Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân dự Phiên họp toàn thể lần thứ Tám của Ủy ban Kinh tế

30/04/2013

Bí thư Trung ương Đảng, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân tới dự.

 

Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu chủ trì Phiên họp.

 

Theo Báo cáo của Chính phủ, từ cuối năm 2012 đến nay, việc thực hiện các nhiệm vụ KT- XH, nền kinh tế đã giữ được tốc độ tăng trưởng hợp lý; lạm phát được kiềm chế; kinh tế vĩ mô được cải thiện; lãi suất tín dụng giảm, cơ cấu tín dụng có chuyển biến theo hướng tăng tín dụng cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên. Đáng chú ý là, những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh được Chính phủ báo cáo QH tại Kỳ họp cuối năm 2012 đến nay đã từng bước được tháo gỡ, chỉ số tồn kho đang giảm dần, khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển khá. Một nội dung được dư luận xã hội và các chuyên gia kinh tế đặc biệt quan tâm trong thời gian qua là tái cơ cấu nền kinh tế thì hiện nay, Chính phủ cũng đang chú trọng xây dựng các Đề án và đã bước đầu triển khai thực hiện. Báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ: nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố có khả năng gây lạm phát cao và bất ổn kinh tế vĩ mô; trong khi đó, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế vẫn chậm được triển khai; dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra và chênh lệch lớn so với tốc độ tăng huy động vốn, việc xử lý nợ xấu còn chậm nên những khó khăn về tiếp cận nguồn vốn tín dụng của doanh nghiệp chưa được cải thiện nhiều...

 

Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, nhiều thành viên Ủy ban Kinh tế ghi nhận, từ năm 2012 đến nay, điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ đã có sự chuyển biến đáng ghi nhận, nhất là việc chuyển dần từ tư duy điều hành theo kiểu ứng phó, tình thế sang việc kết hợp giữa giải quyết các vấn đề ngắn hạn với xử lý các vấn đề mang tính dài hạn. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng, sự chuyển biến này vẫn chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn cuộc sống. Đơn cử như việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thị trường. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp rơi vào trạng thái đình trệ, thậm chí đứng bên bờ phá sản, sức mua của nền kinh tế giảm sút, thị trường trì trệ, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 với nhiều giải pháp đúng, trúng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Hai Nghị quyết này được ban hành khá sớm nhưng việc triển khai thực hiện trên thực tế lại rất chậm nên đã làm giảm hiệu quả của chính sách và ở góc độ khác, còn làm suy giảm lòng tin của thị trường, của doanh nghiệp đối với chính sách của Nhà nước. Tại sao việc thực hiện chính sách bị chậm? Trách nhiệm thuộc về ai? Các đại biểu đề nghị, Báo cáo của Chính phủ cần tập trung phân tích sâu sắc vấn đề này để nghiêm túc rút kinh nghiệm trong điều hành kinh tế vĩ mô tới đây.

 

Về các nhiệm vụ và giải pháp KT- XH những tháng còn lại của năm 2013, các thành viên Ủy ban tán thành nhận định của Chính phủ, những khó khăn, bất ổn của kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, Báo cáo của Chính phủ cần chỉ rõ những khó khăn, bất ổn nào của kinh tế thế giới sẽ tác động đến kinh tế nước ta, tác động ở mức độ nào và khả năng phục hồi của nền kinh tế nước ta ra sao? Cần phân tích thấu đáo tác động của từng khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế để xác định ưu tiên chính sách phù hợp và chủ động tháo gỡ. Một số ý kiến nhấn mạnh, thực tế thực hiện nhiệm vụ KT- XH những tháng đầu năm cho thấy, phấn đấu đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát và tăng trưởng kinh tế theo Nghị quyết của QH là không dễ. Sức ép của lạm phát và tăng trưởng kinh tế hiện nay đều rất lớn. Chính vì vậy, trong Báo cáo trình QH tại Kỳ họp thứ Năm tới, Chính phủ cần khẳng định rõ quan điểm điều hành chính sách kinh tế vĩ mô sẽ đi theo hướng nào.

 

 

 

B. Long

(http://daibieunhandan.vn)