Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân dự Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân 2013

07/04/2013

Ngày 5 - 6.4, tại Khánh Hòa, Ủy ban Kinh tế, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, UNDP đã phối hợp tổ chức Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân với chủ đề Kinh tế Việt Nam năm 2013, Tái cơ cấu nền kinh tế - một năm nhìn lại.

Cùng dự có nguyên Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, đại diện một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đại diện các cơ quan của QH và các chuyên gia kinh tế...

 

Tại Diễn đàn, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, những nhận định được đưa ra từ cuối năm 2012 về xu hướng kinh tế nước ta nhìn chung sẽ khó khăn hơn trong năm 2013 đã và đang tiếp tục được thực tiễn xác nhận là đúng. Tình hình kinh tế quý I năm nay hầu như vẫn chưa được cải thiện, thậm chí một số lĩnh vực còn trở nên gay gắt hơn mặc dù nền kinh tế đã đạt được một số kết quả quan trọng theo hướng tích cực như giảm lạm phát xuống mức khá thấp, từ 18% năm 2011 xuống còn 6,81% năm 2012, kéo theo đó là giảm đáng kể mức lãi suất hay việc đảo chiều cán cân thương mại, chuyển từ nhập siêu 9 tỷ USD năm 2011 sang xuất siêu hơn 0,5 tỷ USD năm 2012... Có ba yếu tố được các chuyên gia kinh tế đưa ra để minh chứng cho nhận định trên. Cụ thể là: thứ nhất, một số chỉ số kinh tế vĩ mô quan trọng nhất như GDP, tỷ trọng đầu tư xã hội so với GDP, nợ xấu, hàng tồn kho, lãi suất, tăng trưởng tín dụng... đang bị xấu đi rõ rệt. Thứ hai, để đạt được những thành tích kinh tế vĩ mô ấn tượng trong năm 2012, nền kinh tế hiện đang phải trả cái giá khá đắt. Ví dụ, để kéo được lạm phát xuống mức thấp, việc hạn chế tín dụng là đúng, nhưng việc thắt chặt tín dụng đột ngột khi nền kinh tế đang ốm yếu đã gây ra một cú shock lớn khiến nền kinh tế nhanh chóng bị suy kiệt với khoảng 55 nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa. Thứ ba, cách điều hành chính sách vĩ mô có xu hướng gia tăng bất ổn, làm suy yếu lòng tin của thị trường, điển hình là các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ liên quan đến lãi suất, thị trường vàng thời gian qua.

 

Năm 2012 cũng là năm đầu tiên tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế. Song, theo đánh giá của các chuyên gia, việc thực hiện nhiệm vụ được xác định là rất cấp bách này hiện mới chỉ dừng lại ở các Đề án riêng lẻ, chưa có sự gắn kết với nhau trong một chương trình tổng thể, nhất quán, thậm chí một số Đề án vẫn đang trong quá trình chuẩn bị; những hoạt động tái cơ cấu đã được thực hiện như sáp nhập ngân hàng thì chủ yếu là do sự bức bách của thực tiễn chứ chưa phải là các hoạt động diễn ra theo lộ trình được định trước, trong khuôn khổ một chương trình đã được thiết kế tổng thể và bài bản. Một số ý kiến nhấn mạnh rằng, bài học kinh nghiệm của các năm trước nếu cứ loay hoay trong các giải pháp cứu chữa ngắn hạn mà không tạo ra được những thay đổi thực sự trong cơ cấu thì nền kinh tế vẫn tiếp tục bất ổn, cơ sở tăng trưởng vẫn tiếp tục bị xói mòn, nguy cơ khủng hoảng gia tăng nhanh - đã không được  áp dụng vào nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế trong năm 2012. Và đây có thể xem là một trong những nguyên nhân khiến tình hình kinh tế không được cải thiện từ năm 2012 đến những tháng đầu năm nay.

 

Trước thực tế này, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, vẫn có thể đạt được các mục tiêu KT - XH năm 2013 đã được xác định trong Nghị quyết của QH. Tuy nhiên, cần xác định lại trọng tâm của năm 2013 là khôi phục lòng tin kinh doanh, duy trì động lực tăng trưởng. Bởi lẽ, nếu không khôi phục được niềm tin của thị trường, các nguồn lực tăng trưởng sẽ không được huy động vào sản xuất, kinh doanh, sẽ có ít hơn các doanh nghiệp đăng ký mới và nhiều hơn số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động. Điều này sẽ làm cho tình hình kinh tế càng thêm khó khăn. Nhiều ý kiến cũng lưu ý rằng, tiềm năng tăng trưởng và ổn định vĩ mô năm nay phụ thuộc khá nhiều vào cách thức triển khai trên thực tế việc đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế vì cách thức triển khai nhiệm vụ này sẽ có hiệu ứng tạo dựng lòng tin đối với triển vọng và môi trường kinh tế vĩ mô. 

B. Long

(http://daibieunhandan.vn)