Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ làm việc về kết quả thực hiện kiến nghị sau giám sát chuyên đề về thanh niên và trẻ em

10/05/2013

Ngày 8.5, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ đã làm việc với Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Tài chính, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội đồng Đội Trung ương về kết quả thực hiện kiến nghị của Ủy ban sau giám sát chuyên đề về thanh niên và trẻ em các năm 2008, 2009 và 2010.

Theo báo cáo của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, hiện trên cả nước có 34 trung tâm dạy nghề, giới thiệu việc làm thanh niên (trong đó có 31 trung tâm do các tỉnh, thành Đoàn quản lý). Bộ máy tổ chức của các trung tâm hiện có 440 người, nhưng chất lượng cán bộ, giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu; hệ thống thiết bị thiếu, lạc hậu… Do đó, các trung tâm chủ yếu tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề và việc làm. Từ năm 2008 - 2012, các trung tâm đã giới thiệu việc làm cho gần 628.000 người, trong đó 75% có việc làm. Sau giám sát, từ  kiến nghị của Ủy ban, Trung ương Đoàn đã rà soát, củng cố hệ thống các cung, nhà thiếu nhi trên cả nước. Năm 2010 cả nước có 305 cung, nhà thiếu nhi nay thu gọn còn 254 đơn vị. Số lượng, chất lượng hoạt động bồi dưỡng năng khiếu, tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em được nâng cao; bên cạnh đó chú trọng đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ phục vụ công tác này.

Trong năm 2012 - 2013, Hội đồng Đội Trung ương đã tham mưu cho Ban bí thư Trung ương Đoàn xây dựng đề án hỗ trợ thiết bị cho 100 nhà thiếu nhi cấp huyện trình Chính phủ phê duyệt với tổng kinh phí 15 tỷ đồng. Các cung, nhà thiếu nhi cả nước đã mở nhiều lớp năng khiếu, giai đoạn 2007 - 2012 tổ chức khoảng 160.000 lớp, bình quân 10 - 20 loại hình, có nơi lên đến 80 - 90 loại hình như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. 100% các tỉnh, thành đoàn đều triển khai hoạt động hè, các hoạt động nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu và đã tổ chức được gần 39.000 hội trại cho thiếu nhi. Tuy nhiên, việc bố trí không gian vui chơi cho trẻ em ở các địa phương chưa toàn diện, thiếu tính chiến lược; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho các cung, nhà thiếu nhi dàn trải, thiếu đồng bộ…

Về chính sách pháp luật đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã kiến nghị đưa nội dung giáo dục chuyên biệt vào chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục, đào tạo đến 2010 và chỉ đạo tổ chức thực hiện; chú trọng bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên giảng dạy. Giai đoạn 2013 - 2020, Bộ tiếp tục xây dựng kế hoạch, tổ chức bồi dưỡng giáo viên giảng dạy tại các trường lớp, nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Bộ đã xây dựng đề án thí điểm dạy bơi cho trẻ em, tiến tới đưa môn bơi vào chương trình giảng dạy trong các trường phổ thông. Tuy nhiên, phần lớn các trường đều khó khăn về cơ sở vật chất trong bảo đảm việc dạy bơi an toàn cho học sinh. Ngoài ra, do nguồn vốn ngân sách có hạn nên các mục tiêu về phát triển các cơ sở văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em chưa được đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục, đào tạo giai đoạn 2012 - 2015.

Về tăng đầu tư cho lĩnh vực dạy nghề, báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo bảo đảm mức tăng chi hàng năm, năm sau cao hơn năm trước cả tỷ lệ và số chi tuyệt đối. Trong 3 năm 2011 - 2013, ngân sách nhà nước chi cho chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề trên 9.260 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán chi thường xuyên của Trung ương Đoàn cho chương trình mục tiêu quốc gia trên 26 tỷ đồng; Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trên 22 tỷ đồng thực hiện đề án hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 - 2015. Tuy nhiên, vẫn chưa có quy định về chế độ cho người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ có hoàn cảnh đặc biệt đang làm việc tại các trung tâm bảo trợ xã hội.

 

Cao Sơn

(http://daibieunhandan.vn/)