Từ năm 2014, sẽ áp dụng thuế suất phổ thông 22%

17/04/2013

Tiếp tục phiên họp thứ 17, chiều 16/4, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào Tờ trình của Chính phủ về một số giải pháp về thuế nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh và một số vấn đề quan trọng còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Từ 1/1/2014, áp dụng thuế suất phổ thông 22%

Tờ trình của Chính phủ do Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai trình bày cho thấy qua thống kê kết quả kê khai tạm nộp 4 quý năm 2012 của 63 địa phương thì các giải pháp miễn, giảm thuế đã hỗ trợ các doanh nghiệp là 2.468 tỷ đồng; miễn khoảng 62,4 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động cung ứng suất ăn ca cho công nhân và hộ gia đình, cá nhân kinh doanh nhà trọ, phòng trọ, chăm sóc trông giữ trẻ.

Miễn thuế từ ngày 1/7/2012 đến hết ngày 31/12/2012 cho các cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1 khoảng 1.388 tỷ đồng. Việc thực hiện các giải pháp này đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, giảm chi phí và tiếp tục duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn, khích lệ tinh thần và tạo niềm tin cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, trước bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước tăng trưởng chậm hơn nhiều so với dự báo và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với một loạt các khó khăn như sức mua thị trường giảm, lượng hàng hóa tồn kho còn lớn, đặc biệt là tồn kho trong lĩnh vực bất động sản và vật liệu xây dựng.

Theo thống kê chưa đầy đủ từ 50 tỉnh, thành phố , đ ến hết năm 2012, tổng giá trị tồn kho trong lĩnh vực bất động sản khoảng 111.963 tỷ đồng. Tình trạng tồn kho trong lĩnh vực bất động sản không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản mà còn gây đình trệ sản xuất cho nhiều doanh nghiệp liên quan. Vì vậy, để hỗ trợ các doanh nghiệp có quy mô nhỏ vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, đồng thời góp phần giải quyết lượng hàng tồn kho lớn trong toàn nền kinh tế, đặc biệt lượng hàng tồn kho trong lĩnh vực bất động sản và vật liệu xây dựng, từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cũng thể hiện sự chia sẻ, hỗ trợ của nhà nước đối với những người có thu nhập thấp trong việc mua nhà ở, cần có những giải pháp tài chính đồng bộ, trong đó có giải pháp về thuế.

Đa số ý kiến trong Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc hỗ trợ về thuế đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư-kinh doanh nhà ở xã hội trong bối cảnh hiện nay là cần thiết để cùng với các giải pháp khác góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, thể hiện sự chia sẻ của Nhà nước đối với doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

Tán thành với những biện pháp cần thiết để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, song Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý không khỏi băn khoăn về việc 3 năm liên tục Quốc hội đều ban hành nghị quyết về thuế để tháo gỡ khó khăn dẫn đến không bảo đảm tính ổn định của chính sách thuế.

Ông Phan Trung Lý kiến nghị nếu tiếp tục ban hành nghị quyết, cần phải bảo đảm nội dung của nghị quyết phù hợp với những nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như Luật thuế giá trị gia tăng, tránh những mâu thuẫn, sửa nhiều lần, không đảm bảo tính ổn định của đạo luật. Có thể kết hợp Nghị quyết này với hai Luật trên để tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện. Chính sách thuế cần minh bạch nhưng lâu nay các nghị quyết thường lồng ghép chính sách xã hội vào chính sách thuế, đây là khó khăn cản trở việc xác định sự minh bạch, do đó, dần dần phải tách chính sách xã hội ra khỏi thuế để đảm bảo tính minh bạch.

Cũng theo ông Phan Trung Lý, nếu nghị quyết được ban hành thì g iảm thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 2.372 tỷ đồng là không cao, mức lan tỏa của quyết định này là manh mún. Mức thuế này có thực sự tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, có đúng tầm, đúng điều doanh nghiệp cần. Hiện doanh nghiệp cần tháo gỡ nhiều hơn là cơ chế, nợ tồn đọng, tồn kho hàng hóa, vốn - ông Phan Trung Lý đặt vấn đề.

