Phiên họp thứ 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII: Thảo luận về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2011 và dự án Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật

11/04/2013

Ngày 10-4, tại Hà Nội, phiên họp thứ 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc, các đại biểu cho ý kiến về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2011 và cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân.

Buổi sáng, các đại biểu đã nghe Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Sỹ Danh trình bày Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2011; Tổng Kiểm toán Nhà nước Ðinh Tiến Dũng trình bày báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2011. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển trình bày báo cáo thẩm tra quyết toán NSNN năm 2011. Về trình tự, thủ tục quyết toán NSNN năm 2011, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH nhận thấy, về cơ bản, công tác hạch toán kế toán, quyết toán NSNN năm 2011 của các bộ, ngành và địa phương được thực hiện tốt hơn các năm trước đây. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn những thiếu sót ở một vài địa phương cần rút kinh nghiệm như hạch toán thu, chi sai chế độ; chi tiêu vượt tiêu chuẩn, định mức; lập và gửi báo cáo quyết toán không kịp thời...

Báo cáo thẩm tra quyết toán NSNN năm 2011 cũng đề cập  công tác kiểm toán NSNN niên độ 2011. Theo đó, kết quả thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đối với niên độ NSNN 2010 đã được hầu hết các đơn vị được kiểm toán triển khai thực hiện khá nghiêm túc, tuy nhiên, kết quả thực hiện chưa cao. Tính đến ngày 31-12-2012 mới đạt 71,62% tổng số kiến nghị xử lý về tài chính, trong đó sai phạm trong chi đầu tư xây dựng cơ bản chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng số kiến nghị xử lý tài chính, nhưng thực tế tỷ lệ thực hiện kiến nghị lại thấp nhất (chỉ đạt 50,9%). Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH cho rằng, Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân việc thực hiện kiến nghị chậm trễ, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản từ đó có giải pháp thích hợp để xử lý, chống thất thoát, lãng phí...

Sau khi nghe các nội dung báo cáo, các ủy viên Ủy ban Thường vụ QH đã tham gia thảo luận. Nhiều đại biểu phát biểu ý kiến cho rằng, năm 2011 là năm thay đổi công tác điều hành, ngay từ đầu năm Chính phủ đã ban hành và triển khai quyết liệt Nghị quyết 11 nên kết quả thu ngân sách năm 2011 vượt kế hoạch 21,3%. Trong đó, thu nội địa từ sản xuất kinh doanh vượt hơn 30%, đó là kết quả của nỗ lực rất lớn. Trong khi nước ta chịu khủng hoảng tài chính thế giới, với tinh thần chủ động thích ứng với tình hình, Chính phủ đã có nhiều cố gắng áp dụng nhiều biện pháp quản lý, công tác thu - chi ngân sách đã đạt được nhiều kết quả. Tuy vậy, thu từ sản xuất kinh doanh chỉ chiếm khoảng 20% trong tổng số tăng thu, điều đó phản ánh thu NSNN tuy tăng cao nhưng chưa bắt nguồn từ nội lực kinh tế và chưa thật sự vững chắc. Theo số liệu báo cáo thẩm tra, chi NSNN năm 2011 cho các lĩnh vực quan trọng lại không đạt dự toán được giao, như: Chi giáo dục - đào tạo và dạy nghề đạt 90,2% dự toán; chi sự nghiệp y tế, dân số và kế hoạch hóa gia đình đạt 89,1% dự toán; chi sự nghiệp khoa học công nghệ đạt 89,5% dự toán... Ðề cập nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai cho rằng, đây là vấn đề về tiếp cận các chính sách, nếu cơ chế chính sách chưa hoàn chỉnh cần phải hoàn thiện để tạo điều kiện cho các đối tượng hưởng thụ chương trình được tiếp cận sớm.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, công tác quyết toán NSNN năm 2011 về cơ bản đã bảo đảm quy trình, thủ tục, nguyên tắc theo quy định của pháp luật, đủ căn cứ để trình ra QH xem xét, phê chuẩn tại kỳ họp thứ 5, QH Khóa XIII. Các đại biểu đề nghị Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH tiếp tục tiếp thu ý kiến của Thường vụ QH, sớm bổ sung, hoàn thiện báo cáo phân tích tình hình thực tế, đánh giá được những tồn tại, hạn chế, yếu kém; đưa ra các giải pháp, địa chỉ sai phạm cụ thể để có lộ trình xử lý tốt hơn.

Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật (BVKDTV). Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Ðức Phát trình bày tờ trình; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật BVKDTV. Ðóng góp ý kiến về dự thảo Luật, nhiều đại biểu bày tỏ nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật như Tờ trình của Chính phủ; đồng thời nhấn mạnh thêm việc ban hành Luật còn nhằm thể hiện rõ quan điểm đổi mới của Ðảng và Nhà nước ta trong công tác BVKDTV, phục vụ việc xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Dự thảo Luật BVKDTV gồm có 5 chương, 77 điều.

Sau khi nghe các ý kiến đóng góp của các đại biểu, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu ý kiến tổng hợp, theo đó, đánh giá cao và cơ bản tán thành nội dung báo cáo  của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH cũng như Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết, mục đích, quan điểm và nguyên tắc chỉ đạo xây dựng Luật, cũng như những chủ trương, chính sách lớn cần được thể chế hóa trong dự thảo Luật. Phó Chủ tịch QH đề nghị nhiều nội dung được các đại biểu quan tâm nêu ra cần được Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu kỹ trước khi trình ra QH, với phạm vi rộng hơn, không chỉ vấn đề bảo vệ thực vật trong nông nghiệp, mà còn liên quan sản xuất, tiêu dùng, lưu thông, tiêu thụ, kinh doanh sản phẩm, việc tiếp thu công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm bảo vệ môi trường của quốc tế. Bên cạnh đó rà soát một số điều khoản cụ thể nhằm bảo đảm tính thống nhất trong nội dung các văn bản với hệ thống pháp luật hiện hành.

 

(http://www.nhandan.com.vn/)