính sách này, đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tính toán thêm. "Đây là 2 chính sách hay 1 chính sách? thực tế có tách bạch được 2 vấn đề này hay không?" - Chủ tịch Quốc hội gợi ý. Công nghiệp điện ảnh như một ngành văn hóa có tính tổng hợp liên ngành, kết nối với nhiều ngành, do đó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Dự án Luật phải thể hiện được vấn đề này như kết nối với ngành du lịch, ngành công nghiệp giải trí khác, tổ hợp vui chơi giải trí, công nghiệp dịch vụ, biểu diễn nghệ thuật, thời trang.... Đồng thời khi ban hành Luật này cần tính toán sự đồng bộ với các luật khác có liên quan. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cũng lưu ý cần quan tâm đầu tư phim trường, có chính sách khuyến khích đầu tư phim trường cũng như đào tạo nguồn nhân lực.

Liên quan đến vấn đề vốn trong hoạt động điện ảnh, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây có thể xem là loại đầu tư rủi ro, không thể gọi vốn thông thường như cho vay tín dụng thương mại, đề nghị cần xem xét, tính toán về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.

Về quy định sản xuất phim bằng nguồn ngân sách Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đề nghị cần xem xét rõ hơn quy định nào thì đấu thầu, tiêu chí đấu thầu như thế nào, quy định nào thì giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng.

Liên quan đến nội dung phổ biến phim trên không gian mạng, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần áp dụng cả 2 loại phương án quản lý hình thức phổ biến phim trên không gian mạng là cả tiền kiểm và hậu kiểm, không nên tách riêng 2 phương án này, không nên cực đoan chỉ chọn một phương án hoặc tiền kiểm hoặc hậu kiểm.

Cho rằng những nội dung Chính phủ đề xuất đều rất mới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phổi hợp với nhau, tổ chức nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, học tập kinh nghiệm từ các nước có nền điện ảnh phát triển để xây dựng Luật Điện ảnh vừa đảm bảo đời sống tinh thần, giải trí cho nhân dân, vừa đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Giải trình làm rõ về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để họp lại ban soạn thảo, xem xét, xây dựng và hoàn thiện Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Bộ trưởng cho rằng đây là vấn đề khó, đáp ứng 2 yêu cầu mà Chủ tịch Quốc hội đề ra thì không đơn giản. Về vấn đề đặt hàng hoặc giao đấu thầu, thực tiễn cho thấy, những năm qua không ai đấu thầu vì do kịch bản luôn gắn liền với đơn vị sản xuất, và chúng ta không có ngân hàng kịch bản. Do vậy khi không ai đấu thầu thì xin Chính phủ cho chỉ định đặt hàng, giao nhiệm vụ. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ tiếp thu nội dung ý kiến này và bổ sung thêm cụ thể nội dung nào đặt hàng, nội dung nào đấu thầu, nội dung nào giao nhiệm vụ. Đồng thời Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng thẳng thắn thừa nhận sai sót của Bộ, khi Luật có rồi nhưng chưa triển khai được Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định cần phải có quỹ này, nếu không có quỹ thì sẽ không hỗ trợ và khuyến khích sáng tạo được, vì mục đích lâu dài là đầu tư cho các văn nghệ sỹ, khuyến khích làm các phim có tính sáng tạo, tính thể nghiệm, do đó cần có chính sách khuyến khích để phát triển điện ảnh. Bộ trưởng cũng cho biết, nghiên cứu Luật ở các nước khác như Anh, Pháp, Đức, Hàn Quốc... đều có quỹ này với nhiều tên gọi khác nhau.

Về phổ biến phim trên không gian mạng, Bộ trưởng cho rằng hiện nay nền tảng công nghệ của nước ta chưa đáp ứng được vấn đề này, do vậy cần đưa ra thiết chế là nhà cung cấp phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật và cũng đi theo xu hướng chung của thế giới. Ông Nguyễn Văn Hùng cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, gắn tiền kiểm và hậu kiểm, đảm bảo an ninh, chính trị quốc gia và sẽ có giải trình rõ hơn trong thời gian tới.

Về chính sách của Nhà nước phát triển điện ảnh và hỗ trợ phát triển công nghiệp điện ảnh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết sẽ lồng ghép cả hai chính sách thành một, mong muốn nhận được ý kiến chỉ đạo sát sao của Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội để Dự án Luật này có thể trình được ra Quốc hội trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận Phiên họp.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị và cố gắng hoàn thiện Dự án Luật của cơ quan soạn thảo, luôn phối hợp chặt chẽ, sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu ý kiến, góp ý nhiều chiều, hồ sơ trình tương đối đầy đủ, đúng quy định. Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã chủ động nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan trong việc chuẩn bị các nội dung, tổ chức họp thẩm tra sơ bộ đối với Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục được chuẩn bị nghiêm túc, chất lượng, khái quát những vấn đề chính của Dự án Luật cũng như có quan điểm rõ ràng về một số vấn đề khác nhau. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục phối hợp để hoàn thiện Dự án Luật như ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội.