Thống nhất với Tờ trình của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: hiện các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp kinh doanh nhà ở xã hội gặp rất nhiều khó khăn, việc miễn giảm thuế nên thực hiện càng sớm càng tốt. Chính phủ đề xuất cho áp dụng sớm quy định doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa được áp mức thuế suất 20% là phù hợp bởi đây là những đối tượng dễ bị tổn thương bởi điều kiện kinh tế khách quan. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn thì đây là những đối tượng gặp khó khăn hơn cả, cần áp dụng chính sách này ngay từ 1/7/2013 và kéo dài thời hạn thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng áp dụng cho các hoạt động đầu tư - kinh doanh phát sinh từ ngày 1/7/2013 đến hết ngày 31/12/2014.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, việc công bố lộ trình áp mức thuế suất phổ thông 22% vào 1/1/2014 và 20% vào đầu năm 2016 là hợp lý, cần nghiên cứu để tiếp tục giảm mức thuế suất này xuống còn 20% vào năm 2018.

Đồng tình giữ nguyên quy định hiện hành về chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp thành lập mới tại các khu kinh tế, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng các doanh nghiệp có dự án đầu tư mới, có quy mô đầu tư và phạm vi tác động lớn đối với nền kinh tế cũng nên được hưởng mức ưu đãi này; đồng thời, có chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc áp dụng thuế suất ưu đãi 10% đối với thu nhập của một số đối tượng lâm nghiệp, ngư nghiệp, nông nghiệp, diêm nghiệp tại các địa bàn kinh tế đặc biệt khó khăn.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đề nghị không ban hành một nghị quyết riêng về chính sách thuế tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mà các chính sách này sẽ được nghiên cứu đưa vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế giá trị gia tăng.

Cẩn trọng với gói giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản

Cơ bản tán thành với chủ trương giảm thuế giá trị gia tăng theo Tờ trình của Chính phủ với nhận định: việc triển khai thực hiện gói giải pháp này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, hỗ trợ các đối tượng thực sự có nhu cầu về nhà ở, kích cầu tiêu dùng, giảm tải lượng hàng tồn kho trong lĩnh vực bất động sản, tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng những đối tượng có thu nhập chỉ mua được căn hộ có diện tích sàn dưới 70 m 2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m 2 đều là những đối tượng chưa phải có thu nhập cao. Do vậy, cần nghiên cứu, quy định theo hướng: Giảm 50% số thuế giá trị gia tăng đầu ra (thay vì 30% như đề xuất của Chính phủ) đối với hoạt động bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở là căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, không phân biệt nhà ở xã hội và nhà ở thông thường như nội dung Tờ trình.

Cũng có ý kiến băn khoăn việc giảm thuế giá trị gia tăng đầu ra đối với việc bán, cho thuê, cho thuê mua căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 có thể sẽ dẫn đến việc chia nhỏ diện tích sàn căn hộ, phá vỡ quy hoạch, thiết kế, kiến trúc. Nếu thiếu các giải pháp quản lý sẽ dẫn đến tình trạng tập trung đầu tư các căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2 . Do vậy, cần xem xét một cách cẩn trọng, toàn diện trước khi ban hành chính sách này.

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, rất có thể hôm nay ta hỗ trợ doanh nghiệp nhưng ngày mai lại gánh hậu quả từ sự hỗ trợ đó. Nếu áp dụng chính sách này phải tính toán đầy đủ , có khoanh vùng, khu vực nào đảm bảo được cơ sở hạ tầng thì áp dụng, đưa vào triển khai đại trà sẽ khó tránh được hậu quả.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định hai Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Thuế giá trị gia tăng sẽ được đưa ra trình theo thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII sắp tới. Các cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra sẽ nghiên cứu để tính thời hiệu, hiệu lực thi hành, lộ trình cụ thể của các loại chính sách quy định trong Luật./.

 

 

Chu Thanh Vân (TTXVN)

(http://www.vietnamplus.vn/)