Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp 17

10/04/2013

Sáng 9/4, Phiên họp thứ 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã khai mạc tại Hà Nội với nhiều nội dung quan trọng.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, phiên họp thứ 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra từ ngày 9-18/4 bàn các nội dung phục vụ cho kỳ họp sắp tới của Quốc hội.

Liên quan đến công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các dự án luật, trong đó có Luật đất đai (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai; Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi); Luật giáo dục quốc phòng - an ninh; Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Luật việc làm và Luật Mặt trận Tổ quốc (sửa đổi)...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội  cũng dành nhiều thời gian cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được tiếp thu, chỉnh lý bước đầu theo ý kiến góp ý của nhân dân.

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về: Quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2011; một số giải pháp về thuế nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó là một số nội dung quan trọng khác như dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 và khóa XIII của Quốc hội; Đề án đổi mới Văn phòng Quốc hội...

Cho ý kiến về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với số lượng, tiêu chí lựa chọn và các nội dung theo đề xuất của Văn phòng Quốc hội.

Theo đó, trong năm 2014, dự kiến Quốc hội giám sát 2 chuyên đề tại 2 kỳ họp; Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát 2 chuyên đề tại phiên họp; Hội đồng dân tộc giám sát 2-3 chuyên đề, các Ủy ban giám sát 1-2 chuyên đề, báo cáo kết quả với Ủy ban Thường vụ Quốc hội  và gửi báo cáo đến đại biểu Quốc hội.

Việc lựa chọn nội dung đưa vào chương trình giám sát dựa trên các tiêu chí cơ bản là những vấn đề bức xúc nổi lên được quan tâm; xét ở góc độ vĩ mô cần được đưa ra diễn đàn Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét; không trùng các chuyên đề trong chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thời gian gần đây; đảm bảo cân đối, phù hợp giữa các lĩnh vực. Phạm vi giám sát phù hợp với điều kiện thực hiện của các cơ quan được Ủy ban Thường vụ Quốc hội  dự kiến giao chủ trì giám sát.

Các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề xuất thêm một số nội dung giám sát về biến đổi khí hậu đồng bằng sông Cửu Long; chính sách giảm nghèo; phát triển năng lượng gắn với phát triển bền vững; tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có thể lựa chọn vấn đề tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, hệ thống ngân hàng...

Nhiều ý kiến đề nghị nâng cao hơn nữa chất lượng giám sát, có giám sát và giám sát lại, giám sát tới cùng; hoạt động giám sát phải góp phần cải thiện công tác phòng chống tham nhũng, đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả....

Bên cạnh giám sát tối cao, giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban cần tăng cường giám sát ngắn, giám sát gọn dưới dạng chất vấn, giải trình; tăng cường báo cáo của Chính phủ, các bộ ngành tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội ...

Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất lựa chọn 3 chuyên đề đưa ra Quốc hội xem xét, quyết định, bao gồm việc thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý đầu tư, xây dựng các công trình thuỷ điện; tái cơ cấu nền kinh tế gắn với phát triển bền vững và việc thực hiện chính sách giảm nghèo.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn 2 chuyên đề giám sát là Biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu long và Hiệu quả tổng thể về kinh tế, xã hội gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng của 02 dự án Tân Rai và Nhân Cơ do Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí, bổ sung vào Chương trình hoạt động giám sát năm 2013 việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân, giao Ban Công tác đại biểu thực hiện.

Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo giám sát về việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006-2012./.

Thanh Hòa (TTXVN)

(http://www.vietnamplus.vn/)