Thứ nhất, việc sửa đổi Luật Điện ảnh phải tạo ra được hành lang pháp lý và chính sách đột phá, có tầm nhìn dài hạn để phát triển điện ảnh Việt Nam với tư cách vừa là ngành văn hóa nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế, dịch vụ văn hóa trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh, thị trường điện ảnh, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong các khâu sản xuất, phát hành, phổ biến và lưu trữ phim. Luaath khi ban hành phải tiếp tục thúc đẩy phát triển nền điện ảnh Việt Nam vừa tiên tiến hiện đại, vừa đậm đà bản sắc dân tộc và có uy tín với quốc tế, phải phục vụ tốt yêu cầu đảm bảo quyền sáng tạo, quyền hưởng thụ giá trị văn hóa, nghệ thuật của người dân và cộng đồng, phải tạo ra khuôn khổ pháp lý về điện ảnh, thực hiện tốt chức năng giáo dục nhận thức, bồi dưỡng tư tưởng, thẩm mỹ cho quần chúng theo đường lối văn hóa, nghệ thuật của Đảng.

Thứ hai, đề nghị ban soạn thảo tiếp thu nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phát biểu, bổ sung các chính sách để xây dựng, phát triển hệ sinh thái sản xuất phim, khuyến khích xã hội hóa, huy động các nguồn, các thành phần kinh tế, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hoạt động điện ảnh, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển điện ảnh trong nước.

Thứ ba, đề nghị ban soạn thảo rà soát quy định về công tác quản lý Nhà nước, nhất là các vấn đề liên quan đến việc thẩm định, cấp phép, phân loại phim; thẩm định, cấp phép, xuất khẩu phim, nhập khẩu phim, phát hành phim; cấp phép đối với liên hoan phim, giải thưởng, cuộc thi phim, chú ý về cơ chế, chính sách cho điện ảnh, xây dựng phim trường, trường quay, đào tạo nguồn nhân lực cho điện ảnh.

Thứ tư, đề nghị ban soạn thảo rà soát các quy định cụ thể trong luật, các vấn đề đã được kiểm chỉnh có tính ổn định cao, chỉ giao cho Chính phủ quy định những vấn đề có tính linh hoạt, nhiều biến động trong thực tiễn. Đồng thời xây dựng Dự thảo, thông tư, quy định, các điều khoản để gửi kèm Dự thảo Luật. Bên cạnh đó, Dự án Luật cần có sự kết nối đồng bộ với các dự án luật khác, phát huy ưu thế các luật có tính tương đối, nhất là Luật Du lịch.

Đối với ba vấn đề Chính phủ xin ý kiến, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, về việc sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước, giao nhiệm vụ đặt hàng, đấu thầu là các hình thức cơ bản để lựa chọn đơn vị cung ứng sản phẩm dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước được pháp luật quy định thực hiện hình thức đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ nhằm tạo sự bình đẳng giữa các đơn vị Nhà nước và tư nhân, phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế thị trường. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, làm rõ các ưu, nhược điểm của phương án để lựa chọn, trình xin ý kiến Quốc hội.

Về việc phổ biến phim trên không gian mạng, hậu kiểm là phù hợp với xu hướng và thông lệ quốc tế. Tuy nhiên trong một số trường hợp nếu chỉ áp dụng phương án hậu kiểm thì sẽ có thể xảy ra nguy cơ bỏ lọt các bộ phim, ảnh hưởng xấu đến chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, phân tích rõ các ưu điểm, nhược điểm của tiền kiểm, hậu kiểm, trình xin ý kiến Quốc hội.

Về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, dự thảo luật chưa làm rõ tính cần thiết, căn cứ giải pháp khả năng tài chính độc lập của Quỹ, cơ chế hoạt động của Quỹ... đề nghị ban soạn thảo tiếp thu, bổ sung làm rõ các vấn đề này, báo cáo xin ý kiến Quốc hội. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính Phủ có văn bản giải trình, tiếp thu gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục hoàn thành thẩm tra chính thức để trình Quốc hội; đề nghị ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ, gửi tài liệu đúng quy định đến đại biểu Quốc hội trong Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV./.

Bích Ngọc