Ngày làm việc thứ 25, kỳ họp thứ năm, Quốc hội Khóa XIII: Nỗ lực tạo điều kiện tốt hơn cho người lao động

20/06/2013

* Thông qua bốn dự án Luật Ngày 19-6, Kỳ họp thứ năm, Quốc hội (QH) khóa XIII sang ngày làm việc thứ 25. Buổi sáng, các đại biểu QH thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm. Buổi chiều, QH họp phiên toàn thể xem xét, biểu quyết thông qua các dự án luật: Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai.

Tạo môi trường và điều kiện làm việc tốt hơn cho người lao động

Tại phiên thảo luận về dự án Luật Việc làm, các đại biểu đều nhất trí về sự cần thiết của việc ban hành Luật Việc làm như tờ trình của Chính phủ, với mục tiêu thể chế hóa quan điểm của Ðảng là "Tạo môi trường và điều kiện để mọi người lao động có việc làm và thu nhập tốt hơn". Việc ban hành luật nhằm góp phần phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động.

Các đại biểu QH tập trung tham gia ý kiến về chính sách hỗ trợ việc làm, tạo việc làm tại Chương II. Nhiều đại biểu cho rằng, cần có những quy định cụ thể với các nhóm chính sách, như: tín dụng tạo việc làm; hỗ trợ chuyển dịch việc làm cho lao động nông thôn, hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên... Theo đại biểu Trần Hồng Thắm (Cần Thơ), đây là nhóm chính sách quan trọng mà dự luật cần tập trung bổ sung hoàn thiện để nhóm chính sách đó mang tính chủ động trong việc hỗ trợ phát triển việc làm, ngăn ngừa thất nghiệp, thiếu việc làm, hỗ trợ lao động thất nghiệp...

Về việc đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động, nhiều đại biểu đồng ý với việc quy định nội dung này trong Luật Việc làm vì đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia gắn với chính sách việc làm và thị trường lao động. Ðại biểu Nguyễn Hữu Ðức (Ðồng Tháp); Phạm Thị Thu Hồng (Bình Ðịnh), Phạm Thị Trung (Kon Tum) đều cho rằng, việc quy định tiêu chuẩn, kỹ năng nghề quốc gia và việc đánh giá chứng nhận cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia là cơ sở để người lao động phấn đấu nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sản xuất kinh doanh; đồng thời người sử dụng lao động phải bố trí việc làm, trả lương hợp lý cho người lao động; góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và là căn cứ để xây dựng chương trình dạy nghề phù hợp với yêu cầu của sản xuất và kinh doanh. Ðại biểu Võ Ngọc Thứ (Kiên Giang) đề nghị, trong dự thảo luật nên bổ sung nhóm ngành nghề cụ thể tham gia đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, những nhóm đối tượng nào và những điều kiện được tham gia đánh giá để khi luật có hiệu lực thì sẽ thực hiện được ngay không cần những nghị định, thông tư hướng dẫn.

Vấn đề mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp được nhiều đại biểu quan tâm góp ý kiến và cho rằng, việc mở rộng đối tượng tham gia là cần thiết, tuy nhiên, hiện mới có khoảng 33% lao động làm công ăn lương, vẫn còn khoảng 67% lao động không có quan hệ lao động trong tổng số lao động. Vì vậy không ít đại biểu lo ngại các cơ quan nhà nước quản lý sẽ không đủ nhân lực và công cụ để quản lý và kiểm soát được về mặt thu nhập và việc làm, cho nên việc thiết kế chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho nhóm đối tượng này là khó khả thi. Ðại biểu Lê Thị Yên (Phú Thọ), Nguyễn Thúy Hoàn (Thái Bình), Phạm Thị Thu Hồng (Bình Ðịnh) cho rằng, cần xem xét đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động không có quan hệ lao động, có thể giao các cơ quan chức năng nghiên cứu thí điểm thực hiện, khi có đủ điều kiện mới đưa vào quy định trong luật này.

Ða số các đại biểu tán thành với Tờ trình của Chính phủ về việc chuyển quy định về bảo hiểm thất nghiệp trong Luật Bảo hiểm xã hội về dự án Luật Việc làm. Các đại biểu Mã Ðiền Cư (Quảng Ngãi), Châu Thị Thu Nga (Hà Nội) cho rằng, bảo hiểm thất nghiệp là chính sách của thị trường lao động, gắn với chính sách hỗ trợ đào tạo việc làm, dịch vụ việc làm và thông tin thị trường lao động. Còn bảo hiểm xã hội chỉ nên tập trung vào chính sách an sinh xã hội dài hạn. Việc chuyển chính sách bảo hiểm thất nghiệp từ Luật Bảo hiểm xã hội sang Dự án Luật Việc làm sẽ không làm thay đổi mô hình tổ chức, không gây xáo trộn trong quản lý và việc sử dụng quỹ được khai thác thực hiện ở chính sách này.

Thông qua bốn dự án luật

Ðầu giờ làm việc buổi chiều, các đại biểu QH nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh (QP và AN) của QH Nguyễn Kim Khoa Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu QH về dự thảo Luật Giáo dục QP  và AN. Báo cáo cho biết: Sau khi chỉnh sửa, bổ sung, dự thảo Luật còn tám chương và 47 điều. Sau khi nghe Báo cáo nêu trên, các đại biểu QH đã tiến hành biểu quyết với 90,36% tổng số đại biểu tán thành thông qua Luật Giáo dục QP và AN.

Tiếp đó, các đại biểu QH nghe Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT). Báo cáo cho biết: Trên cơ sở tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ và tại hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT, UBTVQH đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách chủ trì phối hợp với Ban soạn thảo nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu QH và chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo luật. Sau khi nghe Báo cáo nêu trên, các đại biểu QH đã tiến hành biểu quyết với 91,37% tổng số đại biểu tán thành thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT.

Các đại biểu QH nghe Báo cáo giải trình của UBTVQH tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Sau đó, các đại biểu QH đã tiến hành biểu quyết với 91,57% tổng số đại biểu tán thành thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Cuối phiên họp buổi chiều, QH nghe Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Phan Xuân Dũng Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Phòng, tránh và Giảm nhẹ thiên tai. Sau khi chỉnh sửa, bổ sung, dự thảo Luật này còn sáu chương và 47 điều. Các đại biểu QH đã tiến hành biểu quyết với 91,97% tổng số đại biểu tán thành thông qua Luật Phòng, chống thiên tai.

 

(http://www.nhandan.com.vn/)